Aa

Chuyện nhà thơ lo Hồ Tây bị lấp!

Thứ Ba, 15/08/2017 - 22:35

Hồ Tây là một khu vực rất nhạy cảm của Hà Nội. Ai cũng xót xa khi nó bị xâm phạm, dù chỉ là vài mét nước mặt hồ. Trong quá khứ, đã có bao nhiêu xâm phạm đến tan nát cả cõi lòng rồi. Không, không thể như vậy được nữa…

LTS: Không phải chỉ nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát lo đâu, mà nhà văn Nguyễn Thành Phong cũng lo đau đáu. Bởi lâu nay, Hà Nội trong trái tim mỗi người đã nhiều lần bị xúc phạm bởi lòng tham của ai đó. Ông viết: “Đã có lúc, ta đi qua một đoạn phố thân thuộc, thấy quây kín lại, yên tâm một thời gian sau sẽ xong, lại đẹp đẽ, đàng hoàng hơn. Ai ngờ khi xong rồi, thì chình ình, kệch cỡm, khó mà sửa. Đã nhiều lúc ta đi qua con đường mới đẹp, công trình đang xây lên. Đùng một cái nó cao vót lên, chọc thẳng ánh mắt vô lối vào nơi linh thiêng, ta đã hướng đến trong những ngày xương máu với trọn niềm tin…”

Từ chuyện nhìn thấy mấy cái máy xúc đang hoạt động ủi ủi múc múc, chả rõ sẽ làm những gì với những bùn đất ùn ùn ở bên góc Hồ Tây, đoạn đầu đường Nguyễn Đình Thi, phía sau trường Bưởi, nhà thơ, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát đã kêu lên trên “phây” nỗi lo lắng của mình về nguy cơ Hồ Tây bị lấp. Rồi nhiều người cùng đồng thanh, rồi báo chí vào cuộc…

Rồi hóa ra không hẳn như vậy. Phường và quận lên tiếng.

Những máy xúc hoạt động ở Hồ Tây khiến người dân lo lắng. Ảnh: Dân Việt

Những máy xúc hoạt động ở Hồ Tây khiến người dân lo lắng. Ảnh: Dân Việt

Trao đổi với báo giới, bà Võ Bích Thuỷ, Chánh văn phòng UBND quận Tây Hồ, khẳng định: Hoàn toàn không có việc san lấp Hồ Tây để làm nhà, khách sạn, đây là khu vực thuộc dự án nạo vét hồ Tây. Bà Thuỷ nói rằng, dự án nạo vét hồ đã được đơn vị thi công 2 tuần nay và cũng đã thông báo cho người dân trước khi triển khai.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Trưởng Ban quản lý Hồ Tây, chủ đầu tư dự án trên, cho biết: Hình ảnh những chiếc máy xúc hoạt động ở khu vực hồ chính là công tác nạo vét lòng Hồ Tây từ số 2 đến 10 đường Nguyễn Đình Thi. Cũng theo ông Tuấn, dự án trên đã được cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt, với khối lượng bùn khoảng 30.000m3, hoàn thành trong năm 2017.

Sau khi tiếp nhận những phản hồi trên, nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát chia sẻ với một tờ báo: "Tôi chỉ mong tôi sai thôi và vô cùng mong lãnh đạo quận Tây Hồ cũng như BQL công trình nạo vét Hồ Tây đúng. Nhưng trước khi hạ hồi phân giải đúng sai, thì tôi, là một nghệ sĩ, nhà thơ, với tình yêu vô bờ bến với Hồ Tây không khỏi lo lắng khi bất chợt đi qua đoạn số 4 - 6 Thuỵ Khuê phía bờ Hồ Tây thấy một đoạn bờ dài được che chắn bằng những tấm tôn vững chãi mà xe máy, ôtô cứ lao vù vù.

Và cũng ít ai để ý thấy rằng, phía trong đó một khu đất rất rộng đã được san lấp hết mặt hồ. Ở khu vực tôi phản ánh trên facebook thì hai cái xe xúc đang hì hụi cào xúc, cào chỗ nọ hất vào chỗ kia... mà cái chỗ đó toàn là đất với đất và rất phẳng như ảnh tôi chụp, không mô bùn hay ụ bùn để có vẻ chờ xúc đi”.

