Aa

Cư dân Cao-Xà-Lá ngày đêm lo sợ ô nhiễm?

Thứ Tư, 18/12/2019 - 09:45

Trước thông tin Hà Nội liên tục nằm trong top những thành phố ô nhiễm nhất thế giới những ngày gần đây, nhiều hộ gia đình “sống mòn” quanh tổ hợp nhà máy “Cao-Xà-Lá” đang ngày đêm lo sợ...

Tình trạng ô nhiễm không khí tại Hà Nội trong thời gian gần đây đang là nỗi lo lắng của nhiều người dân. Theo các chuyên gia đánh giá, nhiều trạm quan trắc trên địa bàn Hà Nội phủ màu tím với chỉ số AQI vượt trên 200, tương đương mức rất xấu. Cá biệt, nhiều điểm đã chạm mốc nâu - là mức nguy hại, báo động về tình trạng tác động tới sức khỏe, đơn cử trong ngày 13/11, chỉ số AQI tại Tây Hồ lên tới 405, trước đó ngày 10/12, trạm đo tại Đại sứ quán Pháp, Hoàn Kiếm báo chỉ số AQI ở mức 336.

Thế nhưng, những người dân bình thường lo ngại một phần thì đối với những người sống quanh các khu nhà máy, cơ sở sản xuất chây ỳ, chậm di dời ra khỏi nội đô sự lo lắng còn tăng lên gấp bội bởi các cơ sở này vẫn ngày ngày vận hành, sản xuất. 

Cận cảnh tổ hợp nhà máy "Cao - Xà- Lá" ngày đêm xả khí thải ra môi trường.

Điển hình, tại khu vực số 231-235 đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội) lâu nay vẫn được gọi tắt là khu “Cao-Xà-Lá” bởi đây là nơi tập trung ba nhà máy lớn, gồm: CTCP Cao su Sao Vàng, CTCP Xà phòng Hà Nội và nhà máy Thuốc lá Thăng Long.

Theo tiêu chuẩn của Hoa Kỳ, chất lượng không khí được chia làm 5 mức, từ 0 - 100 là chất lượng không khí tốt và chấp nhận được. Từ 101 - 200 là kém, người dân nhóm nhạy cảm cần hạn chế ra ngoài. Chỉ số AQI từ 201 - 300 là thang màu tím, thuộc nhóm rất ô nhiễm, trên 300 là thang màu nâu, ở ngưỡng nguy hại, khuyến cáo mọi người nên ở trong nhà.

Khu tổ hợp nhà máy này từng là niềm tự hào một thời về nền công nghiệp của Hà Nội những năm 1970 - 1990. Đến nay, cùng với sự phát triển của Thủ đô, các nhà máy này đều đã có quyết định phải di dời khỏi nội đô. 

Nhưng theo phản ánh của người dân sống quanh khu vực, hằng ngày họ vẫn phải chứng kiến và chịu đựng những cột khói thoát ra từ các nhà máy này, ảnh hưởng đến cuộc sống.

Một người dân sống tại Vũ Trọng Phụng, Thanh Xuân cho biết, hằng ngày các nhà máy ở khu Cao-Xà-Lá vẫn "bức tử" người dân bằng những cột khói cao vút, đen đặc... chủ yếu vào sáng sớm và chiều tối.

Nằm trong danh sách phải di dời, nhưng cụm công nghiệp này đến nay vẫn... đều đặn xả khí thải vào môi trường mỗi ngày.

Mặc dù người dân đã nhiều lần gửi đơn thư phản ánh tới các cơ quan chức năng như UBND TP. Hà Nội, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội và gửi tới cả Công ty Thuốc lá Thăng Long để mong có giải pháp khắc phục, chấm dứt tình trạng xả khói bụi gây ô nhiễm môi trường nhưng câu chuyện đến giờ vẫn chưa có lời đáp. 

Được biết, cụm khu công nghiệp này từ nhiều năm qua đã bị Sở Tài nguyên & Môi trường Hà Nội liệt vào danh sách những cơ sở cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân xung quanh.

Theo đó, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên & Môi trường) đã từng có kết luận về việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường đối với CTCP Cao su Sao Vàng. Công ty được thành lập từ năm 1960, chuyên sản xuất các loại săm lốp máy bay, ôtô, xe đặc chủng, xe máy, xe đạp và các sản phẩm cao su kỹ thuật trên diện tích mặt bằng sản xuất 62.312m2.

Cũng theo nội dung báo cáo ĐTM (đã được phê chuẩn và Quyết định phê chuẩn báo cáo ĐTM), Cao su Sao Vàng phải xây lắp hệ thống xử lý nước thải sản xuất theo quy trình: Nước thải -> Bể lắng sơ bộ -> Thiết bị tách dầu -> Dầu được tách riêng, nước thải ra môi trường. Tuy nhiên, Công ty cam kết toàn bộ nước thải sản xuất được thu gom, sử dụng tuần hoàn, không xả ra môi trường nên Công ty không xây dựng hệ thống xử lý nước thải sản xuất.

