Aa

Chùa Bái Đính và “vết dầu loang” du lịch tâm linh

Thứ Sáu, 21/12/2018 - 21:15

Những ngày gần đây, đã có những cuộc bàn luận về việc Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường (Ninh Bình) có đề xuất xin UBND TP. Hà Nội cho làm dự án "khu du lịch tâm linh" Hương Sơn tại xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, với quy mô khoảng 1.000 ha và vốn đầu tư lên tới 15.000 tỷ đồng.

Kể ra nhân tài Thủ đô như thế, tiềm lực kinh tế như thế, tầm nhìn sâu rộng như thế mà để cho một doanh nghiệp tư nhân tận Ninh Bình đề xuất một “siêu” dự án như thế, cũng khiến không ít người chạnh lòng. Thế nhưng, như các cụ đã nói: “Trăm hay không bằng tay quen” nên sự chạnh lòng ấy có lẽ cũng dễ vơi đi.

Nếu ai đã đến thăm chùa Bái Đính một lần thì không thể tưởng tượng được rằng, một cơ sở vật chất khổng lồ như thế nhưng lại được hình thành từ sự nỗ lực của một doanh nghiệp tư nhân. Thực chất mà nói, tài sản ấy hiện nay là của quốc gia, của tỉnh Ninh Bình nhằm đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của mọi người dân trong nước và quốc tế. Doanh nghiệp Xuân Trường chỉ được quyền đầu tư và khai thác dịch vụ hỗ trợ theo các văn bản có giá trị pháp lý.

Có thể nhận xét rằng, đối với tỉnh Ninh Bình, việc hình thành khu du lịch tâm linh Bái Đính này kết hợp với tài sản vô giá của khu sinh thái Tràng An là một trong những dấu ấn quan trọng nhất khoảng vài chục năm gần đây ở một tỉnh nghèo. Nó không những đưa một “tỉnh lẻ” như Ninh Bình thành điểm đến của hàng triệu người dân trong nước hằng năm mà còn lan tỏa ở tầm vóc toàn cầu, được vinh danh ở một tổ chức quốc tế danh giá là UNESCO.

Cách đây khoảng 10 năm, với hàng chục danh thắng, như Cố đô Hoa Lư, rừng quốc gia Cúc Phương, khu sinh thái Tràng An, rồi khu Tam Cốc-Bích Động... mà mỗi năm phấn đấu lắm, Ninh Bình cũng chỉ thu hút chưa đến 3 triệu khách du lịch. Còn nay, dịp Tết Nguyên đán gần đây, chỉ riêng tại khu quần thể văn hóa – thiên nhiên Bái Đính – Tràng An đã đón hơn 220.000 người. Và chỉ trong 6 tháng đầu năm 2018, Ninh Bình đã đón trên 5,2 triệu khách du lịch, cao nhất từ trước tới nay.

Nay, người đàn ông ăn chay trường có tên là Nguyễn Văn Trường này lại đến “xin” Hà Nội làm một dự án tương tự thì đầu tiên có lẽ cần phải ghi nhận niềm tin cháy bỏng này vì một mục tiêu đã được định vị trong chính cuộc đời của mình.

Vấn đề mà nhiều người bàn luận về dự án vẫn là trong một cái vòng tròn “bảo tồn và phát triển”. Nếu vừa phát triển lại vừa bảo tồn được là “thượng sách”, còn nếu chỉ được một vế là không đạt yêu cầu của cuộc sống ngày cảng văn minh và hội nhập! Nếu tính về tổng thể, cho đến nay, việc hình thành khu quần thể văn hóa – thiên nhiên Bái Đính – Tràng An của Ninh Bình đã và đang được thực tiễn chứng minh là thành công.

Vậy với ý tưởng hình thành "khu du lịch tâm linh" Hương Sơn thì sao?

Sẽ chẳng ai nghĩ rằng việc thành công nêu trên ở Ninh Bình là của riêng cá nhân hay một tổ chức riêng lẻ. Bởi đây là dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (thường được gọi tắt là PPP), là hình thức đầu tư được thực hiện trên cơ sở hợp đồng dự án giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án để xây dựng, cải tạo, vận hành, kinh doanh, quản lý công trình hạ tầng, cung cấp dịch vụ công.

Và cũng không ai nghĩ rằng chỉ với một văn bản 2 trang giấy A4 mà có thể tạo nên một tài sản tầm cỡ quốc gia. Đây phải là một sản phẩm được cân nhắc kỹ càng bằng nhiều chồng giấy tờ với nhiều chữ ký; phải là sự kết tinh trí tuệ của nhiều nhà khoa học và chuyên gia; phải là sự đồng thuận của nhiều cấp chính quyền và đông đảo dân chúng; phải là sự lao tâm khổ tứ của nhiều doanh nhân tâm huyết và sự đóng góp của các nhà hảo tâm...

Tôi còn nhớ cách đây ít năm, khi tranh luận về việc có nên xây dựng cáp treo ở chùa Yên Tử, rồi ở đỉnh Fansipan... Đến nay thì mọi việc cũng đã yên ổn, cái đáng bảo tồn thì đã được bảo tồn, còn cái cần phát triển thì đang phát triển.

Hy vọng rằng, ý tưởng dự án "khu du lịch tâm linh" Hương Sơn cũng sẽ được triển khai và thực hiện với tâm thế như vậy!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top