Aa

Chuyện đời...

Chủ Nhật, 22/07/2018 - 06:01

Là chuyện đời của hai người đàn bà cùng họ tên, cùng chồng. Một người quê vùng Kinh Bắc. Một người sinh sống ở kinh thành, về ở, rồi chết cũng chôn nơi đây.

Họ đều có tên là Trịnh Thị Ngọc Trúc. Trong Đại Việt Sử Ký còn ghi đầy đủ. Chồng họ là ông vua Lê Thần Tông đời Lê Trung Hưng. Ông vua này trị vì nước ta từ những năm 1619 - 1662. Giữa họ chỉ có điều khác nhau là một bà được phong hoàng hậu, còn một bà thì không.

Bà Trịnh Thị Ngọc Trúc hoàng hậu là cháu ngoại của tiên chúa Nguyễn Hoàng, con gái thứ của chúa Trịnh Tráng. Bà được gả cho Lê Thần Tông khi đã ba mươi sáu tuổi, qua một đời chồng, có một con gái riêng. Và hơn nhà vua đến mười hai tuổi! Có lẽ do uy của cha bà mà Lê Thần Tông phải cưới. Thế mới biết thời Vua Lê - Chúa Trịnh, ngôi vua không bằng cái tượng gỗ. Một cuộc hôn nhân hoàng gia mang đậm màu sắc chính trị như vậy thì khó lòng có thể mang lại hạnh phúc cho người trong cuộc, nhất là với phụ nữ. Hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc không có con với Lê Thần Tông, sau một thời gian thì bà rời cung, về ở hẳn tại chùa Ninh Phúc Tự - nay là chùa Bút Tháp, Đình Tổ, Thuận Thành, Bắc Ninh.

Những năm cuối đời tại đây, bà chuyên tâm nghiên cứu sách vở và phát tâm công đức tu tạo đền chùa. Dân quanh vùng kính trọng bà hết mực, gọi là Bà Chúa Kim Cương. Quyển sách bà viết trong thời gian ở chùa là cuốn từ điển Hán - Nôm còn truyền đến ngày nay có tên, "Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa" vẫn được các học giả đánh giá cao. Đặc biệt, bà có công lớn với ngôi chùa Bút Tháp, danh thắng quốc gia đặc biệt của nước nhà. Theo lịch sử thì chùa Bút Tháp được xây dựng từ thời nhà Lý. Nhưng để đạt đến quy mô kiến trúc đẹp đẽ hoàn hảo như ngày nay là do công của bà hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc đứng ra kêu gọi và bỏ phần lớn tiền của tôn tạo chùa. Sau này cả con gái bà là công chúa Lê Thị Ngọc Duyên cũng về tu và mất tại đây.

Tượng Hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc.

Tượng Hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc.

Ngày nay, du khách các nơi về thăm chùa Bút Tháp sẽ được chiêm ngưỡng một ngôi chùa Việt của miền Bắc Bộ điển hình còn giữ được nguyên vẹn những bức tượng, những nét kiến trúc cổ xưa. Đẹp như một bông sen giữa vùng đồng bằng xanh mướt. Thanh tịnh. Và đặc biệt là ngôi tháp đá vút lên trời xanh với những chuông khánh vẫn rung reo mỗi khi gió về. Sau khi đi thăm, đi lễ một lượt các ban thờ, du khách vào nhà hậu chiêm ngưỡng bức tượng bà hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc tạc từ thế kỷ 17, để chiêm bái một người phụ nữ Việt tài sắc vẹn toàn nhưng lại không được hưởng hạnh phúc riêng tư đủ đầy.

