Aa

Chợ Viềng ai có về chơi…

Chủ Nhật, 10/02/2019 - 06:01

Chợ là nơi để trao đổi bán mua. Vậy mà cả năm mới họp một phiên thì ắt hẳn nó không còn là một phiên chợ bình thường, và người ta đi chợ hẳn cũng không còn để mua bán theo cái lẽ thường.

Chả biết nơi nào còn có cái chợ họp kỳ lạ như thế nữa không, nhưng quả thực chợ Viềng ở quê tôi đã thu hút sự ham mê của không ít người.

Thực ra ở Nam Định có hai chợ Viềng cùng họp vào ngày mồng Tám Tết âm lịch hằng năm, một ở huyện Nam Trực, một ở quê tôi, huyện Vụ Bản. Nhưng tôi chỉ tin rằng, chợ ở quê tôi mới đích thực là cái chợ được truyền tụng trong dân gian. Thì đấy, trong ca dao chả đã nói rõ ràng:

Mồng một chơi cửa, chơi nhà
Mồng hai chơi xóm, mồng ba chơi đình
Mồng bốn chơi chợ Quả Linh
Mồng năm chợ Trình, mùng sáu non Côi
Qua ngày mồng bảy nghỉ ngơi
Bước sang mồng tám đi chơi chợ Viềng
Chợ Viềng năm có một phiên
Cái nón em đội cũng tiền anh mua.

Những địa danh trong bài ca dao trên đều ở Vụ Bản quê tôi nhé. Chợ Quả Linh ở xã Đại Thắng, chợ Trình ở xã Liên Bảo, còn non Côi chính là núi Gôi ở ngay ngã ba thị trấn Gôi ngày nay, thuộc xã Tam Thanh. Thậm chí những địa danh này đều kề cận chợ Viềng cả.

Lại nữa, chợ Viềng Nam Trực họp ở xã Nam Vân chuyên bán cây cảnh, lấy đâu ra nón mà mua?! Còn chợ Viềng Vụ Bản bán đủ các thứ trên trời dưới đất, nhiều nhất là nông cụ, cây cối và nổi tiếng nhất là đồ cổ, thịt bê thui. 

Nô nức chợ Viềng

Chợ Viềng năm có một phiên/ Cái nón em đội cũng tiền anh mua.

Mồng tám Tết mới họp chợ nhưng thầy u tôi đã rậm rịch chuẩn bị cho phiên chợ từ cuối tháng chạp. Làng tôi có nhiều nghề truyền thống, trong đó có nghề rèn. Chợ ngày trước chủ yếu bán nông cụ, nên từ tháng Một, Chạp là thầy tôi đã dồn vào đánh cuốc, liềm và nhiều nhất là cào cỏ lúa. Những chiếc cào thân bằng gỗ chỉ độ gang tay, có 6 răng nhỏ bằng sắt nhưng cán làm bằng những cây tre nhỏ lại dài đến vài ba mét.

Vào cữ Giêng, Hai, mưa xuân dìu dặt, tiết trời ấm dần lên cũng là lúc lúa đã bén rễ, trông mỗi ngày một khác. Rồi đến tháng Ba thì “nghe tiếng sấm phất cờ mà lên”. Lúa tốt thì cỏ cũng tốt theo. Ấy là lúc người nông dân xuống đồng làm cỏ lúa. Bây giờ người ta chỉ cần phun hóa chất là diệt hết cỏ, nhàn thì có nhàn đấy nhưng cũng vì thế mà ô nhiễm ngày càng trầm trọng. Còn ngày trước, ngay cả đến thế hệ chúng tôi cũng đều làm cỏ bằng cào. Những chiếc cào nho nhỏ xinh xinh lùa vào giữa những hàng lúa con gái cho cỏ đứt gốc nổi lên. Những chiếc răng cào cào sâu xuống ruộng còn làm tan váng đất và làm đứt rễ lúa để ra rễ mới hút được nhiều chất dinh dưỡng cho lúa đẻ nhánh.

