Aa

Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam: Thị trường đang rất an toàn, không có dấu hiệu cần phải “rà phanh”

Thứ Ba, 09/01/2018 - 06:01

Nhận định này được ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam (VNREA) đưa ra tại Hội nghị Ban thường vụ lần thứ 3, nhiệm kỳ IV, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam.

Nguồn vốn nước ngoài vào bất động sản vẫn tốt

Theo ông Nam, dư nợ cho vay đầu tư vào kinh doanh bất động sản đến 31/10/2017 khoảng 400.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 6,5% tổng dư nợ.

“Nếu như cơ quan quản lý Nhà nước muốn thị trường giữ được tình trạng “ấm”, thì con số này đã đáp ứng được, giao dịch trên thị trường khả quan, giá cả ổn định. Do đó, điều đầu tiên cần khẳng định là thị trường đang rất an toàn, không có dấu hiệu cần phải “rà phanh””, ông Nam nhận định.

Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính chung năm 2017, vốn FDI vào Việt Nam đạt 35,88 tỷ USD - mức cao nhất từ năm 2009. Trong đó, Chủ tịch VNREA cho biết có 8 tỷ USD rơi vào hoạt động M&A.

“Lượng vốn đầu tư, đặc biệt là đầu tư trực tiếp nước ngoài và đầu tư gián tiếp thông qua các hình thức liên doanh, mua lại cổ phần dự án... đều tăng mạnh. Trong đó, số tiền các nhà đầu tư bỏ ra để mua lại các dự án lên đến hàng trăm triệu USD. Điều đó chứng tỏ thị trường Việt Nam rất hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Năm 2018, thị trường sẽ tăng trưởng mạnh hơn khi nhiều dự án lớn sẽ được chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Khi dòng vốn nội giảm đi, đương nhiên phải thay thế bằng dòng vốn ngoại”, ông Nam nhấn mạnh.

Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam - ông Nguyễn Trần Nam.

Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam Nguyễn Trần Nam.

Nói về tác động của dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều tại Thông tư 36/2014/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước, cụ thể là việc thực hiện siết tín dụng vào bất động sản trong năm vừa qua, theo Chủ tịch VNREA, việc giảm tín dụng nhằm vào những doanh nghiệp nhỏ lẻ, khả năng thu hồi vốn kém. Còn đối với dự án lớn, doanh nghiệp lớn có uy tín, khả năng thu hồi vốn tốt vẫn vay mượn dễ dàng.

Mặc dù bức tranh thị trường 2017 có nhiều điểm tích cực và dự báo trong năm 2018 vẫn giữ vững đà tăng trưởng, song ông Nguyễn Trần Nam cho rằng vẫn phải tiếp tục theo dõi, cảnh báo. Tuy nhiên, thay vì những chính sách hạn chế, cơ quan quản lý nên thiên về cởi mở, động viên doanh nghiệp và khuyến khích thị trường.

Chính sách nào cho nhà ở xã hội?

Theo báo cáo của Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia, tồn kho bất động sản năm 2017 tiếp tục giảm. Tổng giá trị tồn kho bất động sản của cả nước còn khoảng 25.700 tỷ đồng, giảm 17% (tương đương với 5.300 tỷ đồng) so với tháng 12/2016.

Ở cơ cấu sản phẩm, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam nhận định, hàng hóa cao cấp đang đạt đến giới hạn. Vài năm trở lại đây, thị trường đã có sự chuyển dịch sang phân khúc nhà ở thương mại giá rẻ, nhà ở xã hội. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nguồn cung phân khúc này đang hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu nhà ở của đại bộ phận người có thu nhập thấp.

“Quỹ đất, nguồn vốn cho phân khúc này đúng là vấn đề đáng lo ngại. Tuy nhiên, không đáng lo bằng đầu ra bởi dù giá nhà có rẻ, quỹ đất có nhưng nếu Chính phủ không có chính sách hỗ trợ thì người dân vẫn không có khả năng mua được nhà”, ông Nam lo ngại.

Doanh nghiệp đã sẵn sàng đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, việc còn lại là sự hỗ trợ của Chính phủ.

Doanh nghiệp đã sẵn sàng đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, việc còn lại là sự hỗ trợ của Chính phủ.

Do đó, ông Nam đề xuất cần sớm có gói tín dụng hỗ trợ cho người mua nhà, tuy nhiên, một nửa cho người nghèo vay mua nhà ở xã hội, một nửa giao cho NHTM bù lãi suất để cho vay mua nhà thương mại giá rẻ.

“Tôi thấy rằng, doanh nghiệp đã sẵn sàng đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà thương mại giá rẻ, việc còn lại là cần sự hỗ trợ từ Chính phủ để thúc đẩy thị trường này phát triển”, ông Nam cho biết.

Dự báo về xu khuynh hướng tất yếu trong năm tiếp theo, Chủ tịch VNREA cho rằng 2018 sẽ là năm lên ngôi của phân khúc bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng, gồm khách sạn, condotel. Theo lý giải của ông Nam, sức hút bất động sản du lịch đang rất lớn, cụ thể trong năm 2017, lượng cung sản phẩm của các dự án condotel lên đến 22.837 căn. Trong những năm gần đây, khách du lịch đang tăng trưởng rất nhanh, dẫn đến thiếu phòng, cơ sở lưu trú nên đòi hỏi phải xây dựng thêm khách sạn, resort. Đó là tiềm năng rất lớn cho thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng phát triển trong năm tiếp tới.

Vấn đề là các nhà đầu tư cần phải biết lựa chọn đúng phân khúc, địa điểm đầu tư và đầu tư một cách bài bản, chuyên nghiệp để phát triển bền vững. Đặc biệt, Nhà nước cần đẩy mạnh công tác hoàn thiện hành lang pháp lý cho bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng để chính sách kịp thời bám sát và có những điều chỉnh tích cực cho thị trường.  

Liên quan đến nhà ở xã hội, ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Hải Phòng cho rằng, bên cạnh bất cập trong tín dụng, theo nghiên cứu thực tế từ địa phương cho thấy bất cập khác liên quan đến quỹ đất. “Có quy định dành 20% quỹ đất trong các dự án thương mại làm nhà ở xã hội. Điều này phụ thuộc vào chủ đầu tư các dự án thương mại. Trong khi chính quyền, địa phương chưa thực sự quan tâm sâu sát đến việc xây dựng phát triển phân khúc này”, ông Thành chia sẻ và đề nghị cần sự giám sát kỹ lưỡng hơn nữa của địa phương để xây dựng quỹ đất, đảm bảo phân khúc nhà ở xã hội được phát triển tích cực, chủ động.

Đối với diễn biến trong năm 2018, ông Thành khẳng định, không xảy ra bong bóng trên thị trường bất động sản. “Qua theo dõi những năm gần đây có thể thấy, sau khi thị trường bất động sản được phục hồi, giao dịch ngày càng tăng, quan hệ cung – cầu tiệm cận nhau. Đồng thời do công tác quản lý tốt hơn nên việc quản lý tín dụng bất động sản cũng rất chặt chẽ. Các dự án thực hiện quản lý vốn đầu tư dưới sự kiểm soát của Nhà nước, đảm bảo các dự án được triển khai đúng tiến độ, đi đến nơi về đến chốn. Do đó có thể yên tâm thị trường trong năm nay không có khả năng xảy ra bong bóng”, ông Thành lý giải./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top