Aa

Con suối chảy qua khu vực mỏ vàng Pác Lạng chuyển màu trắng đục bất thường

Thứ Bảy, 23/05/2020 - 16:08

Dòng suối chảy xung quanh khu vực khai thác vàng của công ty Tân Thịnh (huyện Ngân Sơn, Bắc Kạn), nước có hiện tượng chuyển màu trắng đục bất thường, nghi ngờ ô nhiễm do việc khai thác vàng gây ra.

Video con suối chảy qua mỏ vàng Pác Lạng đổi màu bất thường, nghi ngờ ô nhiễm do hoạt động khai thác vàng gây ra. 

Vừa qua, nhận được phản ánh của người dân sinh sống tại 2 xã Đức Vân và xã Thượng Quan (huyện Ngân Sơn, Bắc Kạn) về việc dòng suối gần mỏ vàng Pác Lạng đang được công ty TNHH Tân Thịnh khai thác thường xuyên đổi màu bất thường, vẩn đục, trắng dọc cả con suối làm ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng.

Nhìn từ xa có thể thấy rõ cả con suối dài màu đục lạ thường.

Theo như phản ánh của người dân: "Dòng suối chảy quanh co dài hàng cây số, nước chuyển màu đục ngầu, có đoạn nước nông cũng không thể nhìn được tới đáy. Chúng tôi lo lắng, nếu để tình trạng này diễn ra lâu ngày sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, sức khỏe con người. Bởi, thông thường những hóa chất dùng cho việc khai thác, chế biến khoáng sản vàng thường rất độc hại vì có thủy ngân". 

PV Reatimes đã trực tiếp xác minh thông tin tại mỏ vàng được cho là lớn nhất miền Bắc này, nhận thấy phản ánh của người dân là có cơ sở.

Mỏ vàng Pác lạng rộng gần 25km2, nằm trên địa bàn hai xã Đức Vân và Thượng Quan, huyện Ngân Sơn, Bắc Kạn. Đường đi vào khá khó khăn và chỉ có một con đường “độc đạo", bởi mỏ vàng nằm sâu trong rừng núi hiểm trở. Sau gần 1h đồng hồ đi từ UBND huyện Ngân Sơn vào, PV đã đến được mỏ vàng. Lối vào chỉ có 1 đường và luôn có người canh gác tại 1 chốt barie kiểm soát ra vào, khá khó khăn khi đi qua chốt kiểm soát này. 

Chốt kiểm soát ra vào của đơn vị khai thác mỏ vàng luôn có người canh gác, kiểm soát người ra vào.

Qua được chốt kiểm soát, lần theo con đường mòn đã được rải đá vào phía bên trong khu vực hoang vu, toàn rừng núi này đi vào sâu bên trong có thể nghe rõ tiếng máy nổ, một số điểm đã được san gạt, mở đường mới.

Tại các khúc cua, cũng như ở cổng ra vào đều được lắp camera canh chừng cẩn thận, đôi lúc PV nhận được ánh mắt dò xét từ xa của những người đứng bên đường. Địa điểm được xác định là con suối chính, chảy xuyên qua mỏ vàng này nằm giữa thung lũng sâu phía dưới.

Cuối cùng PV cũng đã đến được điểm chính con suối, khu vực nơi nghi ngờ được phản ánh nguồn nước đục trắng, màu thủy ngân. Mặc dù thời điểm này không mưa, nhưng nguồn nước vẫn trắng đục lạ thường, trên mặt nước có một số điểm tạo màng bám, quắn lại. 

Hình ảnh con suối đục trắng chảy dài, được PV ghi nhận vào thời điểm cuối tháng 4/2020.

Nhìn vào dòng suối này ít ai nghĩ được rằng suối ở trong rừng lại có thể có màu đục, lạ thường như vậy.

Một cụ ông lớn tuổi sinh sống gần đoạn suối bị đổi màu cho hay: "Vào cuối năm ngoái, chúng tôi bắt đầu thấy nước ở con suối này chuyển màu đục trắng, bám mảng màu trắng, hướng từ phía mỏ khai thác vàng nên chúng tôi nghi ngờ phía công ty khai thác vàng xả nước thải gây ô nhiễm nguồn nước".

“Nhà tôi có máy phát điện đặt ở con suối này, mỗi lần đi sửa máy điện về là phải rửa chân tay ngay chứ không thì nguy hiểm lắm, nước toàn hoá chất", một người dân kiểm tra máy phát điện nói.