Bởi vậy, cào cỏ là thứ nông cụ gắn bó mật thiết với người nông dân quê tôi. Cũng bởi vậy, chiếc cào không những được người thợ rèn làm cho chắc chắn mà còn được chú ý chau chuốt cho đẹp, cán và thân cào thường được gác giánh bếp cho vàng óng. Nhưng để có cào cỏ kịp bán phiên chợ Viềng, những chiếc cào làm từ trong năm gác giánh bếp không thể nào đủ. Thế là phải làm màu… Thường là vào hai tám, hai chín Tết, thầy tôi cùng các bác, các chú đào một cái hầm to ở vườn. Chị em tôi giúp u đi quét rác, lá cây, bui bui… đôn xuống hầm. Lần lượt những chiếc cào được xếp lên giàn bên trên lớp cỏ rác rồi châm lửa đốt. Khói bốc lên cuồn cuộn, mùi khói cay sè ám vào cả quần áo, tóc tai và đi cả vào giấc ngủ… Rồi khói âm ỉ khoảng một đêm, chiều hôm sau thì dỡ hàng. Những chiếc cào cỏ trông chẳng khác gì được gác giánh bếp lâu ngày vàng ươm thật bắt mắt. Thế là mồng Tám u tôi đã có món hàng đi chợ… 

Ngày trước, chợ chủ yếu bán mua các loại nông cụ.

Ngày trước, chợ chủ yếu bán mua các loại nông cụ.

Ngày trước chợ Viềng họp ở làng Tiên Hương, xã Kim Thái. Làng Tiên Hương nổi tiếng bởi Phủ Tiên Hương, là phủ chính trong quần thể Phủ Dầy thờ Chúa Liễu Hạnh hằng năm mở hội vào tháng Ba âm lịch. Cũng vì vậy mà quê tôi quen gọi chợ Viềng là chợ Phủ. Người người đi chợ đồng thời cũng vào Phủ thắp hương cầu lộc cầu tài.

Bây giờ chợ họp ở sân vận động huyện, thuộc xã Trung Thành, cách chợ cũ vài ba cây số. Đấy là chợ chính, còn những năm gần đây, chợ họp cả ở khu vực phủ Tiên Hương, nhưng ở đấy chủ yếu là cây cảnh và đồ cổ.

Từ Hà Nội về theo đường cao tốc, cách thành phố Nam Định khoảng 16 cây số thì rẽ vào đường 21, qua Cầu Họ rẽ phải theo đường 56 đến ngã tư Đồng Đội lại rẽ trái đi khoảng cây số rưỡi là tới chợ. Còn nếu từ thành phố Nam Định, bạn hãy đi theo đường 12 (còn gọi là đường Vụ Bản) tới cây số 11 là đến chợ. Mà nếu lần đầu tiên đi chợ, bạn cũng chả cần phải hỏi thăm. Ra khỏi thành phố Nam Định, bạn đã thấy từng đoàn người đi như trẩy hội, cứ bám theo nhau là đến chợ.

Ngày trước, chợ họp có một phiên mồng Tám. Từ ngày chuyển ra bãi huyện đến giờ, người ta đi chơi chợ từ đêm mồng Bẩy và chợ họp sang suốt ngày mồng Tám. Vì thế có người không hiểu, gọi chợ Viềng là chợ âm phủ. Thế là sai, bởi chợ Viềng là chợ cầu may, không liên quan gì đến thế giới âm dương. Còn sở dĩ chợ mới thêm vào đêm mồng Bẩy là do người có hàng bán ở phiên chợ phải cắm lều, chuyển hàng đến từ chiều mồng Bẩy, đêm phải chong đèn ngủ tại chợ coi hàng. Cánh thanh niên rủ nhau đi xem, thế là dần dần thêm buổi chợ đêm. Cũng vì là chợ cầu may nên buổi chợ đêm với ánh đèn mờ tỏ lại tạo một không khí huyền bí, linh thiêng. Cũng thêm một nhẽ là phiên chợ mồng Tám thường rất đông, mọi ngả đường vào chợ đều tắc nghẽn, xe không thể ra vào. Vì vậy mà nhiều người ở xa, nhất là dân Hà Nội, Hải Phòng thường tranh thủ đi chơi chợ từ đêm mồng Bẩy cho vắng. Chiều về chợ, chập tối ăn cơm, tối vào phủ lễ, sau đi chơi chợ, đến nửa đêm thì về để tránh tắc đường.

