Aa

Chủ tịch VCCI đề xuất thực hiện nhóm 13 giải pháp lớn, trọng tâm trong năm 2020

Thứ Sáu, 10/01/2020 - 06:15

Tại buổi Họp báo trước thềm VBF cuối kỳ năm 2019 TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã đề xuất thực hiện nhóm 13 giải pháp lớn, trọng tâm trong năm 2020.

Tại buổi họp báo ngày 9/1, TS. Vũ Tiến Lộc cho biết năm 2019 vừa qua tiếp nối những năm trước của nhiệm kỳ này, Chính phủ đã rất nỗ lực trong việc cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, từ việc hoàn thiện khung khổ pháp lý lớn cho đến thúc đẩy thực thi các giải pháp cụ thể.

Chính phủ đã trình Quốc hội để thảo luận và chuẩn bị thông qua Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, hai đạo luật lớn được kỳ vọng tạo ra động lực mới trong phát triển doanh nghiệp.

Ngay từ ngày đầu tiên của năm 2019, Chính phủ ban hành Nghị quyết 02 về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh và Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã rốn ráo thúc đẩy thực hiện.

TS. Vũ Tiến Lộc, đồng Chủ tịch Liên minh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.

Kết quả tích cực trong cải thiện môi trường kinh doanh đã thể hiện qua các kết quả kinh tế xã hội năm 2019, vượt toàn bộ các mục tiêu đã đề ra. Kết quả tích cực này cũng được thể hiện ở sự thăng hạng, tăng điểm của Việt Nam trong các xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Ngân hàng Thế giới.

“Nó cũng thể hiện rất rõ qua số lượng doanh nghiệp tư nhân thành lập mới mấy năm liền đạt con số kỷ lục, qua con số kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam lần đầu tiên trong lịch sử vượt qua dấu mốc 500 tỷ đô la Mỹ, tỷ lệ tăng trưởng xuất khẩu của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam năm 2019 vừa rồi cũng lần đầu tiên tăng gấp 4 lần so với các doanh nghiệp FDI…”, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

Tuy vậy, TS. Vũ Tiến Lộc cũng cho rằng môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam vẫn còn khoảng cách khá lớn so với các nước đi trước trong khu vực, không gian và dư địa cải cách vẫn rất lớn. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu tháo gỡ các rào cản hiện nay thì Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được kỳ tích phát triển cao hơn, tốc độ tăng trưởng GDP hoàn toàn có thể vượt mốc 7 - 8%/năm. Nếu tình trạng xung đột, chồng chéo pháp luật được tháo gỡ, các dự án lớn được nhanh chóng đi vào thực hiện thì kỳ tích phát triển của năm 2019 còn to lớn hơn nữa.

Liên quan đến chồng chéo xung đột pháp luật, Chủ tịch VCCI cho biết thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, VCCI đã thực hiện việc thu thập, nhận diện, phân tích và làm rõ những điểm chồng chéo, xung đột giữa các quy định của pháp luật.

“Chúng tôi đã có báo cáo cụ thể gửi Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội về 25 điểm xung đột, chồng chéo lớn giữa các đạo luật về đầu tư kinh doanh. Đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt để trình Quốc hội tháo gỡ”, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

Theo Chủ tịch VCCI năm 2020 này là năm về đích trong cải thiện môi trường kinh doanh và tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi hơn nữa, qua tập hợp, nghiên cứu rất nhiều vấn đề của môi trường kinh doanh, chúng tôi đề xuất thực hiện nhóm 13 giải pháp lớn, trọng tâm trong năm 2020.

Về chỉ số khởi sự kinh doanh, Chủ tịch VCCI cho rằng cần tiếp tục đẩy mạnh việc đơn giản hoá các thủ tục hậu đăng ký doanh nghiệp như khai báo lao động, đăng ký bảo hiểm xã hội, mua hoá đơn, mở tài khoản ngân hàng, nộp lệ phí môn bài.

