Aa

Chung cư Hà Nội hai tháng mới bán được vài căn

Thứ Hai, 18/06/2018 - 14:01

Chung cư Hà Nội hai tháng mới bán được vài căn; Hà Nội xem xét phương án xử lý dứt điểm sai phạm nhà 8B Lê Trực; Giới đầu tư bất động sản muốn tháo chạy khỏi Vân Phong;... là những tin tức nổi bật về bất động sản 24 giờ qua.

Chung cư Hà Nội hai tháng mới bán được vài căn

Nửa năm trôi qua, chủ đầu tư một dự án tại quận Thanh Xuân mới bán được 8 căn hộ dù cuối năm ngoái, có những tháng bán tới 50 căn. Một dự án khác có tổng hơn 400 căn hộ, mở bán từ cuối năm 2017 nhưng đến nay cũng mới có 30 căn hộ được giao dịch. 

Lãnh đạo một số chủ đầu tư các dự án chung cư, đặc biệt là cao cấp tại Hà Nội cho hay, thanh khoản thị trường trong những tháng đầu năm giảm do tính chu kỳ. Tuy nhiên khoảng 2 tháng nay, tình trạng này tồi tệ hơn khiến họ đang phải tìm mọi cách để tăng thanh khoản. 

Hải, nhân viên kinh doanh một sàn bất động sản từ đầu năm 2018 phải kiếm thêm bằng một số thương vụ môi giới đất thổ cư. Thậm chí, có giai đoạn thị trường sôi động, Hải cũng tham gia tư vấn cả bất động sản tại Vân Đồn và một số tỉnh, thành lân cận ở miền Bắc. 

"Nếu như trước Tết, mỗi tháng bán 1-2 căn thì nay mấy tháng rồi không bán được căn nào. Các sàn cũng nợ tiền hoa hồng bởi chưa được chủ đầu tư thanh toán", anh Hải nói.  

Nhiều chủ đầu tư dự án chung cư tại Hà Nội đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc bán hàng. Ảnh: Anh Tú.

Nhiều chủ đầu tư dự án chung cư tại Hà Nội đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc bán hàng. Ảnh: Anh Tú.

Giám đốc một sàn bất động sản có hệ thống ở nhiều tỉnh, thành nhận định thị trường căn hộ tại Hà Nội đang có giai đoạn khó khăn nhất trong vòng hai năm trở lại đây. Dù vẫn nỗ lực đẩy mạnh hoạt động kinh doanh ở mọi phân khúc, ông cho biết hiện môi giới được phân chia bán ở nhiều địa bàn, không tập trung nhiều tại thị trường Hà Nội nữa. Đơn vị này đặt cọc phân phối bán hàng cho một số dự án, song do tiêu thụ chậm nên khoản tiền này còn chưa thể rút ra. 

Để cứu vãn thanh khoản, một số chủ đầu tư không chỉ tăng hoa hồng cho đơn vị phân phối mà còn sẵn sàng tăng mức thưởng nóng. Mức hoa hồng các sàn được nhận về sau mỗi giao dịch là khoảng 3-4,5%, tùy từng chủ đầu tư. Mức này tăng khoảng 0,5-1% so với trước đây. Bên cạnh đó, một số chủ đầu tư còn đưa ra mức chi trả tới 3% cho môi giới (thông thường các sàn chỉ trả khoảng 1-1,5%), chưa kể thưởng nóng 10-20 triệu đồng với mỗi căn hộ giao dịch thành công.

Xem chi tiết tại đây.

Hà Nội xem xét phương án xử lý dứt điểm sai phạm nhà 8B Lê Trực

UBND TP Hà Nội vừa có văn bản gửi Sở Xây dựng và quận Ba Đình về việc kiểm tra, đề xuất biện pháp giải quyết liên quan đến quá trình xử lý công trình vi phạm trật tự xây dựng tại số 8B Lê Trực.

