Aa

Cơ hội nào cho bất động sản nghỉ dưỡng sau dịch?

Nguyên Hà
Nguyên Hà lienlien.media@gmail.com
Thứ Bảy, 04/04/2020 - 14:00

Dù chịu tác động lớn bởi dịch Covid-19 nhưng giai đoạn này như “lửa thử vàng” đối với bất động sản nghỉ dưỡng. Theo đó, thị trường sẽ sớm phục hồi và các dự án xanh có lợi cho sức khỏe sẽ chiếm thế thượng phong.

Trước ảnh hưởng của dịch bệnh đến nền kinh tế toàn cầu, bất động sản nghỉ dưỡng đang trở thành phân khúc bị ảnh hưởng nặng nề nhất thị trường.

Báo cáo của Công ty chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) đánh giá ngành bất động sản nghỉ dưỡng chịu nhiều tác động tiêu cực hơn so với các phân khúc còn lại. “Dịch vụ du lịch và lưu trú bị ảnh hưởng trực tiếp, sẽ gián tiếp ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu cho thuê bất động sản du lịch và condotel trong ngắn hạn”, báo cáo cho hay.

Các nhà phân tích của BSC cho rằng các doanh nghiệp triển khai nhiều dự án bất động sản nghỉ dưỡng trong ngắn hạn sẽ càng khó khăn hơn trong việc mở bán dự án, ảnh hưởng đến tiến độ thu tiền so với kế hoạch mở bán trước đó.

Tại báo cáo nghiên cứu đánh giá về tác động của dịch Covid-19 đến thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam do Savills vừa phát hành, ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels Châu Á - Thái Bình Dương cho biết, đây là lần đầu tiên lượng du khách quốc tế trên toàn cầu sụt giảm sau chuỗi 10 năm tăng trưởng liên tiếp. Trước tình hình dịch bệnh vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm cùng với các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh của Chính phủ như cắt giảm các chuyến bay quốc tế và đóng cửa biên giới, chúng tôi dự báo lượt du khách quốc tế sẽ còn giảm mạnh hơn con số dự kiến này. Yếu tố chính dẫn đến sự sụt giảm khách quốc tế của các quốc gia Đông Nam Á là do sự phụ thuộc lớn của khu vực này vào thị trường khách Trung Quốc trong khi đây là quốc gia bị ảnh hưởng trầm trọng từ dịch bệnh.

Thống kê từ Grant Thornton Việt Nam cũng ghi nhận, công suất phòng của các khách sạn ở Hà Nội, TP.HCM đã bị giảm từ 20% - 50%. Các điểm đến nghỉ dưỡng trọng điểm như Sapa, Đà Nẵng, Cam Ranh, Nha Trang hay các công ty lữ hành tại TP.HCM, Vịnh Hạ Long cũng đều ghi nhận sụt giảm khoảng 50% công suất so với trước khi dịch xảy ra.

Trước ảnh hưởng của dịch bệnh đến nền kinh tế toàn cầu, bất động sản nghỉ dưỡng đang trở thành phân khúc bị ảnh hưởng nặng nề nhất thị trường.

Cần bao lâu để thị trường “hồi sức”?

Trả lời câu hỏi này, ông Trần Đình Quý - Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Khánh Hòa cho rằng, để trở lại sau dịch, bất động sản nghỉ dưỡng phải phụ thuộc vào kinh tế các nước chứ không riêng Việt Nam.

Theo ông Quý, điều quan trọng nhất bây giờ là chống dịch và muốn bất động sản nghỉ dưỡng “hồi sức” thì phải hết dịch, giao thương quốc tế bình ổn. Bên cạnh đó, cần có những gói kích cầu và những giải pháp cụ thể.

“Ít nhất phải mất từ 3 tháng đến 6 tháng, bất động sản nghỉ dưỡng mới trở lại quỹ đạo và từ 6 tháng đến 1 năm mới trở lại giá trị của nó”, ông Quý cho biết thêm.

Cũng theo ông Quý, dù tác động của đại dịch Covid-19 có thể sẽ khiến thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng rơi vào khó khăn. Nhưng về góc độ khác, đây là cơ hội tốt để sàng lọc lại thị trường cho các chủ đầu tư, nhà môi giới. Đây cũng là lúc các doanh nghiệp rà soát lại nhân sự, quy trình quản trị, tránh đầu tư dàn trải ồ ạt. Cơ hội để kiểm tra, rà soát lại các dự án, lĩnh vực kinh doanh.

“Việt Nam vốn là nước giàu tiềm năng du lịch và chắc chắn rằng, cơ hội tăng trưởng sẽ cao. Sau điểm chững, bất động sản nghỉ dưỡng sẽ còn bứt phá mạnh mẽ.

Tôi nhận thấy còn nhiều tín hiệu lạc quan cho lĩnh vực này.

