Aa

Công trình sai phép, không phép: “Cho tồn tại nếu phù hợp quy hoạch”

Thứ Năm, 03/08/2017 - 16:01

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng, nhiều công trình sai phép cho tồn tại nếu như công trình đó phù hợp với quy hoạch, tất nhiên công trình muốn tồn tại phải nộp phần phạt chênh lệch tới 50% giá trị công trình đã xây sai phép.

Những năm qua, hàng loạt công trình xây dựng sai phép, không phép diễn ra tràn lan tại các nhiều địa phương trên cả nước. Vi phạm trật tự xây dựng trên không chỉ diễn ra các công trình nhà dân, mà còn tồn tại các dự án nhà ở.

Tại buổi họp báo thường kỳ quý II/2017 ngày 2/8, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng nhận định, nhiều công trình sai phép cho tồn tại nếu như công trình đó phù hợp với quy hoạch, tất nhiên công trình muốn tồn tại phải nộp phần phạt chênh lệch tới 50% giá trị công trình đã xây sai phép. 

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng chủ trì buổi họp báo.  

Trước câu hỏi quan điểm của Bộ Xây dựng về việc sai phạm trật tự xây dựng ngày một nhiều, các địa phương nhiều nơi chỉ xử phạt hành chính, ít bị phá dỡ, ông Bùi Trung Dung, Cục trưởng cục hoạt động xây dựng cho hay, Luật Xây dựng 2014 không hành chính hóa trong công tác hành chính nhà nước. Công tác quản lý giấy phép xây dựng phải có quy hoạch về xây dựng, quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc.

Quản lý quy hoạch xây dựng, kiến trúc là cơ sở pháp lý để cấp phép xây dựng, tránh tình trạng xin - cho. Trong nhiều năm qua, công tác phủ kín quy hoạch rất thấp nên cơ quan cấp phép xây dựng có biểu hiện xin- cho. Việc này gây khó khăn cho việc cưỡng chế phá dỡ. Sau này, khi các quy hoạch nhiều hơn nếu vi phạm đến quản lý kiến trúc quy hoạch đã công bố có thể phá dỡ. 

Bên cạnh đó, Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng Nguyễn Ngọc Tuấn cũng cho biết, để được tồn tại, công trình sai phép phải đảm bảo điều kiện: không vi phạm chỉ giới, đất hợp pháp, không tranh chấp, người dân ở ổn định. 

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Phó Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng

Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng Nguyễn Ngọc Tuấn.  

Cụ thể, nhà đang xây 4 tầng mà làm lên 5 tầng, phá đi cũng lãng phí nên cho tồn tại nếu quy hoạch cho phép được xây 5 tầng. Thực tế, chế tài cũng rất nghiêm khắc khi cho tồn tại, nhà nước sẽ thu 50% giá trị xây dựng sai phép.

Kết luận lại về phần trả lời của 2 lãnh đạo Bộ Xây dựng, Thứ trưởng Lê Quang Hùng cho biết, trong vòng 1 năm trở lại đây có khoảng trên 60.000 giấy phép xây dựng (GPXD) khác nhau, có giấy phép xây dựng nhỏ, có cho cả dự án. Quan điểm Bộ Xây dựng là xử lý tất cả công trình sai phép, không phép là phải điều chỉnh.

Khi xử lý phải đối chiếu quy hoạch, nếu như  đã có quy hoạch mà công trình vẫn phù hợp với quy hoạch thì chủ đầu tư phải làm thủ thục thay đổi giấy phép, nếu không làm thủ tục chuyển đổi giấy phép thì phải phá dỡ. 

Những công trình không phép, sai phép mà hiện tại đang xử lý có những công trình được xây dựng trước đó nhiều năm. Trong trường hợp hiện tại, nếu phát hiện xây dựng không phép, sai phép thì tức thời phải xử lý.

Về công tác kiểm tra, tiếp công dân và giải quyết khiếu kiện, báo cáo Bộ Xây dựng cũng nêu rõ, trong 6 tháng đầu năm, Bộ đã triển khai 52/90 đoàn thanh tra, kiểm tra chuyên nghành đột xuất. Qua thanh tra đã phát hiện một số vi phạm và kiến nghị xử lý về kinh tế số tiền 5.899 tỷ đồng. 

công trình vi phạm trật tự xây dựng tại Khu đô thị mới Phú Lương (Hà Đông, Hà Nội). Trong khi chưa được cấp phép nhưng Công ty Cổ phần Đầu tư Trung Việt – Đại diện là ông Cù Ngọc Ổn đã tổ chức thi công xây dựng một căn biệt thự hoành tráng mang phong cách kiến trúc cổ điển Châu Âu

Công trình vi phạm trật tự xây dựng tại Khu đô thị mới Phú Lương (Hà Đông, Hà Nội). Trong khi chưa được cấp phép, Công ty Cổ phần Đầu tư Trung Việt đã tổ chức thi công xây dựng một căn biệt thự hoành tráng mang phong cách kiến trúc cổ điển Châu Âu.  

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm, Thanh tra Sở Xây dựng đã ra 940 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền xử phạt 9.577.200.000 đồng.

Trong đó, 857 quyết định xử phạt do các Đội Thanh tra xây dựng tham mưu cho chính quyền cấp cơ sở ban hành. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính hơn 6,9 tỷ đồng. 83 quyết định do Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội trực tiếp ban hành với tổng số tiền xử phạt hơn 2,6 tỷ đồng.

Cùng thời gian, Sở Xây dựng cho biết đã tiếp nhận 717 đơn thư khiếu nại, tố cáo, đề nghị, phản ánh xung quanh vấn đề đất đai, xây dựng; tiếp (thường xuyên) 92 lượt, 96 người, trong đó có 1 đoàn đông người.

Cũng trong 6 tháng đầu năm, các Đội Thanh tra xây dựng quận, huyện, thị xã đã tiến hành kiểm tra 9.764 công trình, phát hiện 1.227 công trình vi phạm. Trong đó, 507 công trình xây dựng không phép; 170 công trình xây dựng sai phép sai quy hoạch, sai thiết kế; 42 công trình xây dựng ảnh hưởng đến công trình lân cận, môi trường; 508 công trình xây dựng trên đất lấn chiếm, đất nông nghiệp, lâm nghiệp./. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top