Cụ thể, sau khi xem xét kiến nghị của Công ty CP Hạ tầng Phương Bắc (đơn vị được giao “cắt ngọn” tòa nhà giai đoạn 1), ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội giao Sở Xây dựng kiểm tra, làm rõ thông tin, quá trình xử lý dứt điểm giai đoạn hai và tháo dỡ cẩu trục tháp, vận thang lồng tại 8B Lê Trực.

Gần hai năm qua, các sở ngành và đơn vị thiết kế vẫn chưa đưa ra được thiết kế phá dỡ giai đoạn 2 sai phạm tại nhà 8B Lê Trực.

Gần hai năm qua, các sở ngành và đơn vị thiết kế vẫn chưa đưa ra được thiết kế phá dỡ giai đoạn 2 sai phạm tại nhà 8B Lê Trực.

Quá trình xem xét, ông Hùng yêu cầu Sở Xây dựng căn cứ trên cơ sở kết quả thực hiện chỉ đạo của UBND TP và các yếu tố kỹ thuật và an toàn của công trình 8B Lê Trực.

Trước đó, cuối tháng 5/2018, Công ty CP Hạ tầng Phương Bắc đã có văn bản kiến nghị UBND TP giải pháp xử lý dứt điểm vi phạm tại công trình 8B Lê Trực. Bởi từ khi kết thúc phá dỡ giai đoạn 1 (tầng 19) tháng 10/2016 tới nay, theo yêu cầu của các cơ quan chức năng để phục vụ xử lý giai đoạn 2 tại công trình 8B Lê Trực, hệ thống cẩu trục tháp và vận thăng lồng đã phơi sương, phơi nắng hơn 19 tháng (gần 2 năm) nguy cơ mất an toàn là rất cao.

Xem chi tiết tại đây.

Giới đầu tư bất động sản muốn tháo chạy khỏi Vân Phong

Huyện Vạn Ninh có gần 40 công ty giao dịch, môi giới bất động sản được thành lập, chủ yếu là sàn của những người ngoài tỉnh đến mở. Giữa tháng 6, cảnh nhộn nhịp rao bán đất của giới cò cùng với dòng người từ các tỉnh phía Bắc, TP HCM đến huyện Vạn Ninh - nơi được kỳ vọng trở thành Đặc khu kinh tế Vân Phong - không còn rôm rả như trước.

Trên các trục đường Hùng Vương, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Huệ..., nhiều bảng áp phích quảng cáo, rao bán được tháo dỡ. Không ít sàn giao dịch, trung tâm môi giới bất động sản đóng kín cửa. Quanh các quán cà phê, dọc bờ biển Trần Hưng Đạo - được cho là nơi giới buôn bất động sản, cò đất thường tụ tập bàn tán về đất Vân Phong - bỗng vắng lặng. Quanh huyện, nhiều lô đất nền được đào bới để san lấp lấy mặt bằng ngổn ngang.

Nhiều người là dân cố cựu ở địa phương cho hay, cuộc sống bình yên của dân làng chài đã trở lại. Dòng xe cộ, nhất là ôtô biển số tỉnh khác vốn tấp nập, giờ cũng không thấy bóng. 

Sàn giao dịch bất động sản tại trung tâm huyện Vạn Ninh đồng loạt đóng cửa. Ảnh: Xuân Ngọc.

Sàn giao dịch bất động sản tại trung tâm huyện Vạn Ninh đồng loạt đóng cửa. Ảnh: Xuân Ngọc.

Tại Văn phòng đăng ký đất đai huyện Vạn Ninh giờ chỉ có hơn chục lượt đến giao dịch. 

Từ ngày 9/5 đến cuối tháng 5, số hồ sơ tại đây giảm gần 80%. "Nếu hơn tháng trước, chúng tôi phải làm hết công suất để đáp ứng yêu cầu của người dân, thì nay tần suất công việc trở lại bình thường", ông Lâm Tuấn Anh - Giám đốc Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất huyện Vạn Ninh nói.

Theo đánh giá của giám đốc một sàn giao dịch địa ốc tại đây, nhiều nhà đầu tư bất động sản đang mong muốn tháo chạy khỏi Vân Phong. Nhiều người phía Bắc vào chi tiền tỷ để gom đất, giờ đành "chôn chân" chờ thời cơ, vì không thể giao dịch được, hoặc đang tìm cách bán tháo mong gỡ vốn.

