Aa

Chung cư và xe buýt: Mối lương duyên tốt lành!

Thứ Ba, 11/09/2018 - 06:01

Đến năm 2030 chúng ta sẽ đi bằng gì? Đây là câu hỏi của hầu hết người dân Hà Nội khi đề án cấm xe máy được chính quyền thông qua.

Câu trả lời là phương tiện giao thông công cộng mà chủ lực là xe buýt. Càng ngày người ta càng thấy thêm nhiều xe buýt có điểm đầu, điểm cuối là Khu đô thị. Điều này chứng minh cho mối lương duyên giữa chung cư và xe buýt trong bối cảnh đô thị hoá diễn ra mạnh mẽ, dân cư tăng mạnh.

Dân cư tăng cơ học

Mới năm nào khi tôi chuyển về Times City sống, dân cư còn khá thưa thớt, cảnh tắc đường không diễn ra trầm trọng như bây giờ. Mỗi lúc tan tầm, trẻ con thường đi học về bằng xe đạp hoặc đi bộ, người lớn đa phần đi xe máy, sinh viên thì đi xe buýt. Đường cũng đông nhưng vẫn đi được và không có tình trạng đứng hàng giờ ngoài đường vì tắc, nhất là những hôm trời đổ cơn mưa trong ngày đông buốt giá.

Time City rực sáng về đêm.

Times City rực sáng về đêm.

Qua năm, qua tháng, dân số nội thành tăng lên nhanh chóng, trong khi các đô thị vệ tinh chưa kéo được dân nội thành ra và nguồn lực đầu tư vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong đô thị lõi thì dân các tỉnh lẻ vẫn ùn ùn đổ về. Ai cũng mơ có được một căn nhà nhỏ tại Thủ đô để tiện làm ăn và thế hệ con cái họ sẽ là công dân thành phố vì hoà bình. Điều đó chính là động lực để phát triển nhà tập thể, chung cư, nhà công vụ và xóa đi nhà tạm, khu tập thể cũ, đất từ ngày xưa không có sổ sách.

Tuy lường trước được sự gia tăng dân số cơ học nhưng cơ sở hạ tầng và giao thông lại chưa đáp ứng được sự gia tăng đó. Đã bao năm trôi qua tuyến đường Minh Khai – tuyến đường quan trọng nhất đi vào Thành phố của thời đại mới vẫn nhỏ bé như thế, vỉa hè thì ngày càng khép nép, phương tiện cá nhân đặc biệt là ô tô con tăng mạnh, hiện giờ cứ mỗi người dân Hà Nội (trừ trẻ con) đều sở hữu 1,5 chiếc xe máy. Hồi đó, tôi chọn Times City vì nhiều lý do trong đó có lý do chính là hệ thống xe buýt dày đặc chạy hẳn vào trong khu đô thị và chạy qua chỗ tôi đi làm, đón con đi học, đó là các tuyến 19, 24, 45 cho dù xe buýt nhiều năm trước không được hiện đại như bây giờ.

Thế mà, đã có thời gian xe buýt bị chững lại khá nhiều. Người ta ưa sử dụng phương tiện cá nhân hơn xe buýt dù xe đón ngay trước cửa nhà, không phải đi bộ và đi cũng không lâu hơn là bao. Nhiều lúc đi xe buýt bị người ta chê là “vua thời gian”, “tiết kiệm quá mức”. Âu cũng đành cười nhẹ một cái rồi đi. Từ trước đến nay, tôi vẫn ưa sử dụng xe buýt hơn bất cứ loại phương tiện giao thông nào bởi sự an toàn và văn minh cho dù những lúc tắc đường xe buýt thường khổ nhất vì to nhất, xung quanh là hàng ngàn xe máy, ô tô con tranh giành từng cm mặt đường.

