Aa

Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam: "Xây dựng hệ thống dữ liệu BĐS cần sự kết hợp giữa nhiều bên"

Thứ Sáu, 06/01/2017 - 21:01

Đó là nhận định của ông Nguyễn Trần Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, trong buổi làm việc với UBND tỉnh Khánh Hòa sáng 5/1 liên quan đến tình hình thị trường BĐS Nha Trang nói riêng, thị trường BĐS Việt Nam nói chung.

Theo đó, tại buổi làm việc với UBND tỉnh Khánh Hòa, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Nguyễn Trần Nam đánh giá, Khánh Hòa hiện nay là điểm rất nóng về phát triển BĐS, đặc biệt là BĐS du lịch nghỉ dưỡng, loại hình đang được nhiều nhà đầu tư quan tâm.

Tại buổi làm việc, Chủ tịch Nguyễn Trần Nam hoan nghênh tỉnh Khánh Hòa thời gian qua đã triển khai rất tốt chương trình NƠXH. Bên cạnh đó, ông Nam đánh giá, mặc dù mật độ dân số tỉnh Khánh Hòa không cao, nhu cầu của người dân với loại hình này còn phải nghiên cứu nhưng đất đai rộng, giao thông hạ tầng tốt, thiên nhiên được ưu đãi nhiều lợi thế, khí hậu tuyệt vời với hơn 300 ngày nắng, Khánh Hòa có đủ mọi điều kiện để trở thành “điểm nóng” của thị trường BĐS ở thời điểm hiện tại và trong tương lai.

Hiệp hội BĐS Việt Nam nghe báo cáo về thị trường BĐS Nha Trang của tỉnh Khánh Hòa.

Hiệp hội BĐS Việt Nam nghe báo cáo về thị trường BĐS Nha Trang của tỉnh Khánh Hòa.

“Trong chương trình NƠXH, tỉnh Khánh Hòa đã thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật, đặc biệt những dự án làm NƠXH trên địa bàn tỉnh đều có vị trí tốt, nếu đấu giá các khu đất đó sẽ thu được rất nhiều tiền nhưng lãnh đạo tỉnh vẫn dành để xây NƠXH cho dân. Điều này thể hiện, tỉnh đã rất sát sao trong việc quan tâm, ổn định đời sống của người dân địa phương”, ông Nam chia sẻ.

Bên cạnh đó, ông Nam cho rằng, luật pháp cho phép quy hoạch NƠXH liền đất (diện tích 70m2/căn), do đó, ở 1 số khu vực được quy hoạch, cần cho triển khai các căn shophouse, vừa tạo điều kiện cho người dân có nhà ở, vừa giúp dân có kế sinh nhai từ các ngành nghề khác.

Theo ông Nam, hiện nay cơ chế chính sách của nước ta rất rõ ràng, chỉ còn gói 30 nghìn tỷ đồng thì Thủ tướng đã giao cho Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch & Đầu tư trình Quốc hội bổ sung thêm chi ngân sách để lấy quỹ đó bù đắp vào lãi suất cho vay. Khả năng năm 2017 thị trường BĐS sẽ có nguồn vốn này. Đây là việc không thực hiện không được, các nghị định, thông tư hướng dẫn cũng đã được chuẩn bị.

Chủ tịch Nguyễn Trần Nam kỳ vọng năm 2017 sẽ có gói hỗ trợ NƠXH và nhà ở thương mại giá rẻ và mong muốn phân khúc này tiếp tục nhận được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa. Ngoài ra, ông Nam cũng đề nghị lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa có sự chỉ đạo, hỗ trợ cho các doanh nghiệp BĐS đặc biệt là Hiệp hội BĐS Khánh Hòa, sau đó là Hiệp hội BĐS Việt Nam. 

Việc hình thành hệ thống dữ liệu thị trường BĐS theo ông Nam cần có sự kết hợp giữa các bên và cần xác định, đây là nhiệm vụ đột xuất Thủ tướng giao cho Hiệp hội BĐS Việt Nam và các tỉnh, ban ngành liên quan.

Việc hình thành hệ thống dữ liệu thị trường BĐS theo ông Nam cần có sự kết hợp giữa các bên và cần xác định, đây là nhiệm vụ đột xuất Thủ tướng giao cho Hiệp hội BĐS Việt Nam và các tỉnh, ban ngành liên quan.

Ông Nam nhấn mạnh: “Thời gian vừa qua, Thủ tướng đã tham dự 2 cuộc họp liên quan đến thị trường BĐS trong vòng 1 tháng. Một cuộc đánh giá về thị trường BĐS nói chung, một cuộc họp với 63 tỉnh thành về NƠXH. Điều này cho thấy Chính phủ rất quan tâm đến tình hình hoạt động, phát triển của thị trường BĐS Việt Nam. Sau các cuộc họp, Thủ tướng có giao cho Bộ Xây dựng và Hiệp hội BĐS Việt Nam nhiệm vụ được quy định trong Luật Nhà ở là xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu về thị trường BĐS.

