Aa

Công trình xanh Việt Nam: Những bước tăng trưởng ấn tượng

Chủ Nhật, 26/01/2020 - 13:30

Công trình xanh ở Việt Nam đang có những bước tăng trưởng ấn tượng nhờ sự thúc đẩy từ thị trường và mong muốn nâng cao giá trị bất động sản của chủ đầu tư.

Cùng với sự bùng nổ về kinh tế, sự phát triển đô thị vượt ra ngoài tầm kiểm soát khiến thị trường xây dựng của Việt Nam trở thành những cỗ máy tiêu tốn năng lượng và sản xuất ra khí thải là những tác nhân của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường. Theo thống kê của Bộ Xây dựng, ngành xây dựng - thị trường bất động sản đang chiếm 30 - 40% năng lượng sử dụng; 19% lượng nước sạch tiêu thụ, 29% lượng gỗ khai thác, 40 - 50% nhiên liệu thô được sử dụng. Với tốc độ tăng trưởng của ngành xây dựng - thị trường bất động sản hiện nay, tổng năng lượng tiêu dùng trong khu vực xây dựng đô thị ước tính chiếm khoảng từ 20 - 24% tổng năng lượng quốc gia.

Mặc dù chỉ là nước góp phần nhỏ gây ra biến đổi khí hậu, tuy nhiên Việt Nam lại là một trong những nước đứng đầu (thứ 13 trong 16 nước đứng đầu danh sách) về mức độ chịu rủi ro cao nhất của biến đổi khi hậu trong 30 năm tới. Nếu mực nước biển dâng lên 1m thì Việt Nam sẽ mất 12% đất sử dụng - nơi cư trú của 23% dân số (theo dự báo của World Bank - 2009). Cùng với đó, trong thời gian gần đây nhiều vấn đề đô thị Việt Nam đã trở nên đáng báo động như ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí hay tắc nghẽn giao thông….

Có thể nói, khi khoa học công nghệ phát triển vượt bậc, con người có thể tạo ra những thứ mình cần và muốn, con người càng thỏa mãn mình thì càng nảy sinh nhu cầu thỏa mãn hơn và hơn nữa. Chính lúc đó, con người phải chống trả lại cơn thịnh nộ của thiên nhiên, ô nhiễm môi trường.Trong bối cảnh đó, đô thị và công trình kiến trúc được khoác lên mình chiếc áo giáp, xa cách khỏi môi trường thiên nhiên. Con người tự thỏa mãn mình bằng sự tiện nghi, sự dễ chịu, bằng các phương cách nhân tạo. Đi ngược với cách nghĩ, cách làm đó, công trình xanh (CTX) đã được quan tâm trở lại như là một giải pháp thông minh, vừa thích ứng vừa đáp ứng và dần trả lại cho thiên nhiên những gì đã mất.

SỰ TRỞ LẠI CỦA CÔNG TRÌNH XANH

Khái niệm CTX thực ra không mới nhưng đã được lồng ghép những tư tưởng mới trước những thách thức của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường. CTX có thể hiểu là quá trình tích hợp các yếu tố môi trường vào trong quá trình thiết kế và phát triển các sản phẩm đô thị và kiến trúc.

Đô thị hay các công trình kiến trúc đều là các sản phẩm lớn được tạo thành từ rất nhiều sản phẩm nhỏ. Do vậy, để có được một đô thị xanh hay một kiến trúc xanh cần xuất phát từ các sản phẩm xanh và được sử dụng một cách phù hợp thông qua một công trình xanh. Với công trình xanh, đô thị và công trình kiến trúc được tạo lập dựa trên tinh thần của triết lý Phương Đông, đó là phát triển trên cơ sở tôn trọng và hòa hợp cùng thiên nhiên. Điều đó mang lại những khả năng giảm thiểu tiêu thụ năng lượng và thích nghi với khí hậu, mang đến những sử dụng kinh tế hơn, tuổi thọ công trình cao hơn……

Với phương châm tiến lên tương lai nhìn lại hiện tại, CTX luôn hướng tới những sản phẩm tiêu chuẩn không thừa không thiếu, điều này giúp triệt thoái những lãng phí năng lượng và tài nguyên, để dành cho tương lai.

QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN VÀ NHỮNG KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC

Trong 10 năm trở lại đây, Việt Nam tăng trưởng xây dựng bình quân 12%/năm và tốc độ đô thị hoá 3,4%/năm, dự kiến đạt ngưỡng 50% vào năm 2025. Các công trình xây dựng tại Việt Nam đang sử dụng khoảng 36% tổng năng lượng tiêu thụ của cả nước, trung bình 33% điện và góp 25% vào tổng lượng phát thải khí nhà kính. Thị trường bất động sản tại Việt Nam trong mấy năm vừa qua luôn sôi động. Sức hấp dẫn về lợi nhuận, cũng như niềm tin vững chắc của nhà đầu tư khiến bất động sản chưa bao giờ mất đi sức hút.

