Aa

Chờ đón sinh khí mới từ các doanh nghiệp biết biến thách thức thành cơ hội

Nguyễn Hà (ghi)
Nguyễn Hà (ghi) lienlien.media@gmail.com
Thứ Sáu, 03/04/2020 - 06:00

Dịch bệnh chỉ tác động trong ngắn hạn, tiềm năng của bất động sản còn rất lớn. Sau “cơn nguy kịch” thị trường sẽ sớm hồi phục và có những sinh khí mới.

Reatimes ghi nhận những quan điểm của chuyên gia kinh tế, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh xoay quanh câu chuyện ứng phó với dịch bệnh của các doanh nghiệp bất động sản và kỳ vọng về sự phục hồi của thị trường sau khi thoát khỏi "bóng đen" Covid-19.  

Không nên “ngủ đông”, doanh nghiệp cần thay đổi để thích ứng

PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh 

Bất động sản là một trong những ngành chịu ảnh hưởng khá lớn từ những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, đặc biệt là phân khúc du lịch, nghỉ dưỡng. Trước khi dịch bệnh bùng phát, các doanh nghiệp bất động sản cũng đã gặp những khó khăn nhất định về các vấn đề thủ tục hành chính, cấp phép dự án dẫn đến thị trường đã có sự trầm lắng so với những năm trước. Nên có thể nói, dịch bệnh khiến các doanh nghiệp bất động sản rơi vào cảnh khó khăn chồng khó khăn. Nhu cầu, sức mua giảm, thanh khoản kém đi, hoạt động kinh doanh, bán hàng bị trì trệ, doanh thu sụt giảm...

Tuy nhiên, đây không phải là những khó khăn không thể vượt qua. Chính phủ cũng đã có những giải pháp hỗ trợ liên quan đến vốn, giãn thuế cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Thị trường vẫn còn rất nhiều cơ hội cho những doanh nghiệp biết tận dụng.

Nhiều doanh nghiệp chọn cách đóng cửa “ngủ đông” để chờ dịch đi qua nhưng tôi cho rằng không cần và cũng không nên “ngủ đông”. Bởi “ngủ đông” gần như là bỏ cuộc, chấp nhận tình thế hiện tại, đến lúc dịch bệnh qua đi, doanh nghiệp đã bị ỳ, moi hoạt động bị ngắt quãng một thời gian, nhân viên uể oải, tài chính ngưng đọng... Đến khi thị trường phục hồi trở lại, doanh nghiệp khó có thể thích ứng được, hay nói cách khác là “ngủ” luôn không dậy được nữa. Khi đó thị trường sẽ tiếp tục đi xuống nữa. Nên cần hiểu rằng, phải có nước thì bèo mới nổi. Nếu nước rút xuống tận đáy thì doanh nghiệp sẽ bị mắc cạn, héo mòn. Tất cả đều “ngủ đông” thì thị trường sẽ đông cứng lại, khó có thể khôi phục.

Khách hàng, đối tác không chờ đợi các doanh nghiệp. Dù khó khăn nhưng sự cạnh tranh trên thị trường vẫn còn. Nếu các doanh nghiệp không tự mình vực dậy, không chuẩn bị nguồn lực để phục hồi sau khủng hoảng thì sẽ mất cơ hội.

Do vậy, giai đoạn thị trường trầm lắng và khó khăn hiện nay cũng chính là cơ hội để các tập đoàn và doanh nghiệp bất động sản có quỹ thời gian để rà soát, tái cấu trúc theo hướng tinh gọn, hiệu quả, cắt giảm chi phí, cơ cấu lại sản phẩm chủ lực, điều chỉnh chiến lược kinh doanh... đồng thời vẫn phải tìm cách để duy trì hoat động và cần thay đổi để thích ứng tốt nhất với tinh hình.

Đây là thời điểm hợp lý để đưa bất động sản lên nền tảng số. Các doanh nghiệp bất động sản hoàn toàn có thể áp dụng hình thức kinh doanh online, sử dụng các ứng dụng công nghệ để giới thiệu sản phẩm với khách hàng, thậm chí cho phép khách hàng có thể đặt chỗ, thanh toán đặt cọc mua nhà mà không phải gặp mặt trực tiếp. Đây là cơ hội tốt để các doanh nghiệp có thể phát huy hiệu quả của kinh tế số vào hoạt động kinh doanh, giới thiệu sản phẩm giúp tiết kiệm thời gian, chi phí bán hàng... Đồng thời thay đổi thói quen của khách hàng, nhà đầu tư để tiến tới áp dụng trong dài hạn. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp địa ốc lớn họ đang làm theo cách này và vẫn bán hàng tốt, giao dịch vẫn sôi động và ít nhất là có thêm nguồn thu để duy trì hoạt động.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần có các hoạt động mang tính chất chuẩn bị như tìm hiểu đối tác, tìm hiểu thị trường, mở rộng thị trường, tiếp cận các nhóm khách hàng, đưa ra những chiến lược dài hạn để tạo đà cho sự bứt phá sau khi hết dịch. Bản thân doanh nghiệp phải luôn xác định tâm thế lạc quan, chủ động, cùng đất nước vượt qua khó khăn.