Hiệp hội đã thống nhất với Bộ Xây dựng chọn ra 6 thành phố gồm Hà Nội, TP. HCM, Nha Trang, Đà Nẵng, Hải Phòng, Quảng Ninh, những nơi quyết định đến sự phát triển của toàn bộ thị trường BĐS Việt Nam để xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu. Trong hệ thống thông tin này, chúng tôi có đưa ra xây dựng sơ bộ 6 biểu báo cáo thu nhập từng tháng, công bố truyền thông từng quy định mỗi quý 1 lần để định hướng. Từ đó, Chính phủ, chính quyền địa phương căn cứ vào những công bố để đưa ra phương án điều hành tương đối”.

Ông Nam cho biết, trong 6 biểu báo cáo, Hiệp hội BĐS Việt Nam nhận báo cáo 3 biểu chủ yếu về giao dịch BĐS. Cụ thể như tháng này trên địa bàn này có bao nhiêu giao dịch, phân biệt rõ giao dịch ở từng phân khúc chung cư, văn phòng… Sau đó tiếp tục chia ra, chung cư dưới 50m2, từ 50m2 – 70m2…; tổng lượng giao dịch, tổng giá trị giao dịch…

Biểu báo cáo về sự quan tâm của người mua, khách hàng thường quan tâm những loại hàng hóa nào… để phê duyệt quy hoạch, phê duyệt dự án.

Theo Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, 3 biểu còn lại về đầu vào được giao cho các bộ ngành và chính quyền địa phương. Cụ thể: Số dự án được phê duyệt (các dự án mang tính dài hạn, 2 - 3 năm sau mới ra hàng thì 2 – 3 năm sau sẽ là loại hàng hóa nào), chính quyền phải cung cấp được thông tin ở tất cả các khâu, dự án phê duyệt có nhiều giai đoạn: từ chấp nhận chủ trương đầu tư, giai đoạn đền bù giải phóng, giao đất, nghĩa vụ tài chính đến cấp giấy phép quy hoạch… làm sao phải có biểu thống kê dự báo trước 3 năm, 5 năm, 10 năm sau lượng hàng hóa sẽ như thế nào, nguồn hàng hóa ra sao… để giúp Chính phủ, doanh nghiệp có sự điều hành thị trường BĐS một cách kịp thời.

“Thị trường BĐS giữ vai trò đầu kéo của nền kinh tế. Mười mấy nghìn mặt hàng góp mặt vào 1 dự án BĐS, rất nhiều mặt hàng ăn theo, đóng góp vào nền kinh tế Việt Nam khoảng 20%, là một thị trường rất quan trọng, do đó để “nóng” quá không tốt, “nguội” quá cũng không tốt”, Chủ tịch Nguyễn Trần Nam lý giải.

Do đó, Chủ tịch Nguyễn Trần Nam đề nghị tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo 1 số Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch, Sở Kế hoạch và Đầu tư… cùng nhau tạo ra một hệ thống dữ liệu mà chính quyền có thể khai thác làm căn cứ điều hành, chỉ đạo, doanh nghiệp cũng có cơ sở để đầu tư, mua bán.

Việc hình thành hệ thống dữ liệu thị trường BĐS theo ông Nam cần có sự kết hợp giữa các bên, cần xác định, đây là nhiệm vụ đột xuất Thủ tướng giao cho Hiệp hội BĐS Việt Nam và các tỉnh, thành, ban ngành liên quan.

Một vấn đề khác quan trọng không kém được Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam đề cập tại buổi làm việc đó là thống nhất khái niệm về loại hình căn hộ nghỉ dưỡng (condotel). Phân khúc này được hiểu là sự kết hợp giữa căn hộ và khách sạn, là một khách sạn có bếp để nấu nướng, cùng các vật dụng khác để khách hàng có thể cùng người thân tận hưởng kỳ nghỉ dài. Về cơ bản thì căn hộ – khách sạn Condo Hotel hoạt động giống như bất kỳ một khách sạn thông thường . Sự khác biệt duy nhất là mỗi phòng tại đây đều có sự sở hữu của một cá nhân thay vì một chủ sở hữu chung. Theo Chủ tịch Nguyễn Trần Nam, trong Luật Nhà ở, xét theo các định nghĩa hàng hóa không có định nghĩa này. Luật pháp đi sau thực tiễn ngày càng sôi động.

“Vấn đề này, tôi không biết tỉnh Khánh Hòa đã gặp phải sự tranh chấp, phức tạp trong quản lý thị trường BĐS chưa nhưng Quy Nhơn đã bắt đầu xuất hiện tranh cãi. Do đó, cần có sự tổng hợp ý kiến toàn quốc để Hiệp hội BĐS Việt Nam thống nhất khái niệm, có cơ sở đề nghị, bổ sung vào luật. Các tỉnh mới chỉ xử lý theo quan điểm của mình, cơ sở luật pháp chưa rõ ràng”, ông Nam nói.

Chủ tịch Nguyễn Trần Nam mong muốn tại Hội thảo về loại hình condotel diễn ra vào ngày 16/1 tới, đại diện các Sở Xây dựng sẽ có phát biểu về vấn đề này. “Tỉnh Khánh Hòa đã đi trước một bước khi có những khái niệm khá mới về loại hình này kèm theo những nghị quyết, hơn nữa là khu vực có triển vọng phát triển tốt loại hình condotel trong tương lai nên tôi mong hội thảo sẽ có sự tham gia của tỉnh Khánh Hòa để cùng bàn bạc về câu chuyện nêu trên”, ông Nam nhấn mạnh.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top