Aa

Công nghiệp và nông nghiệp, khác biệt để bền vững

Thứ Sáu, 02/08/2019 - 06:00

Người ta thường nghĩ tới con đường phát triển là từ nông nghiệp đi lên thủ công nghiệp, dịch vụ, thương mại, rồi tích lũy vốn để tiến lên công nghiệp hóa, chứ chưa mấy ai nghĩ ngược lại…

Đầu năm 2019, khi nghe tin Tập đoàn Công nghiệp cơ khí và ô tô Thaco Trường Hải công bố hai sự kiện lớn trong hành trình phát triển mới của mình theo một hướng đi dường như chưa hề có tiền lệ, dư luận đã tỏ ra rất bất ngờ. Điểm đặc biệt và khác biệt của hai sự kiện này chính là yếu tố nông nghiệp và lâm nghiệp được mở ra trong các dự án mới của Tập đoàn Công nghiệp cơ khí và ô tô thuộc vào loại hàng đầu của Việt Nam này. Người ta thường nghĩ tới con đường phát triển là từ nông nghiệp đi lên thủ công nghiệp, dịch vụ, thương mại, rồi tích lũy vốn để tiến lên công nghiệp hóa, chứ chưa mấy ai nghĩ ngược lại…

Từ công nghiệp tiến mạnh mẽ và bền vững… vào nông nghiệp

Hai sự kiện đó là: Ngày 14/2/2019, Thaco Trường Hải tổ chức Lễ công bố quy hoạch và triển khai thực hiện Dự án Khu công nghiệp chuyên phục vụ nông nghiệp đồng bằng Bắc Bộ tại Quỳnh Phụ, Thái Bình. Chỉ hơn một tháng sau đó, lại diễn ra một sự kiện quy mô lớn nữa, đó là Lễ khởi công Các dự án đầu tư tại Khu kinh tế mở Chu Lai, tỉnh Quảng Nam, vào ngày 24/3. Các dự án này, với trọng tâm là dự án có cái tên khá lạ lẫm: Khu công nghiệp Nông - Lâm nghiệp, cùng với đó là các dự án khác như: Khu công nghiệp cơ khí - ô tô Thaco Chu Lai mở rộng; Xây dựng bến cảng cho tàu 5 vạn tấn; Khu nhà ở công nhân và tái định cư…

Hai sự kiện trên còn được đặc biệt chú ý khi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã cùng hiện diện và có những phát biểu tâm đắc, chia sẻ.

Dự án ở huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình là một khu công nghiệp chuyên phục vụ nông nghiệp ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, có tổng diện tích 250ha, gồm các phân khu chức năng. Phân khu đầu vào gồm: Các nhà máy sản xuất vật tư nông nghiệp hữu cơ và thuốc bảo vệ thực vật sinh học; Trung tâm nghiên cứu, đào tạo, cánh đồng thực nghiệm nhằm ứng dụng cơ giới tự động hóa và quản trị dựa trên số hóa. Phân khu chế biến đầu ra gồm: Hệ thống kho chứa và bảo quản nông sản; Các nhà máy xay xát, chế biến lương thực từ ngũ cốc. Cảng sông gồm: Phân khu cảng sông chính kết nối Khu công nghiệp với các tỉnh thuộc đồng bằng Bắc Bộ và phân khu bến thủy nội đồng kết nối khu công nghiệp với các cánh đồng lúa trong tỉnh Thái Bình.

Song song đó, Thaco thành lập Công ty Đầu tư khu công nghiệp và triển khai thành lập Công ty Sản xuất, chế biến nhằm cung ứng giống, vật tư nông nghiệp, cung cấp các giải pháp canh tác, thu hoạch cho nông dân và bao tiêu sản phẩm, bảo quản, chế biến, phân phối và xuất khẩu… Tổng mức đầu tư dự án này là 7.800 tỷ đồng, thời gian thực hiện đến năm 2021.

