Aa

Chuyên gia: Rất phí nếu dùng 5.000ha đất và 16 tỷ USD làm sân bay Long Thành?

Thứ Sáu, 15/11/2019 - 17:00

Với năng suất thiết kế 80 - 100 triệu khách/năm, Cảng hàng không Quốc tế Long Thành chỉ cần diện tích 1.800ha và 2 đường băng cất hạ cánh...

Quốc hội mới đây thảo luận về báo cáo nghiên cứu khả thi dự án sân bay Long Thành do Chính phủ trình. Nhiều điểm mấu chốt trong báo cáo được các đại biểu thảo luận là cơ sở đưa ra tổng mức đầu tư, hiệu quả dự án… Trong đó, có ý kiến được nhiều người lưu tâm là việc so sánh tổng mức đầu tư dự án Long Thành với 2 công trình sân bay hiện đại bậc nhất thế giới mới vận hành năm 2019 là sân bay Đại Hưng (Trung Quốc) và sân bay Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ).

Đại biểu Nguyễn Lân Thành (Lạng Sơn) đưa ra so sánh: Sân bay tại Bắc Kinh có diện tích 4.700 ha, tương đương với Long Thành, thiết kế 7 đường băng công suất 100 triệu hành khách và 4 triệu tấn hàng hóa và vốn đầu tư 11,4 tỷ USD. Sân bay Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) thiết kế 4 đường băng, công suất 90 triệu lượt hành khách và vốn đầu tư 12 tỷ USD.

Trong khi đó, Long Thành chỉ có 2 đường băng, 100 triệu lượt hành khách, 5 triệu tấn hàng hóa nhưng vốn đầu tư lên đến 16 tỷ USD.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cũng cho rằng suất đầu tư tại sân bay Long Thành đang rất cao. Sân bay Suvarnabhumi ở Bangkok (Thái Lan) có tổng đầu tư 5 tỷ USD vào năm 2006 cho 100 triệu hành khách/năm (bình quân là 50 triệu USD cho 1 triệu hành khách). Sân bay Sydney ở Australia có công suất 82 triệu hành khách được đầu tư là 3,8 tỷ USD cho 10 năm tới.

Ông Nghĩa nói: "Đây là con số chúng ta cần tham khảo. Nếu như tình hình gần đây giá cả có thể tăng lên nhưng nhất thiết phải bảo đảm hiệu quả. Do đó phải nghiên cứu lấy ý kiến các chuyên gia".

Vậy chuyên gia nói gì?

Đề cập về vấn đề này chuyên gia hàng không, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống - Nguyên chủ nhiệm Bộ môn Kỹ thuật Hàng không - Trường Đại học Bách khoa TP.HCM khẳng định: Với năng suất thiết kế 80 - 100 triệu khách/năm, Cảng hàng không quốc tế Long Thành chỉ cần diện tích 1.800ha và 2 đường băng cất hạ cánh thôi, chứ không nên quá lãng phí với 5.000ha và 4 đường băng cất hạ cánh song song.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống - Nguyên chủ nhiệm Bộ môn Kỹ thuật Hàng không - Trường Đại học Bách khoa TP.HCM.

Dẫn chứng cho quan điểm của mình, chuyên gia Tống cho hay, cấu hình 4 đường hạ cất cánh (dài 4.000m x 75m) với dãn cách giữa 2 cặp đường hạ cất cánh 2.570m có tần suất tối đa giờ cao điểm là 120 chuyến/giờ để cho năng suất 100 triệu hành khách/năm.

Cấu hình 4 đường cất hạ cánh này của sân bay Long Thành vừa tốn rất nhiều diện tích đất vừa làm cho đường lăn máy bay giữa nhà ga hành khách với hai đường cất hạ cánh ngoài cùng rất lớn gây chậm trễ và tốn kém nhiên liệu.

Trong khi dự án sân bay mới Western Sydney ở Úc cũng cấp 4F có cấu hình 2 đường hạ cất cánh (3.700m x 60m) với dãn cách giữa 2 cặp đường cất hạ cánh 1.900m đảm bảo tiếp cận cất hạ cánh song song, độc lập… có tần suất cất hạ cánh tối đa giờ cao điểm là 98 chuyến/giờ với năng suất 82 triệu hành khách/năm.

Chiều dài đường cất hạ cánh 3.700m bảo đảm cho máy bay code E cất cánh với tầm bay 13.800km. Chiều dài đường cất cánh cho máy bay Airbus A380-800 là 2900m và cho máy bay Boeing 747-8 là 3050m. Trong tương lai máy bay lớn cần đường cất hạ cánh dài không còn được ưa chuộng nữa.

Tương tự như vậy, dự án mở rộng sân bay Gatwick ở phía Nam London có cấu hình 2 đường cất hạ cánh (3.316m x 60m) với dãn cách 1.045m cũng có tần suất cất hạ cánh tối đa giờ cao điểm là 98 chuyến/giờ với năng suất 95 triệu HK/năm, mặc dù chỉ hoạt động 16 giờ/ngày do cấm bay đêm.

