Aa

"Con quái vật" của Los Angeles

Thứ Năm, 11/05/2017 - 01:01

Ít ai biết rằng một số cảnh quay thơ mộng trong bộ phim La La Land lại được thực hiện ở một trong những con đường của giao lộ Judge Harry Pregerson - giao lộ rối rắm nhất thế giới. Nơi đây được mệnh danh là “con quái vật” của Los Angeles.

Nhà phê bình kiến trúc Reyner Banham nhận xét: “Ngôn ngữ thiết kế, kiến trúc và quy hoạch đô thị ở Los Angeles (LA) là ngôn ngữ của sự chuyển động”. Và cõ lẽ đó là câu nói dành cho giao lộ Judge Harry Pregerson hay còn được biết đến là “giao lộ bươm bướm” (butterfly junction) vì hình dáng của nó.

Giao lộ Judge Harry Pregerson được mệnh danh là “con quái vật” của LA, nằm gần khu dân cư Athens và Watts ở California, Hoa Kỳ, nó kết nối đường I-105 (đường cao tốc Glenn Anderson) và I-110 (đường cao tốc Harbor). Giao lộ này được xây dựng từ năm 1993 cùng thời điểm mở cửa trở lại của đường I-105.

Tên của giao lộ được đặt theo tên của Harry Pregerson, một thẩm phán liên bang lâu năm – người đã chủ trì các vụ kiện liên quan đến việc xây dựng đường cao tốc I-105. Được biết, con đường cao nhất của giao lộ cao đến 130 feet, tương đương với khoảng 40m.

Bên cạnh đó, giao lộ này cũng chứa cả đường ray tàu điện ngầm Metro Green Line, các đường kết nối trực tiếp HOV và trạm trung chuyển Harbor.

Giao lộ cho phép các phương tiện lưu thông đi và đến từ nhiều hướng một cách trực tiếp, tuy vẫn có một số hạn chế. Cụ thể, những tài xế đi từ phía Tây hoặc phía Đông trên đường I-105 có thể kết nối với phía Bắc đường I-110; đi từ đường phía Nam I-110 có thể đi vào phía Đông hoặc phía Tây của I-105. Riêng chỉ có đoạn đường từ I-110 phía Bắc đến I-105 phía Tây là người điều khiển phương tiện phải đi một đường vòng.

Trước đây, theo một bài báo đăng trên tờ LA Times vào năm 1989, giao lộ này kết nối đường I-110 hiện có với đường I-105 mới được xây dựng (sau này được gọi là đường Cao tốc Thế kỷ). Đơn vị thiết kế ra cây cầu rối rắm này là Cục Phát triển Giao thông vận tải California. Judge Harry Pregerson trở thành tổ hợp giao thông đầu tiên kết hợp cả 3 loại hình: xe lửa, tàu cao tốc và phương tiện cá nhân.

Năm 1994, “giao lộ bươm bướm” lần đầu tiên xuất hiện trên màn ảnh rộng trong bộ phim Speed.

Năm 1996, Cục quản lý đường cao tốc Liên bang Hoa Kỳ trao cho giao lộ này giải thưởng Merit đối với đường cao tốc đô thị diễn ra 2 năm một lần vì thiết kế xuất sắc của nó đã làm giảm ùn tắc giao thông, bảo đảm sự an toàn cho việc di chuyển và thân thiện với môi trường, nhất là với không khí.

Vào năm 2015, tờ Telegraph xếp Giao lộ Judge Harry Pregerson là giao lộ hỗn loạn nhất trên thế giới. Cùng năm này, một trong những con đường của giao lộ cũng được sử dụng để quay cảnh trong phim La La Land.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top