Nhà thơ còn nói: "Tôi chỉ gỡ bài trên trang của mình chừng nào dự án nạo vét Hồ Tây kết thúc và chừng nào tôi cùng mọi người thấy bãi đất sát nhà Thuỷ Tạ, cũng như ở các góc khác được xúc mang đi đổ hết ở nơi khác. Chừng nào tôi và mọi người thấy góc Hồ Tây nước lại trong xanh, sóng đánh êm ả dưới chân nhà Thủy Tạ như xưa, thì tôi chắc chắn sẽ gỡ bài và sẽ có lời cảm ơn cùng xin lỗi”.

Mọi việc rồi sẽ hạ hồi phân giải. Nhưng ngay lúc này, ta thấy có vấn đề rồi.

Nếu thực sự đó là nạo vét, làm đẹp, là bảo vệ Hồ Tây, thì ai mà không ủng hộ, hưởng ứng? Tại sao người ta phải kêu lên như vậy. Không ai nghi ngờ tình yêu và ký ức đẹp đẽ về Hồ Tây trong tâm hồn người Hà Nội. Tại sao họ lại phải lo lắng như vậy trước một dự án, mà theo giải thích của chính quyền, là sẽ vun đắp đẹp đẽ vào tình yêu và ký ức của họ.

Hồ Tây là một khu vực rất nhạy cảm của Hà Nội. Ai cũng xót xa khi nó bị xâm phạm, dù chỉ là vài mét nước mặt hồ. Trong quá khứ, đã có bao nhiêu xâm phạm đến tan nát cả cõi lòng rồi. Không, không thể như vậy được nữa…

Mà Hà Nội, không chỉ Hồ Tây là nhạy cảm. Thủ đô có chỗ nào không nhạy cảm? Một góc phố rêu phong, một tán cây xanh, một tầm nhìn, một kè đá bờ hồ, một góc công viên… Tất cả đều cần bảo vệ, bảo tồn, phát huy… Để làm được việc ấy, thì cũng có lúc phải tôn tạo, sửa chữa, xây dựng…

Đã nhiều lúc, ta thấy người ta chặt cây, đốn gốc, tỉa cành. Xong việc rồi, nhiều kết quả hay, nhưng cũng đã mấy bận ta sững sờ vì hàng cây đẹp đã đi tong, rồi mỡ vàng tâm hay vàng tâm mỡ nhảy vào thay thế. Bao nhiêu tiếng nói, bao nhiêu quyết liệt, mới loại đi được cái đám lai căng ấy, mà giờ vẫn còn nhiều tiếc nuối…

Đã có lúc, ta đi qua một đoạn phố thân thuộc, thấy quây kín lại, yên tâm một thời gian sau sẽ xong, lại đẹp đẽ, đàng hoàng hơn. Ai ngờ khi xong rồi, thì chình ình, kệch cỡm, khó mà sửa. Đã nhiều lúc ta đi qua con đường mới đẹp, công trình đang xây lên. Đùng một cái nó cao vót lên, chọc thẳng ánh mắt vô lối vào nơi linh thiêng, ta đã hướng đến trong những ngày xương máu với trọn niềm tin…

Những câu chuyện ấy đã làm xói mòn sự tin tưởng của người dân vào chính quyền. Chưa kể, có lúc, rõ ràng tình yêu Hà Nội của chúng ta đã bị một đám thông đồng để lừa gạt, để qua mặt…

Vậy thì phải làm sao? Không có gì hay hơn là dân biết, dân kiểm tra. Nếu được dân bàn, dân làm, với những công trình lớn nữa, thì tốt biết bao.

Nếu cái chỗ Hồ Tây đang nạo vét ấy, thay vì cái biển ghi chữ “Công trường” bé xíu, là một tấm pano kích thước khiêm tốn thôi, có ghi rõ mục tiêu, quy mô, thời hạn thực hiện của dự án, tức là tóm tắt mấy cái ý mà mấy vị có trách nhiệm phát biểu sau sự cố xảy ra, thì đã không có chuyện xôn xao. Rõ ràng, công khai không tốn kém gì lắm, mà dân lại thêm tin tưởng, dân lại giúp theo dõi, kiểm tra. Đồng thuận từ đấy mà nhân lên. Tiến tới, các công việc, dù nhỏ, ở trên đường phố, ví dụ triển khai cưa cắt cành cây chẳng hạn, cũng có vài tờ giấy khổ A3, ghi vắn tắt nội dung kế hoạch, mục đích, thời gian thực hiện. Như thế là việc nhỏ mà chu đáo, mà tin tưởng nhân lên. Thậm chí còn ngăn chặn được cả những việc làm khuất tất, mờ ám nữa ấy chứ…

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top