Aa

Cốt nền đô thị - Quy chuẩn hay sự “tùy tiện”?

Chủ Nhật, 01/10/2017 - 06:01

“Đường vênh đường, nhà vênh nhà”, hiện tượng ngập úng xảy ra liên miên... thực tế đáng buồn của những đô thị đặc biệt đang diễn biến ngày một phức tạp, thậm chí trở thành “đặc sản” mỗi khi nhắc đến Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh. Pháp luật đã quy định rất cụ thể về cao độ nền, việc cấp cao độ nền xây dựng (cốt nền), tuy nhiên việc thực hiện lại “dở ông, dở thằng”, thậm chí “tuỳ tiện”, thiếu sự giám sát của nhiều cơ quan chuyên trách.

Hệ thống pháp luật đã có những quy định rất cụ thể về quy hoạch, quản lý cao độ nền (cốt nền đô thị), tuy nhiên, do quá trình lịch sử cũng như công tác quản lý, giám sát thiếu chặt chẽ, nên thực tế đang tồn tại hàng loạt những bất cập liên quan đến vấn đề cốt nền đô thị. Thực trạng cốt nền hiện nay ra sao? Đâu là nguyên nhân chính khiến cho đô thị Việt Nam lại có sự cao thấp, ngập úng nghiêm trọng, sau mỗi trận mưa lớn như hiện nay?

Những quy định “có như không”

Không sống ở “rốn lũ” miền Trung, nhưng người dân thị thành như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh luôn phải chứng kiến cảnh ngập lụt nghiêm trọng mỗi khi mưa lớn xảy ra. Những biến tấu, “Em ơi, Hà Nội phố” hay “Hà Nội mùa này phố cũng như sông” đã trở nên quen thuộc thậm chí trở thành “đặc sản” chỉ sau vài tiếng mưa rào tại Thủ đô. Có thể nhìn rõ thực tế này tại các “điểm nóng” về ngập úng như Khu đô thị Văn Quán (Hà Đông); Khu ĐTM Mỹ Đình – Mễ Trì; Khu đô thị Tây Hồ Tây hay khu vực Keangnam; Nam Trung Yên… Lỗi do quy hoạch, do hạ tầng bị bức tử hay là vì việc cấp cao độ nền xây dựng có “vấn đề”?

Có thể thấy rõ, Khu Royal City cao hơn hẳn so với mặt đường Nguyễn Trãi (Thanh Xuân).

Có thể thấy rõ, Khu Royal City cao hơn hẳn so với mặt đường Nguyễn Trãi (Thanh Xuân).

Khảo sát của PV cho thấy, tại Hà Nội, các dự án chung cư mới như Royal City, Time City có cao độ nền cao hơn các khu vực dân cư lân cận; Khu đô thị Tây Hồ Tây có cao độ nền thiếu thống nhất và thiếu kết nối, cụ thể như việc kết nối giữa hai dự án Khu Ngoại Giao Đoàn và Khu trung tâm đô thị Tây Hồ Tây đã hoàn thành nhưng đang chênh khoảng 0,3 đến 0,4m.

Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, tính đến tháng 6/2017 trên toàn thành phố có 384 dự án khu đô thị mới và nhà ở đang trong giai đoạn thực hiện đầu tư với diện tích khoảng 8.963,91 ha (khoảng 120 dự án khu đô thị mới quy mô lớn hơn 50 ha và 27 dự án được triển khai sau khi Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2030 tầm nhìn 2050 (QH1259). Hiện sự chênh lệch cốt nền xây dựng giữa các khu đô thị mới và các đô thị cũ nội đô đang là nguyên nhân chính khiến cho việc ngập úng đang ngày càng trở nên nghiêm trọng.

Trở lại những quy định về cao độ nền xây dựng, hệ thống Luật, Nghị định và các thông tư hướng dẫn hiện nay đã quy định rất rõ về nội dung quy hoạch, quản lý cao độ nền. Theo đó, Cao độ nền xây dựng đô thị (hay cao độ nền, cao độ khống chế, cốt nền) xác định nhằm đảm bảo không ngập lụt và thoát nước đô thị, được xác định trong toàn đô thị cho từng khu vực, lô đất, trục đường phố chính trong đồ án quy hoạch đô thị.

Xác định cao độ nền là một nội dung trong định hướng quy hoạch hạ tầng kỹ thuật của đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị (bao gồm quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết). Việc xác định mức độ chi tiết cao độ nền đô thị được xác định cụ thể đối với từng đồ án quy hoạch đô thị.

Điều 3, Luật Xây dựng 2014 đã quy định rõ: Cốt xây dựng là cao độ xây dựng tối thiểu bắt buộc phải tuân thủ được chọn phù hợp với quy hoạch về cao độ nền và thoát nước mưa

Khoản 2, Điều 37 Luật Quy hoạch đô thị 2009 cũng quy định: Quy hoạch cao độ nền và thoát nước mặt đô thị bao gồm việc xác định khu vực thuận lợi cho việc xây dựng trong từng khu vực và đô thị; xác định lưu vực thoát nước chính, khu vực cấm và hạn chế xây dựng, cốt xây dựng, mạng lưới thoát nước mặt và công trình đầu mối; giải pháp phòng tránh và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai.

