Aa

Chuyện di dời nhà máy và nghịch lý đất vàng bỏ hoang

Thứ Tư, 18/09/2019 - 06:00

Trong khi Hà Nội và TP.HCM khát từng mét vuông đất cho giao thông, cây xanh thì nhiều khu đất vàng lại bỏ hoang, thậm chí rất nhiều năm. Dù với bất cứ lý do gì, thì việc bỏ đất hoang cũng là có tội.

Nhân vụ cháy khu nhà kho của Công ty cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông ở Hạ Đình, Hà Nội, dư luận lại bàn tán nhiều về chuyện di dời các nhà máy ở nội đô và việc sử dụng đất sau khi di dời nhà máy thế nào cho ích nước, lợi dân. Lâu nay, người ta cũng đã nói rất nhiều về dự án treo, tức là dự án đã được duyệt nhưng chậm và không biết đến bao giờ mới triển khai, gây bức xúc cho cư dân và dư luận. Còn thực tế, không khó khăn gì để tìm ra những khu đất vàng đất bạc ngay trong nội đô nhưng lại để hoang hóa, cỏ dại lút đầu người…

Trong lúc đất đai nói chung ngày càng khan hiếm, đất đô thị lại càng khan hiếm mà người ta lại bỏ đất hoang là cớ tại sao??? Và làm thế nào để giải quyết cảnh tượng ngược đời này?

Từ thời xa xưa, khi con người còn sống hồn nhiên với đất thì cha ông ta đã dạy, rằng: “Ai ơi chớ bỏ ruộng hoang/ Bao nhiêu tấc đất tấc vàng bấy nhiêu”. Đến thời hiện đại ngày nay, đất ngày càng có giá. Đơn giản một nhẽ, con người sinh ra ngày càng nhiều, nhưng đất đai thì không thể sinh thêm, chỉ có bấy nhiêu thôi.

Kinh tế học hiện đại coi đất đai là tư liệu sản xuất chủ yếu, đặc biệt và không thể thay thế; bởi đất đai bị giới hạn về diện tích và không thể mở rộng theo ý muốn chủ quan của con người

Khoản 1, Điều 54, Hiến pháp năm 2013 của nước ta cũng quy định: Đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, nguồn lực quan trọng phát triển đất nước, được quản lý theo pháp luật.

Đất đai quan trọng là thế, đất đai ở các đô thị lớn lại càng đặc biệt quan trọng, bởi dân số tăng theo tốc độ đô thị hóa, ngày càng gây áp lực lớn lên hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật, trong khi quỹ đất hầu như đã cạn kiệt. Không phải chỉ là nhu cầu về chỗ ở, nơi làm việc, chỗ đỗ xe, đường giao thông… tăng, mà còn là nhu cầu về không gian và môi trường, về cây xanh và nơi vui chơi giải trí công cộng. Chỉ xin nêu hai con số sau đủ thấy sự bức xúc ở các thành phố lớn nước ta: Về đất dành cho cây xanh, tại Hà Nội và TP. HCM đến nay mới đạt bình quân 2m²/ người, chỉ bằng 1/10 tiêu chuẩn thế giới. Trong khi theo quy hoạch công viên cây xanh TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025, chỉ tiêu cây xanh khu vực nội thành là 2,4m²/người, khu vực nội thành mở rộng là 7,1m²/người, còn khu vực ngoại thành là 12m²/người. Điều đó lý giải vì sao ở hai thành phố lớn, ô nhiễm không khí lại ở mức cao như vậy.

Ảnh: Zing

Về đất dành cho giao thông, trong quy hoạch chung của TP. Hà Nội và TP.HCM được khuyến cáo trên 20%, còn theo luật định là 16 - 17%; tuy nhiên hiện tại chỉ đạt khoảng 7 - 8%. Điều đó cũng lý giải, tại sao ở hai thành phố lớn, giao thông lại tắc nghẽn trầm trọng như vậy.

Thiếu đất giao thông, thiếu đất cho cây xanh, ấy vậy mà không hiếm để chỉ ra những khu đất trống ở nội thành bỏ hoang cho cỏ mọc. Ngày ngày tôi vẫn đi xe buýt dọc đường Nguyễn Trãi ở Hà Nội, ngó vào khu Cao – Xà – Lá mà xót xa. Dọc các trục đường lớn đi về phía tây thành phố cũng không ít những khu đất hoang hóa như thế. Ở TP.HCM hay các thành phố khác cũng tương tự… Đô thị khát đất, nhưng nhiều khu đất lại bỏ hoang, thậm chí là bỏ hoang nhiều nhiều năm.

