Aa

"Cổ phần hóa đã biến ACV thành một doanh nghiệp kỳ lạ"

Thứ Ba, 10/12/2019 - 14:55

Theo TS. Lương Hoài Nam, Thành viên Hội đồng tư vấn du lịch (TAB) và là chuyên gia về hàng không, trên thế giới không có doanh nghiệp phát triển sân bay nào kỳ lạ như ACV.

Cụ thể, tại Tọa đàm "Phát triển hàng không - chắp cánh cho du lịch", TS. Lương Hoài Nam cho rằng trên thế giới không có nhà phát triển sân bay nào không làm khu bay như Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV).

"Các tập đoàn, doanh nghiệp làm sân bay trên thế giới họ làm cả đường băng, khu bay. Thông qua phương án cổ phần hóa doanh nghiệp, Việt Nam lại có một doanh nghiệp đầu tư phát triển sân bay mà lại không làm khu bay", TS. Nam bức xúc.

Siêu lợi nhuận

"Tôi phải nói thật là rất kỳ lạ, kiểu doanh nghiệp như ACV tôi chưa từng nhìn thấy ở trên thế giới", chuyên gia này khẳng định.

Theo TS. Lương Hoài Nam, Thành viên Hội đồng tư vấn du lịch (TAB) và là chuyên gia về hàng không, trên thế giới không có doanh nghiệp phát triển sân bay nào kỳ lạ như ACV. Ảnh: VEF.

Cũng theo TS. Lương Hoài Nam, cần có sự ràng buộc trách nhiệm khu bay với 21 sân bay mà ACV đang khai thác. Ông cho rằng ACV luôn chia sẻ về việc có sân bay lãi bù cho sân bay lỗ, nhưng không thể phủ nhận đây là một doanh nghiệp siêu lợi nhuận.

"Các anh không thể bác bỏ sự thật rằng ACV là doanh nghiệp siêu lợi nhuận. Tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu của ACV là 40 - 45%, làm gì có doanh nghiệp nào ở Việt Nam đạt đến tỷ suất lợi nhuận như vậy? Vietnam Airlines tỷ suất lợi nhuận được 2 - 3%, Vietjet Air tỷ suất lợi nhuận 7 - 8%", chuyên gia hàng không này khẳng định.

"Họ đang khai thác hạ tầng mà nhà nước đầu tư mà không phải trả tiền. Tôi nghĩ rằng cấu trúc về đầu tư, quản lý và vận hành sân bay cần phải xem xét lại một cách tổng thể", ông Nam bức xúc.

Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham gia tọa đàm cũng đồng tình với ý kiến của ông Nam.

"Bản chất sau khi tách khu bay ra khỏi tài sản của ACV khi cổ phần hóa đã phát sinh nhiều vấn đề như không nâng cấp được, sửa chữa cũng gặp khó khăn về cơ chế. Rõ ràng không thể tách biệt tài sản khu bay khỏi sân bay", vị này cho hay.

"Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã có văn bản đề nghị Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu lại phương án theo hướng tính phần tài sản kết cấu hạ tầng khu bay vào trong phần vốn nhà nước tại ACV để giải quyết triệt để những tồn tại như hiện nay", đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ.

Gặp khó về định giá khu bay

Tuy nhiên, theo ông Võ Huy Cường, Cục phó Cục Hàng không, nhận định việc định giá 21 khu bay là việc khó khăn, Việt Nam chưa có đơn vị có khả năng và kinh nghiệm định giá những tài sản dạng này.

"Cục Hàng không cũng đã đề xuất phương án này 6 - 7 lần, tuy nhiên sẽ nảy sinh nút thắt. Tính theo giá trị sổ sách, giá trị tài sản 21 khu bay chỉ có 2.000 tỷ đồng, không bằng một đường cất hạ cánh của sân bay Cát Bi vừa triển khai năm 2015 giá trị hơn 3.000 tỷ đồng", ông Cường nói về bất cập khi định giá tài sản khu bay, bao gồm đường cất hạ cánh, đường lăn, các đài trạm bổ trợ.

Hiện ACV chỉ quản lý và khai thác nhà ga hành khách, toàn bộ hạ tầng khu bay như đường cất hạ cánh, đường lăn thuộc sở hữu nhà nước và được giao cho ACV khai thác mà "không phải trả tiền". Ảnh: Quỳnh Danh.

"Nếu tính giá trị của 21 khu bay và 5 sân đỗ trên sổ sách chỉ 2.000 tỷ thì doanh nghiệp thuê lại nhà nước chỉ thu được 40 tỷ đồng một năm, chưa bằng 1/10 tiền bảo dưỡng định kỳ", Cục phó Hàng không nói thêm.

Ông Cường cho hay nếu theo phương án giao toàn bộ tài sản này cho ACV, tăng vốn nhà nước tại doanh nghiệp thì phải định giá được chính xác tài sản. Tuy nhiên, theo ông, hiện chưa có một doanh nghiệp nào của Bộ Tài chính xác nhận đủ năng lực để đánh giá giá trị thực của cơ sở hạ tầng hàng không.

Dù gặp nhiều khó khăn và bất cập phát sinh, ông Cường cho rằng tài sản khu bay của 21 sân bay sẽ phải giao cho ACV để doanh nghiệp có cơ chế sửa chữa, nâng cấp hạ tầng, đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành hàng không.

"Chúng ta chỉ cần bảo trì bảo dưỡng, nâng cấp hạ tầng hàng không hiện có là đã đột phá rồi", đại diện nhà chức trách hàng không Việt Nam nhận định.

Trước đó vào cuối tháng 10, ACV đã công bố kết quả kinh doanh hợp nhất quý III với doanh thu quý đạt 4.591 tỷ đồng cùng biên lợi nhuận lên tới 52,5%, mức siêu lợi nhuận hiếm gặp ở bất kỳ doanh nghiệp Việt Nam nào.

Doanh thu của ACV đến từ việc doanh nghiệp đang vận hành 21 trong tổng số 22 sân bay dân dụng tại Việt Nam, trong đó có các sân bay lớn như Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng hay Phú Quốc.

Hiện đường băng của sân bay Nội Bài đang xuống cấp nghiêm trọng do hoạt động quá tải, có nguy cơ uy hiếp an toàn bay. Tuy nhiên do đường băng là tài sản của nhà nước nên đang gặp khó về kinh phí sửa chữa, nâng cấp.

Trong khi đó ACV đang có lượng tiền mặt lên tới 32.058 tỷ đồng gửi ngân hàng, tuy nhiên lại vướng cơ chế nên không thể sửa chữa đường băng mà chính doanh nghiệp này đang khai thác.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top