Aa

"Cò" náo loạn vùng quê Đà Nẵng, thị trường "nóng bỏng tay", giá đất bị đẩy cao bất thường

Thứ Tư, 06/03/2019 - 06:11

UBND H. Hòa Vang, TP. Đà Nẵng vừa có Công văn khẩn, gửi UBND 11 xã trên địa bàn huyện về việc “chấn chỉnh tình hình mua bán đất trên địa bàn huyện”, với nội dung: “Hiện nay, tình hình mua bán đất trên địa bàn H. Hòa Vang đang diễn ra rất sôi động, giới “cò” đất đang dùng nhiều chiêu trò đẩy giá đất lên cao bất thường để trục lợi”.

Chính quyền vào cuộc

UBND H. Hòa Vang cho biết, Chủ tịch UBND huyện vừa có ý kiến chỉ đạo: “Giao UBND 11 xã thông tin, tuyên truyền cho người dân cần phải thận trọng trong việc mua bán đất. Không nên vì lợi nhuận trước mắt mà bán hết đất nông nghiệp và đất ở vì sau này sẽ không có đất để sản xuất, không có đất để cho con, cháu làm nhà ở, ảnh hưởng đến an sinh xã hội, ổn định cuộc sống lâu dài. Các cơ quan thông tin đại chúng thông báo rộng rãi để người dân nắm rõ tình hình “sốt” đất ảo trên địa bàn huyện, tránh tình trạng “sập bẫy” nhóm “cò” gây ảnh hưởng đến tình hình kinh tế của cá nhân, gia đình, tình hình ANTT xã hội...”.

Tại địa bàn huyện này, trước đó không lâu, Văn phòng UBND TP. Đà Nẵng đã có văn bản số 3126/VP-NC gửi Công an TP. Đà Nẵng, truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ về việc xử lý văn bản giả để đẩy giá đất "sốt ảo".

Nội dung công văn nêu: "Hiện nay, trên các báo và trang mạng xã hội có đăng tải về một văn bản giả mạo được cho là của Chủ tịch UBND thành phố ký với mục đích tạo nên cơ sốt đất (Công văn số 738/2018/UBTP-XDCB ngày 31/10/2018)".

Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ giao Công an TP. Đà Nẵng kiểm tra, xác minh thông tin; nếu có dấu hiệu vi phạm, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Đến bây giờ, sự việc sốt đất ở Khu tái định cư (TĐC) Hòa Liên 5 (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang) đã được nhiều người nhận ra đây chỉ là chiêu thức của nhiều người môi giới bất động sản nhằm mục đích đẩy giá đất để trục lợi dựa theo việc đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án cảng Liên Chiểu và các dự án trục giao thông khác.

"Đánh thị trường", đó là cụm từ mà giới "cò" đất dùng để nói về những ngày sốt đất tại Khu TĐC Hòa Liên 5. Với lợi thế nằm bên đường Nguyễn Tất Thành nối dài, từ lâu, các lô đất tại Khu TĐC Hòa Liên 5 được nhiều nhà đầu tư và môi giới bất động sản tìm mua để đầu tư và đầu cơ để chờ giá đất tăng mạnh. Đầu năm 2018, giá đất ở khu vực này có tăng lên.

Theo một số giám đốc sàn môi giới nhà đất tại Đà Nẵng, sự kiện khánh thành đường Nguyễn Tất Thành nối dài (ngày 29/3/2018) cũng chỉ làm giá đất ở các khu đô thị như: Golden Hills, Dragon City Park… tăng lên chút ít nhưng không sôi động như kỳ vọng của giới đầu tư và môi giới bất động sản. Hàng loạt quầy, sàn giao dịch bất động sản mọc lên hai bên đường Nguyễn Tất Thành nối dài trong thời gian giá đất tăng mạnh vào đầu năm 2018 dần thưa vắng người và đóng kín cửa.