Ngày ấy, trẻ già trai gái quê tôi nô nức đi chợ. Bất thành văn nhưng ngày phiên chợ, các cơ quan công sở trong vùng hầu như nghỉ việc, chỉ cắt cử người trực còn thì thay phiên nhau đi chơi chợ. Kể cả trường học cũng nghỉ; Trường trung học phổ thông Hoàng Văn Thụ nơi tôi học hồi bé ngay giáp chợ ngày mồng Tám cũng trở thành nơi gửi xe máy. Những người nông dân đang đông vụ chí kỳ, đến mồng Tám cũng bỏ hết công việc đấy để đi chơi chợ.

Chợ là nơi để trao đổi bán mua. Vậy mà cả năm mới họp một phiên thì ắt hẳn nó không còn là một phiên chợ bình thường, và người ta đi chợ hẳn cũng không còn để mua bán theo cái lẽ thường.

Chợ Viềng là chợ cầu may. Người ta đi chợ là để chơi chợ và mua may bán rủi. Bởi vậy, ai đi chợ cũng phải bán hoặc mua một thứ gì đó.

Thôi thì thượng vàng hạ cám, từ cái lược mau (lược bí) chải chấy, cái đòn gánh, đôi quang mây, cây chanh... đến những món đồ cổ đắt tiền... Chao ôi, cứ nhắc đến mỗi tên đồ vật ấy là tôi lại muốn kể thật nhiều về chúng. Như chiếc lược mau kia (quê tôi gọi thế), u tôi mua ở phiên chợ Viềng về giữ gìn lắm, dù giá hồi ấy có hai hào. Nước bồ kết còn nóng là u không cho thả lược vào, sợ hỏng. Rồi lúc rỗi rãi, u lại lấy lược ra chải chấy cho chị tôi. Cứ mỗi đường lược vuốt thật dài tay, u lại đưa lược lên soi, rồi tuốt được con chấy, cái trứng nào là lại đưa lên miệng nhấm cái "bép"...

Và cả những món đồ cổ đắt tiền. Hồi ấy tôi biết gì về đồ cổ. Chỉ bám theo thày tôi cùng mấy bác đứng ngắm những chiếc lọ độc bình, những lư hương, những bát đĩa... Trông cũ cũ là. Nhưng nghe lỏm câu chuyện, tôi biết rằng những thứ ấy quý lắm. Tôi lại cũng biết, có ông già năm nào cũng ôm đôi độc bình đến chợ, nhưng chỉ để bày chơi, ý khoe với thiên hạ thôi chứ ai trả đắt bao nhiêu cũng không bán.

Chợ ngan ngát những người là người, chỉ chen nhau cũng đủ mệt. Hàng hoá cũng ngan ngát, sản vật của các địa phương hội tụ cả về đây, chả thiếu một thứ gì, nhưng độc đáo nhất có lẽ là 3 mặt hàng: Đồ cổ, thịt bê thui và cây giống. Nhiều người tận Hải Phòng, Hà Nội cũng lặn lội về chợ chỉ để tìm mua một món đồ cổ. Tuy nhiên mấy năm nay, món hàng này vắng bóng rồi. Một là nó đã chảy theo cơn sốt đồ cổ ra nước ngoài những năm trước; hai là bây giờ cũng chả ai dám mang bày, mất an toàn lắm. 

chợ Viềng có ba thứ đặc sản, đó là cây giống, đồ cổ và thịt bê thui.

Chợ Viềng có ba thứ đặc sản, đó là cây giống, đồ cổ và thịt bê thui.

Còn thịt bê thui có từ xưa. Những năm hợp tác xã, lấy đâu ra bò bê mà giết thịt, tưởng rằng đã thất truyền. Ai dè mấy năm gần đây lại phục hồi. Dọc đường vào chợ cách vài cây số đã san sát những quầy bê thui. Đúng là miếng thịt bê... Những bắp nõn trắng hồng vừa mềm vừa ngọt, lát bì vừa mỏng vừa giòn, chưa cắn đã nghe sần sật sướng chân răng...

Còn cây cối ở đây có hai loại: Một là cây giống, hai là cây cảnh, cây thế mà bây giờ người ta gọi là "bon sai". Cũng như đồ cổ, đám cây cảnh chủ yếu thu hút các ông già, các bác trung niên. Cây giống thì cũng đủ cả: Chanh, quất, cam... Đến cả cây cau, cây mây, con cà và giống thuốc lào... Thường thì nhà nào cũng mua một cây gì đó về trồng. Hoá ra, cái tục trồng cây vào mùa xuân ấy ở quê tôi đã có từ đời nảo đời nào... Thế rồi lúc tháng Tám nông nhàn, mời nhau múi bưởi trẩy từ vườn nhà tấm tắc khen ngon, hàng xóm lại khoe với nhau: Cây bưởi này tôi mua từ phiên chợ năm ấy năm nọ... 

