Aa

Chuyện nhuận bút của nhà văn

Thứ Sáu, 03/01/2020 - 06:30

Tôi nhớ lúc đó, ngoài cơ quan công tác đài truyền hình, tôi là cộng tác viên có phụ cấp của chỉ hai tờ báo và viết cho họ mỗi tháng vài bài, số tiền nhuận bút thu về cả chục triệu. Tiền dễ kiếm đâm "chảnh"...

Có lẽ không đâu như ở ta, đa số các nhà văn đều trưởng thành từ viết báo. Từ thơ ca đến truyện ngắn, ký, tạp văn đều được thử thách từ in báo rồi sau đó được tác giả gom vào tập in thành sách. Thậm chí có thời tiểu thuyết cũng được báo chí đăng tải gọi là truyện dài kỳ. Chính vì vậy, nói một cách không hề quá đáng rằng, chính các tòa báo mới là nơi để các nhà văn lập nghiệp và chính báo chí là những bà đỡ tuyệt vời cho tác phẩm nhà văn. Đấy là chưa kể không ít các nhà văn làm việc ở chính các tờ báo và họ là những nhà báo đích thực. Nhưng thử thách sáng tác là một chuyện, việc in ấn trên báo để kiếm nhuận bút cũng là một động lực mạnh mẽ. Nó là một khoản thu nhập cho nhà văn nhất là ở những thời kỳ kinh tế khó khăn.

Mỗi nhà văn đều có những sự khởi nghiệp rất riêng. Họ chọn cách viết phù hợp với mình và tìm đến một tờ báo để thử sức. Thuở ban đầu vào đầu những năm 80, tôi sau khi bươn chải đủ nghề, quyết định lập nghiệp bằng văn chương, dù bấy giờ tôi đã khá yên ổn biên chế trong ngành điện. Tôi chọn viết văn xuôi và những cái ngăn ngắn ban đầu dạng truyện ngắn mini gửi đăng ở chính tờ “An ninh Thủ đô”. Để in ở đây tôi đã chọn lựa rất kỹ chuyên mục mình có thể cộng tác. Đó là mục về đời sống “Chuyện trong mỗi nhà”. Lựa chọn này của tôi chính xác. Các bài viết của tôi được báo chấp nhận. Hàng loạt sáng tác được in liên tục. Từ chuyên mục đó, tôi dần phát triển sang các tờ báo khác có trang văn nghệ chính thức. Cũng chỉ viết truyện ngắn và ký. Khi đã có ít dấn vốn tôi gom góp lại in thành sách. Cứ thế tôi đi theo con đường văn chương một cách tương đối thuận buồm xuôi gió.

Đầu những năm 80 là thời kỳ đất nước cực khó khăn. Đồng lương có hạn, xoay sở để sống được là việc ai cũng phải cố gắng. Nhuận bút một bài báo lúc ấy tuy thế lại không phải là ít. Tôi nhớ nhuận bút một bài là mấy trăm đồng, đủ để mời bạn bè uống được trận bia hơi tàm tạm. Lúc đó báo chí chưa nhiều như bây giờ, đa số những tờ in văn thơ đều là tuần báo và vì thế phải rất chất lượng về bài vở mới được in. Nếu mỗi tháng in được vài bài là coi như có thể có thêm một tháng lương như lĩnh ở cơ quan. Sang thập niên 90, khi chế độ nhuận bút có những cải tiến đáng kể thì thu nhập từ báo chí lại là một nguồn thu chính thức của không ít nhà văn. Chỗ này phải tách bạch, không tính lương công việc chính thức nhé, chỉ tính thu nhập nhuận bút thôi đấy.

Khi internet chưa phát triển, báo giấy ở vào một thời hoàng kim nhất là những năm đầu của thế kỷ 21. Có tờ báo in xấp xỉ trăm vạn bản mỗi kỳ. Và lúc này thì những nhà văn có bút lực mạnh, nhạy bén thời cuộc và quan trọng không kém là phải chăm chỉ, sẽ sống được bằng nhuận bút. Tôi nhớ lúc đó, ngoài cơ quan công tác đài truyền hình, tôi là cộng tác viên có phụ cấp của chỉ hai tờ báo và viết cho họ mỗi tháng vài bài, số tiền nhuận bút thu về cả chục triệu. Tiền dễ kiếm đâm "chảnh", không ít nhà văn còn kén chọn nơi in. Báo chí trong lĩnh vực văn học cũng có ranh giới Bắc, Nam rõ ràng. Các nhà văn ở phía Bắc hay in ở những tờ có trụ sở phía Bắc và ngược lại, các nhà văn ở phía Nam tập trung in ở các báo thuộc TP.HCM. Tất nhiên cũng có du di chuyển vùng nhưng cũng phải là những nhà văn viết cứng cựa phù hợp với phong cách vùng miền mới được chấp nhận.

Mức nhuận bút, do số lượng phát hành lớn, nên những tờ báo phía Nam nhuận bút có khi nhỉnh hơn phía Bắc chút đỉnh. Nhưng cái sự chênh lệch này chỉ có ở một vài tờ báo tầm cỡ. Nhà văn được tờ báo nào mời cộng tác viết thường xuyên đồng nghĩa với khoản thu nhập tương đối cố định. Vào dịp Tết nhất, viết báo Xuân lại là một dịp để người viết tăng thu nhập. Tôi biết có nhà thơ chỉ riêng in thơ vào một Tết trên hàng mấy chục tờ báo đã có một khoản kiểu như thưởng Tết khấm khá.

Cuộc đời có những thay đổi biết trước nhưng vẫn thấy bất ngờ. Báo giấy từ dăm năm trở lại đây bắt đầu sụt giảm số lượng. Độc giả chuyển dần đọc báo mạng. Điều này khiến tira các báo giấy xuống hàng ngày. Tờ nào khá lắm cũng chỉ duy trì được non nửa số lượng ngày trước. Điều đó đồng nghĩa là nhuận bút phải giảm, dù rằng viết báo mạng bây giờ cũng có nhuận bút nhưng thường chỉ có ở một vài tờ báo mạng lớn.

Các nhà văn tự nhiên mất đi một khoản thu nhập đáng kể. Nhưng dù sao nhuận bút văn chương cũng chỉ là thêm thắt bởi các nhà văn đều làm những công việc khác hưởng lương như phóng viên, biên tập viên, công chức, thậm chí là lãnh đạo và đủ mọi nghề nghiệp khác. Thế nên, tiền viết báo lẻ, thu gom thành sách thì có nhuận sách, những khoản đó cộng lại ở thời bây giờ thì đúng là chẳng thể gọi là thu nhập nuôi sống nhà văn được nhưng nếu vin vào đấy như có không ít người vẫn hay nói là nhuận bút rẻ mạt không đủ sống, lại là một câu chuyện khác.

Tôi về hưu được vài năm. Tiền lương hưu dăm, bảy triệu, nên thật lòng nếu không viết báo, không in sách thì việc tiêu pha quen như nếp cũ là không thể. Vậy nên vẫn phải nhận một vài chuyên mục để viết. Vừa có tiền, vừa rèn luyện trí não, vừa tích cóp được thực tế để không bị lạc hậu thời cuộc. Bao nhiêu là tiện lợi nhưng cái này mới là cái chính, nhà văn nếu không viết thì coi như đã tự loại mình ra khỏi đời sống văn học.

Với riêng tôi viết còn là để tri ân những tờ báo, nơi mình khởi nghiệp và nuôi thân gần như suốt cả cuộc đời.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top