Trong các dự án đầu tư mới và mở rộng ở Quảng Nam, điểm nhấn nổi bật và mới mẻ là Dự án Khu công nghiệp Nông - Lâm nghiệp, là một khu công nghiệp chuyên làm nông lâm nghiệp tập trung. Nhiệm vụ chính yếu trước mắt là trồng cây ăn quả và cây lâm nghiệp, thực hiện chuỗi giá trị xuyên suốt từ nghiên cứu phát triển cây trồng; nghiên cứu công nghệ và kỹ thuật canh tác, thu hoạch, chế biến và phân phối, qua đó phát triển vùng trồng nguyên liệu cho khu vực miền Trung, Tây Nguyên, Lào và Campuchia.

Khu công nghiệp này có tổng vốn đầu tư cho hạ tầng 8.118 tỷ đồng, có Trung tâm nghiên cứu (R&D) về giống, vật tư nông nghiệp, công nghệ sinh học, hữu cơ và kỹ thuật canh tác, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản, chế biến; Các nông trường mẫu thực nghiệm sản xuất theo hướng công nghiệp áp dụng cơ giới hóa và quản trị số hóa cho các loại cây ăn trái và cây lâm nghiệp có giá trị cao, phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu khu vực miền Trung; Khu chăn nuôi thực nghiệm; Sản xuất vật tư nông nghiệp hữu cơ; Khu kho lạnh tập trung chuyên dụng cho trái cây; Nhà máy chế biến trái cây các loại để bao tiêu sản phẩm của Hoàng Anh Nông nghiệp Gia Lai và các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, sản xuất các loại trái cây sấy, trái cây cấp đông nhanh và cung cấp các nguyên liệu đầu vào là bột trái cây, nước trái cây cô đặc các loại cho các nhà máy sản xuất chế biến thực phẩm, đồ uống vệ tinh khác.

Khu công nghiệp Nông - Lâm nghiệp này sẽ là đầu mối cung cấp và sơ chế nguyên liệu cho ngành sản xuất đồ gỗ thông qua việc nhập khẩu và phát triển vùng trồng nguyên liệu tại miền Trung, Tây Nguyên, Lào và Campuchia; sẽ là nơi thu hút các nhà đầu tư sản xuất đồ gỗ, sản xuất công nghiệp hỗ trợ ngành gỗ. Khu công nghiệp này sẽ tạo nên chuỗi giá trị sản xuất chế biến xuyên suốt, nâng cao giá trị sản phẩm, hình thành trung tâm sản xuất chế biến nông lâm nghiệp cho Quảng Nam và miền Trung, làm tăng giá trị diện tích đất trồng tại miền Trung, tạo đột phá, nâng tầm thương hiệu nông lâm sản Việt Nam, góp phần đưa ngành nông - lâm nghiệp Việt Nam đứng vào Top 15 nước phát triển nhất thế giới như chỉ đạo Thủ tướng Chính phủ.

Thật đáng ngạc nhiên, đây chính là những hình mẫu mới cho phát triển kinh tế ở các vùng đất vốn được coi là ít tiềm năng, là một ví dụ sinh động cho việc mang đến một thế mạnh mới, từ đầu tư phát triển công nghiệp rồi tiến bước mạnh mẽ, vững chắc vào nông, lâm nghiệp, để phát triển bền vững.

 

Những bước đi bài bản cho phát triển nông, lâm nghiệp

Năm 2003, Thaco là doanh nghiệp đầu tiên đầu tư tại Khu kinh tế mở Chu Lai, một vùng đất nghèo khó thuộc Quảng Nam, cũng là một trong những tỉnh nghèo nhất nước thời bấy giờ. Đến nay, với sự nỗ lực không ngừng, Thaco đã hình thành được Khu công nghiệp cơ khí và ô tô, 18 nhà máy, 1 tổ hợp cơ khí và 1 trường cao đẳng nghề; Khu cảng và hậu cần cảng Chu Lai, có Công ty Vận tải biển, vận tải đường bộ; tạo việc làm cho hơn 8.500 lao động tại địa phương, hàng năm đóng góp khoảng 65-70% ngân sách cho Quảng Nam.

