Aa

Cho vay mua nhà, sửa nhà chiếm hơn 52% tín dụng tiêu dùng: Rủi ro cho nền kinh tế?

Thứ Bảy, 09/12/2017 - 06:31

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, trong 11 tháng năm 2017, tín dụng tăng trưởng mạnh nhất là tín dụng tiêu dùng, tăng đến 59% so với cuối năm ngoái, trong đó có 52,9% là cho vay xây nhà, mua nhà, thuê nhà. Điều này dẫn đến rủi ro sẽ tiếp tục gia tăng nợ xấu ở các ngân hàng cho vay tiêu dùng nhưng thực chất là cho vay bất động sản...

Số liệu mới nhất của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia vừa công bố cho thấy, tính đến cuối tháng 11/2017, tổng tín dụng ước tăng 2,8% so với tháng trước, tăng 15,3% so với đầu năm, (cùng kỳ năm 2016 tăng 15,6% so với đầu năm).

Xét về cơ cấu tín dụng theo ngành nghề kinh tế, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia đánh giá tiếp tục có chuyển biến tích cực. Tỷ trọng tín dụng vào lĩnh vực nông nghiệp khoảng 8,1%. Tỷ trọng tín dụng vào hoạt động kinh doanh bất động sản và xây dựng khoảng 15,5% (năm 2016 từ 17,1%). Trong đó, cho vay vào hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm khoảng 5,8% (năm 2016 là 7,0%), vào lĩnh vực xây dựng khoảng 9,7% (năm 2016 là 10,1%).

Một điểm rất đáng lưu ý, theo TS. Nguyễn Trí Hiếu là tín dụng tiêu dùng tiếp tục đà tăng trưởng cao. Tổng dư nợ cho vay tiêu dùng trong 11 tháng đầu 2017 ước tăng khoảng 59% so với cuối năm 2016, cao hơn tất cả các loại ngành nghề khác.

Trong đó, cho vay phục vụ nhu cầu mua nhà để ở; thuê, thuê mua nhà ở; xây dựng, sửa chữa nhà ở; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để xây nhà ở chiếm tỷ trọng 52,9% (cuối năm 2016 là 49,5%), cho vay mua trang thiết bị gia đình chiếm 15,3%; cho vay mua phương tiện đi lại chiếm 8,3%. Có nghĩa là hơn một nửa tín dụng tiêu dùng liên quan đến bất động sản.

Tuy nhiên, theo quy định của NHNN, nếu tỷ lệ tín dụng đó là cho cá nhân vay thì phải phân loại là tín dụng tiêu dùng. Chính vì thế, nhiều tín dụng thực chất là cho vay mua bất động sản nhưng phải phân loại thành tín dụng tiêu dùng vì là vay cá nhân.

với hơn 52% tín dụng là cho vay sửa chữa, mua nhà, nếu được tính vào tín dụng bất động sản có thể khiến tỷ lệ tín dụng bất động sản rất lớn.

Với hơn 52% tín dụng là cho vay sửa chữa, mua nhà, nếu được tính vào tín dụng bất động sản có thể khiến tỷ lệ tín dụng bất động sản rất lớn.

“Lo lắng của tôi là nếu không kiểm soát được con số thực sự trong cho vay tín dụng tiêu dùng, không thể hiện được bức tranh thực sự của cho vay bất động sản thì đó là rủi ro cho cả nền kinh tế, gây khó khăn trong việc quản lý”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định.

Về vấn đề này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng: “Đối với TP.HCM, tỷ lệ trong dư nợ tiêu dùng để chuyển qua cho vay xây nhà, sửa nhà, không đạt đến tỷ lệ như ông Hiếu nói. TP.HCM chỉ có 14% trong tổng số dư nợ tiêu dùng, trong đó chỉ có một phần chuyển qua kinh doanh bất động sản chứ không phải tất cả.

Vấn đề cần bàn đến là tính kiểm soát của hệ thống ngân hàng trong việc cho vay để sử dụng đúng mục đích. Kiểm soát rủi ro trước hết ở ngân hàng. Tôi cho rằng, với diễn biến của năm 2016, tiếp diễn qua 2017, tỷ lệ tăng trưởng tín dụng không nhiều thay đổi và không đáng lo ngại nhưng tất nhiên, HoREA là một trong những đơn vị đầu tiên đã cảnh báo về vấn đề này”.

Đồng quan điểm, ông Neil MacGregor, Giám đốc điều hành Savills Việt Nam cho biết: “Mức độ tăng của dư nợ tín dụng tại Việt Nam bắt đầu ở mức độ thấp hơn so với các quốc gia khác. Ngoài ra, việc ngân hàng cho cá thể vay cũng sẽ có tác động tốt hơn so với cho chủ đầu tư vay.

Do đó, tính hình tăng trưởng tín dụng ở Việt Nam có mức độ ổn định. Chúng tôi chưa thấy dấu hiệu lo ngại về dòng tín dụng chảy vào bất động sản so với những năm trước. Nhu cầu của người mua là mua thực, họ mua rồi cho thuê và để ở nhiều hơn là đầu cơ để lấy lợi nhuận”.

Như vậy, đa phần các ý kiến chuyên gia cho rằng, chưa  đáng lo ngại về dư nợ tín dụng tại Việt Nam. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng, cảnh báo của TS. Nguyễn Trí Hiếu là cần thiết để NHNN và NHTM xem xét liệu rủi ro có xảy ra khi cho vay tín dụng tiêu dùng lớn như vậy nhưng lại thiên về vay để mua, thuê bất động sản hay không.

Bởi trên thực tế, ngân hàng vẫn đua nhau đưa ra các gói vay ưu đãi kích thích vay mua nhà dành cho khách hàng cá nhân. Điều này khiến lượng tiền cho vay mua nhà tại các ngân hàng tăng mạnh những tháng cuối năm 2016, đầu năm 2017.

Có điều, như TS. Nguyễn Trí Hiếu phân tích ở trên, thay vì được xếp vào tín dụng bất động sản thì số tiền cho vay mua nhà đang có xu hướng dịch chuyển sang lĩnh vực vay tiêu dùng. Như vậy, với hơn 52% tín dụng là cho vay sửa chữa, mua nhà, nếu được tính vào tín dụng bất động sản có thể khiến tỷ lệ tín dụng bất động sản rất lớn./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top