Một đoạn suối khác thường, nhìn thấy rõ 2 màu nước. Khi có 1 nhánh nhỏ tự nhiên chảy vào hòa chung với dòng chảy đang có dấu hiệu ô nhiễm.

Được biết, vào tháng 3 vừa qua, con suối này nước cũng bị đục và nghi ngờ bị ô nhiễm do nước thải, nên người dân đã phản hồi lên chính quyền địa phương về sự việc này.

Thôn Ma Nòn có hơn 60 hộ dân đang sinh sống, đa phần đều là đồng bào dân tộc Dao, trong đó có khoảng 9 hộ ở ven suối bị ảnh hưởng trực tiếp từ nguồn nước suối bị ô nhiễm do hóa chất, vì các hộ này lấy nước ở đây tưới tiêu cho ruộng của mình. Sau nhiều lần phản ánh, phía công ty Tân Thịnh đã xuống thôn Ma Nòn đối thoại trực tiếp với dân. Cho thi công hạng mục công trình “sửa chữa, cải tạo, lắp đặt toàn bộ đường nước tưới tiêu cho cánh đồng Cò Luồng, thôn Ma Nòn, xã Thượng Quan” vào giữa tháng 2/2020. Công trình này đến đầu tháng 3 đã hoàn thành và bàn giao cho thôn.

Mỏ vàng Pác Lạng được UBND tỉnh Bắc Kạn cấp giấy phép thăm dò khoảng sản số 1147/GP-UBND ngày 27/7/2016, Quyết định chủ trương đầu tư số 2261/QĐ-UBND ngày 28/12/2017 và được cấp giấy phép khai thác khoáng sản số 358/GP - UBND ngày 07/3/2018.

Mỏ có tổng diện tích là 99,47ha, trong đó 43,56ha là diện tích khai thác và 55,9ha là diện tích phụ trợ, được chia làm 9 khu khai thác với tổng 19 lò mở vỉa và thông gió.

Có 8 khu vực xưởng tuyển và 1 khu vực nhà máy chế biến (theo thiết kế thi công và thiết kế thi công chỉnh sửa, bổ sung). Công suất thiết kế 5.000 tấn quặng/năm, tổng vốn đầu tư 39,415 tỷ đồng. Tuổi thọ mỏ là 17 năm và 1 năm xây dựng cơ bản mỏ. Mỏ bắt đầu xây dựng cơ bản từ ngày 23 tháng 7 năm 2018.

Ngày 10/1/2020, UBND tỉnh Bắc Kạn đã có công văn số 144/UBND-KTTCKT về việc giải quyết đề nghị của Công ty TNHH Tân Thịnh. Theo đó, UBND tỉnh đã đồng ý về chủ trương cho Công ty TNHH Tân Thịnh lập hồ sơ điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư, báo cáo đánh giá tác động môi trường, thiết kế cơ sở, thiết kế khai thác, giấy phép khai thác... Công ty TNHH Tân Thịnh có trách nhiệm hoàn thiện hồ sơ, thủ tục liên quan đến việc khai thác mỏ, thực hiện xây dựng cơ bản mỏ và vận hành thử nghiệm các công trình bảo vệ môi trường theo hồ sơ đã được cơ quan thẩm định, phê duyệt, cấp phép.

Lần theo 1 lối đi khác phía bên trong mỏ vàng này, PV chứng kiến dấu hiệu nước xả của hoạt động khai thác, thăm do vàng xói thành 1 đường thẳng từ trên cao xuống.

Nhưng thực tế, như người dân phản ánh việc nguồn suối chảy qua khu vực khai thác vàng này đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, không chỉ 1, 2 ngày mà nó là cả một thời gian dài, nhưng vẫn chưa được các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý triệt để tại khu vực gần mỏ khai thác vàng này khiến cho dư luân, người dân có những ngờ vực về sự bao che, thiếu trách nhiệm đối với khu vực khai thác vàng.

Trước đó, vào năm 2016 mỏ vàng Pắc Lạng (huyện Ngân Sơn, Bắc Kạn) cũng đã được phản ánh về việc khai thác vàng trái phép, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình cũng đã có chỉ đạo kiểm tra hoạt động khai thác vàng trái phép tại đây.

Thiết nghĩ, UBND tỉnh Bắc Kạn, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Kạn và UBND huyện Ngân Sơn nên nhanh chóng vào cuộc kiểm tra, làm rõ việc bảo vệ môi trường của mỏ vàng lớn nhất miền Bắc nằm ở tỉnh Bắc Kạn này.

Reatimes sẽ tiếp tục thông tin./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top