Aa

Covid-19 “cuốn trôi” 44 tỷ đô la vốn hóa của thị trường chứng khoán

Thứ Tư, 25/03/2020 - 06:00

Thị trường chứng khoán bước vào phiên giao dịch sáng 24/3 tương đối bình lặng, đây là phiên hiếm hoi có được trạng thái này kể từ đầu năm đến nay.

Nhìn lại thị trường qua hai đợt cao trào của dịch bệnh, 44 tỷ đô la vốn hóa bị mất đi cùng nhiều di chứng để lại.

Dịch bệnh leo thang vốn hóa giảm sâu

Tâm lý nhà đầu tư dường như có phần bình tĩnh hơn, khi áp lực bán không còn quá mạnh trên bảng điện tử trong phiên sáng hôm nay. Nhà đầu tư giao dịch “nhẹ nhàng” xoay quanh vùng giá 660 và không có nhiều đột biến sau các đợt khớp lệnh. Với diễn biến này không ai nghĩ mới hôm qua thôi thị trường đã cuốn trôi 10 tỷ đô la. 

Nếu nhìn rộng hơn từ Tết Nguyên đán đến nay với 2 lần cao trào của dịch Covid-19 sức ép bán tháo đè nặng lên từng phiên giao dịch. Tính trên sàn HOSE trong 2 tháng qua số vốn hóa của thi trường đã mất đi 1/3 vởi khoảng hơn 1 triệu tỷ đồng (44 tỷ đô la).

Dẫn chứng gần nhất cho sự khốc liệt của thị trường là phiên giao dịch hôm qua (23/3), VN-Index giảm 43,14 điểm (6,08%) xuống 666,59 điểm. Đây là phiên thứ ba chỉ số này giảm trên 5% kể từ sau Tết nguyên đán, đồng thời, kéo VN-Index đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 3 năm qua.

Phiên giao dịch này cũng chứng kiến hơn 200 mã giảm sàn trên HOSE chiếm 35% các mã đang niêm yết trên toàn thị trường. Riêng nhóm VN30, 27/30 mã giảm sàn trong đó 25 mã rơi vào tình trạng “trắng bên mua”. Tính trên cả 2 sàn HoSE và HNX, 5 mã giảm giá nhiều nhất từ Tết Nguyên đán tới nay có thể kể đến là SAB, VJC, SCS, VNM, BHN. Trong số đó có 2 mã thuộc đại diện của ngành bia rượu (SAB và BHN), 2 mã đại diện cho ngành hàng không, vận tải (VJC, SCS) và đại diện còn lại thuộc về ngành sữa (VNM).

Nguồn: Tổng hợp trên sàn HOSE

Chỉ trong 2 tháng thị trường bốc hơi hàng chục tỷ đô la vốn hóa, thị giá cổ phiếu rơi về vùng giá thấp khiến nhiều doanh nghiệp lập kế hoạch chi cả ngàn tỷ đồng để mua cổ phiếu quỹ. Động thái này được coi là một “đơn thuốc” khẩn cấp nhằm cứu giá cổ phiếu, đồng thời tăng “kháng thể” cho doanh nghiệp nhằm phòng ngừa nguy cơ bị thâu tóm.

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam và toàn cầu đang phủ một màu tối thì vẫn chưa có gì chắc chắn cho những diễn biến tiếp theo. Đó có thể là lý do khiến khối ngoại đang rút dần ra khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam để trở về với các thi trường truyền thống. Minh chứng rõ nhất là chuỗi 30 bàn ròng của khối này trong bối cảnh tình hình khống chế dịch bệnh vẫn chưa rõ ràng.

Vốn ngoại “tạm thoát ly” thị trường Việt Nam

Không chỉ vốn hóa bị mất đi, thị trường chứng khoán cũng đang gặp phải nhiều tổn thất dưới phương diện đầu tư. Lo ngại về những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tác động tiêu cực trong cuộc chiến giá dầu giữa nhóm OPEC và Nga kéo giá dầu giảm sâu cùng áp lực bán tháo để thu về đô la khiến thị trường chứng khoán trên thế giới giảm sâu thời gian qua.

Ở thị trường Việt Nam, tỷ số P/E đang ở mức 11 - 12 nhưng cũng không còn quá hấp dẫn với khối ngoại khi họ đã bán ròng 30 phiên liên tiếp trên HOSE với giá trị lên đến 8.500 tỷ đồng. Các quỹ ETF đang góp phần làm việc bán ròng tăng mạnh hơn 1 tháng qua của khối ngoại. Các nhà đầu tư nước ngoài khác cũng bán khá mạnh từ các quỹ ở nước ngoài bị đóng hay bị rút tiền trong giai đoạn này.

Ảnh minh họa.

Làn sóng rút vốn khỏi các thị trường mới nổi, như Việt Nam, đã có từ đầu năm khi chứng khoán Mỹ liên tục lập đỉnh và các quỹ đầu tư lớn cũng chọn thị trường này là nơi đầu tư chính. Nhưng sự dịch chuyển này lại gặp một biến cố ngoài dự báo là Covid-19. Đồng đô la Mỹ đang mạnh dần lên khiến các kênh đầu tư khác phải ngập ngừng và việc rút khỏi chứng khoán giữ đô la là hợp lý nhất trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát như hiện nay.

Khác với các giai đoạn trong quá khứ, khi mà kinh tế Việt Nam tỏ ra tương đối vững vàng trước các biến động bên ngoài; ở giai đoạn hiện tại, dịch Covid-19 dự báo sẽ tác động mạnh đến tăng trưởng kinh tế, cũng như lợi nhuận các doanh nghiệp trong nước, và nghiêm trọng hơn là có thể dẫn đến khủng hoảng kinh tế quy mô toàn cầu.

Nhìn lại giai đoạn năm 2003, bối cảnh kinh tế toàn cầu vừa hồi phục từ khủng hoảng tại Mỹ cuối năm 2000 và khủng hoảng Châu Á cuối những thập niên 90, tác động của dịch SARS đã là tương đối rõ nét đến tăng trưởng kinh tế.

Ở thời điểm hiện tại, mặc dù chưa có cơ sở để đánh giá chi tiết, nhưng báo cáo mới đây của Công ty chứng khoán KBSV nhận định, dịch Covid-19 sẽ có tác động lớn hơn nhiều khi mà kinh tế toàn cầu trước đó đã cho thấy các dấu hiệu suy yếu. Các ngân hàng trung ương không còn nhiều dư địa nới lỏng chính sách, trong khi chu kỳ kinh tế đã trải qua giai đoạn tăng trưởng kéo dài hơn 10 năm kể từ cuộc khủng hoảng gần nhất.

“Đến nay diễn biến của dịch Covid-19 đang làm “việt vị” hầu hết những dự báo kinh tế, vì vậy việc tạm lánh khỏi thị trường chứng khoán ở các thị trường đang phát triển sẽ là tối ưu trong ngắn hạn. Nếu so sánh mức độ am hiểu về thị trường thì rõ ràng nhà đầu tư nước ngoài vẫn sành sỏi thị trường Mỹ, châu Âu hơn Việt Nam, dòng vốn quay đầu cũng dễ hiểu”, báo cáo của KBSV nêu rõ.

KBSV cho rằng tác động của dịch Covid-19 đến biến động thị trường chứng khoán Việt Nam chắc chắn sẽ lớn hơn nhiều, do không chỉ gây ra các ảnh hưởng lớn hơn đến tăng trưởng kinh tế trong nước, tăng trưởng lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết, mà còn tác động đến các kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, tăng vốn ngân hàng quốc doanh của Chính phủ.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top