Aa

Coóng phù

Thứ Tư, 08/01/2020 - 06:30

Coóng phù có ngày cúng tế hẳn hoi: Ngày Đông chí hàng năm, dân một số tỉnh biên giới phía Bắc nhà nào cũng làm coóng phù. Trước đưa lên dâng tổ tiên, hương khói rất kính cẩn, sau đấy mới phát lộc cho con cháu.

Các cụ ta xưa có câu: “Ăn ngon không quan trọng ở chỗ ăn gì mà là ăn với ai”. Ngày nay xin mạo muội bổ sung thêm yếu tố thứ ba: Ăn vào lúc nào?

Không phải cứ tùy tiện lôi sơn hào hải vị ra ăn mà có thể đinh ninh là đã ăn sơn hào hải vị. Nhiều khi vì không đúng thời điểm, tâm thế chông chênh, khiến miệng lưỡi nhạt thếch và vì thế mà oan uổng cho những thứ cả đời chỉ gặp một đôi lần. Bởi vì, dư vị - cả hay lẫn dở - có thể bám theo kí ức con người ta đến hết đời. Chả thế mà có câu “Miếng ngon nhớ lâu” là vì cái sự thực ấy.

Lần đầu tiên tôi được rủ đi ăn coóng phù là khi đến thăm Cao Bằng, bụng cứ đinh ninh rằng chắc nó là món đặc sản, thuộc hàng cao lương mỹ vị của địa phương. Đang cữ rét đậm, lại có sương muối, nên cái lạnh thấu đến gan ruột. Lại thêm về đêm thì khỏi phải nói, chân tay tôi nó tê buốt như thế nào. Chợt từ xa có bếp lửa đỏ hồng chập chờn sáng tối. Bạn tôi bước rảo mặc cho tôi thở dốc phía sau. Nhưng mà cái bếp lửa kia sao vào lúc này nó hấp dẫn và tin cậy đến thế. Khi đến gần, tôi nhận ra một thiếu phụ mặc chiếc áo bông to sù sụ cũng đang hồng rực lên mặc dù gió rét vật đùng đùng. Cả chủ và khách cùng cười đưa đón:

- Chà, rét quá! - Bạn tôi xuýt xoa.

Thiếu phụ trước hết hẵng đặt ra hai cái ghế để chúng tôi ngồi, rồi mới thong thả gắp than hoa bỏ thêm vào lò. Loại than này được “hầm” từ cây sả cài, là cây chỉ có ở vùng núi cao, nhiều tinh dầu, cháy đượm, không khói.

- Ngồi xuống đây ông - Bạn tôi huơ huơ tay - Cho đậm gừng vào nhé.

Cái lối gọi hàng cũng thật lạ. Cứ ngồi xuống là chủ quán biết phải làm gì rồi. Có yêu cầu gì thêm hẵng nói.

Hơi ấm đã rực, trong khi đó “nhà hàng” cũng bắt đầu nấu coóng phù. Giời ạ! Tưởng gân hổ gan báo gì, hóa ra chỉ là một thứ bánh trôi! Gạo nếp ngon xay ướt, để ráo, nặn từng viên bằng quả trứng cút, thêm tí nhân lạc trộn đường rồi luộc. Đích thị là bánh trôi rồi. Sau khi bánh nổi, vớt ra cho vào bát. Bấy giờ chị chủ quán mới mở một xoong nhỏ để cạnh, luôn luôn sôi, múc nước đường đỏ nấu với gừng dội vào bát bánh. Bạn tôi tự lấy hai cái thìa, tự bê cho tôi, giục:

- Làm cấp tập đi. Nó sẽ đẩy hết cái băng giá trong lòng ông ra ngay tức khắc.

Dứt lời, anh làm đúng như anh nói. Khi đó chị chủ quán thu dọn những thứ vừa bày ra và chờ khách yêu cầu. Sau mấy miếng “tống băng”, chúng tôi bắt đầu ăn nhẩn nha và nghe cái ấm nóng chạy ran ran đến từng bộ phận cơ thể. Hoàn toàn là bánh trôi dưới xuôi mà vẫn là... coóng phù! Cái khác chỉ là ở công đoạn làm bột, nghe nói rất bí ẩn, ăn với nước đường gừng nóng và ăn vào quãng nửa đêm, tất nhiên khi trời ở cữ giá. Lúc bát đã vơi cũng là lúc cái nóng bốc từ trong ra, táp từ ngoài vào, cơ thể trở nên khoan khoái lạ thường. Và cũng lâng lâng cảm hứng như ai. Đó là sự kỳ lạ của một lối ăn lấy cái đơn giản, cái bình thường, kết hợp với nhau và đưa vào miệng đúng lúc. Một thứ “úm ba la” chăng? Không phải. Bởi vì còn đi chơi đêm vào những ngày rét ở vùng sơn cước, người ta còn ăn coóng phù và ăn để lấy sự khoan khoái.

Xuýt xoa đặc sản coóng phù.

Lân la tìm hiểu mới biết, coóng phù cũng có ngày cúng tế hẳn hoi. Nguyên do sâu xa thì chưa tỏ tường. Chỉ biết ngày Đông chí hàng năm, dân một số tỉnh biên giới phía Bắc nhà nào cũng làm coóng phù. Trước đưa lên dâng tổ tiên, hương khói rất kính cẩn, sau đấy mới phát lộc cho con cháu.

Bánh trôi, bánh trôi nước, bánh trôi Tầu... đều lấy nguyên liệu chính là bột gạo nếp, nước đường... Có biến tấu tùy theo vùng. Nhưng coóng phù là coóng phù, bởi nó còn gắn theo yếu tố địa lý, khí hậu, thời gian... tổng hợp lại. Nó trở nên độc đáo, không thể phân tích được. Tựa như một thứ văn hóa và một thứ “duyên” thổ nhưỡng vậy.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top