Aa

Có một quán văn

Thứ Hai, 11/05/2020 - 07:00

Cái quán chiêu văn này chỉ là một hạt cát giữa hằng hà sa số các cá thể mạng và những gì họ đã làm thì không chỉ còn là những hạt cát nhỏ nhoi nữa...

Tôi chơi facebook nhưng ghét nhất là cứ bị mời vào nhóm này nhóm kia. Có lần đã phải nổi nóng, chặn hết những ai hay mời vào nhóm. Bởi dưới mắt tôi và đa phần là thế, toàn là những nhóm vớ vẩn, thậm chí là rất buồn cười. 

Trước đó, tôi chỉ tham gia mấy nhóm, có hai nhóm về ô tô, rất hay, từ hồi mới lái xe tới giờ lái 5 vạn cây số rồi, vào đấy đọc và xem vẫn thấy rất thú vị. Các nhóm văn chương hầu như tôi không tham gia dù liên tục bị mời, vì đa phần nó rất... tự phụ, nó không cho mình học hỏi được gì thêm. Thời gian giờ không cho phép mình... nhung nhoăng nữa, đọc cái gì là phải chọn lọc. Vả lại, cái cảnh văn chương như giờ: thơ bán mớ, văn đại hạ giá, lăn lóc vỉa hè, khiến mình cũng thấy bị tổn thương...

Cho đến một hôm, thấy một tin nhắn qua inbox: Quán chiêu văn mở cuộc thi "Ký ức chiến tranh" nhân dịp 30/4, mời ông tham gia Ban Giám khảo, cùng 2 ông nữa. Mong ông nhận lời. Người mời có nick là "Nghi Hoang Trinh" tôi cũng từng gặp trên facebook vài năm nay, thấy ông này lông lống cỡ mình, nhưng facebook thì đông đặc fan, ổng đưa cái gì lên cũng hàng ngàn "lai" (like) hàng vài trăm "còm" (comment). Nể thật! Bèn trả lời: Anh cho tôi thời gian nghiên cứu chút nhé.

Và rồi, lò dò vào cái trang "Quán chiêu văn" ấy. Mà choáng!

Thứ nhất, nó có hơn 25.000 thành viên. Tức là đông gấp hơn 25 lần hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Thứ hai, những bài viết trong ấy rất được, đa phần là hay. 

Trước đây, khi chơi facebook, tôi có một mục tiêu là để... học. Ngoài số anh em nhà văn, nhà báo bạn mình để mình học, chưa phải bạn thì càng phải học. Và học ngay chính những người hết sức vô danh về chữ nghĩa, nhưng nhiều người viết thú vị vô cùng. Ngay hai nhóm về ô tô mà tôi tham gia ấy, nhiều người viết cực hay, đọc cứ thun thút. 

Còn nếu chữ chưa hay thì nó lại... tươi, vì tất cả là những câu chuyện họ thấy trên đường, họ kể lại, những suy nghĩ cũng rất tươi mới, rất cá thể... Nó khiến đọc cứ như là đến một vùng đất lạ, gặp bao nhiêu điều mới, cả chữ và việc.

Thì cái "Quán chiêu văn" này, nó là nơi những người chơi chữ tập hợp lại với nhau, vô tư, không vụ lợi, không ganh đua, không ganh ghét đố kỵ. Cái ông cầm chịch xưng "cụ" cứ hề hề, rất tài làm trung tâm đoàn kết.

Một cuộc giao lưu với các tác giả nổi tiếng.
Một số cuốn sách của Quán chiêu văn được xuất bản.

Làm cái anh thợ chữ ấy, rất kỵ mấy điều: Một là đố kỵ, thấy ai hơn mình là ghét, là nói xấu, là dìm. Hai là tham: Cái giống văn nghệ không tham thì thôi, chứ đã tham thì tham đến tận cùng, từ gạ gẫm đi viết cho cơ sở, đến ăn chặn của nhau, rồi của cả cơ quan (các hội Văn học nghệ thuật ấy, mà có mấy ông lãnh đạo hội địa phương bị khởi tố, ra tòa là ví dụ. Mà khổ, không ra tấm ra miếng nên càng thảm hại và nhếch nhác). 

Ba là dốt: Dốt mà không chịu nhận dốt. Thứ tư là tham quyền cố vị. Một số hội Văn học nghệ thuật địa phương đang bị lầy vào mấy điểm này. Mà nó là hội Nhà nước, có đủ thứ "hệ thống chính trị" để quản lý, kiểm tra kiểm soát, họp hành kiểm điểm liên miên còn thế, đây chỉ là cái nhóm, cái "quán" trên mạng mà lại đông thế, mà đâu vào đấy được, tài thật!

Lại lần tiếp thì thấy, té ra nó mới thành lập được... 2 năm. Từ mấy người chơi với nhau phát triển lên hơn 25.000 thành viên, tổ chức mấy cuộc thi. Đến nay Quán đã xuất bản 5 ấn phẩm, gồm 3 tập truyện ngắn với 125 tác phẩm; một tập thơ chọn với 77 tác phẩm và một tập tản văn chọn lọc với 105 tác phẩm.

