Aa

Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam: Môi giới góp phần phát hiện khiếm khuyết của thị trường BĐS

Thứ Bảy, 21/01/2017 - 06:01

Thị trường BĐS phát triển sôi động có sự đóng góp không nhỏ của các nhà môi giới. Họ không chỉ đóng vai trò trung gian đơn thuần giữa người bán và mua mà còn góp phần phát hiện những khiếm khuyết của thị trường.

Phóng viên Reatimes đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam, trước thềm năm mới Đinh Dậu 2017.

PV: Thưa ông, trong bối cảnh thị trường BĐS phát triển sôi động như hiện nay, định kiến xã hội về nghề môi giới mà trước đây thường bị gọi là “cò đất” có thay đổi?

Ông Nguyễn Mạnh Hà: Có thể nói quá trình hình thành và phát triển của nghề môi giới BĐS là quy luật tất yếu gắn liền với những đổi mới, chuyển mình của nền kinh tế - xã hội Việt Nam, theo định hướng thị trường hiện đại hóa, công nghiệp hóa và đô thị hóa. Cũng từ đó, người hành nghề “cò đất” ngày càng được xã hội thừa nhận và trân trọng gọi đúng nghĩa là “nhà môi giới BĐS”.

Đến nay, vai trò của nhà môi giới BĐS còn được Nhà nước, Chính phủ thừa nhận là một nghề trong đời sống kinh tế - xã hội cần được quản lý và khuyến khích phát triển.

Nghề môi giới BĐS ở Việt Nam đã được pháp luật chính thức thừa nhận và quy định tại Luật Kinh doanh BĐS năm 2006. Tính đến thời điểm này, lĩnh vực môi giới thu hút hàng chục vạn người tham gia, trong đó có khoảng hơn 30.000 người đã được cấp chứng chỉ. Những thay đổi trong quy định của pháp luật cho thấy vai trò của người hành nghề môi giới BĐS ngày càng trở nên quan trọng, cần được quan tâm hỗ trợ và quản lý.

Nhân viên môi giới giới thiệu dự án. Ảnh: Trần Kháng

Nhân viên môi giới giới thiệu dự án. Ảnh: Trần Kháng

PV: Vậy các nhà môi giới đã tác động thế nào đến thị trường BĐS, thưa ông?

Ông Nguyễn Mạnh Hà: Nghề môi giới BĐS thực chất là hoạt động tư vấn cho chủ đầu tư và người mua về sản phẩm cần bán và cần mua, phương diện pháp lý, giá cả và đôi khi cả về phong thủy, tâm lý.

Đặc biệt, các nhà môi giới có vai trò quan trọng trong phát hiện những khiếm khuyết của thị trường. Từ đó, khuyến nghị với chủ đầu tư về các chủng loại hàng hóa mà thị trường cần. Đồng thời, cung cấp các thông tin chính xác để cơ quan quản lý Nhà nước có sự điều chỉnh chính sách hợp lý, nhằm điều tiết thị trường phát triển một cách công khai, minh bạch và bền vững.

Trong giai đoạn khó khăn nhất của thị trường BĐS, đội ngũ các nhà môi giới đã đóng vai trò quan trọng góp phần không nhỏ tháo gỡ khó khăn để ổn định và phát triển bền vững.

Dù vậy, hoạt động môi giới vẫn gặp khá nhiều khó khăn, như môi trường kinh doanh chưa thực sự thuận lợi, thiếu các công cụ hỗ trợ quá trình hành nghề… Bên cạnh đó, là sự hạn chế về chất lượng nguồn nhân lực và khả năng hội nhập thị trường BĐS toàn cầu.

PV: Vậy ông đánh giá như thế nào về hoạt động giao dịch BĐS năm 2016?

Ông Nguyễn Mạnh Hà: Hoạt động môi giới trong năm 2016 khá sôi động. Theo ước tính sơ bộ của Cục Quản lý nhà và Thị trường BĐS (Bộ Xây dựng), tại Hà Nội, các nhà môi giới BĐS có khoảng 14.000 giao dịch thành công. Tại TP. HCM, cũng tương đương như Hà Nội.

Theo thống kê mới nhất, trong tháng 11/2016, các nhà môi giới đã có khoảng 5.539 giao dịch thành công. Trong đó, tại Hà Nội, có 500 giao dịch căn hộ cao cấp, 583 giao dịch căn hộ phân khúc trung bình, 516 giao dịch thuộc phân khúc bình dân và 120 giao dịch đất nền. Tại TP. HCM, phân khúc cao cấp đạt 1.310 giao dịch, phân khúc trung cấp đạt 2.021 giao dịch, phân khúc bình dân chỉ đạt 112 giao dịch và đất nền đạt 182 giao dịch.

Ông Nguyễn Mạnh Hà. Ảnh: Trần Kháng

Ông Nguyễn Mạnh Hà. Ảnh: Trần Kháng

PV:Thực tế hiện nay, các nhà môi giới đang “đổ xô” vào phân khúc cao cấp. Ông nhận định thế nào về xu hướng phát triển năm 2017?

Ông Nguyễn Mạnh Hà: Phải thừa nhận là hiện nay, các nhà môi giới đang có xu hướng tập trung chủ yếu ở phân khúc BĐS cao cấp. Điều này cũng dễ hiểu vì phân phối phân khúc này có biên độ hoa hồng rất cao, hấp dẫn hơn.

Dựa vào những tín hiệu cuối năm 2016 thì phân khúc bình dân sẽ được nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là “đại gia” như Vingroup quan tâm.

Cùng với đó, Chương trình nhà ở xã hội được Chính phủ hỗ trợ vốn sẽ khởi động lại. Thị trường BĐS được điều chỉnh để phát triển một cách cân đối hơn so với năm 2016, nhiều sản phẩm nhà ở thương mại bình dân và nhà ở xã hội được cung cấp ra thị trường.

Khi có nhiều nguồn cung thì cơ cấu môi giới cho từng phân khúc sẽ hợp lý hơn.

PV: Vậy cơ hội và những thách thức nào đang đón đợi các nhà môi giới trong thời gian tới, thưa ông?

Ông Nguyễn Mạnh Hà: Thực tế, cạnh tranh trong lĩnh vực kinh doanh BĐS, kể cả trong đầu tư, cũng như môi giới sẽ ngày càng khốc liệt hơn. Từ thực tế này đòi hỏi các doanh nghiệp cần nâng cao năng lực chuyên môn, công nghệ và tài chính. Đối với các nhà môi giới BĐS, cần phải nâng cao tính chuyên nghiệp.

Để trở thành một nhà môi giới giỏi cần phải có chuyên môn về chuyên ngành, pháp luật dân sự, định giá BĐS, tâm lý học, xã hội học... Hơn nữa, để làm tốt nghề môi giới cần phải qua đào tạo, bởi vì giá trị của sản phẩm môi giới rất lớn, có thể ảnh hưởng đến cả tài sản của người mua.

Xin cảm ơn ông!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top