Đất bỏ hoang, nhưng ai cũng biết, chúng đều đã có chủ cả đấy. Nhân lúc cơ chế quản lý chưa chặt chẽ, người ta chớp cơ hội ôm đất đầu cơ, hoặc là chạy dự án, hoặc là tung tiền mua cổ phần những doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa mà cái đích là nhằm vào… đất. Ôm rồi nhưng hoặc là có quá nhiều dự án nên phải tập trung vào từng trọng điểm, hoặc chưa chạy được quy hoạch; hoặc là chưa đủ tài chính, hoặc nữa là có tài chính người ta cũng không làm…, mà là để chờ thời. Đất không đẻ thêm ra nên ngày càng có giá. Vậy là chỉ cần sau mấy năm sang tay, chả phải làm gì cũng đã thu bộn tiền. 

Doanh nghiệp lãi, nhưng đất nước và xã hội thiệt hại bởi một nguồn tài nguyên, đống tài sản lớn bị lãng phí, nằm chết dí. Đất nằm chết không những không phục vụ gì cho xã hội mà cũng chả đóng góp gì cho ngân sách. Đó là một sự lãng phí vô cùng lớn. Không chỉ lãng phí, có một điều phải khẳng định rằng, cho dù vì bất kỳ lý do gì, thì để đất hoang cũng là có tội. Thậm chí có người cho rằng, tội lãng phí còn lớn hơn tội tham ô.

Viết đến đây, tôi chợt nhớ câu chuyện của anh bạn định cư bên Đức. Anh kể dành dụm được tí tiền, bèn mua mảnh đất ở ngoại ô. Đất vườn, có ngôi nhà gỗ nhỏ. Nhưng anh không làm vườn mà là theo cách nghĩ và cách tính của người Việt ta: Mua để dành. Vì vậy mà cứ để mặc cho cỏ mọc. Nhưng đến khi cỏ mọc cao, anh nhận được giấy thông báo của chính quyền yêu cầu xén cỏ. Nghĩ đơn giản xén hay không là việc của mình, anh bỏ qua. Một tuần sau anh nhận tiếp thông báo thứ hai. Cũng cho qua. Thông báo thứ ba cũng thế. Nhưng đến lần thứ tư thì không phải là thông báo yêu cầu xén cỏ, mà là thu hồi đất. Lý do rất rõ ràng và đơn giản: Vì chủ đất không có nhu cầu sử dụng đất nên chính quyền thu hồi và xung công.

Không cần phải bình luận thêm về câu chuyện này, mà tôi chỉ nghĩ, nếu chúng ta cũng quản lý đất đai được như thế thì chắc chắn sẽ không còn cảnh trái tai gai mắt, đất vàng để hoang hóa trong khi đô thị quằn quại trong cơn khát đất.

Có chuyên gia cho rằng, sở dĩ có tình trạng trên là do chúng ta mới quy hoạch đất đai về không gian mà không quy hoạch về thời gian, không ấn định thời gian phải đưa đất vào sử dụng. Vì vậy người ta mới thoải mái ôm đất đầu cơ, chờ thời, không sử dụng cũng chả sao. Cũng có chuyên gia cho rằng, nếu nhà nước đánh thuế cao những khu đất vàng không sử dụng, thì chắc chắn câu chuyện đất hoang sẽ được ngăn chặn. 

Vậy thì, câu chuyện lãng phí đất vàng không phải chỉ do người sử dụng, mà thuộc về trách nhiệm của cả người quản lý rồi.

Người để đất hoang có tội, chắc chắn người quản lý để xảy ra tình trạng đất hoang không thể vô tội.

Thiết nghĩ, đất đai, với vai trò là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, nguồn lực quan trọng phát triển đất nước, thì cần phải được quản lý chặt chẽ để sử dụng hiệu quả hơn. Cần thiết phải bổ sung những điều luật nâng cao trách nhiệm của người được giao quyền sử dụng đất, chứ không thể để diễn ra cảnh tùy tiện bỏ hoang đất như hiện nay.

Trước mắt, cần xử lý rốt ráo việc di dời các nhà máy khỏi nội đô và quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn đất này phục vụ cho quốc kế, dân sinh.

Đất còn để hoang ngày nào là có tội với dân ngày ấy.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top