Aa

“Cõng bà già qua vũng nước”

Chủ Nhật, 31/05/2020 - 07:00

Người già là cái gốc, là nền tảng của gia đình, xã hội. Đó là hai thế hệ rất nhạy cảm mà bất cứ một xã hội, một đất nước hay một cộng đồng, gia đình riêng biệt nào cũng cần chú ý bảo vệ.

“Cõng bà già qua vũng nước”

Ngày xưa, mỗi lần nghe người lớn trong làng nói câu đó tôi không hiểu lắm. Cũng không suy nghĩ sâu xa gì. Sau này lớn lên, đi học rồi đi làm. Mà lại làm nghề Y - Dược dần tôi cũng lờ mờ hiểu. Và nhất là sau này khi mẹ tôi có tuổi, yếu đi, cũng thành một bà già, tôi càng hiểu điều đó thấm thía hơn…

Mẹ tôi năm nay 80 tuổi. Bà vẫn còn khỏe. Ơn giời, bà mẹ nông dân của tôi vất vả cả đời, suốt ngày cặm cụi ruộng đồng hầu như không bị bệnh gì đáng kể. Bà vẫn ở làng, trên mảnh đất mà bà chắt chiu từng đồng nhỏ từ hạt lúa củ khoai, từ gánh hàng rong buôn bán xáo xổi suốt chợ Hồ, chợ Núi, chợ Chằm… chắt bóp để dành ra mua được. Bà từ chối mọi lời đề nghị của con cháu lên phố ở. Bà nói không quen. Ở phố xe pháo váng đầu, leo cầu thang nhà mỏi chân. Bà ở làng với bạn bè, họ hàng, con cháu quây quần xung quanh. Hàng ngày những lúc mát giời bà vẫn ra vườn trồng tưới, hái rau để đem lên chợ bán và đem gửi cho con cháu mãi ngoài Hà Nội.

Nhà tôi trên phố. Cách làng cũ chưa đầy một cây số, nơi mẹ tôi ở. Mẹ tôi vẫn đi lại giữa hai nơi, phố và làng. Với một người nông dân và chạy chợ quen thì quãng đường đê gần một cây số, đi bộ chỉ như một cuộc dạo chơi thong thả. Thế nhưng với người già thì nhiều khi đó cả là một khoảng cách đáng kể, bởi chân mỏi gối chồn rồi…

Mẹ tôi... (Ảnh: Sưu tầm)

Mà tôi thì đi suốt, mấy lúc ở nhà đâu. Còn mẹ tôi cũng đi rất là ngẫu hứng: lúc nào bỗng thấy nhớ cháu thì lên, lúc chợt nhớ bà chị hay bà em ở làng đang ốm có một mình buồn là về… Nên tôi thật lòng cũng chả đưa đón được mấy, dù nhà cũng đủ cả ô tô xe máy. Thế nhưng hầu như mẹ tôi lại chả phải đi bộ bao giờ: Bà cứ lên đê đầu làng đầu phố là thế nào cũng có người đèo đi, đèo về. Không hẳn là người quen, mà đa số là người lạ. Có hôm bà bảo tôi: “Trẻ con bây giờ chúng nó cũng ngoan. Có đứa nó không thuận đường nhưng cũng cứ đèo mình về tận đầu làng rồi mới quay lại. Nhiều đứa chưa kịp gọi nó đã hỏi, bà về đâu lên cháu đèo…” 

Trẻ con, ấy là cái từ bà mẹ nông dân của tôi chỉ nam thanh nữ tú trưởng thành cả rồi đó. Làng tôi, quê tôi người lớn tuổi thường răn dạy con cháu bằng những câu ca dao, tục ngữ và bằng những hành động thường ngày. Họ coi việc giúp đỡ mọi người xung quanh mình là lẽ tự nhiên. Như bác nông dân đi làm đồng về, thấy ông hàng xóm gò lưng kéo xe cải tiến vượt dốc sẽ tự nhiên cho tay vào đẩy giúp thêm lên chứ chả cần đến gọi giúp. 

Nhà trong làng trong họ có công việc tang ma hiếu hỷ, hàng xóm sẽ tự động sang làm giúp đáp việc nọ việc kia chứ cũng chưa cần đến phân công nhờ vả. Người dân quê tôi vốn hồn hậu là vậy. Tôi cũng là dân quê, ra đời đi làm kiếm miếng ăn. Nhiều khi cũng quen kiểu nhà quê mà hay nhanh mồm nhanh miệng giúp đáp người xung quanh mình ở cơ quan hay phố phường. Có lúc được cám ơn. 

Có lúc lại chả được gì thêm cái ngấm nguýt ra điều phiền phức. Nên dần tôi cũng rút được kinh nghiệm là việc đâu bỏ đó, chỉ khi nào người ta mở lời hoặc trường hợp cấp cứu khẩn cấp mới tham gia. Thế nhưng có một nguyên tắc mà tôi không bao giờ bỏ qua, đó là luôn hỗ trợ trẻ em người già trên đường, bất kể ở đâu. 

Người già và trẻ con là tôi không bao giờ chối từ cho đi nhờ xe dù ô tô hay xe máy. Cách đây mấy chục năm, xe ô tô còn hiếm, có hôm lái xe đi công tác, gặp nhóm các cụ bà đi bộ thăm chùa vẫy xin đi nhờ. Tôi dừng xe lại đưa các cụ lên ngồi cẩn thận rồi lái đi. Nhưng có cụ say xe nôn hết cả ra ghế thảm… Các cụ áy náy. Tôi bảo, mẹ cháu ở nhà cũng không đi được xe ô tô, mỗi lần phải đi xa là nôn ra mật xanh mật vàng còn hãi hơn các cụ nhiều, lát cháu qua rửa xe lại sạch ngay có gì đâu…

Có đêm tôi nằm tự kiểm mình, kể từ khi ra đời đi làm mình có làm gì thất thố với trẻ em, người già không. Ơn giời, cho đến giờ phút này tôi nghĩ là tôi không làm bất cứ một điều gì tổn hại đến. Trẻ em là tương lai của nhân loại. 

Người già là cái gốc, là nền tảng của gia đình, xã hội. Đó là hai thế hệ rất nhạy cảm mà bất cứ một xã hội, một đất nước hay một cộng đồng, gia đình riêng biệt nào cũng cần chú ý bảo vệ. (Ảnh: Sưu tầm) 

Người già là cái gốc, là nền tảng của gia đình, xã hội. Đó là hai thế hệ rất nhạy cảm mà bất cứ một xã hội, một đất nước hay một cộng đồng, gia đình riêng biệt nào cũng cần chú ý bảo vệ. Đó không những là luật pháp mà còn là truyền thống đạo đức của dân tộc nữa: Trên đường đi, gặp vũng nước sâu mà bà già không qua được, ghé vai cõng cụ qua vũng nước đó thì, có ai lại mong rằng bà già sẽ cõng lại mình không? 

Không. Không bao giờ. Thế nhưng trong đường đời, hỏi có mấy người dám đoan chắc rằng mình sẽ không gặp những “vũng nước” ngáng trở? Và lúc đó có một bờ vai nào ghé giúp cho ta vượt qua “vũng nước” thì quý báu biết bao. Ta hàm ơn nhiều lắm. Nhưng nhiều khi cũng chả có dịp để mà trả ơn cõng lại. Mà lẽ tự nhiên của cuộc đời, đến một lúc nào đó, ta hãy sẵn sàng chìa vai ra. Đấy là nghĩa đáp đền, là luật nhân quả mà người dân quê tôi diễn thành lời: “Cõng bà già qua vũng nước.”

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top