Aa

Con đường tất yếu đưa BĐS nghỉ dưỡng “lên hương”

Nguyễn Hà (ghi)
Nguyễn Hà (ghi) lienlien.media@gmail.com
Chủ Nhật, 21/06/2020 - 05:55

Theo chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh, kinh tế ban đêm là hướng phát triển tất yếu nhằm đưa Việt Nam để đưa du lịch Việt Nam phát triển mạnh, đồng thời bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng cũng hưởng lợi rất lớn từ mô hình này.

Kinh tế ban đêm mờ nhạt, ngành du lịch bỏ ngỏ nguồn thu lớn

Du lịch Việt Nam, trong đó có du lịch nghỉ dưỡng đang tăng trưởng mạnh. Năm 2019, Việt Nam đón trên 17 triệu lượt khách quốc tế. Chỉ số năng lực cạnh tranh du lịch và lữ hành của Việt Nam trong hai lần xếp hạng năm 2017 và 2019 đã tăng 12 bậc, đứng thứ 63/140 nước.

Trong khi ở nhiều “cường quốc du lịch”, kinh tế ban đêm mang lại giá trị lớn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo công ăn việc làm, giá trị thặng dư và thu hút ngoại tệ thì ở Việt Nam, dù lượng du khách quốc tế tăng đều hằng năm nhưng doanh thu du lịch và mức chi tiêu của khách còn thấp so các nước trong khu vực. Theo Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam (TAB), trung bình du khách đến Việt Nam chi 96 USD/ngày, trong khi Thái Lan là 163 USD/ngày và Singapore là 325 USD/ngày mà một phần là do Việt Nam gần như chưa khai thác kinh tế ban đêm.

Chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh.

Theo Bộ Công Thương, hiện mỗi năm Việt Nam có thêm 1,5 triệu người gia nhập vào tầng lớp trung lưu, với mức sống từ 15 USD/ngày trở lên, đang dành nhiều tiền và thời gian để tận hưởng cuộc sống. Khảo sát của The Conference BoardNiesel cho thấy, 43% tiền nhàn rỗi của người tiêu dùng Việt Nam được sử dụng cho mục đích giải trí.

Tại Hà Nội, những năm gần đây, khi hình thành tuyến phố đi bộ vào cuối tuần liên thông với khu phố cổ thì khu vực này khá đông đúc, nhưng các hoạt động tại đây chỉ diễn ra tới nửa đêm. Ngay tại thủ phủ du lịch miền Trung là Đà Nẵng thì hầu hết hàng quán, khu vui chơi, chợ đêm đều đóng cửa từ khoảng 22 giờ. Đến TP.HCM, vào ban đêm, du khách chỉ ăn tối, xem biểu diễn nghệ thuật, đi quán bar…

Theo Bộ Công Thương, các hoạt động kinh tế đêm của Việt Nam hiện nay rất đơn điệu và quy mô nhỏ, tập trung vào ẩm thực và chợ đêm, hoặc phố đi bộ với quy mô nhỏ. Các hoạt động giải trí, biểu diễn nghệ thuật vào ban đêm, hệ thống cửa hàng, siêu thị, các khu mua sắm đêm sầm uất chưa được hình thành tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM...

Phố cổ Hà Nội, khu phố Bùi Viện, Phạm Ngũ Lão ở TP.HCM được xem là điểm đến của khách du lịch. Tuy nhiên, Việt Nam chưa phát triển thành các thương hiệu nổi bật để hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước. Một số địa bàn du lịch nổi tiếng như Hội An, Sapa, Mũi Né..., đều chưa đa dạng hóa được các dịch vụ phát triển về đêm để khai thác tối đa hoạt động của khách du lịch.

Một hạn chế khác là khung giờ cho các hoạt động kinh tế đêm chủ yếu vẫn chỉ được phép không quá 23 giờ đêm do lo ngại mặt trái của kinh tế ban đêm như ô nhiễm tiếng ồn, phát sinh các vấn đề về tệ nạn xã hội như tội phạm, mại dâm, sự lai căng về văn hóa, chiếm dụng trái phép không gian công cộng phục vụ kinh doanh.

Rõ ràng, Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển du lịch gắn với kinh tế ban đêm như dân số trẻ tập trung tại các thành phố lớn, tài nguyên du lịch phong phú, các yếu tố văn hóa - nghệ thuật, ẩm thực đặc sắc; mức độ hội nhập cao; thời tiết dễ chịu về đêm…, song lại tồn tại nhiều hạn chế cho phát triển kinh tế đêm như hạ tầng còn thiếu và yếu, dịch vụ chưa chuyên nghiệp, cơ chế chính sách chưa tương ứng, sự e ngại nảy sinh phức tạp về trật tự, an ninh…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá: “Phát triển kinh tế ban đêm là một xu hướng các nước đang vận dụng, Việt Nam cũng nên tận dụng thời cơ này”, đồng thời mong muốn các trung tâm kinh tế, các thành phố lớn phát triển kinh tế ban đêm để du khách đến đông hơn, ở lâu hơn và tiêu tiền nhiều hơn.

Theo khảo sát của các chuyên gia nước ngoài, doanh thu sản phẩm dịch vụ du lịch ban ngày chỉ chiếm 30%, trong khi 70% còn lại nằm ở khung giờ đêm nhưng sản phẩm, dịch vụ về đêm của Việt Nam lại quá ít. Theo Bộ Công Thương, phát triển kinh tế đêm đã hình thành tại Việt Nam, nhưng mới chỉ xuất hiện manh mún tại một số đô thị và các trung tâm du lịch lớn, chưa định hình thành một khu vực kinh tế có đóng góp quan trọng vào tăng trưởng GDP, chưa có báo cáo, thống kê cụ thể về đóng góp của kinh tế đêm vào phát triển kinh tế xã hội.