Các doanh nghiệp bất động sản hoàn toàn có thể áp dụng hình thức kinh doanh online, sử dụng các ứng dụng công nghệ để giới thiệu sản phẩm với khách hàng, thậm chí cho phép khách hàng có thể đặt chỗ, thanh toán đặt cọc mua nhà mà không phải gặp mặt trực tiếp.

Sau cơn bão “Covid-19”, thị trường bất động sản sàng lọc hơn, chờ đón sinh khí mới

Dịch Covid-19 sẽ chỉ có tác động trong ngắn hạn. Việt Nam cũng đang khống chế tốt dịch bệnh so với nhiều nước khác nên hoàn toàn có niềm tin là thị trường sẽ sớm bình phục.

Những khó khăn hay biến động thị trường trong ngắn hạn chính là những thử thách giúp sàng lọc, loại bỏ những doanh nghiệp, nhà đầu tư nhỏ lẻ, chộp giật ra khỏi thị trường, chỉ giữ lại nhà đầu tư thật sự có năng lực quản trị và tài chính.

Tiềm năng và nhu cầu mua bất động sản để đầu tư và để ở vẫn luôn rất lớn nhưng đang giống như chiếc lò xo bị nén lại bởi tình hình dịch bệnh. Nhưng một khi dịch qua đi, nền kinh tế phục hồi trở lại, nhu cầu sẽ có sự bùng lên, đó sẽ là cơ hội cho những doanh nghiệp bất động sản đủ mạnh mẽ để vượt qua dịch bệnh thành công.

Bất động sản công nghiệp, sau đó là nhà ở và bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng là những phân khúc có nhu cầu lớn sẽ có sự bứt phá sau khi dịch bệnh đi qua.

Bất động sản vẫn là kênh "trú ẩn" an toàn của các nhà đầu tư

Tổ chức Xúc tiến mậu dịch Nhật Bản (Jetro) vừa thông báo, 122 doanh nghiệp Nhật Bản quyết định di dời hoạt động sản xuất khỏi Trung Quốc và hơn 42% trong số này cho biết nơi được lựa chọn hàng đầu để thay thế là Việt Nam. Điều đó cho thấy, hoạt động tìm hiểu thị trường, tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam không bị gián đoạn.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra các kịch bản thu hút đầu tư nước ngoài năm 2020 trong bối cảnh có dịch Covid-19. Cụ thể, nếu dịch kết thúc vào quý I, tổng vốn đầu tư nước ngoài là 38,6 tỷ USD, nếu kết thúc vào quý II con số này sẽ là 38,2 tỷ USD. Cả hai mức dự báo trên đều cao hơn kết quả năm 2019 là 38 tỷ USD và xấp xỉ mục tiêu 39,6 tỷ USD ban đầu (đề ra khi chưa có dịch Covid-19).

Điều này cho thấy mặc dù dịch Covid -19 bùng phát nhưng vốn đầu tư nước ngoài vào Viêt Nam vẫn có những tín hiệu khả quan, nhất là khi việc khống chế tốt dịch bệnh sẽ giúp Việt Nam trở thành một điểm đến đầu tư an toàn trong mắt nhà đầu tư nước ngoài.

Do vậy, trong thời điểm hiện tại, một lần nữa nhấn mạnh rằng, các doanh nghiệp nên giữ cho mình thái đô lạc quan, bình tĩnh, chủ động và có niềm tin vào thị trường. Sẽ còn nhiều cơ hội nếu doanh nghiệp có thể tồn tại và vượt qua được dịch bệnh.

Tuy nhiên, về lâu dài, các doanh nghiệp bất động sản cũng cần được tháo gỡ các khó khăn hiện có về mặt pháp lý và cải thiện môi trường đầu tư để đưa thị trường phát triển lành mạnh và bền vững./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top