Aa

Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam: "Nhà môi giới có vai trò phát hiện khiếm khuyết của thị trường"

Thứ Sáu, 14/10/2016 - 16:10

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam nhận định, các nhà môi giới BĐS không chỉ đóng vai trò trung gian đơn thuần giữa người bán và người mua BĐS mà còn có vai trò quan trọng trong phát hiện những khiếm khuyết của thị trường.

Cần hiểu pháp luật và có chuyên môn

Nghề môi giới bất động sản (BĐS) tại Việt Nam được hình thành khi thị trường BĐS ngày càng phát triển. 

Sau hơn 10 năm kể từ khi có Luật kinh doanh BĐS ra đời đến nay, cả nước đã có hơn 30.000 người được cấp chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS, định giá BĐS nhưng thực tế số người hoạt động môi giới BĐS chính thức và không chính thức, hoạt động chuyên nghiệp hoặc bán chuyên nghiệp còn lớn hơn nhiều.

Ông Nguyễn Mạnh Hà – Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho biết, vai trò của các nhà môi giới bất động sản ngày càng được thể hiện rõ qua thực tế hoạt động của thị trường BĐS, đặc biệt là trong giai đoạn thị trường trầm lắng (2008 - 2013).

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng:

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam.

“Các nhà môi giới BĐS không chỉ đóng vai trò trung gian đơn thuần giữa người bán và người mua BĐS mà còn có vai trò quan trọng trong phát hiện những khiếm khuyết của thị trường, từ đó khuyến nghị với chủ đầu tư về các chủng loại hàng hóa mà thị trường cần.

Ngoài ra họ cũng cung cấp các thông tin thị trường chính xác để cơ quan quản lý Nhà nước có sự điều chỉnh chính sách hợp lý nhằm điều tiết thị trường để thị trường BĐS phát triển một cách công khai, minh bạch và bền vững”, ông Hà nhận định.

Nghề môi giới BĐS thực chất là hoạt động tư vấn, tư vấn cả cho chủ đầu tư và cho người mua về sản phẩm cần bán và sản phẩm cần mua, cả về phương diện pháp lý và giá cả, đôi khi cả về phong thủy, tâm lý.

Ông Hà cho biết thêm: “Người làm công tác môi giới BĐS cần phải có chuyên môn về pháp luật chuyên ngành, pháp luật dân sự, chuyên môn định giá BĐS, tâm lý học, xã hội học. Để làm tốt nghề môi giới BĐS cần phải qua đào tạo, bởi vì giá trị của sản phẩm môi giới rất lớn, có thể ảnh hưởng đến cả tài sản của người mua.”

Theo như quy định của Luật Kinh doanh BĐS 2014, người hành nghề môi giới BĐS phải được cấp chứng chỉ hành nghề và phải qua sát hạch.

Tuy nhiên, thị trường BĐS cũng như các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh thị trường bất động sản liên tục thay đổi, mặt khác có một chứng chỉ qua thi sát hạch có giá trị hơn là có chứng chỉ không phải qua thi sát hạch.

Ông Hà đưa ra tư vấn: “Những người chưa có chứng chỉ hành nghể cũng như những người đã có chứng chỉ hành nghề theo quy định của Luật Kinh doanh BĐS 2006 nên đăng ký thi sát hạch để lấy chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS mới”.

Thách thức với nghề môi giới

Theo sự phát triển của công nghệ thông tin, thương mại điện tử, giao dịch bất động sản qua Internet ngày càng phổ biến. Hiện nay ở Việt Nam, nhiều trang thông tin điện tử chuyên về mua bán BĐS hoạt động và có số người truy cập lớn. Đây là xu hướng phát triển tất yếu của thời đại, vừa là cơ hội cũng là thách thức đối với những người làm nghề môi giới BĐS.

Tuy vậy, một số chuyên gia đánh giá mô hình kinh doanh truyền thống trong giao dịch bất động sản vẫn còn nhiều thị phần, nhất là đối với các BĐS cũ. Vì vậy, tùy vào từng loại BĐS mà những người môi giới có thể lựa chọn mô hình kinh doanh phù hợp.

Bên cạnh phúc lợi cao, nghề môi giới cũng đối mặt với rất nhiều khó khăn.

Khách hàng ít khi tự tìm đến môi giới nên những người môi giới phải dùng đủ mọi phương pháp để có thể tiếp cận khách hàng. Theo một số nhân viên môi giới BĐS cho biết, có những môi giới phải đi phát tờ rơi hay thực hiện cả trăm cuộc gọi mỗi ngày mà vẫn thất bại. Một số môi giới mới vào nghề, tâm lý và áp lực nên đã chán nản bỏ nghề sau 2 đến 3 tháng không có giao dịch. Thậm chí có môi giới khi tìm được khách hàng, có được thỏa thuận mua bán gần như thành công nhưng lại bị hủy vào phút chót.

Vì vậy, người môi giới bảo nhau nguyên tắc làm việc là phải đoàn kết, động viên nhau, chia sẻ kinh nghiệm và không được giành giật, chơi các chiêu xấu với các môi giới khác.

Ông Hà chia sẻ: “Người môi giới cần phải trau dồi nghiệp vụ, học tập kinh nghiệm, rút ra các bài học từ những thất bại, kiên trì thì mới có thể thành công. Ngoài trình độ chuyên môn, môi giới cần có đạo đức nghề nghiệp và luôn tạo niềm tin với khách hàng, đó là những yếu tố không thể thiếu của người làm nghề môi giới bất động sản".

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top