Aa

"Cổ phiếu vua" 2018 xuất thân từ ngành ngân hàng

Thứ Hai, 12/02/2018 - 07:00

2018 có lẽ sẽ tiếp tục là năm thuận lợi đối với ngành ngân hàng khi đầu năm ngành này đã đón nhận nhiều tin tốt: kết quả kinh doanh 2017 tăng trưởng mạnh, nhiều chính sách hỗ trợ, kế hoạch kinh doanh tiến triển theo hướng khả quan,...

Tính đến cuối tháng 1/2018, nhiều ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh năm 2017 với con số vượt kỳ vọng. Không chỉ các ngân hàng lớn như Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank mà các ngân hàng nhóm VIB, ACB, HDBan, BacABank đều công bố con số cao bất ngờ.

Cụ thể, sau khi trừ đi dự phòng, lợi nhuận của Vietcombank đạt 11.018 tỷ đồng, tăng 32,9% so với năm 2016. Đây không chỉ là con số cao nhất của Vietcombank trong lịch sử mà còn được ghi nhận là cao nhất trong hệ thống ngân hàng. Trong khi đó, BIDV cũng lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 8.800 tỷ đồng, tăng hơn 1.000 tỷ đồng tương đương với 14,2% so với năm 2016.

Trong khi đó, VietinBank cũng báo lãi vượt kế hoạch năm, đạt 9.206 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 9% so với năm 2016. Agribank có lợi nhuận trước thuế đạt 5.018 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2016.

MBBank công bố báo lợi nhuận trước thuế của MBBank đạt 5.355 tỷ đồng, tăng 44% so với năm 2016. VIB báo lãi hơn 1.400 tỷ, gấp 2 lần so với cùng kỳ năm trước và đạt 187% so với kế hoạch. Năm 2017, ngân hàng mẹ Bắc Á thu về 731 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 14,5% so với năm 2016. Tỷ lệ nợ xấu từ mức 0,81% cuối năm 2016 xuống còn 0,63%.

Trong buổi roadshow ở Hà Nội trước ngày cổ phiếu lên sàn, lãnh đạo HDBank cho biết, năm 2017 ngân hàng đạt lợi nhuận trước thuế 2.420 tỷ đồng, cao gấp đôi so với năm 2016.

Các ngân hàng khác như Eximbank, Sacombank, TPBank, ACB cũng phấn khởi thông báo kết quả kinh doanh đầy ấn tượng. Trong đó, Eximbank đạt hơn 1.118 tỷ đồng lợi nhuận, gấp hơn 2,5 lần năm 2016. TPBank báo lãi 1.250 tỷ đồng, LienvietpostBank cho biết chỉ đến tháng 11, ngân hàng đã vượt mốc 1.700 tỷ đồng lợi nhuận đề ra theo kế hoạch.

Với kết quả kinh doanh khả quan bất ngờ cho thấy thời hoàng kim đang bắt đầu trở lại đối với nhóm cổ phiếu ngân hàng.

Còn nhiều cơ hội cho năm 2018

Nhiều ý kiến cho rằng, triển vọng sáng nhất cho năm 2018 là ngành ngân hàng. Năm nay, nền tảng của ngành ngân hàng tiếp tục được cải thiện, tín dụng tiêu dùng kỳ vọng bùng nổ.

Theo CTCK VNDirect, tăng trưởng tín dụng của Việt Nam đang tăng tốc một lần nữa nhưng chất lượng tín dụng được cải thiện tốt hơn nhiều so với thời kỳ năm 2013.

Những biện pháp thúc đẩy tín dụng là sự kết hợp giữa cải thiện tổng thể về tăng trưởng kinh tế dẫn đầu bởi dòng vốn FDI tăng mạnh và cơ chế kiểm soát đồng USD cùng với việc giữ lạm phát ở mức thấp. Những yếu tố trên giúp cải thiện niềm tin cho các hộ kinh doanh và lòng tin của người tiêu dùng lên mức cao.

VN-Direct cho rằng, Việt Nam có thể theo đuổi tăng trưởng tín dụng 16% - 18% trong giai đoạn 2018-2019 dựa trên ba yếu tố. Thứ nhất, yếu tố tăng trưởng tín dụng được thúc đẩy bởi doanh nghiệp tư nhân và người tiêu dùng, cả hai đều vẫn còn dư địa để phát triển. Niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp nhỏ rất lớn trong khi sự thâm nhập tín dụng trong các phân khúc thị trường này vẫn còn thấp so với tiêu chuẩn quốc tế.

Thứ hai, yếu tố tăng trưởng kinh tế trên diện rộng, những chính sách tập trung, chiến lược của ngân hàng hỗ trợ nhu cầu vốn của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ví dụ như việc lãi suất cho vay được trợ cấp ưu đãi cho các ngành như nông nghiệp, công nghệ tiên tiến và một số ngành định hướng xuất khẩu.

Thứ ba, hạn chót thời hạn thực hiện Basel II đến năm 2020 cho phép nhiều thời gian hơn để các ngân hàng chuẩn bị, điều này nghĩa là họ không cần phải hạn chế tăng trưởng cho vay.