Xem chi tiết tại đây.

Trầm bổng thị trường bất động sản TP.HCM 6 tháng đầu năm

Cuối tháng 3/2018, thị trường bất động sản TP.HCM đón nhận 1 cơn địa chấn khi diễn ra vụ cháy Chung cư Carina Plaza tại quận 8. Thảm họa diễn ra trong đêm, công tác cứu hộ khó khăn, làm 13 người chết, hàng chục người bị thương và nhiều tài sản của cư dân bị phá hủy. Ngay sau vụ cháy này ít hôm, Chung cư ParcSpring tại quận 2 lại xảy ra cháy, tuy nhiên không có thiệt hại về người và đám cháy nhanh chóng được khống chế.

Ngay sau hai vụ cháy, thị trường bất động sản “lao đao” khi người dân có dấu hiệu quay lưng lại với sản phẩm chung cư. Đặc biệt, khi TP.HCM tiến hành kiểm tra hàng loạt chung cư trên địa bàn và phát hiện nhiều chung cư không đạt tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy, có 8 chung cư chưa được cấp phép phòng cháy chữa cháy nhưng chủ đầu tư vẫn đưa dân vào ở.

Giới chủ đầu tư vẫn khá lạc quan về thị trường nửa cuối năm.

Giới chủ đầu tư vẫn khá lạc quan về thị trường nửa cuối năm.

Khi mà lòng tin của người dân vào phân khúc chung cư lung lay thì cũng là lúc phân khúc đất nền bắt đầu tạo sốt ảo. Bắt đầu bùng lên trên địa bàn quận 9, giá đất được giới đầu cơ đẩy lên theo ngày, sau đó cơn sốt diễn ra như kịch bản 6 tháng đầu năm 2017 đó là bùng phát trên diện rộng khắp TP.HCM và các tỉnh lân cận.

Trước tình trạng giá đất nhảy múa, thị trường bất động sản có thể lâm vào cảnh bong bóng, Bộ Xây dựng, UBND TP.HCM cùng các sở, ngành và lãnh đạo các tỉnh như Đồng Nai, Long An, Bình Dương đã ngay lập tức tiến hành siết lại thị trường bằng việc không cấp phép phân lô bán nền, thanh tra xử phạt hàng loạt chủ đầu tư dự án bất động sản vì chưa hoàn thành pháp lý đã mở bán… Sau nhiều nỗ lực kiểm soát, bước vào tháng 6, thị trường đất nền đã có dấu hiệu giảm nhiệt.

Xem chi tiết tại đây.

Hà Nội: Đổi gần 40ha đất vàng lấy 2,85km đường

Tuyến đường có chiều dài 2,85 km, được đầu tư nhằm kết nối đồng bộ, liên thông với mạng lưới đường trong khu vực, kết nối các tuyến đường Vành đai 2; 2,5; 3 góp phần giảm tải cũng như giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông cho tuyến đường Nguyễn Trãi, đường Giải Phóng, đường Vành đai 2, Vành đai 3...

Tổng vốn đầu tư dự kiến 1.412 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng là 274 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng 967 tỷ đồng, còn lại là các chi phí khác. Thời gian thực hiện Dự án dự kiến từ 2018 đến 2020.

Xem chi tiết tại đây.

Chủ tịch Hà Nội: Xây nhà cao tầng là xu hướng tất yếu

Ngày 16/6, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cùng các đại biểu HĐND TP (đơn vị bầu cử số 2) đã có buổi tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 6 HĐND TP. Hà Nội khóa XV.

Tại buổi tiếp xúc, các cử tri quận Hoàn Kiếm phản ánh tình trạng một số cơ quan chuyển trụ sở ra nơi khác nhưng không bàn giao lại cơ sở cũ cho TP mà đầu tư xây dựng hoặc thậm chí chuyển nhượng cho đơn vị khác và đề nghị TP kiểm tra và xử lý nghiêm.

