Aa

Cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam: "Ông chủ" đường sông và những lời "hứa... hão"?

Thứ Ba, 19/09/2017 - 06:01

Dù trước khi được chọn làm cổ đông chiến lược, lãnh đạo VIVASO liên tục hứa sẽ tiếp tục phát huy thế mạnh của Hãng phim truyện Việt Nam và mang lại lợi nhuận, đồng thời cam kết thực hiện đầy đủ chế độ chính sách cho người lao động của hãng nhưng các hành động thực tế mà đơn vị này thực hiện lại đang gây bức xúc trong cộng đồng các nghệ sỹ và làm dấy lên hoài nghi về những lời “hứa hão”.

Từ những lời hứa... 

Trong thư ngỏ gửi các đạo diễn, diễn viên, nghệ sỹ VFS hồi đầu tháng 5/2016, ông Nguyễn Thủy Nguyên, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Vận tải thủy cho biết, ông là một người lớn lên trong thời thơ ấu đã được xem các tác phẩm điện ảnh kinh điển được thực hiện bởi VFS.

Những tác phẩm như Chung một dòng sông, Chim vành khuyên, Chị Tư Hậu, Vỹ tuyến 17 ngày và đêm, Em bé Hà Nội, Biệt động Sài Gòn, Đêm hội Long Trì, Thằng Bờm... không chỉ khơi dậy niềm đam mê điện ảnh, mà còn góp phần hình thành nên tính cách, lối sống của ông. Chính vì vậy, đối với ông Nguyễn Thủy Nguyên và các cổ đông tại Tổng công ty Vận tải thủy, Hãng phim truyện Việt Nam và các tác phẩm điện ảnh là một di sản văn hóa quý giá, rất đáng trân trọng.

Theo ông Nguyên, cá nhân ông và các cổ đông của Tổng công ty Vận tải thủy cũng nhận thức sâu sắc rằng, để có được một Hãng phim truyện Việt Nam như ngày hôm nay là sự hy sinh, cống hiến tột bậc vì nghệ thuật của nhiều thế hệ đạo diễn chân chính... cùng rất nhiều cán bộ quay phim, họa sỹ, công nhân viên hậu trường những người đã thầm lặng cống hiến cho nền điện ảnh nước nhà trong suốt 63 năm qua.

Ông cho biết, trân trọng những đóng góp đó, vì thế trên vai trò là một người đam mê điện ảnh, Tổng công ty Vận tải thủy mong muốn gìn giữ truyền thống, thương hiệu của Hãng phim truyện Việt Nam trong chặng đường sắp tới.

Thư ngỏ của Tổng công ty Vận tải thủy gửi tập thể văn nghệ sỹ VFS trước khi làm

Thư ngỏ của Tổng công ty Vận tải thủy gửi tập thể văn nghệ sỹ VFS trước khi làm "ông chủ". Ảnh: Vạn Xuân

“Tôi có một niềm tin mãnh liệt rằng, mặc dù đang gặp rất nhiều khó khăn, Hãng vẫn sở hữu một nền tảng tốt để có thể phục hồi, phát triển và hoàn toàn có thể đem lại lợi nhuận từ chính ngành nghề chính là sản xuất và kinh doanh các sản phẩm điện ảnh”, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Vận tải thủy khẳng định.

Tại thư ngỏ trên, lãnh đạo Tổng công ty Vận tải thủy cũng cam kết sẽ thực hiện đúng và đầy đủ các cam kết đã ký với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; với cán bộ, công nhân viên của Hãng phim truyện Việt Nam.

“Ngoài việc đồng hành lâu dài, chúng tôi cam kết bố trí việc làm đúng năng lực, chuyên môn công tác của người lao động và thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách cho người lao động theo quy định của pháp luật khi Hãng phim truyện Việt Nam chuyển sang công ty cổ phần. Tổng công ty Vận tải thủy với tư cách là cổ đông chi phối, cam kết dùng một phần vốn tối thiểu bằng 20% vốn đầu tư của chủ sở hữu và sử dụng hợp lý quỹ đất mà công ty hiện đang quản lý cho lĩnh vực văn hóa, điện ảnh”, ông Nguyên hứa. Tuy nhiên, thực tế những gì diễn ra sau đó cho thấy những điều hoàn toàn trái ngược.

Thư ngỏ của Tổng công ty Vận tải thủy gửi tập thể văn nghệ sỹ VFS trước khi làm

Thư ngỏ của Tổng công ty Vận tải thủy gửi tập thể văn nghệ sỹ VFS trước khi làm "ông chủ". Ảnh: Vạn Xuân

... đến thực tế hoàn toàn trái ngược

Đúng như những gì ông Nguyễn Thủy Nguyên đã nêu trong thư ngỏ, trao đổi với Reatimes, đại diện tập thể văn nghệ sỹ VFS cho biết, trước khi cổ phần hóa VFS, nhà cổ đông chiến lược là Tổng công ty vận tải thủy đã đưa ra rất nhiều cam kết trong đó có việc đảm bảo việc làm, tôn trọng nghề nghiệp... và đảm bảo mức lương theo quy định của Nhà nước với 85 thành viên còn lại của Hãng với mức lương bình quân người/ tháng là 4.800.000 đồng cho năm 2017.

Nhưng sau hơn hai tháng cổ phần, tháng thứ nhất (tháng 7/2017), lương của cán bộ giữ nguyên như thời gian trước cổ phần và mức lương thấp nhất vẫn là 540.000 đồng.

