Aa

Condotel vẫn có triển vọng phát triển rất tốt

Nguyên Hà
Nguyên Hà lienlien.media@gmail.com
Chủ Nhật, 22/12/2019 - 06:06

Dù thị trường đang có những "nốt trầm" xuất phát từ các chủ đầu tư không uy tín nhưng các chuyên gia đánh giá, condotel vẫn là sản phẩm nghỉ dưỡng đầy triển vọng, nhất là khi khung pháp lý được đầy đủ, rõ ràng hơn.

Theo số liệu được Bộ Xây dựng đưa ra, hiện có khoảng 148 dự án condotel đến từ 52 chủ đầu tư tại nhiều tỉnh thành ven biển khắp cả nước. Trong giai đoạn 2017-2019, có khoảng 27.000-29.000 căn hộ được tung ra thị trường. Trong đó, condotel tập trung chủ yếu ở Đà Nẵng, Khánh Hòa, Phú Quốc, Bà Rịa – Vũng Tàu và Bình Thuận.

Theo các chuyên gia, đầu tư condotel sẽ có lợi cho nền kinh tế và thị trường bất động sản, tạo sự đa dạng về các sản phẩm lưu trú. Với doanh nghiệp, đây là một kênh huy động vốn minh bạch, hợp pháp và hiệu quả.

GS. TSKH. Đặng Hùng Võ nhận định, các bất động sản du lịch kiểu mới như condotel có vai trò quan trọng trong phát triển du lịch, động viên được toàn dân tham gia làm du lịch dựa trên tạo hiệu suất cao trong sử dụng bất động sản của kinh tế chia sẻ. Do vậy, cần chuyển từ tư duy kinh tế truyền thống sang tư duy kinh tế chia sẻ để sửa đổi pháp luật đất đai. Mục tiêu chính là kinh tế du lịch phải trở thành kinh tế mũi nhọn.

TS. Lương Hoài Nam, Thành viên Hội đồng tư vấn du lịch cũng cho hay, quan điểm của ngành du lịch là condotel rất quan trọng, cần thiết cho sự phát triển của ngành. Dẫn chứng cho thấy, đến hết năm 2018, cả nước có trên 15.600 cơ sở lưu trú du lịch với hơn 350.000 phòng. Tuy nhiên, ông Nam chỉ ra chỉ có 965 cơ sở lưu trú từ 3 sao trở lên, tương ứng 6% nguồn cung. Đó là cơ hội cho sản phẩm condotel trong thị trường bất động sản nghỉ dưỡng.

Tuy nhiên, thị trường condotel đang phải đối mặt với 2 thách thức lớn. Đó là việc cam kết lợi nhuận cao, nhưng sau 2-3 năm đi vào vận hành, bên cạnh các chủ đầu tư đang chật vật để duy trì việc chi trả cam kết lợi nhuận thì ở một số dự án đã xảy ra tình trạng “vỡ trận” như dự án Cocobay Đà Nẵng mới đây; và hiện chưa có hành lang pháp lý rõ ràng, đầy đủ cho dòng sản phẩm này.

Ông Nam nhận định, vụ “vỡ trận” condotel vừa qua là hệ quả của việc biến tướng từ sản phẩm bất động sản thành sản phẩm tài chính phái sinh. Nếu mua sản phẩm bất động sản, khách hàng sẽ quan tâm vị trí, tiềm năng phát triển thị trường, chất lượng xây dựng, giá căn hộ, cách quản lý vận hành. Nhưng nhiều chủ đầu tư và người mua đã biến nó thành sản phẩm phái sinh, chỉ quan tâm lãi suất cam kết mà không quan tâm giá cả.

“Người mua hiện nay chỉ quan tâm số phần trăm lợi nhuận mà chủ đầu tư cam kết, biến condotel thành chứng khoán phái sinh. Nói thật, nếu lợi nhuận cam kết lên đến 12-15%/năm, thì giới thiệu condotel ở mặt trăng hay sao hỏa thì người ta vẫn mua bán bình thường”, TS. Lương Hoài Nam ví von.

Condotel vẫn được đánh giá sản phẩm nghỉ dưỡng triển vọng trong năm 2020.

