Aa

Cơ quan quản lý “làm xiếc” với câu từ?

Mai Dương
Mai Dương dohongvan115@gmail.com
Thứ Sáu, 20/03/2020 - 07:10

Để khẳng định quan điểm "không hồi tố" khi sửa Nghị định 20, Bộ Tài chính đã viện dẫn Luật và sử dụng những câu từ rất "hoa mỹ" nhưng qua đó lại cho thấy sự chủ quan và những lỗ hổng của cơ quan quản lý.

Trong công văn gửi Chính phủ ngày 13/3/2020 về việc giải trình một số nội dung liên quan đến việc sửa đổi Khoản 3, Điều 8, Nghị định 20/2017/NĐ-CP (“Nghị định 20”), Bộ Tài chính đã chính thức đưa ra quan điểm “không hồi tố” áp dụng cho năm 2017, 2018.

Viện dẫn luật nhưng lại “bỏ quên” luật?!

Trước đó, Reatimes đã có nhiều bài viết đăng tải ý kiến của các chuyên gia phân tích và khẳng định, hoàn toàn có căn cứ pháp lý để áp dụng hồi tố đối với Nghị định sửa đổi Khoản 3 Điều 8 Nghị định 20. Tại văn bản tham gia ý kiến của Bộ Tư pháp gửi Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp cũng khẳng định việc hồi tố quy định này hoàn toàn không vướng về pháp lý. Vì thế, cơ sở pháp lý về vấn đề này không cần phải bàn cãi nữa. 

Tuy nhiên, trong văn bản trình Chính phủ ngày 13/3/2020 vừa rồi, Bộ Tài chính đã viện dẫn lý do không thể hồi tố là “Với tổng số kinh phí phải hoàn trả 4.875 tỷ đồng, hiện chưa có nguồn nào để thanh toán” do các khoản thu năm 2017, 2018 đã được đưa vào quyết toán Ngân sách Nhà nước (NSNN), Kiểm toán Nhà nước đã xác nhận “nay nếu tính lại thì phải sử dụng NSNN để hoàn thuế. Trong khi đó, dự toán NSNN năm 2020 mà Quốc hội phê duyệt không có khoản này”.

Ngay sau đó, Bộ Tài chính tiếp tục đưa ra một lý do hết sức “hợp lý”: “Có ý kiến cho rằng đây là số thuế nộp thừa nên có thể hoàn trả doanh nghiệp bằng cách khấu trừ vào tiền thuế phải nộp năm tiếp theo. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 37, 40, 47 và 48 của Luật Quản lý thuế, số thuế nộp thừa là số thuế cơ quan thuế ấn định thừa hoặc số thuế doanh nghiệp bị tính thừa chứ không phải số thuế tăng do thay đổi chính sách”. Viện dẫn luật, Bộ Tài chính khẳng định không vận dụng được quy định hoàn nộp thừa trong trường hợp này và cho rằng nếu áp dụng sẽ tạo ra cơ chế không minh bạch, rõ ràng, gây khó khăn cho công tác quản lý thuế. Tức là Bộ Tài chính khẳng định, ngân sách không có hơn 4.000 tỷ để trả lại doanh nghiệp, và cũng không thể thực hiện bằng cách khấu trừ vào những năm tiếp theo. 

Chưa bàn đến câu chuyện bất cập trong quy định tại Khoản 3 Điều 8 Nghị định 20 đã gây thiệt hại khiến doanh nghiệp chịu mất oan cả nghìn tỷ đồng qua 2 năm thực hiện vừa qua mà chỉ nói đến việc Bộ Tài chính viện dẫn Điều 37, 40, 47, 48 của Luật Quản lý thuế để cho rằng số thuế nộp thừa là số thuế do cơ quan thuế ấn định thừa hoặc số thuế DN bị tính thừa, không phải số thuế tăng do thay đổi chính sách là cách diễn giải mang tính chủ quan, chưa phù hợp với quy định của Luật. 