Đầu tiên, Việt Nam đã có những biện pháp xử lý tình trạng dịch bệnh tốt. Khi đại dịch đi qua, thì du lịch chắc chắn sẽ khởi sắc trở lại, bất động sản nghỉ dưỡng cũng tăng trưởng. Vì nhu cầu du lịch của người dân rất lớn.

Nhìn vào cơ cấu khách nước ngoài đến Việt Nam, có thể thấy, khách đến từ Campuchia, Thái Lan, Na Uy, Mỹ, Nga… đều tăng. Xu hướng này sẽ còn tiếp tục. Đây là lượng khách có thể bù đắp đi sự thiếu hụt của khách du lịch Trung Quốc. Hơn nữa, đây là lượng khách có khả năng chi tiêu tốt, đóng góp cho nền du lịch”, vị chuyên gia khẳng định.

Còn nhiều cơ hội cho thị trường bất động sản nghỉ dưỡng.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cũng nhận định, có một quy luật rằng, sau khó khăn, thị trường lại khởi sắc. Đầu tư thông minh đúng điểm rơi, đón đầu sóng thị trường lại là bước đi khôn ngoan. Và thực tế, đã không ít nhà đầu tư thành công từ việc sẵn sàng mạo hiểm bỏ vốn khi thị trường gặp khó.

“Nhìn trong dài hạn, bất động sản nghỉ dưỡng vẫn là phân khúc giàu tiềm năng bởi nhu cầu du lịch vẫn gia tăng mạnh. Nhà đầu tư khôn ngoan sẽ tự lựa chọn cho mình dự án sinh lời”, ông Đính nói.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc Bộ phận R&D DKRA Vietnam cho hay: “Khi hoạt động du lịch khởi sắc và sôi động trở lại thì bất động sản nghỉ dưỡng sẽ có diễn biến tích cực hơn. Đặc biệt, nếu cơ quan chức năng sớm ban hành hệ thống văn bản pháp lý quy định rõ ràng về quyền sở hữu, loại hình sẽ có cơ hội phát triển mạnh. Du lịch giữ vai trò là môi trường và nền tảng, còn yếu tố chính sách pháp lý sẽ là cú hích cho phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng tiếp tục phát triển trong thời gian sắp tới”.

Các chuyên gia nhấn mạnh, đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng thường mang tính dài hạn dài hạn, do đó, những ảnh hưởng của dịch bệnh chỉ trong ngắn hạn, càng là cơ hội để sàng lọc, tìm kiếm nhà đầu tư có năng lực trên thị trường và cũng là cơ hội để các nhà đầu tư nước ngoài tìm được những thương vụ khả thi tại Việt Nam - Điểm đến du lịch được đánh giá còn rất nhiều tiềm năng.

Xu hướng bất động sản nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe lên ngôi

Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến khó lường, người dân rụt rè hơn trong các hoạt động xã hội, hoạt động cộng đồng, phần lớn quyết định dành thời gian nghỉ ngơi và vui chơi tại không gian sinh sống quanh nhà. Điều này thúc đẩy nhu cầu tìm kiếm những dự án bất động sản xanh, tiện ích đồng bộ, hiện đại, có lợi cho sức khỏe của đại đa số các cư dân đô thị.

Bên cạnh đó, trước sự dịch chuyển xu hướng du lịch kết hợp chăm sóc sức khỏe như hiện nay thì các dự án bất động sản nghỉ dưỡng đáp ứng được nhu cầu trên đang được các nhà đầu tư quan tâm.

Xu hướng bất động sản nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe lên ngôi.

Xu hướng này vô hình chung đã đưa loại hình "bất động sản sức khỏe" (second home) lên ngôi trong mùa dịch bệnh, tất yếu dẫn đến sức hút của dòng sản phẩm second home dành cho giới đầu tư nhanh nhạy.

Với second home, chủ nhân ngôi nhà có thể tận hưởng các kỳ nghỉ dưỡng cùng gia đình trong không gian yên bình, cảnh sắc thiên nhiên gần gũi, thoáng đãng. Sự thoải mái đúng nghĩa về thể chất và tinh thần trong không gian tiện nghi, hiện đại sẽ mang lại trải nghiệm một ngôi nhà xanh đúng nghĩa cho chủ sở hữu.

Đó là chưa kể second home còn mang lại lợi ích kép cho gia chủ khi vừa có thể tận dụng để nghỉ dưỡng, vừa có thể sinh lời từ việc cho thuê, tối đa hóa lợi ích và giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư.

Theo dự báo của các chuyên gia, du lịch nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe sẽ phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Trong khi đó, một lợi thế sẵn có của Việt Nam là sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng, phong phú với nhiều bãi biển, suối khoáng đẹp, giàu giá trị và những bài thuốc quý về làm đẹp, tăng cường sức khỏe.

Do vậy, đối với các nhà đầu tư có tầm nhìn và nhanh nhạy trong nắm bắt các xu hướng phát triển du lịch, dịch vụ thì các dự án bất động sản du lịch nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe không chỉ thúc đẩy du lịch phát triển mà còn khẳng định được vị thế của nhà đầu tư

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top