Aa

"Công ty nước sạch Sông Đà phải bồi thường thiệt hại hoàn toàn"

Thứ Tư, 16/10/2019 - 11:20

Theo luật sư Trương Anh Tú, khi biết nguồn nước ô nhiễm mà Công ty nước sạch Sông Đà vẫn cung cấp cho người dân thì đương nhiên trách nhiệm bồi thường thiệt hại thuộc về đơn vị này.

Sự cố nguồn nước của Công ty Cổ phần nước sạch Sông Đà bị nhiễm dầu khiến hàng vạn người dân tại một số quận ở Hà Nội phải dùng nguồn nước nhiễm bẩn đang gây bức xúc trong dư luận. 

Trước đó, ngày 9/10, người dân Hà Nội tại một số chung cư phát hiện ra nước có mùi lạ. Đến 10/10, phía Công ty cổ phần Viwaco - đơn vị cung cấp nước từ Công ty nước sạch sông Đà đã có thông báo về nguồn nước sạch đang có vấn đề. Song đơn vị này cũng không có khuyến cáo về việc người dân có nên sử dụng hay không.

Đến ngày 14/10, đại diện Công ty nước sạch sông Đà đã lên tiếng về tình trạng nước có mùi lạ. Cụ thể, theo đó, công ty đã phát hiện có người đổ trộm 2,5 tấn dầu vào nguồn nước.

Nguồn nước bị ô nhiễm vì chất thải dầu đổ vào.

Điều khiến dư luận ngạc nhiên là sau gần một tuần, phía Công ty nước sạch sông Đà mới lên tiếng về vụ việc “chấn động dư luận”. Và đơn vị cung cấp nước trung gian Viwaco cũng không hề có thông báo, cảnh báo, ngăn chặn khi nguồn nước sạch ảnh hưởng tới sức khỏe của hàng vạn người dân Hà Nội.

Liên quan đến trách nhiệm dân sự của công ty nước Sông Đà, luật sư Trương Anh Tú cho rằng, theo Điều 608 của Bộ luật dân sự 2015: “Cá nhân, pháp nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm chất lượng hàng hoá, dịch vụ mà gây thiệt hại cho người tiêu dùng thì phải bồi thường”.

Bên cạnh đó, tại Khoản 1 Điều 23 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng ghi nhận: “Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp hàng hóa có khuyết tật do mình cung cấp gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng”.

Luật sư Trương Anh Tú nhấn mạnh: “Khi phát hiện ra nguồn nước bị nhiễm dầu, Công ty nước sạch Sông Đà cần phải dừng ngay hoạt động cung cấp nước cho người dân, đồng thời áp dụng các biện pháp để xử lý ô nhiễm dầu. Trong trường hợp biết nguồn nước ô nhiễm mà Công ty nước sạch Sông Đà vẫn cung cấp cho người dân khiến người dân bị nhiễm độc thì đương nhiên trách nhiệm bồi thường thiệt hại thuộc về đơn vị này”.

Người dân tại chung cư Gemek xếp hàng chờ nước trong đêm. (Ảnh: T.H)

Về hành vi đổ dầu nhớt vào suối của chủ xe tải, luật sư Trương Anh Tú dẫn luận: Điều 7 Luật Bảo vệ môi trường số 55/2014/QH13 đã quy định: “Nghiêm cấm hành vi đưa vào nguồn nước hóa chất độc hại, chất thải, vi sinh vật chưa được kiểm định và tác nhân độc hại khác đối với con người và sinh vật”. Như vậy, hành vi xe ô tô đổ trộm 2,5 tấn dầu nhớt thải xuống suối Trâm là hành vi bị cấm theo Luật Bảo vệ môi trường.

Căn cứ vào Danh mục chất thải nguy hại được ban hành kèm theo Thông tư 36/2015/TT-BTNMT, dầu nhớt thải được xác định là một trong những loại chất thải nguy hại. Vì vậy, việc xử lý dầu thải phải được thực hiện theo các quy định của pháp luật về quản lý chất thải nguy hại và các hành vi vi phạm sẽ bị xử lý tùy thuộc vào mức độ vi phạm.

Đối với hành vi đổ dầu nhớt vào suối của chủ xe tải, chủ xe phải chịu trách nhiệm về dân sự, trách nhiệm hình sự, tùy từng mức độ.

“Như vậy, nếu hành vi đổ trộm dầu thải nhớt có khối lượng 2,5 tấn thì chủ xe ô tô sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 450.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng. Đồng thời buộc khôi phục lại tình trạng môi trường ban đầu do hành vi vi phạm gây ra”.

Luật sư Tú cũng nhấn mạnh: “Hiện nay, các cơ quan chức năng vẫn đang xác minh, điều tra và làm rõ khối lượng chất thải mà chủ xe tải đã đổ xuống suối. Nếu khối lượng chất thải đổ vào nguồn nước trên 3 tấn hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này thì còn có thể bị truy tố trách nhiệm hình sự theo Điều 235 Bộ luật hình sự 2015”. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top