Đã lựa chọn và giới thiệu trên các báo, tạp chí, trên sóng VOV... 587 tác phẩm thơ và văn xuôi (chỉ tính riêng trong tháng 4/2020, đã có 21 bài được đăng tải trên các báo). Có 2 tác phẩm được dựng phim, 12 tác phẩm được phổ nhạc.

Tổ chức các chương trình trao đổi văn chương, lớp tập huấn sáng tác kịch bản phim, tổ chức giao lưu cùng các diễn đàn bạn, với các đơn vị hoạt động nghệ thuật...

Đã tổ chức 11 cuộc thi lớn nhỏ, chính thức và không chính thức như: 2 cuộc thi truyện ngắn; 3 cuộc thi thơ; thi “viết về phương Nam”, “viết về miền núi”, “viết về Hà Nội”, “thi thơ 4 câu trên website của Quán", “thi viết cho thiếu nhi”...

Không chỉ yêu văn, viết văn, đọc văn, giao lưu kết nối, học hỏi thuần túy, trong năm 2019, thành viên "Quán chiêu văn", từ người trong nước đến những thành viên xa Tổ quốc đã chung tay, chắt chiu gom góp xây được một ngôi nhà khang trang tặng cho một phận đời nghèo khó. Tặng 50 đôi giày dép, 200 đôi tất ấm, 300 bộ quần áo, 300 cuốn sách cho các trường miền núi xa xôi và khó khăn...

Các cuộc thi đều mời được những nhà văn, nhà báo tên tuổi làm giám khảo như: Sương Nguyệt Minh, Đỗ Bích Thúy, Bình Nguyên Trang, Đỗ Anh Vũ, Nguyễn Đức Hạnh, Phùng Huy Thịnh, Mai Tiến Nghị, Dương Tiêu, Phạm Thùy Vinh...

Thế thì, hăm hở nhận lời thôi. Có lẽ, những gì mà cái Quán tự phát này làm trong 2 năm có khi vượt qua công việc 10 năm của một hội văn nghệ địa phương. Và đặc biệt, nó chẳng tiêu đồng nào của Nhà nước, chẳng tốn trụ sở xe cộ phương tiện, mà lại cứ vui như... văn chương.

Và ngồi đọc các bài dự thi chủ đề "Ký ức chiến tranh", tôi lại đi từ bất ngờ này sang bất ngờ khác. Có một tuần là khép cửa, thế mà gần một trăm tác phẩm gửi về, tôi bỏ ra cũng một tuần để đọc, cùng hai vị giám khảo nữa, để kịp tổng kết và trao giải vào đúng 30/4. 

Tôi là người sống ở thế hệ đội mũ rơm đi học và học dưới hầm. Từng nhìn thấy bom rơi trùi trũi trên đầu. Nhắm mắt lại thì nó... sượt sang làng bên. Mấy lần chết hụt, mấy lần thấy... chân tay người nghều ngào vương trên cây... Nên đọc, nó cứ hiện lên mồn một. Và thương. Thương mình, thương thế hệ mình. Càng thương hơn các bạn ngồi viết những câu chuyện đầy đau thương nhưng cũng hết sức nhân văn này.

Tất cả các câu chuyện đều xúc động, không sa vào thái quá, ở cả hai phía, như có người đã từng "còm" vào facebook của tôi cảnh báo. Các tác giả đã đầy ân tình, đầy bao dung, đầy độ lượng và tỉnh táo để... nhìn lại. Và tôi cũng nhiều lần làm giám khảo, từ cấp tỉnh, cấp ngành tới cấp... hội nhà văn, mấy năm làm chung khảo giải thưởng hội nhà văn, thì thấy được làm ở giải này là thú vị nhất, thanh thản nhất và có nhiều cung bậc xúc cảm nhất.

Giải thưởng lại cũng "gì" phết. Giải nhất truyện ngắn của Quán là 7 triệu đồng. Lại còn có quà, tặng phẩm của Quán. Cái chính là vui và có ích.

Và mới một lần nữa thấy, té ra, mạng không vô bổ, facebook không "vô công rồi nghề" như một số ý kiến. Cái Quán chiêu văn này chỉ là một hạt cát giữa hằng hà sa số các cá thể mạng, và những gì họ đã làm thì không chỉ còn là những hạt cát nhỏ nhoi nữa...

Đặc biệt tháng 4/2020, nhân dịp Kỷ niệm 45 năm ngày Thống nhất đất nước, kỷ niệm 2 năm ngày thành lập, "Quán chiêu văn" đã tổ chức 4 cuộc thi, trong đó cuộc thi viết về “Ký ức chiến tranh” đã mang lại nhiều cảm xúc và để lại ấn tượng tốt đẹp trong mỗi người, mang lại giá trị nhân văn và khơi dậy tinh thần yêu nước trong mỗi chúng ta.

Tất cả các cuộc thi đều thu hút được sự quan tâm hưởng ứng của đông đảo mọi người cả trong và ngoài Quán. Đặc biệt, 2 cuộc thi truyện ngắn và một cuộc thi thơ đã có rất nhiều tác phẩm đạt chất lượng và giá trị văn chương được các nhà chuyên môn đánh giá rất cao.


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top