Tháng thứ 2 (tháng 8/2017) chỉ một số cán bộ công nhân viên trong hãng nhận được tạm ứng lương với mức thấp nhất (1.000.000 đồng) và có sự chênh lệch cao thấp không đồng đều, không theo một định mức, một căn cứ nào. Đặc biệt, một số cán bộ hoàn toàn không có lương... điều này khiến mọi người thắc mắc nhưng không nhận được bất cứ lời giải đáp nào.

Vẫn theo đại diện tập thể nghệ sỹ, sau khi tiếp quản, ban lãnh đạo không có định hướng làm phim. Dù trước khi cổ phần hóa, đơn vị này tỏ ra quan tâm và hứa hẹn đầu tư máy móc cũng như xây dựng các chương trình quảng bá truyền thông cho hãng phim - hiện mang tên CTCP Đầu tư và Phát triển phim truyện Việt Nam. Tuy nhiên, sau gần ba tháng, lời hứa này không được thực hiện.

Tính đến thời điểm hiện tại, công ty mới chỉ có một dự án phim là Người yêu ơi - được Cục Điện ảnh đặt hàng từ trước khi chuyển giao. 

Hãng phim Truyện Việt Nam. Ảnh: Vạn Xuân

Hãng phim Truyện Việt Nam. Ảnh: Vạn Xuân

Anh Vũ Quốc Tuấn -  quay phim lâu năm tại hãng cho biết, do đơn vị chủ quản là Tổng công ty Vận tải đường thủy nên không có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh.

“Họ không tổ chức được các mô hình hoạt động cũng như đem về kịch bản để làm phim. Khi tôi cùng nhóm nghệ sỹ lên xin ý kiến thì ông Nguyễn Danh Thắng - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty lại bảo các nhân viên tự đi tìm việc. Các nghệ sỹ đề nghị thành lập một công ty con trong hãng để làm phim nhưng cũng không được chấp nhận”, anh Tuấn cho biết.

Không những vậy, theo các nghệ sỹ, sau khi cổ phần hóa, Ban Giám đốc và Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng công ty Vận tải thủy đã tự ý thực hiện hàng loạt sự xáo trộn về cơ sỡ vật chất trong hãng.

Cụ thể, sát nhập 4 phòng: biên kịch, đạo diễn, quay phim, thiết kế mỹ thuật vào một phòng gọi tên mới là Phòng Nghệ thuật, còn dãy nhà trước đây của 4 phòng thì tiến hành cho thuê để kinh doanh, chứ không phục vụ mục đích làm phim.

Cùng với đó, toàn bộ kịch bản quý giá của các biên kịch gạo cội từ khi hãng được thành lập với bộ phim đầu tiên “Chung một dòng sông” đến các bộ phim nhựa được sản xuất những năm gần đây gây tiếng vang trong các liên hoan phim quốc tế và trong nước đều bị đem đi gửi ở Viện phim Việt Nam, khiến chiếc tủ đựng kịch bản của phòng biên kịch trống trơn không còn một bàn thảo kịch bàn nào.

“Đây là một điều xúc phạm đến truyền thống của bao thế hệ các nhà biên kịch, các nhà làm phim, các nghệ sỹ của hãng gần 60 năm qua. Khiến các nghệ sỹ trẻ trong Hãng vô cùng hoang mang, mất niềm tin, các nghệ sỹ lớn tuổi thì đau xót, uất hận”, đại diện tập thể văn nghệ sỹ khẳng định.

Theo đại diện tập thể văn nghệ sỹ, ngay cả các kho đạo cụ, phục trang vốn là tài sản, gắn liền với hoạt động của hãng phim bị chuyển đến các kho của công ty vận tải thủy cách hãng phim gần 40 km. Mục đích chuyển đi cũng là lấy các phòng cho thuê để kinh doanh.

“Tất cả những xáo trộn nêu trên khiến cán bộ, công nhân viên, nghệ sỹ, các hội viên trong Hãng hoang mang, tâm lý bất ổn và đời sống vô cùng khó khăn bởi tình trạng lương không có”, đại diện tập thể văn nghệ sỹ cho biết.

Trao đổi với Reatimes, Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát, nguyên Giám đốc VFS và hiện là Phó Chủ tịch Thường trực Hội Điện ảnh Việt Nam cho biết, việc Chi hội Điện ảnh VFS gửi đơn đến các cơ quan chức năng kêu cứu không phải là lần đầu tiên. Tuy nhiên, mặc dù sự việc đã diễn ra khá lâu nhưng vẫn không được giải quyết.

Bà Ngát cho hay: "Trước khi cổ phần, Tổng công ty Vận tải thủy “vẽ” ra rất nhiều điều tốt lành và hứa tôn trọng anh, em nghệ sỹ nhưng thực tế những gì họ làm sau đó cho thấy họ không muốn làm phim. Hội sẽ triệu tập Hội nghị Ban chấp hành để bảo vệ quyền lợi của hội viên, đồng thời yêu cầu Tổng công ty Vận tải thủy thực hiện các cam kết đã ký”, Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát cho biết.  

Kính mời quý độc giá đón đọc kỳ 3: "Hàng nghìn mét vuông 'đất vàng' của Hãng phim Truyện Việt Nam đáng giá bao nhiêu?" trên Reatimes.vn!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top