Cụ thể, tại Điều 37 và Điều 40 Luật Quản lý thuế quy định về trường hợp nộp thừa do số thuế ấn định của cơ quan thuế lớn hơn số thuế phải nộp, Điều 47 quy định về cách xử lý khi người nộp thuế có số tiền thuế nộp thừa, Điều 48 quy định về trường hợp nộp thừa do có số tiền thuế đã nộp lớn hơn số tiền thuế được xác định theo quyết định giải quyết khiếu nại hoặc bản án. Như vậy, về bản chất, số thuế nộp thừa theo quy định của Luật Quản lý thuế được xác định theo nguyên tắc nếu người nộp thuế có số thuế đã nộp lớn hơn số thuế phải nộp, do đó bao gồm cả trường hợp phát sinh số thuế nộp thừa do thay đổi chính sách.

Vì vậy, có thể vận dụng quy định tại Điều 47 Luật Quản lý thuế để làm cơ sở xử lý số thuế nộp thừa thông qua việc cho phép bù trừ với nghĩa vụ thuế của các năm tiếp theo, hoàn toàn không ảnh hưởng tới năm ngân sách 2017, 2018 đã quyết toán như lý giải của Bộ Tài chính.

Đã từng có tiền lệ hồi tố

Trên thực tế, quy định về hồi tố cũng đã có tiền lệ áp dụng trước đây tại cấp Nghị định. Cụ thể, năm 2014, tại Nghị định 91/2014/NĐ-CP của Chính phủ (“Nghị định 91”) đã có quy định cho phép doanh nghiệp hồi tố áp dụng chuyển đổi ưu đãi do chấm dứt ưu đãi theo điều kiện xuất khẩu do thực hiện cam kết với WTO cho các năm trước đó (từ năm 2007 - đối với hoạt động dệt, may và từ năm 2012 – đối với hoạt động khác). Khoản thuế chênh lệnh do áp dụng quy định này sau đó được Bộ Tài chính hướng dẫn tại Thông tư 151/2014/TT-BTC (“Thông tư 151”) xác định là khoản thuế nộp thừa và được hoàn lại hoặc bù trừ với nghĩa vụ thuế của các năm sau.

Khoản 8 Điều 1 Nghị định 91 quy định:

“8. Bổ sung Khoản 5b Điều 19 như sau:

“5b. Doanh nghiệp còn thời gian hưởng ưu đãi thuế theo điều kiện về tỷ lệ xuất khẩu nhưng bị ngừng ưu đãi thuế do thực hiện cam kết với Tổ chức thương mại thế giới (WTO) đối với hoạt động dệt, may từ ngày 11 tháng 01 năm 2007 và hoạt động khác từ ngày 01 tháng 01 năm 2012 thì được lựa chọn kết hợp không đồng thời, đồng bộ ưu đãi về thuế suất và thời gian miễn, giảm thuế để tiếp tục được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp cho thời gian còn lại kể từ năm 2007 đối với hoạt động dệt, may hoặc kể từ năm 2012 đối với hoạt động khác, tương ứng với các điều kiện ưu đãi thuế mà thực tế doanh nghiệp đáp ứng (ngoài điều kiện ưu đãi do đáp ứng điều kiện về tỷ lệ xuất khẩu, do sử dụng nguyên liệu trong nước) quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp có hiệu lực trong thời gian từ ngày doanh nghiệp được cấp Giấy phép thành lập đến trước ngày Nghị định số 24/2007/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp có hiệu lực thi hành hoặc theo quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp tại thời điểm bị điều chỉnh ưu đãi thuế do thực hiện cam kết WTO.”

Điều 7 Thông tư 151 quy định:

“Trường hợp sau khi khai điều chỉnh, bổ sung doanh nghiệp có số tiền thuế đã nộp lớn hơn số thuế phải nộp thì được bù trừ với số thuế phải nộp của kỳ thuế tiếp theo hoặc được hoàn lại số đã nộp thừa theo quy định. Trường hợp doanh nghiệp đã thực hiện điều chỉnh theo cam kết WTO đối với hoạt động dệt may theo các văn bản trước đây nếu bị xử lý vi phạm pháp luật về thuế, tính tiền chậm nộp và doanh nghiệp đã thực hiện nộp tiền phạt và tiền chậm nộp thì không thực hiện điều chỉnh lại”.

