Aa

Clip bôi đen cuộc đời và tô hồng đời sống...

Chủ Nhật, 14/04/2019 - 15:01

Xấu hay tốt, hại hay hiệu quả, họa hay phúc... đều do cách và ý thức của người tung clip. Nhưng dù cấm hay hạn chế, lọc bớt hay khuyến khích thì clip vẫn phát tán là điều khó tránh khỏi.

Hàng loạt những clip đình đám từ vụ MC Trâm Anh, cựu Viện phó sàm sỡ bé gái, giang hồ mạng Khá Bảnh và Phúc XO, con nợ đánh đòi nợ thuê... lan truyền chóng mặt không chỉ thay đổi số phận một con người mà có khi còn mở ra hàng loạt hệ lụy khác. Nhưng clip cũng như cuộc đời vẫn có những mảng không phải chỉ màu đen.

Nếu không có clip ông Nguyễn Hữu Linh sàm sỡ bé gái tại TP.HCM hay gã trung niên đè ôm cô gái ở Hà Nội thì làn sóng phẫn nộ quanh nạn dâm ô, xâm hại tình dục chắc chẳng dâng cao như thời gian qua. Đừng chơi dại vừa làm những trò bậy lại vừa khoe khoang, live stream trên cõi mạng thì Khá Bảnh và nhiều tên giang hồ mạng đã không vướng vòng lao lý nhanh như vậy.

Con nợ kia cũng khó tìm bằng chứng hành hung đám đòi nợ thuê nếu đừng đăng facebook xem như một chiến tích. Riêng cô Trâm Anh có lẽ chẳng cần tìm lý lẽ để thanh minh cho việc mà bất cứ cặp đôi yêu nhau nào cũng có thể làm. Nhưng tất cả đã thay đổi chỉ sau một vài clip phát tán rộng rãi.

Khá Bảnh trở thành hiện tượng đình đám trên mạng xã hội.

Khá Bảnh trở thành hiện tượng đình đám trên mạng xã hội.

Ý kiến trái chiều, tranh cãi không dứt về tác hại hay hiệu quả của những clip chấn động dư luận sẽ còn bất tận. Nên hay không đưa những clip lên mạng xã hội thay vì gửi đến cơ quan chức năng mãi vấn là chủ đề bất đồng. Nhưng không thể phủ nhận là xử lý sẽ nhanh hơn, tác động xã hội sẽ lớn hơn và tai hại cũng vô cùng khủng khiếp khi những clip xấu xí được phát tán.

Sao ngoại hay nội, quan chức Việt Nam hoặc nước ngoài, sự cố chấn động trong nước và quốc tế... đã dính đến clip “đen” la xem như tiêu tán sự nghiệp, thân bại danh liệt. Nhưng rất khó để tìm những án phạt nặng cho kẻ xâm phạt đời tư và bôi nhọ người khác. Thường phạt hành chính hay xử lý mang tính cảnh cáo những người “vô tình” hay cố ý hủy hoại cuộc đời ai đó.

Có thể những clip như vụ cựu Viện phó hay video tố cáo những trò bẩn của đám giang hồ mạng sẽ khiến dư luận và cơ quan chức năng sớm nhận rõ trò bẩn hơn. Trong mặt tích cực nào đó thì hàng loạt clip lan truyền trên mạng đang giúp luật pháp điều chỉnh tốt hơn, hoàn thiện hơn và người ta cũng nhìn vào đó để răn mình.

Tất cả đều như “thuốc chữa bệnh”, đúng liều sẽ giúp cơ thể khỏe mạnh và quá liều chắc chắn để lại những hậu quả không lường. Nhiều clip có thể bôi đen cuộc đời nhưng chẳng ít những clip tô hồng cuộc sống. Đừng chỉ nhìn vào những clip truyền bá cái xấu mà nên xem thêm những clip đem đến năng lượng tốt cho cuộc sống chúng ta luôn có khá nhiều trên mạng.

Đã từng có những nữ sinh ở Yên Bái, Đồng Nai, Hà Nội, Nghệ An... tự tử vì không chịu nổi sức ép khi clip riêng tư bị đem ra làm “mồi” cho thiên hạ “xâu xé”. Cũng từng có không ít người được minh oan, trả lại danh dự hay tìm được công lý khi clip sự thật được công bố và người người “soi xét”. Không chỉ người dân mà cơ quan Nhà nước đã từng “nhờ” nhiều clip để sáng tỏ sự việc, trả lại công bằng cho nhiều vụ việc bị cố tình cắt xén.

Xấu hay tốt, hại hay hiệu quả, họa hay phúc... đều do cách và ý thức của người tung clip. Nhưng dù cấm hay hạn chế, lọc bớt hay khuyến khích thì clip vẫn phát tán là điều khó tránh khỏi. Giờ đây chỉ còn làm cách nào, quản lý ra sao với biện pháp gì để những clip ảnh hưởng đến hàng triệu người giảm thiểu tính tiêu cực và tối đa mặt tích cực. Cấm không khó, quản được và tận dụng tốt mới là điều cần làm.  

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top