Dưới góc độ doanh nghiệp đầu tư, ông Nguyễn Thái Phiên, Giám đốc cấp cao Tập đoàn Novaland nhận định, condotel là sản phẩm tất yếu của thị trường, nhu cầu tất yếu của nhà đầu tư. Việc doanh nghiệp phát triển các dự án condotel là đáp ứng nhu cầu của khách hàng, của thị trường.

“Coi condotel là sản phẩm bất động sản hay sản phẩm tài chính không phải là vấn đề quá phức tạp. Đối với các chủ đầu tư uy tín trên thị trường, khi thị trường bắt đầu vào nhịp phát triển, các cam kết lợi nhuận đã được chủ đầu tư chủ động giảm, điều chỉnh mức cam kết lợi nhuận phù hợp, hoặc chuyển sang hình thức chia sẻ lợi nhuận với khách hàng. Chỉ có những chủ đầu tư chưa uy tín mới đưa ra mức cam kết trên trời. Chính vì vậy, tôi nghĩ cần có sự khuyến cáo để ‘đạp phanh’ những chủ đầu tư không uy tín”, ông Phiên khẳng định.

TS. Huỳnh Phước Nghĩa, Phó Trưởng khoa kinh doanh và Quan hệ quốc tế, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng, cái gốc vấn đề của sự phát triển condotel và bất động sản nghỉ dưỡng nói chung là chủ đầu tư phải có năng lực, uy tín ở lĩnh vực này.

Bản thân chủ đầu tư phải nắm bắt được xu thế của thị trường, nhu cầu thực tiễn từ người mua và giá trị sinh lời bền vững. “Trong tương lai, bất động sản nghỉ dưỡng vẫn phát triển lạc quan, những lùm xùm condotel vừa qua lại trở thành cơ hội cho nhà đầu tư và thị trường, nhà đầu tư hiểu được dòng vốn bỏ vào condotel như nào cho đúng, còn chủ đầu tư sẽ có những hướng đi khác để linh hoạt với nhu cầu của khách mua”, ông Nghĩa nhấn mạnh.

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM ông Lê Hoàng Châu cũng nhận định, sự thật với mức độ tăng trưởng khách du lịch khoảng 30%/năm, khách du lịch quốc tế khoảng 15%/năm rõ ràng còn rất nhiều dư địa, tiềm năng cho thị trường condotel phát triển.

“Năm 2017 Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn và Việt Nam có nhiều tiềm năng. Phát triển du lịch càng tăng thì các condotel cũng phát triển tốt. Chủ đầu tư có thể liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp trong vùng để khai thác và cơ cấu lại sản phẩm để bài toán kinh doanh đạt hiệu quả hơn...”.

Theo ông Châu, khi doanh nghiệp đầu tư một lượng sản phẩm vượt quá nhu cầu của thị trường, bài toán đặt ra là hiệu quả. Do vậy, nên khuyến nghị chủ đầu tư, trước hết cần giải quyết bài toán kinh doanh, làm sao kinh doanh có hiệu quả, tăng doanh thu để từ đó tăng lợi nhuận:

“Các chủ đầu tư cần cơ cấu lại sản phẩm, cấu trúc lại hoạt động đầu tư để từ đó mở rộng các hoạt động kinh doanh dịch vụ, nâng cao chất lương kinh doanh dịch vụ, thu hút được nhiều khách du lịch hơn nữa, từ đó giúp tăng doanh thu. Đi đôi với đó là vấn đề nội bộ, cần đào tạo, huấn luyện kỹ năng đội ngũ của mình chứ lúc này, chủ đầu tư buông xuôi nữa thì sẽ thất bại”.

Theo Chủ tịch HOREA, Nhà nước cần hoàn thiện khung pháp lý cho phù hợp. Hiện nay, có những nốt trầm trong thị trường này mà phần thiệt hại thuộc về các nhà đầu tư thứ cấp.

“Luật Doanh nghiệp cần bảo vệ quyền lợi của cổ đông yếu thế trong công ty cổ phần. Giá trị căn hộ condotel so với cả một dự án thì rất bé nên cần có cơ chế bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư thứ cấp”, ông Châu khẳng định. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top