Aa

Chứng khoán hồi phục, nhiều cổ phiếu bất động sản bứt phá

Thứ Tư, 06/05/2020 - 05:55

VN-Index hồi phục nhẹ trong phiên giao dịch ngày 5/5. Nhiều cổ phiếu vừa và nhỏ trong nhóm bất động sản bật tăng rất mạnh.

Thị trường tiếp tục có những diễn biến rung lắc mạnh trong phiên 5/5, các chỉ số thị trường đều biến động hẹp quanh mốc tham chiếu. Tuy nhiên, khác với phiên trước, VN-Index chốt phiên với mức tăng điểm nhẹ nhờ lực đẩy của một số cổ phiếu lớn. Chỉ số này đóng cửa phiên tăng 1,69 điểm (0,22%) lên 764,16 điểm. Toàn sàn có 182 mã tăng, 159 mã giảm và 67 mã đứng giá. 

Trong khi đó, HNX-Index tiếp tục giảm 0,31 điểm (-0,29%) xuống 105,41 điểm. Toàn sàn có 76 mã tăng, 71 mã giảm và 68 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,07 điểm (0,13%) lên 51,98 điểm. Toàn sàn có 91 mã tăng, 80 mã giảm và 51 mã đứng giá.

Phiên hôm nay, sự phân hóa ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn vẫn diễn ra rõ nét. Tuy nhiên, khác với phiên trước, sắc xanh có phần chiếm ưu thế hơn đáng kể và giúp đẩy VN-Index lên trên mốc tham chiếu. Trong đó, KDC tăng 4,3%, VNM tăng 3%, GAS tăng 2,7%, PVD tăng 3%. Nhóm cổ phiếu dầu khí bật tăng mạnh trong phiên hôm nay nhờ vào việc giá dầu thế giới bật tăng mạnh. 

Theo bản tin của Chứng khoán Mirea Asset Việt Nam (MASVN), Italia, Phần Lan và một số bang tại Mỹ ngày 4/5 nới lỏng các lệnh phong tỏa để "hồi sinh" kinh tế. Các quan chức cảnh báo chính quyền các khu vực trên đang hành động quá vội, khi số ca nhiễm và tử vong vì Covid-19 trên thế giới đã vượt 3,5 triệu và 250.000 người. Giá dầu Brent tương lai tăng 76 cent, tương đương 2,9%, lên 27,2 USD/thùng. Giá dầu WTI tương lai tăng 61 cent, tương đương 3,1%, lên 20,39 USD/thùng.

Trong khi đó, sắc đỏ vẫn bao trùm lên khác nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn khác như SHB, VJC, ACV, SAB, MSN hay POW. Trong đó, SHB giảm 2,6%, VJC giảm 2,4% sau thông tin công ty báo lỗ 989 tỷ đồng trong quý I. SAB tiếp tục giảm 2,1% xuống 151.700 đồng/cp

Các cổ phiếu có ảnh hưởng lớn nhất lên VN-Index phiên 5/5. Nguồn: VDSC.

Tại nhóm cổ phiếu bất động sản, sự phân hóa cũng diễn ra ở 3 cổ phiếu lớn là VHM, VIC và VRE. Trong đó, VIC tăng 1% lên 92.700 đồng/cp, VRE tăng 0,4% lên 23.550 đồng/cp còn VHM giảm 2% xuống 63.600 đồng/cp.

Còn đối với nhóm bất động sản vừa và nhỏ, sự tích cực đã quay trở lại với khá nhiều cổ phiếu, trong đó, PII, BII, PFL, C21, OCH, SGR, DRH hay CIG đều được kéo lên mức giá trần. KBC cũng tăng đến 4,5%, FDC tăng 4,4%, LHG tăng 4,3%.

Trong khi đó, khá nhiều mã bất động sản vừa và nhỏ khác giảm giá trong phiên hôm nay. FIT giảm 5,6%, TNT giảm 4,5%, CLG giảm 4,1%, PDR giảm 2,8%...

Thanh khoản thị trường giảm mạnh so với phiên trước với tổng khối lượng giao dịch chỉ đạt 250 triệu cổ phiếu, trị giá chỉ 3.800 tỷ đồng. Trong đó, có 3 cổ phiếu bất động sản lọt vào top khói lượng giao dịch toàn thị trường là ITA, AMD và DLG. ITA phiên hôm nay tăng 1,2% và khớp lệnh 7,4 triệu cổ phiếu. AMD và DLG khớp lệnh lần lượt 6 triệu cổ phiếu và 4 triệu cổ phiếu.

10 cổ phiếu khớp lệnh mạnh nhất thị trường phiên 5/5. Nguồn: VDSC.

Khối ngoại vẫn bán ròng 130 tỷ đồng trên toàn thị trường. Riêng sàn HoSE, khối ngoại bán ròng 112 tỷ đồng, giảm 27,3% so với phiên trước. NVL là cổ phiếu bất động sản duy nhất nằm trong top 10 mã bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất với 16 tỷ đồng. Trong khi đó, VHM dẫn đầu danh sách mua ròng của khối ngoại với 26 tỷ đồng. KDH và VPI là 2 cổ phiếu bất động sản cũng được khối ngoại mua ròng mạnh với giá trị lần lượt 7 tỷ đồng và 780 triệu đồng.

Theo chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), hợp đồng tương lai VN30 kỳ hạn tháng 5 tăng mạnh hơn so với chỉ số cơ sở VN30. Qua đó, thu hẹp mức basis âm xuống còn 15,71 điểm, cho thấy nhà đầu tư trên thị trường phái sinh vẫn nghiêng về khả năng điều chỉnh của thị trường. Dự báo, trong phiên giao dịch tiếp theo 6/5, VN-Index có thể sẽ giảm điểm trở lại với vùng hỗ trợ gần nhất quanh ngưỡng 750 điểm (target của mô hình 2 đáy trước đó). Nhà đầu tư nếu đang có tỷ trọng cổ phiếu cao nên tiếp tục theo dõi diễn biến thị trường và có thể bán ra nếu như VN-Index có nhịp tăng lên quanh ngưỡng kháng cự 780 điểm (MA50). Đối với những nhà đầu tư đang có tỷ trọng tiền mặt lớn chỉ nên tham gia trở lại nếu thị trường có nhịp chỉnh về quanh ngưỡng hỗ trợ 750 điểm để tham gia một phần tỷ trọng.

Tại thị trường chứng khoán châu Á, Hang Seng của Hong Kong tăng 1%. Straits Times của Singapore tăng 0,5%, Jakarta Composite của Indonesia tăng 0,5% và KLCI của Malaysia tăng 0,9%. Ngược lại, SET 50 của Thái Lan giảm 1,5%. ASX 200 của Australia và NZX 50 của New Zealand lần lượt tăng 1,4% và 0,7%.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top