Aa

Cơ hội phát triển điện mặt trời ở Việt Nam

Hồng Vũ
Hồng Vũ pvhongvu@gmail.com
Thứ Tư, 23/08/2017 - 20:01

Điện mặt trời lắp đặt trên mái nhà đang có cơ hội phát triển tại Việt Nam nhờ những ưu điểm tiết kiệm chi phí, đảm bảo năng lượng, giảm ô nhiễm môi trường…

Điện mặt trời đang được ưa chuộng

Tại hội thảo Phát triển điện mặt trời Việt Nam: những xu hướng gần đây và các vấn đề mới nổi diễn ra sáng ngày 21/8, nhiều chuyên gia cùng đưa ra nhân định rằng, các nước trên thế giới đang chạy đua để tạo ra các nguồn năng lượng mới như điện mặt trời, điện gió... Bởi, nguồn năng lượng mới sẽ bổ sung cho nguồn năng lượng truyền thống đang dần cạn kiệt cũng như đáp ứng nhu cầu sử dụng năng lượng không ngừng gia tăng cho quá trình phát triển kinh tế xã hội. Tương tự, Việt Nam cũng không nằm ngoài quy luật đó.

Trong các nguồn năng lượng mới đang được khai thác và phát triển tại Việt Nam thì điện mặt trời đang có điều kiện phát triển tốt nhất. Mặc dù, mức sinh lời của điện mặt trời không cao như thủy điện hay nhiệt điện, nhưng lại phù hợp xu hướng của nhiều gia đình, chung cư, nhà ở, khách sạn…

Theo ông Rainer Brohm, Công ty Tư vấn Năng lượng tái tạo RB (Đức) có 3 động lực chính để đầu tư điện mặt trời tại các hộ gia đình. Trong đó, động lực quan trọng đầu tiên là tiết kiệm hóa đơn điện. Các hộ gia đình có thu nhập vừa và cao thường có nhu cầu điện hàng tháng từ 500 đến

Bên cạnh đó, điện mặt trời thể hiện rõ tính độc lập năng lượng khi có có thể cung cấp 50-80% nhu cầu năng lượng của các hộ gia đình và biệt thự (tùy thuộc vào kích cỡ của hệ thống và dung lượng lưu trữ).

Không những vậy, điện mặt trời còn đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng. Cụ thể, hệ thống điện mặt trời thường bao gồm bộ lưu trữ pin và được trang bị các thiết bị "off-grid" để đảm bảo nguồn cung cấp điện trong suốt giờ cao điểm (hệ thống an ninh, internet…).

Việt Nam

Việt Nam có tiềm năng to lớn để phát triển điện mặt trời (Ảnh minh họa)

Cũng theo chia sẻ của ông Nguyễn Hoàng Nam, Viện chiến lược và chính sách về Tài Nguyên và Môi trường, kết quả khảo sát của dự án SEU-HANOI 2017, một dự án lắp đặt pin mặt trời tại các hộ gia đình cho thấy, phần lớn các hộ gia đình trung lưu tại Hà Nội đều có nhu cầu tiết kiệm năng lượng và muốn có giải pháp khả thi. Bên cạnh đó, các hộ đều muốn lắp đặt mới hoặc tích hợp hệ thống tự sản xuất năng lượng tái tạo từ năng lượng mặt trời và chấp nhận chi phí ban đầu nếu giá rẻ. Ngoài ra cũng có một số hộ quan tâm đến giá giá thành, thủ tục pháp lý hơn là vấn đề công nghệ, kỹ thuật.

Theo phân tích của ông Nam về mô hình điện mặt trời cho các hộ gia đình thì chi phí đối với hệ thống hòa lưới 1 pha, không ắc quy tích điện có công suất 2kWp có giá từ 50-70 triệu đồng, còn công suất cao nhất là 5kWp mất 120-200 triệu đồng. Tương tự, chi phí đối hệ thống hòa lưới 3 pha, không ắc quy tích điện với công suất 15kWp sẽ mất 300-500 triệu đồng.

Tuy nhiên, trong quá trình lắp đặt và sử dụng sẽ thu về lợi ích kinh tế khá cao. Cụ thể là tuổi thọ của hệ thống điện mặt trời kéo dài tới 25 năm (trung bình thời gian bảo hành cả hệ thống là 2-3 năm, tuổi thọ cho tấm pin là 10-15 năm). Bên cạnh đó, tại Hà Nội, mức tiêu thụ điện trung bình là 146,27 kWh/hộ/tháng, trong khi lượng ánh sáng mặt trời trung bình là 3,84 kWh/ngày. Theo tương ứng, khi lắp 1kWp tấm điện mặt trời thì trung bình mỗi ngày thu được 3.84 kWh mà công suất tối đa của các hộ chỉ vào khoảng 2kWp. Điều đó có nghĩa là chi phí so với mua điện lưới đã giảm đáng kể.

Như vậy, từ những những ưu điểm và bài toán lãi kinh tế, các hộ gia đình, doanh nghiệp nhỏ nếu có mặt bằng và điều kiện thuận lợi tiếp nhận ánh sáng mặt trời thì nên lắp đặt điện mặt trời. Đặc biệt, hiệu quả kinh tế cao khi áp dụng tại các các tòa nhà chung cư bởi điện mặt trời trên mái nhà đủ để cấp cho hệ thống thang máy, điều hòa và nước nóng.

Cần chiến lược phát triển

Tại hội thảo, các chuyên gia cũng cho rằng, trong thời gian tới, khi giá điện tiếp tục tăng thì việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời chắc chắn sẽ là xu hướng quan tâm của nhiều hộ gia đình và doanh nghiệp nhỏ. Bên cạnh đó, theo quyết định 11 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ các dự án điện mặt trời thì EVN phải ưu tiên mua toàn bộ sản lượng điện của các dự án điện mặt trời. Điều đó có nghĩa là các hộ dân hoàn toàn có thể tham gia vào thị trường sản xuất và mua bán điện.

Cũng theo ông Rainer Brohm: “Bỏ lỡ cơ hội này thực sự là điều đáng tiếc đối với các nhà đầu tư trong nước vì tiềm năng phát triển nguồn điện năng lượng mặt trời ở Việt Nam là rất lớn”.

Bên cạnh xây dựng chính sách để thực hiện phát triển năng lượng tái tạo, điện mặt trời, các chuyên gia cho rằng, cần có những cơ chế về giá để hấp dẫn các nhà đầu tư. Cụ thể là cơ chế hòa lưới điện quốc gia; ban hành bộ tiêu chuẩn cho các thiết bị sử dụng… Ngoài ra, nhà nước cũng cần sớm có bộ tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan đến điện mặt trời như tiêu chuẩn tấm pin, invester chuyển điện, giàn khung đỡ để giúp người tiêu dùng mua đúng sản phẩm chất lượng.

Ông Đỗ Đức Tưởng, Cố vấn Năng lượng sạch Chương trình Năng lượng của USAID Việt Nam cho biết, việc đầu tư vào điện mặt trời ở Việt Nam vẫn còn khiêm tốn. Nhà đầu tư mong muốn có một chính sách giá điện mặt trời dài hơi và ổn định hơn để có thể khuyến khích nhiều doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này hơn nữa.

 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top