Aa

Có nên tháo gỡ gánh nặng cho DN bằng nút chờ "điều khoản bất khả kháng"?

Thứ Hai, 30/03/2020 - 16:30

Dịch bệnh xảy ra khiến nhiều doanh nghiệp phải phá sản, số khác phải tạm ngừng hoạt động, và có doanh nghiệp phải phá hợp đồng. Lúc này, vấn đề pháp lý "điều khoản bất khả kháng" được đề cập, là cơ hội chia sẻ rủi ro.

Các giao kết hợp đồng được đặt ra nhằm bảo đảm sự an toàn pháp lý cho các bên tham gia giao kết, hướng dẫn xử sự của các chủ thể trong quá trình giao kết và thiết lập quan hệ hợp đồng hợp pháp. Tại nội dung giao kết hợp đồng, các đơn vị bày tỏ với nhau ý chí về việc xác lập, thay đổi hay chấm dứt các quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng trên cơ sở tuân theo nguyên tắc do pháp luật quy định.

Và về nguyên tắc, khi một đơn vị không thực hiện nghĩa vụ hợp đồng thì phải gánh chịu những hậu quả bất lợi, bồi thường khi phá vỡ hợp đồng. Tuy nhiên, pháp luật có quy định chủ thể vi phạm được miễn trách nhiệm khi rơi vào trường hợp bất khả kháng. Cụ thể hơn, đó là điều khoản bất khả kháng trong các hợp đồng, dự trù về những điều kiện xấu, tác động ngoại cảnh có thể xảy ra.

Cụ thể, khoản 1 Điều 156 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: Sự kiện bất khả kháng là những sự kiện xảy ra ngoài ý chí của con người khiến chúng ta không thể lường trước và khắc phục được mặc dù đã áp dụng các biện pháp cần thiết, khả năng cho phép

Theo đó, một sự kiện được xem là sự kiện bất khả kháng khi đáp ứng các điều kiện sau:

- Sự kiện xảy ra một cách khách quan hay gọi là sự kiện khách quan, tức sự kiện đó nằm ngoài phạm vi kiểm soát của bên vi phạm hợp đồng;

- Hậu quả của sự kiện không thể lường trước được tại thời điểm giao kết hoặc trong quá trình thực hiện hợp đồng cho đến trước thời điểm xảy ra hành vi vi phạm;

- Hậu quả của sự kiện đó không thể khắc phục được mặc dù áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.

Như vậy, chỉ khi đáp ứng các điều kiện nêu trên thì một sự kiện mới được xem là bất khả kháng và là căn cứ để miễn trách nhiệm đối với bên vi phạm.

Ảnh minh họa.

Điều khoản bất khả kháng là một điều khoản phổ biến trong các hợp đồng, về cơ bản để giải phóng một hay các bên ra khỏi các trách nhiệm pháp lý hay các bổn phận khi các sự kiện hay tình huống bất thường ngoài tầm kiểm soát của các bên, như chiến tranh, đình công, nổi loạn, tội phạm, thiên tai (như lũ lụt, động đất, phun trào núi lửa), địch họa... xảy ra, và việc đó ngăn cản một hay các bên của hợp đồng trong việc hoàn thành bổn phận và nghĩa vụ của mình theo hợp đồng. 

Tuy nhiên, bất khả kháng không nhằm mục tiêu bào chữa cho các sơ suất hay hành vi phi pháp của các bên, chẳng hạn như việc không thực hiện nghĩa vụ là do các hậu quả thông thường và tự nhiên của các sức mạnh bên ngoài hay khi các hoàn cảnh can thiệp vào việc thực thi hợp đồng đã được dự tính một cách rõ ràng.

Trong bối cảnh nền kinh tế đang phải chịu nhiều tác động tiêu cực từ dịch bệnh Covid-19, hoạt động kinh doanh của nhiều nhóm ngành gặp khó khăn, thì nhiều câu hỏi đặt ra là liệu Covid-19 có được coi là một sự việc "bất khả kháng" và doanh nghiệp có thể áp dụng điều khoản này để có thể miễn trừ trách nhiệm cho nhau?

Chia sẻ với Sài Gòn Đầu tư, luật sư Võ Trung Tín - Văn phòng Luật sư Phan Law Vietnam cho hay, để Covid-19 có thể được xem là sự kiện bất khả kháng, cần đáp ứng thêm các điều kiện: Bên có nghĩa vụ đã nỗ lực áp dụng mọi biện pháp cần thiết và trong khả năng cho phép để khắc phục tác động của Covid-19 tới việc thực hiện hợp đồng; và Covid-19 là nguyên nhân trực tiếp làm bên bị ảnh hưởng không thể thực hiện đúng nghĩa vụ hợp đồng.

"Như vậy, Covid-19 có thể được xem là sự kiện bất khả kháng để bên có nghĩa vụ được miễn trừ trách nhiệm hay không, còn phụ thuộc vào từng loại hợp đồng đã ký kết, phạm vi nghĩa vụ phải thực hiện. Nếu Covid-19 không phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới việc bên có nghĩa vụ không thực hiện được nghĩa vụ, thì Covid 19 sẽ không được xem xét là sự kiện bất khả kháng", luật sư Tín phân tích.

