Aa

Chuẩn bị tốt điều kiện để phục hồi kinh tế ngay khi dịch bệnh qua đi

Thứ Sáu, 03/04/2020 - 13:00

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng, đây là lúc cần chuẩn bị tốt các điều kiện để có thể tận dụng thời cơ, phục hồi nền kinh tế ngay sau khi dịch bệnh đi qua.

PV: Thưa Thứ trưởng, đại dịch Covid-19 có thể nói đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới kinh tế Việt Nam, với tăng trưởng GDP trong quý I chỉ đạt 3,82%. Nhưng câu chuyện sẽ không dừng ở đó, nhiều dự báo cho rằng, tình hình sẽ còn khó khăn hơn. Ông nghĩ sao về điều này?

Ông Trần Quốc Phương: Tình hình thực sự rất nghiêm trọng, nhất là nếu chúng ta nhìn vào tốc độ tăng trưởng GDP chỉ tăng 3,82% trong quý I/2020, hay nhìn vào các chỉ số kinh tế vĩ mô khác. Trong quý I, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản gần như không có tăng trưởng (chỉ đạt 0,08%), khu vực dịch vụ tăng rất thấp, chỉ đạt 3,27%, bằng một nửa mức tăng của các năm trước; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 3 đã giảm lần đầu tiên trong giai đoạn 2016 - 2020…

Đặc biệt, chúng ta chứng kiến khó khăn rất lớn của khu vực doanh nghiệp. Họ gặp khó khăn cả đầu vào và đầu ra, do các chuỗi cung ứng bị đứt gãy, do các đơn hàng bị hủy, hoãn và không có đơn hàng mới. Chính vì vậy, trong quý đầu năm, số lượng doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động đã tăng trên 26% so với cùng kỳ.

Nhưng khó khăn sẽ không dừng lại ở đó, bởi dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến rất phức tạp, không dự đoán được thời điểm kết thúc. Nếu tình hình dịch bệnh càng kéo dài thì tình hình càng nghiêm trọng hơn, có thể dẫn tới đình trệ sản xuất, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế và việc làm. Theo dự báo của chúng tôi, thì có thể, sẽ có tới 250.000 - 400.000 lao động bị mất việc làm, tùy tình hình dịch bệnh kéo dài và nghiêm trọng đến đâu.

Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư

PV: Nếu như vậy, liệu có xảy ra tình trạng suy giảm kinh tế không, thưa Thứ trưởng? Hiện nay, có nhiều ý kiến cho rằng, kinh tế toàn cầu đã có dấu hiệu suy thoái. Việt Nam là một nền kinh tế có độ mở rất cao, trong bối cảnh như vậy thì thật khó có thể tránh khỏi những hệ lụy xấu?

Ông Trần Quốc Phương: Hiện nay, quốc tế đều có chung nhận định rằng, kinh tế toàn cầu đã bắt đầu rơi vào suy thoái, khi mà hàng loạt nền kinh tế lớn như Mỹ, Đức, Pháp, Anh… đều dự báo có tốc độ tăng trưởng âm. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng đã cảnh báo rằng, dịch Covid-19 đã đẩy nền kinh tế toàn cầu rơi vào tình trạng suy thoái với mức độ trầm trọng tương đương thậm chí lớn hơn so với năm 2009.

Với nền kinh tế Việt Nam, như tôi đã nói ở trên, tác động của dịch bệnh Covid-19 tới kinh tế - xã hội là nghiêm trọng và toàn diện. Tăng trưởng kinh tế đã bị ảnh hưởng nặng nề. Tuy có giảm tốc khá mạnh, nhưng nền kinh tế vẫn có tăng trưởng. Chúng tôi dự báo rằng, trong trường hợp dịch bệnh kết thúc trong quý II, tăng trưởng GDP cả năm 2020 là 5,32%, còn nếu dịch được khống chế trong quý III, mức tăng trưởng dự báo là 5,05%.

PV: Có chuyên gia cho rằng, Việt Nam vẫn có thể lật ngược tình thế về tăng trưởng nếu việc chống dịch Covid-19 tốt. Liệu chúng ta có thể làm được điều đó?

Ông Trần Quốc Phương: Việc “lật ngược tình thế” nếu được hiểu là không những vượt qua suy giảm kinh tế, mà còn vươn lên đạt mục tiêu đề ra (6,8%) thì đó là một thách thức rất lớn. Điều này còn phụ thuộc rất nhiều vào diễn biến của dịch bệnh, dịch bệnh càng kéo dài thì cơ hội lật ngược tình thế càng ít đi.