Nói đến người bạn của xe buýt đó là chung cư, hai người bạn này có sự tương đồng rõ rệt. Chung cư là cùng nhau chung sống, nhà nào cũng như nhà nào, cùng trên một mảnh đất mà như các cụ gọi là cùng chung “thổ công”. Xe buýt cũng vậy, đó là cùng nhau di chuyển, cùng nhau trên một tuyến đường có giờ giấc cố định. Hai người bạn này xuất hiện cùng nhau của quá trình đô thị hoá, thể hiện sự tiến bộ, văn minh và tất yếu ở mọi nơi trên thế giới. Chung cư không phát triển trước xe buýt và xe buýt cũng vậy, cả hai đều vì nhau mà xuất hiện, đều vì nhau mà tồn tại bởi “sứ mệnh lịch sử phát triển đô thị” đã quy định như vậy.

Đối với các thành thị mới, bài toán quy hoạch tổng thể có lẽ dễ dàng hơn cho các kiến trúc sư. Ngược lại, với một đô thị cổ như Hà Nội thì quả thật là khó khi mỗi lần quy hoạch lại phải giải tỏa mặt bằng, có khi mất tới mấy năm và với số tiền không nhỏ. Chỉ có những vùng đất ngoài nội thành, đất còn rẻ, dân còn thưa mới dễ quy hoạch thành khu đô thị. Mà khu đô thị phải đúng nghĩa là đô thị có không gian xanh, có khu vui chơi, mua sắm, có trường học và đặc biệt có xe buýt, phương tiện vận tải không thể thiếu cho lối sống tập thể.

Làm sao để dân thị thành ở chung cư và đi xe buýt?

Dường như tốc độ gia tăng dân số không đi kèm với văn hóa đô thị khi xe buýt thì tăng lên còn số người đi xe buýt không tăng nhiều. Tôi nhớ hồi đầu về Time ở, tuy chỉ có tuyến 19 và 24 thôi nhưng người đi xe buýt lúc nào cũng đông kín xe. Học sinh có, người già có và cả những người đi làm rất nhiều, nhưng hiện tại khi đã tăng thêm các tuyến 45, 55, 26… thì vẫn thấy một số xe buýt đìu hiu khách đến lạ. Bây giờ, còn có cả xe buýt CNG 03 sử dụng nhiên liệu sạch nhưng vẫn chưa thu hút được nhiều hành khách.

Xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch CNG 03 có điểm cuối là Khu đô thị Time City.

Xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch CNG 03 có điểm cuối là Khu đô thị Time City.

Thị phần khách chủ yếu là học sinh, sinh viên. Người ta ngại đi xe buýt vì tốn thời gian phải chờ đợi lâu. Có lần tôi và chú hàng xóm đi chơi, chú bảo “đi xe buýt làm gì cho tốn thời gian, tắc đường”. Mấy ai biết rằng đi xe buýt là để cho đỡ tắc đường. Giữa xe cá nhân và xe buýt, phải có một bên “nhún nhường” trước thì số lượng phương tiện mới giảm và hết tắc đường.

Xe buýt không chỉ giúp ích cho từng cá nhân cụ thể mà còn giúp gián tiếp cho cả xã hội. Đó là tiết kiệm chi phí xã hội về xăng dầu, tiết kiệm tiền cải tạo môi trường do quá nhiều khí thải từ xe cá nhân thải ra. Quy hoạch đô thị chỉn chu từ chợ, trường học, nhà ở đến cơ quan sẽ giúp con người “ít phải ra đường hơn” vì những thứ cần đều rất gần và tiện hoặc cùng trên một tuyến đường di chuyển. Phải chăng, các nước có ít phương tiện tham gia giao thông thì kinh tế sẽ phát triển hơn? Người Nhật Bản họ có tuổi thọ cao có phải bởi vì họ thường xuyên đi bộ đến cơ quan làm việc?