Biện pháp đơn giản hoá phù hợp nhất vẫn là liên thông hoặc kết hợp các thủ tục hành chính để các doanh nghiệp có thể làm nhiều thủ tục cùng một lúc. Ngoài ra, có thể bãi bỏ một số thủ tục không cần thiết như lệ phí môn bài, con dấu doanh nghiệp.

Về thuế, theo Chủ tịch VCCI trong lĩnh vực thuế, các biện pháp cải cách cần tập trung vào một số vấn đề như: Đơn giản hoá quy định về thủ tục mua hoá đơn, tự in hoá đơn hoặc sử dụng hoá đơn điện tử, cải thiện việc thực hiện thủ tục hoàn thuế, xin miễn giảm thuế và xin xác nhận nghĩa vụ thuế, các quy định chính sách thuế cần rõ ràng để tránh xung đột giữa cơ quan thuế và doanh nghiệp khi xác định nghĩa vụ thuế.

Ngoài ra, ngành thuế nên đẩy nhanh việc thực hiện các hoạt động hỗ trợ người nộp thuế, đặc biệt là dành cho các cá nhân kinh doanh, doanh nghiệp siêu nhỏ.

Về giấy phép xây dựng và giấy phép liên quan, Chủ tịch VCCI cho biết việc liên thông, khắc phục chồng chéo các thủ tục hành chính của một dự án đầu tư xây dựng hiện nay cần là trọng tâm chính sách trong thời gian tới.

Các thủ tục trong lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng, phòng cháy chữa cháy và bảo vệ môi trường cần được nghiên cứu để có thể thực hiện liên thông hoặc kết hợp nhằm rút ngắn thời gian, chi phí và rủi ro cho việc thực hiện các dự án.

Ngoài ra, cần hướng đến việc xã hội hoá, cho phép nhiều chủ thể tham gia cung cấp các dịch vụ thẩm tra, thẩm định, đánh giá sự phù hợp trong lĩnh vực thiết kế, thi công xây dựng, phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường.

Về đất đai và đăng ký bất động sản, Chủ tịch VCCI cho biết, vấn đề lớn nhất trong lĩnh vực quản lý đất đai và đăng ký bất động sản hiện nay ở Việt Nam là khả năng kết nối dữ liệu và tiếp cận thông tin về đất đai.

Các thông tin đất đai chi tiết đến từng thửa đất cả về thực trạng lẫn dự kiến quy hoạch cần được cho phép tiếp cận bởi những bên thứ ba, dù có thể có các điều kiện và chi phí đi kèm.

Về vấn đề cải cách tư pháp, giải quyết tranh chấp và phá sản, Chủ tịch VCCI cho rằng, các cơ quan Nhà nước cần có chiến lược tổng thể về cải cách tư pháp nhằm hỗ trợ môi trường kinh doanh.

Chiến lược này nên tập trung vào việc rút ngắn thời gian và làm minh bạch hơn hoạt động xét xử. Đối với hoạt động thi hành án dân sự, cần tiếp tục rút ngắn thời gian và tăng tính hiệu quả trong thi hành án.

Về hệ thống hạ tầng và tiếp cận điện năng, theo Chủ tịch VCCI hạ tầng giao thông và khu công nghiệp vẫn cần được đầu tư mạnh mẽ để đáp ứng nhu cầu kinh doanh của các doanh nghiệp. Dù hạ tầng điện năng được đánh giá tốt trong vài năm qua nhưng nguy cơ thiếu điện đang quay trở lại.

Do đó, các biện pháp thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư tư nhân vào hạ tầng cần được chú trọng. Việc nhanh chóng ban hành một khung khổ pháp lý thuận lợi và ổn định như Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP và các văn bản hướng dẫn được coi là giải pháp quan trọng.