Theo tính toán của chúng tôi, với tăng trưởng GDP quý I như vậy, và dự báo quý II tiếp tục tăng trưởng thấp, để cả năm có thể đạt mức tăng trưởng 6,8%, thì quý III và quý IV, phải đạt mức tăng trưởng 8 - 9%. Điều này là vô cùng khó khăn, bởi tăng trưởng của kinh tế Việt Nam không chỉ phụ thuộc vào nỗ lực của riêng chúng ta, mà còn phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh trên toàn cầu, khả năng phục hồi của các nền kinh tế, của các chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu…

Tuy vậy, tôi cho rằng, cùng với việc tập trung dập dịch, chúng ta có thể vừa nỗ lực duy trì các hoạt động kinh tế - xã hội ở mức cầm cự và chống chịu, sau đó là cần chuẩn bị tốt các điều kiện để tận dụng thời cơ, phục hồi nền kinh tế ngay sau dịch bệnh đi qua.

Dịch bệnh Covid-19 đã làm thay đổi cả kinh tế toàn cầu, nếu không chuẩn bị tốt từ lúc này, bao gồm cả việc tái cơ cấu nền kinh tế, xây dựng các dự án trọng điểm tạo động lực cho tăng trưởng giai đoạn sau… thì chúng ta sẽ bỏ lỡ cơ hội, lỡ một “cuộc chơi” mới.

PV: Để vực dậy nền kinh tế, các nước đã ban hành nhiều gói kích thích kinh tế, còn Việt Nam, dường như chính sách còn thiếu và yếu. Tới đây, liệu có gói hỗ trợ nhiều tỷ USD nào được đưa ra không, thưa Thứ trưởng?

Ông Trần Quốc Phương: Trong thời gian qua, đúng là nhiều quốc gia trên thế giới đã công bố những khoản tiền lớn để thực hiện ngay một số chính sách khẩn cấp tác động đến một số nhóm đối tượng nhất định hoặc toàn bộ nền kinh tế. Nhiều giải pháp có thể nói là mạnh chưa từng có, với các cơ chế chưa từng có tiền lệ, quyết định mau lẹ, ứng phó nhanh với tình hình. 

Ví như Mỹ đã thông qua gói hỗ trợ 2.000 tỷ USD, để hỗ trợ tăng thanh khoản của doanh nghiệp, chi cho y tế, hỗ trợ chính quyền địa phương... Các quốc gia thuộc nhóm G20, các nước EU, châu Á… cũng đều công bố các gói kích thích tài khóa, sử dụng ngân sách công giá trị hàng tỷ USD...

Ngoài các chính sách tiền tệ, tín dụng, giãn, hoãn, miễn giảm thuế, phí... đã đề ra tại Chỉ thị số 11/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 này, Chính phủ cũng đã thảo luận, cho ý kiến việc sử dụng một phần ngân sách nhà nước để hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 .

Có thể nói, Chính phủ đang rất nỗ lực để nghiên cứu, thực hiện các giải pháp nhằm giải quyết “nhiệm vụ kép”, là vừa ưu tiên phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh, vừa duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, giữ vững ổn định xã hội. Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cũng đang tiếp tục được thảo luận, nhất là giãn, hoãn nộp thuế.

Các nước đã quyết định rất nhanh, ngay cả việc đưa ra gói hỗ trợ lên tới hàng ngàn tỷ USD cũng quyết chỉ trong vài ngày. Do vậy, chúng ta cũng phải sớm ban hành và thực thi các giải pháp này, để vực dậy nền kinh tế.

Ngay như với giải ngân vốn đầu tư công cũng vậy. Bộ Giao thông - Vận tải đã đề xuất việc chuyển 8 dự án PPP sang đầu tư công, dự kiến khởi công từ tháng 8 năm nay và phải tập trung đẩy nhanh tiến độ hơn nữa. Nhiều ý kiến lo ngại về nguồn lực, nhưng thực tế, điều đó không đáng lo. Hiện chúng ta có đủ nguồn vốn cho giải phóng mặt bằng và chuẩn bị thực hiện dự án. Nếu cần ứng vốn, có thể sẵn sàng báo cáo cấp có thẩm quyền thu xếp nguồn như điều chỉnh kế hoạch, ứng trước kế hoạch, tìm nguồn bổ sung...

Dù là giải pháp gì, cũng phải thực hiện thật nhanh, thì mới có thể duy trì được tăng trưởng kinh tế, tạo đà cho nền kinh tế trong giai đoạn sau.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top