Aa

Chuyện câu nhái

Thứ Ba, 02/06/2020 - 07:00

Những cú đớp mồi chính xác và khả năng nuốt thẳng vô tội vạ, là khả năng siêu phàm của nhái trong việc ăn uống và hạ sát con mồi. Nhưng chỗ chết của nhái cũng lại ở chính cái điểm mạnh ấy.

Câu nhái chưa bao giờ là một nghề như câu ếch. Cho dù ếch tượng trưng cho những kẻ thùng rỗng kêu to, mục hạ vô nhân, chết bởi miệng và thói sỹ diện hão, nhưng ếch có cái khệnh khạng của gã trưởng giả cỗ không đủ món không ăn, trong khi nhái, từ hình hài đến phẩm cách thuần túy là dân phàm phu tục tử.

Có sống cả ngàn năm, nhái cũng không có được cái địa vị của ếch để được chết cho một ngụ ngôn ở đời.

Nhái là tiểu tốt, là bầy đàn, cóc cần những triết lý. Vì thế câu nhái đơn giản và nhạt nhẽo hơn nhiều. Vào thời điểm lúa đương thì con gái, xạ trinh tiết làm nao lòng muôn loài côn trùng. Chúng kéo đến để chiêm ngưỡng, thưởng thức, phá hoại đồng thời để chết. Giống như trò đời, hễ có kẻ lãng tử ngông cuồng thì thế nào cũng có những kẻ lạnh lùng khốc liệt, thực dụng đến tận cùng. Bọn côn trùng trở thành những bữa đại tiệc và những khởi nguồn cho cảm hứng hủy diệt của nhái.

Đến lượt những kẻ đi săn mồi trở thành con mồi. Cũng hiển hiện ở đây một bài học đắt giá đậm hương vị nhân sinh: Kẻ mạnh thường chết bởi chính cái tạo ra sức mạnh cho họ. Những cú đớp mồi chính xác và khả năng nuốt thẳng vô tội vạ, là khả năng siêu phàm của nhái trong việc ăn uống và hạ sát con mồi. Nhưng chỗ chết của nhái cũng lại ở chính cái điểm mạnh ấy. Trong mọi tình huống, bản năng đó đều bị người đi câu lợi dụng triệt để. 

Chọn lúc trời nhá nhem tối, đặc biệt ưa thích nếu lại vừa sau một trận mưa rào đầu mùa, chỉ với một con giun tuốt hết ruột đất cho dai, một sợi chỉ, một chiếc cần tre sơ sài và cái túi vải, mọi việc sau đó chỉ còn là phép tính đơn giản: Chấp nhận cái chết của bao nhiêu con nhái nữa mà thôi. Sự ngu muội hay là số phận đã khiến lũ nhái không hề có mảy may suy xét trước động tác đánh bẫy đơn giản lặp đi lặp lại hàng trăm, hàng ngàn lần? 

Chỉ có trời đất và ma quỷ biết. Không ở hành động chết vì miếng mồi nào lại thê thảm hơn cái cách mà lũ nhái thể hiện. Chúng chỉ biết lao vào, bằng tâm thế của kẻ coi trời bằng vung và… chết! Hài hước nhất là miếng mồi đem ra nhử, sau khi tạo ra vô số cú sập bẫy, vẫn hoàn toàn nguyên lành! Nhưng điều nực cười hơn cả là con nhái nào trước khi đạp lên nhau, dùng cơ bắp tranh đớp miếng mồi để rồi rơi tõm vào giỏ, cũng đều đã no căng. Hóa ra câu nhái không phải dùng mồi nhử kẻ đói mà là để đánh thức bản năng ngu tối, thói háo sát lạnh lùng.

Bắt nhái cũng là một nghề mưu sinh (Ảnh: Sưu tầm)

Nhưng điều đáng suy nghĩ nhất thường chỉ đến sau khi mọi thứ kết cục đã được định đoạt. Bởi vì trong mọi trò đời, luôn luôn có những kẻ lạnh lùng hơn, thậm chí lạnh lùng đến mức coi việc sát hại kẻ khác như một thú chơi. Họ biến tất cả thành nhái, đôi khi chẳng cần tới một khúc giun chết.

Thuở nhỏ tôi thường rất thích thú với việc đi câu nhái, chủ yếu đem về nuôi ngan. Giờ về quê bói cũng không thấy nhái, nếu có thì cũng còi cọc, dị dạng, trong khi món chả nhái đã kịp thượng lên thành đặc sản, không phải cứ muốn ăn là có! Thịt nhái thuộc loại bổ và lành. Ngan được ăn nhái sẽ cực kỳ mau lớn, thịt chắc và thơm. Những nhà có việc trọng hay vào mỗi dịp lễ lạt, người ta thường chọn loại ngan này làm cỗ tế. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top