Như vậy dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành không nên lãng phí với cấu hình 4 đường cất hạ cánh dài 4.000m và dãn cách 2570m mà chỉ nên xây dựng 2 đường cất hạ cánh dài 3.700m với dãn cách 1.900m để có nhà ga hành khách ở giữa.

Quá lãng phí khi sử dụng 5.000ha đất

Trong báo cáo đầu tư Dự án Đầu tư Xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành có kết luận rằng: "Nhìn chung các Cảng hàng không có năng suất lớn đều có quy mô từ khoảng 4.000ha đến 10.000ha, ngoại trừ Cảng hàng không quốc tế Changi (Singapore)".

Tuy nhiên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tống chỉ ra rằng, có trên thế giới có rất nhiều sân bay có năng suất lớn mà diện tích nhỏ lại không được Báo cáo Dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành đưa ra để tham khảo.

Chẳng hạn sân bay Heathrow (Anh) có năng suất thiết kế 80 triệu khách/năm với diện tích 1.227ha, sân bay Bắc Kinh có năng suất thiết kế năm 2009 là 82 triệu khách/năm với diện tích 1.480ha mà năm 2018 phục vụ 101 triệu khách, sân bay Fiuminicino ở Rome có năng suất thiết kế cho năm 2044 là 100 triệu khách/năm với diện tích 1.500ha, sân bay Barcelona (Tây Ban Nha) có năng suất thiết kế 85 triệu khách/năm với diện tích 1.533ha, sân bay Frankfurt (Đức) có năng suất thiết kế 80 triệu khách/năm với diện tích 2.300ha.

Các cảng hàng không có năng suất lớn, diện tích nhỏ

So với sân bay Western Sydney ở Úc cũng cấp 4F với diện tích quy hoạch 1.768ha và năng suất thiết kế 82 triệu HK/năm thì sân bay Long Thành có diện tích 5.000ha lớn gần gấp 3 lần là quá lãng phí và ảnh hưởng cuộc sống của khoảng 4730 hộ dân.

Đến nay việc giải phóng mặt bằng, đền bù và tái định cư cho dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành có tổng mức đầu tư lên tới 22.900 tỷ đồng, tăng 2,4 lần so với dự toán ban đầu 9.540 tỷ đồng. Nếu giảm diện tích sân bay Long Thành xuống mức 1.800ha như sân bay Western Sydney thì chi phí giải phóng mặt bằng, đền bù và tái định cư có thể giảm xuống rất nhiều.

"Như thế với năng suất thiết kế 80 - 100 triệu khách/năm, sân bay Long Thành chỉ cần diện tích 1.800ha với 2 đường băng cất hạ cánh thôi", Tiến sĩ Tống nhấn mạnh.

Sân bay Long Thành đắt gấp 3 lần các sân bay công suất lớn

Về tổng mức đầu tư, theo Tiến sĩ Tống, tổng mức đầu tư cho toàn bộ dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành là 336.630 tỷ đồng (tương đương 16,03 tỷ USD là vốn đầu tư rất lớn và rất lãng phí khi so sánh với các sân bay tương tự trên thế giới. Chẳng hạn sân bay Suvarnabhumi ở Bangkok có mức tổng đầu tư 5 tỷ USD năm 2006 với năng suất 100 triệu hành khách/năm, bình quân 50 triệu USD cho năng suất 1 triệu hành khách/năm.

Tổng mức đầu tư cho sân bay Long Thành với năng suất 100 triệu khách/năm là 16,03 tỷ USD, bình quân 160 triệu USD cho năng suất 1 triệu hành khách/năm, đắt gấp 3,2 lần so với sân bay Suvarnabhumi.

Sân bay Western Sydney ở Úc có năng suất 82 triệu khách/năm được đầu tư 3,8 tỷ USD (5,3 tỷ AUD (Úc kim)) trong 10 năm tới cho giai đoạn 1 với năng suất 40 triệu hành khách/năm, bình quân 95 triệu USD cho năng suất 1 triệu hành khách/năm.

Mức đầu tư cho giai đoạn 1 của sân bay Long Thành với năng suất 25 triệu hành khách/năm là 4,81 tỷ USD, bình quân 192 triệu USD cho năng suất 1 triệu hành khách/năm, đắt gấp 2 lần so với sân bay Western Sydney.

"Tóm lại nếu cần đầu tư xây dựng sân bay Long Thành thì tổng vốn đầu tư phải giảm xuống để tương đương với suất đầu tư của sân bay Suvarnabhumi ở Bangkok và sân bay Western Sydney ở Úc, mà việc này đi đôi với việc giảm diện tích sân bay xuống mức 1.800ha với cấu hình hai đường cất hạ cánh dài 3.700m", Tiến sĩ Tống khẳng định.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top