CTX đã thâm nhập vào thị trường xây dựng Việt Nam từ năm 2007 và nhận được sự ủng hộ của cả Chính phủ và khu vực tư nhân. Tốc độ tăng về số lượng và diện tích sàn của CTX trong 3 năm gần đây là rất ấn tượng, thể hiện sự phát triển CTX rất mạnh mẽ trong thời gian qua. Từ năm 2015 đến năm 2018 số lượng CTX tăng gấp 5 lần. Diện tích sàn CTX cho đến năm 2018 là khoảng 900.000 m2.(nguồn GP Market)

Số lượng CTX này được nhận các chứng chỉ LEED, LOTUS và EDGE. Trong đó EDGE là một bộ công cụ mới gia nhập thị trường nhưng đóng góp một số lượng đáng kể. Ngoài ra, một số bộ công cụ khác chưa được cập nhật vào thống kê này. Bảng thống kê dưới đây cho thấy số lượng CTX và bền vững được chứng nhận trên toàn quốc (cập nhật tới tháng 4 năm 2017).

Thị trường CTX tại Việt Nam vẫn được đánh giá có tiềm năng với không ít cơ hội phát triển. Minh chứng rõ nét nhất là sự gia tăng mạnh mẽ của nhu cầu thị trường xây dựng xanh và cơ hội thu hút khách hàng, một trong những động lực quan trọng để “xanh hoá” công trình. Theo Thống kê của batdongsan.com.vn cho thấy, số lượng truy cập đối với các CTX cao hơn so với các công trình thông thường. Có những CTX có lượng truy cập cao gấp 5 lần lượng truy cập trung bình. Điều này thể hiện mức độ quan tâm của xã hội đối với thị trường công trình xanh. Đối với khu vực nhà ở, khách hàng trước đây trước khi mua nhà thường quan tâm đến vị trí, nhưng giờ đây họ đã quan tâm nhiều hơn đến tiện ích dự án, đặc biệt là quan tâm yếu tố môi trường, không gian, không gian trải nghiệm… Bên cạnh đó ngày càng có nhiều dự án thương mại, công trình dân dụng đa chức năng tại những tỉnh thành lớn được xây dựng theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn CTX và được chứng nhận CTX quốc tế.

NHỮNG THÁCH THỨC VÀ CƠ HỘI

Điều đáng chú ý là thị trường CTX Việt Nam tuy ghi nhận nhiều cố gắng nhưng vẫn chưa đủ để tạo bước tiến nhảy vọt và theo kịp các nước trong khu vực. Một trong những thách thức lớn nhất đối với việc phát triển CTX ở nước ta là nhận thức về chi phí xây dựng, trong đó còn mang nặng định kiến chi phí xây dựng CTX phải cao hơn 10% - 29% so với công trình thông thường. Thêm vào đó, công tác hỗ trợ của Nhà nước còn khá rời rạc, chưa được triển khai nghiêm túc và đồng bộ trên cả nước. Tính đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có một chính sách ưu đãi, hỗ trợ cụ thể nào dành riêng cho lĩnh vực xây dựng xanh để khuyến khích đầu tư vào khu vực này. Hệ thống các tiêu chuẩn kỹ thuật xây dựng cũng chưa được hoàn thiện và nâng cấp cho phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam và tương xứng với tiêu chí xanh quốc tế. Các hoạt động hỗ trợ đã triển khai chưa phát huy được hiệu quả cao trên diện rộng; mặt khác, một bộ phận không nhỏ các doanh nghiệp, chủ đầu tư và cán bộ quản lý còn tỏ ra khá thờ ơ và chưa có sự quan tâm đúng mực.

Theo tổng hợp từ nguồn World Green Building Trends, nhu cầu của thị trường và giá trị của dự án cao hơn là hai động lực chính phát triển CTX tại Việt Nam. Bên cạnh đó cũng cần đề cập đến các tác nhân khác như là: Nhu cầu của chủ đầu tư. Nhu cần nâng cao sức khỏe cư dân; qui định về môi trường; chi phí vận hành.

Tại Việt Nam, do chỉ có một số lượng nhỏ các công trình nhận được chứng nhận cho tới nay cùng với khó khăn trong việc tiếp cận thông tin dẫn đến việc thị trường Việt Nam chưa có các số liệu chính xác về chi phí khi xây dựng CTX. Từ đó việc nhận định sai về chi phí của CTX, hoặc khái quát hóa chi phí của một công trình đơn lẻ diễn ra thường xuyên. Đây là một rào cản cho chủ đầu tư khi tiếp cận CTX vì không thể tính được phí đầu tư rõ ràng. Mặc dù tình trạng “loạn” thông tin về chi phí xây dựng CTX hiện thời tại Việt Nam có thể tạm thời làm chậm tiến trình phát triển của CTX, theo kinh nghiệm của các thị trường phát triển, vấn đề lại có thể dễ dàng được giải quyết một khi có nhiều hơn các công trình đi tiên phong trên thị trường và những chủ đầu tư tự nguyện công khai các thông số về chi phí xây dựng. 