Đặc biệt, cử tri Hoàn Kiếm lo ngại về vấn đề ùn tắc giao thông còn xảy ra phổ biến và băn khoăn việc tại sao Thành phố Hà Nội chỉ xây nhiều nhà cao tầng.

Chủ tịch Hà Nội cho rằng, việc xây nhà cao tầng là tất yếu, không có con đường nào khác.

Trước ý kiến này của cử tri quận Hoàn Kiếm, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằng: “Việc chúng ta phải xây dựng nhà cao tầng là xu hướng tất yếu, chắc chắn chúng ta không có con đường nào khác cả, bởi vì đất có hạn, người thì tăng lên”, Chủ tịch Hà Nội nói.

Ông Chung cho hay, mới đây trong chuyến đi tháp tùng Thủ tướng sang Singapore, ông đã làm việc với bộ phận quản lý đô thị của nước này.

Xem chi tiết tại đây

Lãng phí đất công: "Bệnh" khó chữa!

Chỉ mới thanh tra trong biên độ năm 2016-2017, Thanh tra TP HCM đã phát hiện nhiều sai phạm trong việc quản lý, sử dụng đất công, nhà công trên địa bàn. Cụ thể, kết luận của Thanh tra TP vừa ban hành đã chỉ ra có 103 mặt bằng sai phạm, trong đó 17 mặt bằng sử dụng không đúng mục đích, sai quy định; 32 mặt bằng cho thuê trái phép; 26 mặt bằng không quản lý, bỏ trống gây lãng phí; 3 mặt bằng để xảy ra lấn chiếm; các mặt bằng còn lại vi phạm về quy hoạch, kế hoạch sử dụng…

Trong số 103 mặt bằng sai phạm nêu trên, Thanh tra TP HCM cho biết UBND quận 6 có 4 mặt bằng, Chi cục Phòng chống tệ nạn 1 mặt bằng, Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn 32 mặt bằng, Tổng Công ty Văn hóa Sài Gòn 19 mặt bằng, Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn 14 mặt bằng, Công ty Dịch vụ Công ích quận 6 có 2 mặt bằng, Công ty Sakyno cũng 2 mặt bằng, Lực lượng Thanh niên xung phong 7 mặt bằng, Công ty Dịch vụ Công ích quận 8 có 14 mặt bằng, Công ty Bình Phú 1 mặt bằng và Công ty CP Văn hóa Phương Nam 7 mặt bằng.

Theo Thanh tra TP HCM, nguyên nhân chủ yếu là do các cơ quan, đơn vị được nhà nước giao, cho thuê đất thiếu trách nhiệm trong việc quản lý, sử dụng. Ngoài việc quản lý lỏng lẻo, có trường hợp các đơn vị vì lợi ích cục bộ mà vi phạm, như lợi dụng hình thức kêu gọi đầu tư, hợp tác liên doanh, liên kết để cho thuê đất hoặc tự ý bố trí cho công nhân viên làm nhà ở trên khuôn viên đất đang quản lý không đúng thẩm quyền; nhiều khu đất chưa đăng ký, chưa lập thủ tục thuê đất, lập hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận... "Bên cạnh đó, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng chưa kịp thời kiểm tra và xử lý nghiêm việc sử dụng nhà, đất công không đúng mục đích, sai quy định pháp luật" - Thanh tra TP nêu.

Trước những sai phạm trên, Thanh tra TP HCM kiến nghị thu hồi cho ngân sách nhà nước hơn 7,8 tỉ đồng và 2.498 m2 đất, 3 mặt bằng nhà đất. Về mặt hành chính, Thanh tra TP kiến nghị kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với 11 tập thể và 34 cá nhân liên quan. Đến nay, TP đã xử lý bằng hình thức kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với 10 tập thể, 29 cá nhân; xử lý bằng hình thức khiển trách đối với 4 cá nhân. Còn 1 tập thể và 1 cá nhân đang tiếp tục xử lý.

Xem chi tiết tại đây

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top