Giải pháp nào?

Trước hết, các cấp, các ngành cần thay đổi tư duy, hoàn thiện cơ chế, xây dựng chính sách, khung khổ pháp lý phù hợp, quy hoạch khu vực phát triển kinh tế ban đêm, tăng cường năng lực quản lý, khai thác nguồn lực tài nguyên, tri thức, tài chính, ứng dụng công nghệ, hợp tác khu vực công và tư nhân… 

Việc thúc đẩy kinh tế ban đêm có trọng điểm, có lựa chọn sẽ tạo điều kiện để du lịch nói chung, du lịch nghỉ dưỡng nói riêng trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, mang lại thu nhập lớn cho nền kinh tế. Ngành Du lịch Việt Nam cần phân tích chính xác nhu cầu của khách du lịch và triển khai xây dựng khu kinh tế ban đêm tại những thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM, Vân Đồn (Quảng Ninh), Phú Quốc (Kiên Giang)..., cũng như các tổ hợp du lịch, nghỉ dưỡng lớn.

Đơn cử như trường hợp đang thí điểm tại Vân Đồn (Quảng Ninh). Hiện tại, đã có doanh nghiệp địa ốc rót nhiều ngàn tỷ đồng, phát triển kinh tế ban đêm, với những tổ hợp dự án có thể hấp dẫn khách du lịch suốt 24/7 ngày và 365 ngày/năm. Trong nỗ lực đưa Vân Đồn trở thành Khu kinh tế đặc biệt trong tương lai, việc đầu tư cho hạ tầng du lịch, với những điểm nhấn là các tổ hợp nghỉ dưỡng đa chức năng, quy mô và đẳng cấp quốc tế, một “trung tâm công nghiệp giải trí có casino”, sẽ tạo ra cơ hội bùng nổ cho thị trường bất động sản nói riêng, và kinh tế du lịch của Vân Đồn trong tương lai không xa.

Dự án Sonasea Vân Đồn Harbor City của Tập đoàn CEO là tổ hợp nghỉ dưỡng đầu tiên tại Vân Đồn triển khai thí điểm mô hình kinh tế ban đêm.

Để phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam, cần có kế hoạch, chính sách, sự chỉ đạo thống nhất, đầu tư bài bản các khu vực riêng, được quy hoạch dài hạn và phát triển hạ tầng điện, nước, có kết nối giao thông công cộng, mạng lưới quản lý dịch vụ an ninh, an toàn. Các khu vực vui chơi giải trí về đêm cần quy hoạch đồng bộ, chọn lựa các doanh nghiệp uy tín, có kinh nghiệm thực hiện đi đôi với phát triển dịch vụ giao thông công cộng phù hợp, hợp pháp hóa kéo dài thời gian mở cửa các địa điểm tham quan, biểu diễn nghệ thuật và cửa hàng tiện lợi được hoạt động 24/24.

Kinh tế ban đêm còn đòi hỏi có cơ chế thích hợp quản lý cơ sở hạ tầng, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện, nước, xăng dầu, bia rượu, đồ uống cao cấp, thuốc lá..., đi đôi với bộ máy quản lý các tệ nạn xã hội, chống hàng giả, hàng trốn thuế, cũng như đảm bảo an ninh, an toàn đô thị. An toàn là một trong những mối quan tâm của du khách khi tham gia những tour du lịch về đêm. Bên cạnh chợ đêm và phố đi bộ đang được xem là sản phẩm phù hợp với môi trường, địa phương và thói quen mua sắm của du khách thì khu kinh tế đêm gắn với tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng là tất yếu và hợp lý.

Đặc thù kinh tế đêm là tập trung đô thị lớn nên cần phân cấp cho chính quyền địa phương trong quy hoạch và phát triển kinh tế đêm tại địa phương. Tuy nhiên, Chính phủ cần sớm ban hành khung pháp lý đầy đủ về phát triển kinh tế ban đêm từ quy hoạch chung, loại hình dịch vụ, thời gian, địa điểm, đối tượng tham gia…, đến điều kiện tiêu chuẩn về tiếng ồn, ánh sáng, xa khu dân cư, bệnh viện, trường học, đồng thời tăng cường công tác quản lý Nhà nước để giảm thiểu phát sinh tệ nạn xã hội và hoạt động tội phạm.

Tóm lại, kinh tế ban đêm là bộ phận tất yếu của nền kinh tế do thực hiện nguyên tắc sử dụng tốt nhất các nguồn lực để tạo ra sản phẩm hàng hóa cho xã hội, từ thời gian, không gian đến cơ sở hạ tầng và sức lao động. Đối với du lịch nói chung và du lịch nghỉ dưỡng nói chung, kinh tế ban đêm càng có ý nghĩa quan trọng đặc biệt vì đó là công cụ hữu hiệu để du khách đến nhiều hơn, ở lại lâu hơn và tiêu tiền nhiều hơn. Đến lượt mình, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng được hưởng lợi từ sự phát triển của kinh tế ban đêm thông qua cơ hội phát triển cả thị trường sơ cấp, thị trường thứ cấp cũng như tăng hiệu quả khai thác sử dụng bất động sản nghỉ dưỡng./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top