Theo dữ liệu mới nhất của batdongsan.com.vn, mức giá rao bán trung bình của các dự án xanh trải rộng trên các khung giá. Mức thấp nhất là 9 triệu VNĐ/m2, mức trung bình là 27 triệu VNĐ/m2, mức cao nhất là 52 triệu VNĐ/m2. Như vậy CTX không chỉ là những dự án nhà ở cao cấp như nhiều người thường nghĩ. Nếu tính trung bình CTX thường nằm ở phân khúc trung cấp. Nếu so sánh giá các dự án CTX với các dự án lân cận cho thấy giá dự án CTX chỉ ngang bằng hoặc không tăng nhiều (8%) với mức giá trung bình của khu vực (quận) chứa dự án đó. Điều này cũng cho thấy chi phí cho các dự án xanh không tăng lên nhiều so với các dự án thông thường.

Một mặt khác của vấn đề chi phí là các lợi ích cả tài chính và phi tài chính mà chủ đầu tư có thể có được từ một công trình xanh. Hiện tại, giá trị quảng bá vẫn là giá trị lớn nhất mà CTX mang lại cho một công ty kinh doanh bất động sản. Trong khi đó, giá trị chính của các CTX được ghi nhận tại các thị trường quốc tế đến từ hiệu suất trong vận hành của chúng. Việc giá điện và nước tại thị trường Việt Nam còn ở mức rẻ là một trong những trở ngại với sự phát triển theo hướng bền vững của ngành xây dựng vì cư dân không nghĩ nhiều đến việc phải tiết kiệm điện nước (thế mạnh của CTX). Tại nhiều quốc gia phát triển, mặc dù giá sản xuất năng lượng khá rẻ so với thu nhập của người dân, chính phủ áp dụng thuế suất cao nhằm thúc đẩy quốc gia này phát triển theo hướng tiết kiệm năng lượng và phát triển năng lượng sạch. Mặc dù trợ giá năng lượng hiện đang khiến các chủ đầu tư xem nhẹ các giải pháp tăng cường hiệu suất trong công trình, với tình hình giá điện và nước sạch đang ngày càng được điều chỉnh tăng nhằm giảm bớt gánh nặng cho Nhà nước, hy vọng rào cản này ở Việt Nam cũng sớm được dỡ bỏ và nhận thức về tiết kiệm tài nguyên của người dân sẽ ngày càng được nâng cao.

Có thể thấy còn khá nhiều rào cản trong việc triển khai các dự án CTX tại Việt Nam như: Thiếu nhận thức về công trình xanh, chi phí xây dựng ban đầu cao, thiếu sự hỗ trợ khuyến khích từ chính phủ, thiếu các chuyên gia về công trình xanh… Cũng theo tổng hợp từ World Green Building Trend, chi phí xây dựng không phải là rào cản chính mà là sự thiếu hụt về nguồn nhân lực, chính sách và nhận thức.

Để có được một thị trường lành mạnh cho CTX, cần thực hiện được bốn công việc không thể thiếu, có thể liệt kê như sau:

⦁ Xây dựng chính sách: Cần có sự cam kết của cấp lãnh đạo, cần có một hệ thống luật rõ ràng.

⦁ Sản phẩm xanh: Cần phải tạo một nguồn cung các sản phẩm xanh dồi dào, phong phú và có chất lượng cao với giá hợp lý.

⦁ Khách hàng cho sản phẩm xanh: Cần xây dựng một thị trường xanh với các khách hàng xanh.

⦁ Quản lý và khuyến khích các sản phẩm xanh: Cần xây dựng một hệ thống quản lý và đánh giá các sản phẩm xanh để phát huy CTX một cách thực chất.

Nhiều cơ hội đang mở ra với CTX trong quá trình phát triển tại Việt Nam. Quá trình mở rộng phát triển đô thị là điều kiện tốt cho việc chuyển dịch cơ cấu theo hướng nền kinh tế hiệu quả về năng lượng và xanh sạch trên tinh thần của CTX. Mức độ quan tâm của xã hội đối với các dự án xanh cao hơn một cách vượt trội so với các dự án thông thường quanh khu vực. Giá rao bán của các dự án này trải đều theo cả 3 phân khúc cho thấy, CTX ở Việt Nam đang có những bước tăng trưởng ấn tượng nhờ sự thúc đẩy từ thị trường và mong muốn nâng cao giá trị bất động sản của chủ đầu tư.

Tài liệu tham khảo:

⦁ Tài liệu hội thảo Kiến trúc xanh Tương lai xanh – Tuần lễ kiến trúc xanh Việt Nam 2009 tổ chức bởi Viện Kiến trúc Nhiệt đới

⦁ Tài liệu hội thảo Nhà ở cao tầng xanh – Tuần lễ kiến trúc xanh Việt Nam 2019 tổ chức bởi Viện Nghiên cứu và Phát triển Đô thị xanh

⦁ Asia Pacific Economic Cooperation (2019) Peer review on energy efficiency in Vietnam. Final Report Endorsed by the APEC Energy Working Group

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top