Aa

Chủ tịch Đà Nẵng kêu gọi người dân đấu tranh với tội phạm trên không gian mạng

Thứ Bảy, 23/03/2024 - 05:13

Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Lê Trung Chinh vừa gửi Thư ngỏ kêu gọi toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân tích cực hưởng ứng, tham gia tuyên truyền, đấu tranh phòng, chống hoạt động tội phạm trên không gian mạng.

Theo ông Lê Trung Chinh, thời gian qua, trên cả nước nói chung và TP. Đà Nẵng nói riêng, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật trên không gian mạng có xu hướng gia tăng với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, gây thiệt hại lớn về tài sản của người dân, gây bức xúc trong trong dư luận quần chúng. Dự báo, thời gian tới, tình hình tội phạm trên không gian mạng tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường.

Chủ tịch Đà Nẵng kêu gọi người dân đấu tranh với tội phạm trên không gian mạng- Ảnh 1.

Theo Công an TP Đà Nẵng, thời gian gần đây xuất hiện thủ đoạn lừa đảo mới bằng cách giả mạo thông báo trúng thưởng và yêu cầu người dân quét mã QR truy cập vào website giả mạo. (Ảnh: CA)

Với tinh thần quyết tâm đẩy lùi tội phạm trên không gian mạng, từng bước góp phần xây dựng không gian mạng an ninh, an toàn, lành mạnh, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng kêu gọi toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân thành phố tích cực hưởng ứng, tham gia tuyên truyền, đấu tranh phòng, chống hoạt động tội phạm trên không gian mạng.

Đồng thời, nâng cao cảnh giác khi tham gia các hoạt động trên môi trường mạng, thường xuyên tìm hiểu về các phương thức, thủ đoạn của tội phạm trên không gian mạng và chia sẻ, tuyên truyền cho người thân, bạn bè, gia đình, cộng đồng để chủ động phòng tránh.

Kịp thời tố giác tội phạm, cung cấp thông tin cho lực lượng công an khi phát hiện tin giả, tin sai sự thật và hoạt động nghi vấn liên quan đến tội phạm trên không gian mạng qua đường dây nóng 113 hoặc qua fanpage facebook, zalo OA của Công an TP. Đà Nẵng.

Theo Công an TP. Đà Nẵng, thời gian gần đây, tại một số tỉnh, thành phố xuất hiện thủ đoạn lừa đảo mới bằng cách giả mạo thông báo trúng thưởng và yêu cầu người dân quét mã QR truy cập vào website giả mạo.

Các đối tượng lừa đảo lợi dụng các dịch vụ giao hàng, gửi bưu phẩm đến tận nhà. Khi người dân mở bưu phẩm thì phát hiện bên trong có thông báo trúng thưởng kèm theo mã QR và yêu cầu người dân quét mã để nhận thưởng. Tuy nhiên, các mã QR dẫn đến các website giả mạo yêu cầu người dân phải điền thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng để đánh cắp dữ liệu cá nhân và chiếm đoạt tài sản trong tài khoản ngân hàng.

Trước tình trạng trên, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an TP. Đà Nẵng khuyến cáo người dân: Khi có người giao bưu phẩm bưu phẩm cần hỏi rõ hàng đó là gì? Ai là người gửi? Gửi từ đâu?

Người dân tuyệt đối không nhận bưu phẩm mà mình không đặt, không biết rõ nguồn gốc; tuyệt đối không quét các mã QR, truy cập vào các đường link đáng nghi. Nâng cao cảnh giác, chủ động bảo vệ dữ liệu cá nhân, không cung cấp các thông tin nếu không được pháp luật quy định bắt buộc.

Chủ tịch Đà Nẵng kêu gọi người dân đấu tranh với tội phạm trên không gian mạng- Ảnh 2.

Công an khuyến cáo người dân không làm theo yêu cầu của các đối tượng gọi đến từ số điện thoại lạ. Các cơ quan chức năng không bao giờ làm việc với công dân qua điện thoại hay mạng xã hội. (Ảnh: CA)

Theo ghi nhận của Reatimes, nhiều người dân ở TP. Đà Nẵng, Quảng Nam và nhiều tỉnh thành khác bị lừa đảo trước các thủ đoạn tinh vi của các đối tượng. Đơn cử, mới đây chị N.T.T.H., (37 tuổi, trú TP. Đà Nẵng) trình báo công an thành phố việc bị chiếm đoạt tài sản.

Theo đó, vào tháng 7/2023, chị H., nhận được cuộc gọi của đối tượng tự xưng là cán bộ Công an Q. Hải Châu (TP. Đà Nẵng) nói chị tham gia và là đồng phạm với nhóm rửa tiền, buôn bán ma túy. Người này yêu cầu chị H., khai báo lý lịch, quá trình làm việc, di chuyển, các tài khoản ngân hàng đang sử dụng, số tiền có trong tài khoản.

Sau đó đối tượng sử dụng thông tin do chị H., cung cấp để làm giả văn bản "Lệnh bắt giữ hình sự và phong tỏa tài sản" của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao để đe dọa và gây áp lực, yêu cầu chị H. không được liên lạc với người khác. Thấy vậy, chị H., lo sợ và nghe theo hướng dẫn. Chị cài đặt ứng dụng tên là "Phần mềm bảo mật" có logo Bộ Công an do đối tượng gửi. Thực chất đây là ứng dụng có chứa mã độc nhằm chiếm quyền điều khiển điện thoại. Sau khi chị H., làm theo thì bị chiếm đoạt số tiền hơn 5 tỷ đồng trong tài khoản ngân hàng.

8 khuyến cáo Bộ Công an giúp người dân phòng tránh lừa đảo trực tuyến:

Một là đề cao cảnh giác khi nhận các cuộc gọi bằng điện thoại cố định, người gọi tự xưng là cán bộ cơ quan nhà nước, đặc biệt là công an, để thông báo, yêu cầu điều tra vụ án qua điện thoại.

Hai là thường xuyên kiểm tra và cập nhật các tính năng bảo mật quyền riêng tư trên các tài khoản mạng xã hội.

Ba là không cung cấp thông tin cá nhân, địa chỉ, số điện thoại, tài khoản ngân hang của cá nhân, cho bất kỳ đối tượng nào khi chưa biết rõ nhân thân và lai lịch của người đó.

Bốn là không nhấp vào đường link hoặc mở tệp đính kèm trong thư điện tử, tin nhắn được gửi từ địa chỉ không xác định.

Năm là nếu nhận tin nhắn vay, mượn tiền, chuyển tiền hoặc nhờ chuyển từ tài khoản của người thân (tin nhắn qua ứng dụng OTT), thì cần xác nhận lại thông tin.

Sáu là kiểm tra kỹ thông tin của website khi thực hiện các giao dịch trực tuyến, website chính thức của các tổ chức, doanh nghiệp sẽ được đăng ký với cơ quan có thẩm quyền và được đánh dấu an toàn bằng hình ổ khóa bên cạnh tên miền website (giao thức "https").

Bảy là tuyệt đối không cho mượn, cho thuê các giấy tờ cá nhân, không nhận mở tài khoản, chuyển khoản ngân hàng, hay nhận tiền chuyển khoản của ngân hàng cho người không quen biết.

Và cuối cùng là trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì kịp thời thông báo cho Cơ quan công an gần nhất để được tiếp nhận và hướng dẫn giải quyết.



Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top