Về tiếp tục cải cách điều kiện đầu tư kinh doanh, Chủ tịch VCCI cho rằng cơ chế kiểm soát điều kiện đầu tư kinh doanh cần được bảo đảm thống nhất giữa văn bản cấp luật và cấp nghị định. Danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện tại Phụ lục 4 Luật Đầu tư cũng cần được tiếp tục rà soát, cắt giảm, giúp đảm bảo quyền tự do kinh doanh, giảm số lượng doanh nghiệp phải xin giấy phép con.

Về xuất nhập khẩu hàng hoá và kiểm tra chuyên ngành, theo Chủ tịch VCCI cổng một cửa quốc gia cần được nâng cấp để tăng tốc độ xử lý, tránh lỗi mạng, cần tiến tới việc điện tử hoá toàn bộ thủ tục, không còn phải dùng hồ sơ giấy. Việc chuyển sang hình thức quản lý theo rủi ro cần có bước đột phá mới dựa trên cơ sở dữ liệu và do máy tính đánh giá mức độ rủi ro theo tiêu chí định trước. Hoạt động dịch vụ đánh giá sự phù hợp cần được tiếp tục xã hội hoá và quản lý chặt chẽ, hạn chế sự độc quyền như trong một số lĩnh vực hiện nay.

Ngoài ra, kiểm soát tham nhũng và giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp cũng là vấn đề cần tiếp tục được chú trọng giải quyết. Theo đó, các giải pháp cần tập trung thực hiện là ứng dụng công nghệ thông tin để giám sát việc thực hiện thủ tục hành chính, thanh kiểm tra công vụ thường xuyên, gắn chặt trách nhiệm kiểm soát tham nhũng với công tác đánh giá cán bộ.

Về cổng dịch vụ công các cơ quan Nhà nước, Chủ tịch VCCI cho rằng các cơ quan Nhà nước cần tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng các cổng dịch vụ công khi làm các thủ tục hành chính.

Giai đoạn xây dựng khung ban đầu đã qua, sắp tới, các bộ ngành địa phương cần tập trung vào việc nâng cao hiệu quả thực chất của các Cổng dịch vụ công, bảo đảm tỷ lệ nộp và xử lý dịch vụ trực tuyến tăng dần theo thời gian. Các cơ sở dữ liệu quốc gia cần sớm được chia sẻ, sử dụng chung để giảm chi phí và tạo sự thuận tiện khi làm thủ tục.

Đồng thời để đảm bảo tính ổn định của chính sách, theo TS. Vũ Tiến Lộc, nguyên tắc không hồi tố bất lợi cho doanh nghiệp và người dân phải được bảo đảm khi xây dựng các quy định pháp luật.

Việc lấy ý kiến các dự thảo văn bản pháp luật cần được thực hiện một cách thực chất và thường xuyên, không ban hành, thay đổi chính sách một cách đột ngột. Thêm vào đó, các loại giấy phép quyền kinh doanh cũng cần được kéo dài thời hạn hoặc không xác định thời hạn nhằm giúp ổn định môi trường đầu tư kinh doanh cho doanh nghiệp.

Về thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng, theo Chủ tịch VCCI nguyên tắc cạnh tranh bình đẳng cần được cải thiện trong tiếp cận đất đai bằng cách hiện thực hoá chủ trương đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư sử dụng đất trong Luật Đầu tư.

Công tác đấu thầu, đấu giá để phân bổ các nguồn lực như tài nguyên, hợp đồng, cơ hội kinh doanh cần được mở rộng hoặc tiếp tục được thực hiện một cách minh bạch hơn.

Về minh bạch công tác thanh tra, kiểm tra, Chủ tịch VCCI cho rằng công tác thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp cần chuyển dần sang nguyên tắc quản lý rủi ro, doanh nghiệp có rủi ro cao thì thanh kiểm tra nhiều hơn doanh nghiệp có rủi ro thấp.

Việc lựa chọn các đối tượng thanh kiểm tra phải đảm bảo khách quan dựa trên các tiêu chí định trước và thông tin đầu vào chính xác, sát thực tế. Các kết quả thanh tra, kiểm tra cũng cần được công bố công khai.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top