Còn Điều 23, Nghị định số 37/2010/NĐ-CP về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý Quy hoạch đô thị nêu rõ: Xác định khu vực xây dựng thuận lợi, khu vực cấm và hạn chế xây dựng của đô thị; xác định lưu vực thoát nước chính, cao độ nền, cốt xây dựng, mạng lưới thoát nước mặt và công trình đầu mối; giải pháp phòng tránh và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai cho toàn đô thị.

Việc lập, thẩm định, phê duyệt cao độ nền và thoát nước mặt tuân thủ các quy định của QH xây dựng, QH đô thị.

Chương III, Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về Quy hoạch xây dựng QCVN 01: 2008/BXD quy định về yêu cầu xác định cốt xây dựng khống chế đối với quy hoạch chuẩn bị kỹ thuật trong quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết. Yếu tố quyết định đến cao độ nền là mực nước tính toán cao nhất theo tần suất (năm) được xác định đối với từng loại đô thị (như đô thị đặc biệt, loại I là 100 năm; loại II là 50 năm...). Ngoài ra, cần xem xét đến điều kiện địa chất, thủy văn và các yếu tố thiên tai đặc thù đối với các khu vực xây dựng đô thị…

Như vậy, đối chiếu các quy định pháp luật đã nêu, thì việc quản lý, cấp cao độ nền có được thực hiện theo quy định hay không? Nếu có, tại sao lại xảy ra nhiều bất cập như hiện nay?

Bất cập chồng bất cập

Thực tế cho thấy, cao độ nền đô thị là một nội dung trong quy hoạch đô thị (quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết). Tuy nhiên, việc triển khai lập, thẩm định, phê duyệt nội dung về cao độ nền đô thị còn bị hạn chế về cơ sở khoa học, thiếu tài liệu, chuỗi số liệu, năng lực tư vấn chưa đáp ứng.

Theo rà soát của Cục Hạ Tầng Kỹ thuật (Bộ Xây dựng): Đối với các đô thị loại đặc biệt, loại I (hoặc các đô thị tỉnh lỵ từ loại III nếu cần thiết), đồ án quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật được lập riêng sau khi đồ án quy hoạch chung đô thị được phê duyệt. Tuy nhiên, thực tế, các đô thị lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh chỉ lập đồ án quy hoạch thoát nước, quy hoạch thoát nước, chống ngập... hầu như chưa có đô thị nào đã lập, phê duyệt quy hoạch cao độ nền và thoát nước mặt đô thị. Trong khi đó, về bản chất cao độ nền đô thị là cơ sở tránh ngập úng cũng như quyết định hướng thoát nước mặt đô thị

Cục Hạ tầng cũng chỉ ra hàng loạt những bất cập liên quan đến cao độ nền xây dựng. Cụ thể, đối với nội dung cao độ nền đô thị được triển khai trong các quy hoạch phân khu (1/2000- 1/5000), mức độ chi tiết còn hạn chế; chủ yếu cập nhật những nội dung cơ bản từ quy hoạch chung đô thị (1/1000-1/25.000). Vì vậy, thiếu các giải pháp cụ thể cho từng khu vực như khu vực đô thị hiện hữu, khu vực đô thị mới, các giải pháp ổn định nền tránh lún sụt, khu vực hạn chế, chưa xây dựng.

Mặt khác, căn cứ để xác định cao độ nền xây dựng đô thị ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng là đường tần suất lũ, việc xác định cần phải có chuỗi số liệu quan trắc mưa, thủy văn liên tục trong ít nhất 10 năm và lâu hơn. Tuy nhiên, hiện nay đối với các đơn vị lập quy hoạch cao độ nền, việc tiếp cận các tài liệu này còn hạn chế hoặc không có số liệu, dẫn đến thiếu chính xác khi dự báo cao độ nền các khu vực đô thị khiến nhiều khu vực bị ngập úng như khu Ngoại Giao Đoàn, đô thị Văn Quán...

Cùng với đó là việc cung cấp thông tin quy hoạch, kiểm tra giám sát triển khai thực hiện còn nhiều bất cập, thiếu phối hợp giữa các cơ quan quản lý về xây dựng, ban quản lý dự án, cấp phép... về cao độ nền của các dự án, khu vực lân cận với quy hoạch cấp cao hơn về kết nối hạ tầng trong, ngoài hàng rào các khu đô thị mới và khu hiện hữu xung quanh. Cụ thể, Khu Royal City có cao độ nền cao hơn các khu vực dân cư hiện hữu.

Như vậy, rõ ràng đô thị hiện nay đang có sự vênh nhau về cao độ nền xây dựng. Hiện Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội là đơn vị cung cấp cốt nền xây dựng, Sở Quy hoạch – Kiến trúc có trách nhiệm thẩm định. Hai đơn vị này sẽ có những phản ứng như thế nào về vấn đề này? Trách nhiệm thuộc về ai?

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top