Sau 15 năm, Thaco đã biến mảnh đất nghèo khó cỗi cằn trở thành một trung tâm công nghiệp ô tô của cả khu vực, góp phần hình thành và phát triển nền công nghiệp ô tô của Việt Nam.

Hướng đến thời kỳ mới, Thaco đã xây dựng chiến lược một cách bài bản để tiếp tục phát triển với định hướng trở thành tập đoàn công nghiệp đa ngành với công nghiệp ô tô là chủ lực, được bổ trợ bởi các ngành đầu tư hạ tầng và bất động sản; logistics; thương mại, dịch vụ và du lịch; nông nghiệp và lâm nghiệp.

Tháng 8/2018, thương vụ hợp tác giữa hai tập đoàn kinh tế tư nhân lớn trong nước, được giới quan sát kinh tế quan tâm đặc biệt. Đó là việc Thaco chi hơn 7.800 tỷ đồng mua cổ phần HNG và đầu tư cho Myanmar Center, đồng thời cơ cấu nợ cho HNG 12.000 tỷ đồng, để hợp tác đầu tư với Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) trong lĩnh vực nông nghiệp. Thương vụ này được đánh giá là một "giải cứu" đúng lúc HAGL đang bị kẹt vào điểm nghẽn và cũng là một bước đi chắc chắn của Thaco Trường Hải trong chiến lược phát triển.

Nhiều bình luận cho rằng, đây là một quyết định có tầm nhìn và cái tâm lớn của Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương. Cái bắt tay của Thaco với HAGL có thể xếp vào nhóm thương vụ tỷ đô đặc biệt vì hai công ty đều có tầm ảnh hưởng lớn trên bình diện quốc gia. Việc liên kết thương hiệu của cặp đôi Thaco và HAGL trở thành điểm sáng của làn sóng hợp tác nội địa, mở ra kỷ nguyên tích hợp nguồn lực để hoàn chỉnh chuỗi giá trị. Sự tham gia của Thaco trong tái cấu trúc doanh nghiệp của HAGL là một mảnh ghép hoàn hảo, có tác động tích cực đến hiệu quả kinh doanh và phát triển bền vững cho cả hai đối tác.

Trong phát biểu tại sự kiện ở Quỳnh Phụ, Thái Bình, Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương nói: “Từ năm 2017, Thaco đã nghiên cứu và nhận thấy rằng: Mặc dù ngành nông nghiệp Việt Nam liên tục phát triển nhưng đã đến lúc phải thay đổi cơ bản, và có thể phải làm lại từ đầu, theo hướng sản xuất công nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, có chất lượng an toàn và ổn định, đồng thời đảm bảo cạnh tranh trong hội nhập. 

Dựa trên những nguồn lực tích lũy được từ quá trình phát triển, mà đặc biệt từ sản xuất công nghiệp và cơ khí, Thaco có thể tham gia đóng góp cho sự thay đổi cơ bản và phát triển ngành nông nghiệp của đất nước với tầm nhìn là: Trở thành một trong những doanh nghiệp nông nghiệp hàng đầu theo hướng sản xuất công nghiệp có quy mô lớn áp dụng cơ giới, tự động hóa bằng các thiết bị chuyên dụng và quản trị dựa trên nền tảng số hóa, theo chuỗi giá trị khép kín và chuyên biệt cho các loại nông sản, trước mắt là trái cây và ngũ cốc, mà chủ yếu là lúa, trong đó có ứng dụng công nghệ cao và sử dụng vật tư nông nghiệp hữu cơ và sinh học”.

