Aa

Có thể rửa sạch những con sông “thối” của Hà Nội!

Thứ Ba, 25/10/2016 - 15:31

Tình cờ tôi được biết có một đề tài khoa học đã “bị” xếp ở đáy ngăn kéo vài năm nay. Xem xong, tôi bị chinh phục hoàn toàn vì kết quả nghiên cứu của nó, đó là việc có thể biến những con sông “thối khủng khiếp” của Hà Nội hiện nay thành những con sông sạch sẽ và yên bình. Nhưng điều thuyết phục hơn là chi phí thấp hơn và tính khả thi cao hơn nhiều so với việc làm sạch con kênh Thị Nghè-Nhiêu Lộc ở TP. Hồ Chí Minh.

Kỳ 1: Trách nhiệm không thể thoái thác!

Cho dù Hà Nội có ghi nhận những thành tựu lớn lao đến đâu trong nhiều chục năm qua thì những con sông “thối khủng khiếp” đã và đang là một vết nhơ, một nỗi đau của người dân Thủ đô. Nhiều người đang nỗ lực chống chọi thành công với thực phẩm bẩn thì lại đang bất lực với sự ô nhiễm môi trường của những con sông này gây ra.

Nếu chỉ ngắm trên bản đồ thì với 9 con sông xanh ngắt uốn lượn phủ khắp thành phố, không mấy ai nghĩ rằng trong đó, đa phần là những con sông đã chết. Từ sông Tô Lịch, sông Sét, sông Lừ, rồi đến sông Nhuệ, sông Đáy… tựa như những cống thoát nước thải khổng lồ, hôi thối nồng nặc. Đã nhiều năm, hàng triệu trái tim yêu dấu Hà Nội nhìn cảnh đó mà bất lực và xót xa.

Rác thải

Rác thải "giết chết" sông Tô Lịch.

Các chuyên gia cho hay, sự ô nhiễm trầm trọng của những con sông này còn ảnh hưởng không nhỏ tới mạch nước ngầm của Hà Nội. Trong khi đó, hiện có đến 80-85% nguồn nước cấp cho sinh hoạt là nước ngầm, chỉ một phần nhỏ là nước mặt từ Nhà máy nước lấy nước từ sông Đà.

Theo các nhà khoa học, Hà Nội cần phải có giải pháp kịp thời can thiệp đối với các dòng sông nội đô đang bị áp lực mạnh từ hoạt động của con người. Nếu những con sông này được làm sạch, được lưu thông thường xuyên sẽ góp phần rất lớn vào việc cải thiện nguồn nước ngầm đang bị bức hại.

Hà Nội cũng đã dốc nhiều công sức và tiền bạc, kể cả có sự giúp sức của bạn bè quốc tế, với mong muốn khắc phục tình trạng này. Chẳn hạn, năm 2009, Sở Tài nguyên - môi trường Hà Nội đã trình kế hoạch triển khai đề án những giải pháp cấp bách giải quyết ô nhiễm môi trường với tổng mức đầu tư khoảng 1.329 tỷ đồng. Trong đó có kế hoạch dự kiến lấy nước sông Hồng qua trạm Liên Mạc để đưa về giải quyết ô nhiễm sông Tô Lịch.

Cách đây 2 năm, khi đoàn công tác của Hà Nội do Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo đến thăm và làm việc tại thành phố Amsterdam (Vương quốc Hà Lan), ngài Eberhard Van der Laan - Thị trưởng thành phố Amsterdam - đã hứa sẽ hợp tác và hỗ trợ thành phố Hà Nội khẩn trương tiến hành cải tạo môi trường nước sông Tô Lịch.

Rồi Viện nghiên cứu Hỗ trợ phát triển Nông thôn (IRARD) đã kiến nghị UBND TP. Hà Nội cho thực hiện thí điểm việc dùng hóa chất làm sạch nước sông Tô Lịch. Theo đó sau khi phun loại dung dịch này, mùi hôi sẽ giảm ngay, còn làm nước trong lại phải mất 1-2 ngày và màu nước trong đó duy trì được một tháng. Sau đó sẽ xây đập chắn giữ nước ở vị trí trước khi đổ ra sông nhằm tạo dòng chảy...

Cho dù vậy, tình hình ô nhiễm của các con sông vẫn ngày càng nặng nề, đặc biệt là những con sông ở nội đô, bởi chúng hoàn toàn làm chức năng của hệ thống dẫn nước thải.

Sông Nhuệ cũng ngày càng ô nhiễm nghiêm trọng.

Sông Nhuệ cũng ngày càng ô nhiễm nghiêm trọng.

Có một câu chuyện kể ra đây mà thấy nẫu lòng, khi người Hà Nội nhìn thấy khoảnh khắc “hệ thống dẫn nước thải khổng lồ” trở lại nguyên hình là con sông thanh bình trong ký ức. Đó là sau trận lụt lịch sử hồi đầu tháng 11/2008, người dân ở Hà Nội đã được chứng kiến nước sông Tô Lịch "trong vắt" như xưa. Khi đó, sông Tô Lịch bị nước mưa làm loãng, dâng cao hàng mét, cuồn cuộn chảy và có cả cá bơi(!). Trận lụt đó đã làm sông Tô Lịch sạch sẽ trở lại chỉ trong vòng vài tuần lễ.

Nhưng may thay, trời cũng không chặn hết cửa để có thể cứu những con sông này. Hà Nội còn có những con sông lớn khác chưa bị ô nhiễm như sông Hồng, sông Đà. Từ đấy, có một ý tưởng táo bạo và hấp dẫn của các nhà khoa học đã vực dậy niềm hy vọng làm sống lại những con sông “thối khủng khiếp” trong nội đô.

Câu chuyện có lẽ bắt đầu là sự ngạo ngược của con sông Đà. Từ Lai Châu đang yên lành chảy theo hướng đông-nam qua Sơn La rồi xuống Hòa Bình, thế mà bỗng “phắt một cái”, chảy ngược lên phía bắc, qua Phú Thọ, qua chân núi Ba Vì của Hà Nội để tạo ra một Ngã ba sông đầy thơ mộng rồi đổ vào sông Hồng tại Việt Trì.

Ý tưởng táo bạo và hấp dẫn này là dẫn nguồn nước sông Đà trước khi đổ vào sông Hồng tại Việt Trì “đi tắt” qua một con kênh nhân tạo để thau rửa những con sông nội thành trước khi đổ ra sông Hồng phía hạ lưu.

Kỳ sau: Liệu có hình thành con sông đào lịch sử?

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top