Theo VNDirect, việc phân bổ tín dụng cho các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ đã tăng lên đáng kể phù hợp với những nỗ lực của Chính phủ, nhằm giảm sự thống trị của các doanh nghiệp do Nhà nước sở hữu đối với nền kinh tế. Điều này đã được thúc đẩy bởi các quỹ hỗ trợ với những chính sách hỗ trợ tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Đối với các ngân hàng, việc tiếp cận nhiều hơn đối với các khoản vay của cá nhân và doanh nghiệp tư nhân sẽ giảm nhẹ rủi ro chất lượng tài sản liên quan đến việc cho vay doanh nghiệp nhà nước và cho phép các ngân hàng có nhiều dư địa để tăng tín dụng vì cho vay cá nhân có rủi ro thấp hơn so với các khoản cho vay đối với phân khúc doanh nghiệp nhà nước. Nhờ đó các ngân hàng sẽ giảm các tài sản có rủi ro (RWA) và tăng vốn tỉ lệ đảm bảo (CAR).

Ở mảng tín dụng bất động sản, VND cho rằng đã dấu hiệu giảm tốc do những sửa đổi của Thông tư 36 về tỷ lệ rủi ro cho vay các dự án bất động sản và giới hạn tối đa cho các khoản vay ngắn hạn dùng cho trung hạn và dài hạn đã cản trở việc cho vay.

Trong khi đó, thị trường tài chính tiêu dùng được kỳ vọng là động lực tăng trưởng mới với tốc độ tăng trưởng bền vững đến 2020. Hệ số CAGR của dư nợ thị trường cho vay tiêu dùng ở mức khoảng 37,8% trong vòng 5 năm trở lại đây. Điều này có được nhờ sự gia tăng dân số, với mức thu nhập tăng và mong muốn sở hữu vật chất lâu dài của người tiêu dùng.

Trong một báo cáo khác của Maybank Kimeng, đơn vị này dự báo lợi nhuận sau thuế bình quân của các ngân hàng niêm yết sẽ tăng trưởng hơn 20% trong năm 2018 và mức ROE toàn ngành vào khoảng 14%.

Bên cạnh những tín hiệu tích cực từ tăng trưởng tín dụng, những thay đổi trong cơ chế xử lý nợ xấu và luật các tổ chức tín dụng được cho là sẽ tạo ra những thay đổi trong việc thanh lọc hệ thống ngân hàng.

Theo SSI Research, Bộ phận phân tích của CTCK SSI, Nghị quyết 42 có hiệu lực trong vòng 5 năm kể từ 15/08/2017, hỗ trợ các tổ chức tín dụng và VAMC xử lý nợ xấu thông qua cơ chế thị trường bằng cách cho phép các tổ chức tín dụng và các tổ chức mua và bán nợ xấu quyền thanh lý tài sản thế chấp. Điều này có thể tháo gỡ nút thắt lâu nay vì VAMC chỉ có thể xử lý 20% nợ xấu mua vào từ năm 2013.

Mặt khác, nghị quyết 42 cũng cho phép VAMC và các ngân hàng bán nợ xấu dưới giá trị sổ sách và phân bổ khoản phải thu của nợ xấu trong tối đa 10 năm qua đó giúp các nhà băng giãn ghi nhận khoản lỗ kế toán do nợ xấu. Sáu ngân hàng thương mại bao gồm VCB, CTG, BID, Agribank, STB và ACB đã được lựa chọn để tiên phong áp dụng Nghị quyết.

Một yếu tố quan trọng khác ảnh hưởng tới ngành ngân hàng là việc đáp ứng tiêu chuẩn Basel II trong giai đoạn 2019-2020. Năm 2018, SSI Research thấy rằng có 10 ngân hàng sẽ cần tuân thủ hạn chót đạt tiêu chuẩn Basel II và chuẩn bị sẵn sàng cho việc tăng vốn gồm BIDV, Viettinbank, Vietcombank, Techcombank, ACB, VPBank, MBBank, Maritime Bank, Sacombank, và VIB.

SSI Research ước tính, nếu tính toàn bộ 14 ngân hàng thương mại cổ phần và ngân hàng thương mại quốc dân sẽ cần huy động 3,8 tỷ USD vốn từ thị trường.

Cơ cấu sản phẩm tại các ngân hàng sẽ thay đổi

Dễ nhận thấy trong năm qua, không chỉ lãi đậm mà trong cơ cấu thu nhập từ tín dụng của các ngân hàng đã có dấu hiệu chuyển dịch rất tích cực khi tăng tỷ trọng tín dụng bán lẻ và giảm dần tín dụng bán buôn.

Đơn cử như, dư nợ tín dụng của Vietcombank năm vừa rồi đạt 553.053 tỷ đồng, trong đó tỷ trọng bán buôn/ bán lẻ đã có sự chuyển dịch đúng hướng khi gia tăng tỷ trọng tín dụng bán lẻ và giảm dần tín dụng bán buôn. Tỷ trọng tín dụng bán buôn/bán lẻ tương ứng là 59,2%/40,8%; trong khi 2016 cơ cấu là 66,9%/33,1%.

Bên cạnh thu nhập từ lãi cho vay, thu nhập từ hoạt động dịch vụ của nhiều ngân hàng cũng có sự tăng trưởng vượt bậc. VietinBank cho biết, tổng thu phí dịch vụ của ngân hàng năm qua đạt tới gần 4.000 tỷ đồng, tăng 20% so với năm trước. Còn lãi thuần từ hoạt động dịch vụ của MBBank tăng tới 34% so với năm trước, đạt 531 tỷ đồng.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top