Người đàn bà thứ hai của ông vua Lê Thần Tông cùng mang tên Trịnh Thị Ngọc Trúc thì quê ở làng Đông Khôi (theo Đại Việt Sử Ký toàn thư - bản in dịch của Viện Khoa Học Xã Hội năm 1998, tập 3) Huyện Gia Định. Vật đổi sao dời, không còn rõ làng Đông Khôi xưa chính xác là làng nào nay. Gần đây, tôi và tiến sĩ Hán Nôm Nguyễn Xuân Diện có làm một cuộc điền dã về làng Đông Côi để khảo cứu về một truyền thuyết về sự ra đời của ông vua Lê Hy Tông, một trong những ông vua được đánh giá là anh minh, sáng suốt của thời Lê trung hưng. Ngài trị vì nước ta từ 1675 - 1705. Chúng tôi nghi ngờ sự biến thiên ngôn ngữ rất có thể đã từ tên gọi làng Đông Khôi xưa ra làng Đông Côi nay. Và mẹ đẻ của vua Lê Hy Tông chính là bà Trịnh Thị Ngọc Trúc người làng Đông Khôi.

Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa dịch ra tiếng Việt.

Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa dịch ra tiếng Việt.

Dân gian vẫn kể rằng, một hôm kinh thành Thăng Long có biến, vua Lê Thần Tông phải lánh về vùng Kinh Bắc. Ngài ngự ở một cái đền giữa cánh đồng làng Đông Khôi. Trưa nắng nóng không ngủ được, ngài ngồi nhìn ra ruộng thì thấy một cô thôn nữ đi bắt cua, vén váy quai cồng lên cao, cao... Thế là ngài động lòng, cho mời vào. Rồi mang về kinh làm cung nhân. Khi ngài băng hà thì bà Trịnh Thị Ngọc Trúc này mới có mang bốn tháng. Sau đẻ ra một con trai. Vua Lê Thần Tông tuy không có con với bà hoàng hậu nhưng có mấy con trai với các bà chính cung khác. Các vị này lần lượt lên ngôi. Lần lượt chết yểu. Thế là do sự trớ trêu của lịch sử mà Lê Duy Cáp, con trai của cung nhân Trịnh Thị Ngọc Trúc lại trở thành vua Lê Hy Tông.

Chuyến điền dã của tôi và tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện về nơi cánh đồng làng Đông Côi chỗ tương truyền là ngôi đền cổ xưa cũng chả cho biết thêm điều gì lắm. Bởi người giữ đền xưa đã khuất núi. Bia đá thì mờ ảo cái mất cái còn. Thôi đành tin vào những điều đã viết trong Đại Việt Sử Ký và tin cả vào những câu chuyện dân gian vậy. Lich sử nhiều khi được hình thành bởi những sự rất tình cờ. Bà hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc sinh ra lớn lên trong quyền quý nhưng lại không tha thiết gì với đời nhung lụa, bà bỏ tất cả để theo kiếp sống nâu sồng. Bà cũng chả có con nào làm vua để truyền nối sự giàu sang thiên niên vạn đại. Thế nhưng bà lại lưu danh sử sách như một học giả. Một bà chúa Kim Cương trong lòng dân vùng nam Kinh Bắc. Và ban thờ bà vẫn ngát hương từ khi bà mất tới nay. Còn bà cung nhân Trịnh Thị Ngọc Trúc, từ một cô gái bắt cua lam lũ thôn quê bước chân vào cung cấm. Bà có con làm vua đến ba mươi năm, hẳn sau này bà đã có một cuộc sống nhung lụa cung đình xa hoa. Thế nhưng tới nay, dấu tích ghi chép về bà hầu như không có gì. Ngôi đền phủ miếu mạo nguy nga xưa tương truyền là nơi gặp gỡ, là nơi chôn cất thờ tự... cũng không còn lại gì.

Chỉ trong một ngày, tôi và tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện đã đi khảo lại về hai người đàn bà cùng tên, cùng họ: Trịnh Thị Ngọc Trúc, chung chồng và chung nơi an nghỉ cuối cùng, trên vùng đất nam Kinh Bắc. Không tìm ra thêm điều gì mới mẻ về thân phận hai người phụ nữ trùng tên họ trong một giai đoạn lịch sử đau đớn của đất nước chia đôi, huynh đệ tương tàn, nội ngoại chém giết lẫn nhau trong một cuộc chiến tranh giành quyền lực vô nghĩa. Nhưng chúng tôi thêm khẳng định một điều, nhân dân và lịch sử luôn công bằng:

“Giúp dân dân lập đền thờ

Hại dân, dân đái ngập mồ thấu xương.”

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top