Trong trường hợp Covid-19 trở thành sự kiện bất khả kháng để miễn trừ trách nhiệm, các bên có thể đàm phán sửa đổi hợp đồng theo quy định tại Điều 420 Bộ luật Dân sự 2015 do hoàn cảnh thay đổi. Bởi mục đích giao kết hợp đồng có đạt được hay không, không chỉ phụ thuộc vào việc tuân thủ hợp đồng, thực hiện nội dung của hợp đồng, mà còn bị chi phối bởi điều kiện, hoàn cảnh khách quan mang lại.

"Do vậy, trong trường hợp nhận thấy khi Covid-19 diễn biến phức tạp, nếu tiếp tục thực hiện hợp đồng sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho một bên, thì các bên có thể thỏa thuận sửa đổi hoặc chấm dứt hợp đồng để cân bằng quyền và lợi ích hợp pháp của các bên. Trường hợp các bên không thể thỏa thuận được, một trong các bên có thể yêu cầu tòa án chấm dứt hợp đồng tại một thời điểm xác định, hoặc sửa đổi hợp đồng để cân bằng quyền và lợi ích hợp pháp của các bên do hoàn cảnh thay đổi cơ bản", luật sư Tín kết luận.

Đồng tình với quan điểm trên, luật sư Nguyễn Thế Truyền, Giám đốc Công ty Luật Thiên Thanh cho rằng, dịch Covid-19 gần như đáp ứng các tiêu chí để được xem là sự kiện bất khả kháng theo quy định tại khoản 1 Ðiều 156 Bộ luật Dân sự 2015 và các bên trong hợp đồng có thể xem xét để miễn trừ trách nhiệm cho nhau liên quan đến vi phạm do ảnh hưởng bởi Covid-19.

"Thực tiễn có thể phát sinh khó khăn trong quá trình xem xét miễn trừ trách nhiệm. Bởi mặc dù sự kiện bất khả kháng và hệ quả pháp lý đã được quy định trong Bộ luật Dân sự 2015 và Luật Thương mại 2005, nhưng việc các bên không thỏa thuận hoặc thỏa thuận không chi tiết về việc xác định sự kiện bất khả kháng và hệ quả liên quan dẫn đến nhiều khác biệt trong quan điểm giải quyết. Chính vì vậy, chi tiết hóa điều khoản bất khả kháng là một yêu cầu hết sức thiết thực khi các bên đàm phán hợp đồng", Luật sư Truyền cho ý kiến.

Trả lời trên Enternews mới đây, PGS.TS Đỗ Văn Đại - Giảng viên trường Đại học Luật TP.HCM, Trọng tài viên, Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cho biết: "Sự kiện bất khả kháng hội tụ 3 điều kiện: Yếu tố khách quan, không lường trước được và không thể thực hiện được. Do đó, xét về mặt pháp lý thì ban đầu bản thân dịch bệnh Covid-19 không phải là sự kiện bất khả kháng, bởi vì một trong những yếu tố của bất khả kháng là “không thể thực hiện được”.  

Tuy nhiên trong tình hình hiện nay, khi dịch bùng phát thì cơ quan công quyền đã đưa ra lệnh Không cho hoạt động và lệnh này trở thành bất khả kháng. Lệnh dừng các hoạt động là một yếu tố khách quan và cũng không thể lường trước được do đây là quyết định của Cơ quan nhà nước khi có dịch bệnh xảy ra và nó làm cho giao dịch không thể thực hiện được".

Do đó, PGS.TS Đỗ Văn Đại  đánh giá, trong trường hợp này, chúng ta phải lưu ý các hệ quả của sự kiện bất khả kháng xuất phát từ lệnh cấm. Trong trường hợp có xảy ra thiệt hại thì về nguyên tắc, người có nghĩa vụ không phải chịu trách nhiệm. 

"Tuy nhiên, luật cũng cho phép trong trường hợp này các bên có thể thỏa thuận lại. Do đó tùy theo quan hệ giữa các bên, khi xảy ra thiệt hại xuất phát từ lệnh cấm đó, thì các bên hoàn toàn có thể cùng chia sẻ rủi ro", ông Đại kết luận.

Có thể thấy, trong bối cảnh các doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn do những tác động từ dịch bệnh, thì việc cân nhắc đến "điều khoản bất khả kháng" là cần thiết, để doanh nghiệp cùng san sẻ những gánh nặng kinh tế cũng như khó khăn trong thời điểm hiện tại. Bởi, có thể bản thân dịch bệnh Covid-19 ban đầu không phải là một điều "bất khả kháng", nhưng để ngăn chặn chúng, phòng tránh chúng, Chính phủ đã phải áp dụng lệnh Không cho hoạt động, và lệnh này trở thành bất khả kháng đối với các doanh nghiệp.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top