Sau khi hợp tác chiến lược HAGL, Thaco đã đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp của HAGL gần 10.000 tỷ đồng để tái cơ cấu nợ, thay đổi sản phẩm thông qua chuyển đổi toàn bộ diện tích cây cọ dầu, phần lớn cây cao su sang cây ăn trái nhiệt đới các loại. Đồng thời, hỗ trợ áp dụng cơ giới hóa các khâu trong sản xuất như: Làm đất, chăm sóc, thu hoạch tại Việt Nam, Lào và Campuchia. Trong năm 2018, đã trồng được hơn 18.500ha cây ăn trái như chuối, thanh long, mít, bưởi, xoài và các loại cây ăn trái khác. Năm 2019 sẽ trồng mới, nâng tổng diện tích cây ăn trái lên hơn 30.000ha. Đến năm 2021 sẽ trồng đến 50.000ha cây ăn trái và duy trì 34.000ha cây cao su.

Song song đó, Thaco đã triển khai đầu tư hệ thống logistics gồm Kho bảo quản tại nông trường, phương tiện vận chuyển chuyên dụng từ Lào, Campuchia về Việt Nam; Triển khai đầu tư hai Khu công nghiệp chuyên Nông, Lâm nghiệp tại Khu kinh tế Chu Lai và Đông Nam Bộ với các chức năng: Tổng kho bảo quản, chế biến các sản phẩm từ trái cây, sản xuất vật tư, thiết bị phục vụ nông nghiệp. Đồng thời xây dựng thương hiệu và phát triển thị trường tiêu thụ trái cây tươi và sản phẩm từ trái cây thông qua xuất khẩu. Trong năm 2019, xuất khẩu khoảng 300.000 tấn trái cây. Năm 2020 dự kiến xuất khẩu trên 800.000 tấn, và hướng đến 1 tỷ USD doanh thu vào năm 2021.

Đối với sản xuất và kinh doanh nông nghiệp chuyên biệt cho ngũ cốc, chủ yếu là lúa, Thaco và Tập đoàn Lộc Trời đã khảo sát, nghiên cứu và lập chiến lược phát triển ngũ cốc tại Đồng bằng Bắc bộ theo hướng sản xuất công nghiệp quy mô lớn, áp dụng cơ giới, tự động hóa theo chuỗi giá trị khép kín, thông qua việc đầu tư xây dựng khu công nghiệp chuyên nông nghiệp Quỳnh Phụ. Đây là vị trí được kết nối bằng đường thủy với các cánh đồng lúa trong tỉnh Thái Bình thông qua hệ thống kênh nội đồng và các tỉnh khác như Hưng Yên, Hải Dương, Nam Định... thông qua sông Hóa, sông Luộc, sông Hồng; đồng thời, kết nối đường bộ qua Quốc lộ 10, cao tốc đi cảng Hải Phòng, cửa khẩu Lạng Sơn và các tỉnh thành khác.

Trong năm 2019, Thaco sẽ triển khai thực hiện các hạng mục: Thi công xây dựng tuyến đường kết nối Khu công nghiệp với Quốc lộ 10; Đầu tư bến cảng sông nội địa để tiếp nhận xà lan và tàu sông đến 2000 tấn. Triển khai cải tạo hệ thống kênh nội đồng, sông Hóa và thiết kế sản xuất phương tiện vận chuyển chuyên dụng đường thủy cho ngũ cốc. Triển khai cánh đồng thực nghiệm trồng lúa và ngũ cốc, chăn nuôi gia súc, làm phân hữu cơ. Đầu tư xây dựng hạ tầng khu công nghiệp, hệ thống kho bảo quản nông sản, nhà máy sấy, xay xát lúa gạo và các nhà máy sản xuất chế biến từ lúa như: thực phẩm, mỹ phẩm... thông qua hình thức tự đầu tư và liên doanh, liên kết với các đối tác trong và ngoài nước. 

Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương khẳng định: “Qua hơn 2 năm triển khai thực hiện chiến lược sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp, Thaco nhận thấy tiềm năng ngành nông nghiệp Việt Nam là rất to lớn và có thể đạt được các mục tiêu mà Đảng và Chính phủ đã đề ra, qua đó đưa nông nghiệp thành một trong những ngành kinh tế chủ lực góp phần tăng trưởng kinh tế và doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nông nghiệp có thể làm giàu và phát triển một cách bền vững trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế”./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top