Mỗi khi dân cư ở Times City đổ ra đi làm thì đúng như một đạo quân hùng hậu chuẩn bị ra trận đánh – đó là trận đánh giao thông trên đường đến nơi làm việc. Ở Times City thì khỏi phải nói về tiện nghi, đây có thể cho là khu đô thị vào hàng đẳng cấp nhất Việt Nam hiện giờ từ bệnh viện, trường học, khu giải trí, đô thị xanh,... Có lẽ, bạn nên đến trải nghiệm cùng tôi một lần sẽ thay bao nhiêu lời tả thực về không gian sống ở đây. Người ta chỉ e ngại với những thứ xung quanh Times City đó là giao thông chưa được thông thoáng, rồi chỉ biết hy vọng bao giờ khu này mới có tàu cao tốc trên cao, buýt nhanh BRT hay đơn giản là chuỗi xe buýt mini có thể luồn lách đón khách dễ dàng. Rồi thêm hàng vỉa hè rải rác ngọn cỏ xanh rờn có những đàn chim bồ câu bên đậu bên bay, để rồi ra đường không còn phải kè kè chiếc khẩu trang vì sợ khói xăng, khói bụi nữa.

Chuyện dễ cơ mà cũng khó. Khi mà trong mỗi chúng ta chưa xây dựng được tình yêu với giao thông công cộng cho dù nhà ở công cộng, nhà ở xã hội đã tạo động lực, cảm hứng cho rất nhiều đôi vợ chồng trẻ mua nhà. Có nhiều thứ muốn thay đổi không bắt nguồn từ cái lợi trước mắt mà bắt nguồn từ tình yêu, cho dù là cố thử yêu lấy một lần. Chắc qua truyền hình, bạn cũng thấy các thành phố hiện đại trên thế giới, dân số họ cũng khá lớn nhưng tình trạng tắc đường, ô nhiễm không khí và tai nạn giao thông ít hơn các thành phố lớn ở nước ta rất nhiều. Trong đó có nhiều thành phố cổ kính và các thành phố đô thị mới - điểm chung là họ đều lấy khu đô thị và giao thông công cộng là xương sống đô thị thông minh, đô thị xanh, tận dụng tối đa nguồn lực con người và thiên nhiên vào phát triển kinh tế.

Lối sống mới của văn minh đô thị đang dần hình thành rõ nét thì bên cạnh đó hành lang phát triển vật chất cũng cần phải phát triển tương xứng. Dân cư đô thị ở Việt Nam có lối sống khá cơ bản với các đô thị phát triển chỉ ngoại trừ thói quen sử dụng giao thông công cộng chưa được hình thành khi người ta vẫn giữ trong mình cái tôi cá nhân độc lập, muốn ở nhà riêng cho dù điều kiện kinh tế khó khăn với quỹ đất nội thành ngày càng đắt đỏ, muốn có ô tô cá nhân thay bằng ô tô buýt đón tận nhà.

Tôi tin một ngày không xa, các đô thị ở Việt Nam sẽ hiện đại như các đô thị phát triển trên thế giới, chúng ta đã có Time City kiểu mẫu rồi thì hãy nhân mạnh nó lên cùng với đó là hệ thống giao thông công cộng mà ai đi ra đường cũng cảm thấy hào hứng.

Với mong muốn cổ vũ những giá trị sống nhân văn, tốt đẹp; tuyên truyền về văn hóa sống mới: sống xanh – sống đẹp; nhân rộng những điển hình phát triển bất động sản biết chăm lo, hướng tới các giá trị sống đích thực cho cư dân, lấy cư dân làm trung tâm; phát hiện tôn vinh những cộng đồng cư dân, những không gian sống kiểu mẫu, những tấm gương tập thể/cá nhân có nhiều đóng góp hình thành nên các khu đô thị đáng sống đồng thời mong muốn tạo lập một diễn đàn cho mọi tầng lớp cư dân chia sẻ suy nghĩ, cảm nhận, mong đợi về “Nơi tôi sống” của chính mỗi người… Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam (www.reatimes.vn) và Tạp chí điện tử Gia Đình Mới (www.giadinhmoi.vn) quyết định tổ chức Cuộc thi mang tên: Nơi Tôi Sống.

Gửi bài dự thi kèm thông tin: Tên, tuổi, địa chỉ, số điện thoại, email, Facebook cá nhân.

Email: noitoisong2018@gmail.com

Điện thoại: 0986 321 888; 024 6666 0899

Để biết thêm chi tiết và thể lệ cuộc thi, mời bạn xem tại đây.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top