Nhiều người dân thành phố bây giờ lại tìm mua đó, dậm, giỏ, liềm... để mong có nhiều lộc

Nhiều người dân thành phố bây giờ lại tìm mua đó, dậm, giỏ, liềm... để mong có nhiều lộc

Cuộc sống biến đổi, bây giờ cũng có nhiều chuyện mua bán lạ đời. Toàn dân cày đường nhựa ở tận Hà Nội, Hải Phòng… nhưng đến chợ Viềng lại tìm mua những thứ nông cụ chỉ người nông dân mới dùng đến; nào là cuốc, là liềm, là lờ là đó, là nơm, là giỏ, là thúng… Thấy tôi ngạc nhiên, một ông bạn ở quê cười ha hả: “Họ mua cuốc là để cuốc giật vào lòng, mua đó mua lờ để đơm được nhiều tiền bạc, mua liềm để gặt hái được nhiều cơ hội, mua nơm để úp được nhiều lộc, còn mua thúng mua giỏ là để đựng được tất tần tật mọi thứ… Mày hiểu chửa”. Chugns tôi đều đã hai thứ tóc, nhưng cứ “mày, tao” như thế. Vui thật.

Ngày trước bám váy u tôi đi chợ, cuối buổi mỏi nhừ cả chân, kiến bắt đầu bò bụng là thể nào u cũng kéo tôi vào một ngõ gạch có nồi riêu cua nghi ngút khói. Tôi nuốt nước miếng nhìn bát bún trắng nuột chan nước riêu cua nổi sao vàng ngậy. U gắp cho tôi thêm mấy đũa tú ụ rau diếp Mụa thái nhỏ... Miếng bún chưa lùa đến miệng đã trôi biến đi đâu. Cứ vơi bát u lại gắp cho tôi thêm một đũa rau diếp, cho đến lúc bụng tôi không còn chỗ chứa nữa mới thôi... Tôi cầm con tò he hình cô tiên dịu hiền bám theo u đi tắt cánh đồng về nhà.

Thế là tàn phiên chợ.

Thế là hết Tết.

Tôi còn cố ngoái đầu lại nhìn ông già bán những chiếc còi làm bằng sắt tây thổi "toe toe" rồi phấp phỏng đếm từng ngày chờ đến Tết năm sau để lại được u cho đi chợ... Rồi tôi cứ lẩm bẩm cầu xin cô tiên cho tôi một đồng tiền vàng để tôi mua chiếc còi sắt, mua cả con chim bông nhỏ bằng ngón chân cái nhuộm xanh đỏ đậu trong một cái vòng bằng tre...

Quê tôi vẫn có tục trồng đu. Đu đánh trong ngày Tết, nhưng hết Tết vẫn chưa nhổ. Cứ phải là sau mồng Tám, đi chợ Viềng về thì mới nhổ đu. Bấy giờ mới chính thức hết Tết.

Cho đến tận bây giờ, người làng tôi ở Hà Nội cũng đông lắm, gặp nhau trước Tết chuyện gì thì chuyện, nhưng bao giờ cũng hỏi một câu: Tết năm nay có về chợ không...

Về chợ...

Ấy là về với một miền quê thanh bình. Ấy là về với một nếp văn hoá, một thú vui dân dã mà thấm đượm ý nghĩa nhân văn. Còn là về với cả một miền ký ức của thời ấu thơ ai chả có.

Từ ngày u tôi mất, năm ngoái tôi mới lại về chợ. Trong lất phất mưa xuân, trong mùi ngai ngái của cỏ dại và ồn ào phiên chợ, tôi như tìm lại được mùi khói cay sè đêm cuối năm đốt lò hun cào cỏ, mùi bún riêu cua đậm ngọt và cả cô tiên u cho tôi năm nào, những điều tôi chỉ có thể thấy được trong giấc mơ...

Năm nay, bạn có về chơi chợ với tôi không?

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top