Tại thời điểm thanh tra (nửa cuối năm 2018), Công ty đang hoạt động bình thường. Theo báo cáo, Công ty đang hoàn thiện các thủ tục di dời Nhà máy đến KCN Châu Sơn, tỉnh Hà Nam (dự kiến đến năm 2019 hoàn tất công tác di dời). Tổng lượng nước thải phát sinh khoảng 300m3/ngày đêm, trong đó nước thải sinh hoạt đã được xử lý bằng hệ thống bể tự hoại trước khi xả ra hệ thống thoát nước chung của thành phố.

CTCP Cao su Sao Vàng thành lập từ năm 1960, chuyên sản xuất các loại săm lốp máy bay, ôtô, xe đặc chủng, xe máy, xe đạp và các sản phẩm cao su kỹ thuật.

Được biết, lượng nước sử dụng trung bình 570m3/ngày đêm, được Cao su Sao Vàng khai thác từ 2 giếng nước hoạt động luân phiên, theo Giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất (gia hạn, điều chỉnh lần 1) ngày 31/12/2015 của UBND TP. Hà Nội. Công ty không có sổ ghi nhật ký vận hành mà chỉ theo dõi lượng nước khai thác theo tháng.

Ngoài ra, do Công ty được xây dựng từ thời Pháp thuộc cùng các Nhà máy lân cận nên hệ thống thu gom, thoát nước mưa với hệ thống thu gom, thoát nước thải còn có khu vực chưa được tách riêng biệt, triệt để; tại bãi chứa phế thải công nghiệp, nước mưa lẫn nước thải đọng lại bề mặt, không có biện pháp thu gom, xử lý. Thời điểm lấy mẫu đột xuất tại Công ty (ngày 18/10/2018), Công ty đã thu gom, có biện pháp lắng lọc và xử lý, tách riêng nước mưa, nước thải tại bãi chứa phế thải nêu trên.

Liên quan tới khí thải, phát sinh chủ yếu từ quá trình vận hành 1 lò hơi công suất hoạt động khoảng 7 - 8 hơi tấn/giờ (công suất thiết kế 15 tấn hơi/giờ), sử dụng mùn cưa. Khí thải được thu gom, xử lý qua hệ thống dập bụi ướt trước khi thải ra môi trường qua ống khói cao 25m; không có biện pháp xử lý các thành phần ô nhiễm khác có thể phát sinh.

Theo nội dung ĐTM được duyệt, Công ty sử dụng 3 nồi hơi đốt dầu FO, công suất 6 tấn hơi/giờ/nồi. cao su Sao Vàng cam kết, do thay đổi nêu trên theo hướng giảm thiểu ảnh hưởng tới môi trường và phù hợp với tình hình hoạt động thực tế của Công ty, nên Công ty không có văn bản báo cáo cơ quan phê chuẩn báo cáo ĐTM.

Được biết vào thời điểm thanh tra, cao su Sao Vàng không có biện pháp thu gom, giảm thiểu mùi phát sinh từ phân xưởng sản xuất săm ô tô. Vấn đề này, Công ty cam kết sẽ có các giải pháp làm thông thoáng nhà xưởng, hạn chế việc ảnh hưởng đến môi trường lao động.

Theo Quyết định số 130/2015 ngày 23/1/2015 của Thủ tướng Chính phủ, UBND TP. Hà Nội có trách nhiệm chủ trì lập danh mục, tiêu chí, lộ trình và biện pháp di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp trình Thủ tướng phê duyệt; đề xuất phương án và phê duyệt quy hoạch sử dụng đất sau khi di dời, bố trí quỹ đất và hạ tầng cơ sở mới trước khi phải di dời; cơ chế, chính sách phù hợp khuyến khích thực hiện di dời các cơ sở trên địa bàn 12 quận nội thành.

Báo cáo của Sở Tài nguyên & Môi trường Hà Nội cho thấy, trên địa bàn 12 quận nội thành Hà Nội có 186 cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm, có nguy cơ cháy nổ cần phải di dời, trong đó nhiều nhà máy có quy mô đất đai lớn.

Về lộ trình di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường mà UBND TP. Hà Nội gửi Bộ Xây dựng hồi tháng 6/2019, cho thấy: Theo kế hoạch vạch ra năm 2016, đến năm 2020 sẽ có 117 cơ sở sản xuất phải di dời khỏi địa bàn 12 quận. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có 4 cơ sở đã thực hiện, còn 113 cơ sở chưa thể di dời ở quận Đống Đa (13), Ba Đình (2), Cầu Giấy (2), Hai Bà Trưng (16), Hoàn Kiếm (6), Hà Đông (29), Bắc Từ Liêm (6), Thanh Xuân (9), Nam Từ Liêm (2), Hoàng Mai (11), Long Biên (17). 


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top