Các doanh nghiệp điêu đứng trước đại dịch

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang có nhiều diễn biến phức tạp như hiện nay, các doanh nghiệp đã và đang rất cần sự hỗ trợ từ Chính phủ và các Bộ, ngành qua việc ban hành các chính sách ưu đãi, hỗ trợ cũng như sửa đổi, bổ sung các chính sách còn đang bất cập một cách kịp thời, tích cực nhằm tháo gỡ khó khăn, giúp doanh nghiệp duy trì và phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh vốn đã gặp rất nhiều khó khăn từ ảnh hưởng của dịch bệnh. Và dẫu đang phải gánh trên vai những thiệt hại khổng lồ cũng như mối lo duy trì "cơm áo gạo tiền" cho hàng chục nghìn người lao động, nhưng các doanh nghiệp vẫn thể hiện trách nhiệm xã hội, ủng hộ hàng trăm tỷ đồng chung tay chống dịch. 

Trên tinh thần đó, việc Bộ Tài chính xem xét một cách thấu đáo để có những đề xuất phù hợp với Chính phủ trong việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 20, trong đó quy định về hồi tố được xem là giải pháp mang tính nhân văn và thể hiện tinh thần đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp trong một giai đoạn kinh tế hết sức khó khăn như hiện nay. 

Sợ phát sinh tiêu cực hay e ngại về năng lực quản lý?

Về ý kiến hồi tố sẽ tạo cơ chế xin cho, phức tạp trong quy trình quản lý, phát sinh tiêu cực trong quá trình thực hiện, rõ ràng điều này thể hiện sự e ngại của Bộ Tài chính về năng lực quản lý. Nếu coi đây là lý do để không cho phép hồi tố thì dư luận sẽ đặt ra câu hỏi về vai trò, trách nhiệm của Bộ Tài chính và ngành thuế trong công tác quản lý thuế. Bộ Tài chính không thể thấy khó quản lý mà không làm, trách nhiệm của Bộ Tài chính là phải đảm bảo năng lực quản lý để có thể kiểm soát vấn đề này.

TS. Cấn Văn Lực

Khi bình luận về đề xuất không cho hồi tố của Bộ Tài chính, TS. Cấn Văn Lực cũng bày tỏ quan điểm “Việc không cho áp dụng hồi tố còn thể hiện tính thiếu nhất quán áp dụng của cơ quan quản lý (cho áp dụng năm 2019 mà lại không cho áp dụng 2 năm trước, trong khi doanh nghiệp đã nộp khoản thuế đó rồi). Còn cho áp dụng hồi tố vừa thể hiện tính nhất quán của cơ quan quản lý, vừa hỗ trợ một số doanh nghiệp, nhất là bối cảnh dịch Covid-19 năm nay; và đó cũng là cách nuôi dưỡng niềm tin và nguồn thu”.

Dẫu biết thu thuế là nhiệm vụ hàng đầu của ngành thuế nhằm tạo nguồn lực tài chính cho ngân sách Nhà nước để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nhưng nếu cách thức “hành thu” không đúng, làm xói mòn niềm tin của doanh nghiệp vào chính sách của Nhà nước thì vô hình chung lại trở thành rào cản, gây khó khăn cho doanh nghiệp và gián tiếp ảnh hưởng đến khả năng đóng góp ngân sách của doanh nghiệp. 

Vì vậy, một chính sách thấu tình đạt lý, tạo điều kiện và bảo vệ quyền lợi chính đáng cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp vững tin vào việc thực thi chính sách, yên tâm cho hoạt động sản xuất kinh doanh mới là cách nuôi dưỡng nguồn thu đúng đắn, như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã từng đề cập và nhắc nhở ngành thuế trong một Hội nghị tổng kết ngành thuế 03 năm trước đây.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top