Cò đất náo loạn, sốt đất vùng quê

Cuối tháng 9/2018, sau khi Thủ tướng Chính phủ có văn bản chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án cảng Liên Chiểu, bất động sản khu vực tây bắc TP. Đà Nẵng rục rịch tăng giá.

Tiếp theo đó, kể từ ngày 4/10, sau khi báo chí đồng loạt đăng thông tin thành phố có văn bản chỉ đạo các đơn vị liên quan yêu cầu 2 nhà máy thép Dana-Ý và Dana-Úc chấm dứt các hoạt động sản xuất gây ô nhiễm môi trường, bỗng xảy ra "sốt" đất ở tại Khu TĐC Hòa Liên 5.

Ông Ngô Thành Tâm, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Liên đánh giá, việc sốt đất xảy ra ở Khu TĐC Hòa Liên 5 chỉ là do các "cò" đất đầu cơ nhằm làm tăng giá đất ở một số khu vực lân cận. Các "cò" đất "đánh thị trường" Hòa Liên trước để làm cho các khu vực của Liên Chiểu và các dự án của các công ty khác tăng lên.

Sau 2 ngày cuối tuần thì tình trạng buôn bán, đầu cơ đất cũng rút đi hết. Việc sốt đất ở Khu TĐC Hòa Liên 5 đã qua đi, gần như không ghi nhận thiệt hại nào về phía người có nhu cầu mua đất thực tế, vì các giao dịch gần như là giữa các "cò" đất với nhau với mục đích đẩy giá đất lên.

Đó là các lô đất đã được mua từ nhiều năm trước với giá rất rẻ và đến dịp tăng giá đất đầu năm 2018, nhiều người đầu tư và môi giới bất động sản đã bán được với giá gấp 3-4 lần giá trị lô đất đã mua. Vì thế, việc bỏ ra từ 50-100 triệu đồng để đẩy giá đất lên chỉ là một khoản chi phí nhỏ bỏ ra để đầu tư.

Mới đây, Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng vừa đưa ra khuyến cáo về hoạt động giao dịch bất động sản khi đặt cọc giữ chỗ để mua nhà ở hình thành trong tương lai hoặc đất nền trong các dự án phát triển đô thị; cảnh báo về tình trạng vi phạm các quy định của pháp luật về chuyển nhượng, mua bán nhà ở xã hội.

Sở Xây dựng lưu ý các cá nhân có nhu cầu mua nhà ở xã hội, nhà ở thương mại và các dự án phát triển đô thị trên địa bàn thành phố khi thực hiện hợp đồng đặt cọc giữ chỗ để mua nhà ở hình thành trong tương lai hoặc đất nền trong các dự án phát triển đô thị cần phải tham khảo đầy đủ các quy định pháp luật về nhà ở, pháp luật dân sự trước khi thực hiện các giao dịch để tránh các thiệt hại có thể xảy ra.

Đối với việc chuyển nhượng, mua bán nhà ở xã hội, Sở Xây dựng xác định đây là hành vi vi phạm các quy định của pháp luật. Mức xử phạt vi phạm hành chính bằng tiền lên đến 60 triệu đồng. Người được thuê nhà ở xã hội thuộc sở hữu Nhà nước không được chuyển đổi, bán, cho thuê lại hoặc cho mượn nhà ở dưới bất kỳ hình thức nào.

Tất cả các hành vi bán, cho thuê lại, cho ở nhờ căn hộ chung cư tại các chung cư nhà ở xã hội thuộc sở hữu Nhà nước dùng bố trí cho thuê trên địa bàn thành phố là không đúng quy định và sẽ bị xử phạt theo quy định tại Nghị định số 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017 của Chính phủ.

Mức xử phạt bằng tiền từ 50-60 triệu đồng đối với người được thuê nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước thực hiện chuyển đổi, bán, cho thuê lại nhà ở hoặc cho mượn nhà ở; đồng thời, bị buộc nộp lại số lợi nhuận bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính (nếu có) và đề nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước theo quy định.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top