Aa

Cư dân đô thị là ai?

Thứ Hai, 02/04/2018 - 06:00

Bức tranh đô thị tưởng chừng như lung linh và văn minh nhưng trong những tòa nhà hiện đại nhiều công năng ấy lại là những nét vẽ nguệch ngoạc, chắp vá về văn hóa ứng xử. Chính bản thân những cư dân đô thị, những chủ thể của một xã hội văn minh hiện đại mà con người ta đang hướng tới cũng phải “gò mình” trong nhịp sống hối hả, bon chen.

Trong bài viết “Thấy gì sau "lớp vỏ" tiện nghi của những toà cao ốc? đăng tải trên chuyên mục Cà phê cuối tuần vừa qua, các chuyên gia đã phân tích và phản ánh một thực tại: nếp sống văn hóa ở các tòa nhà chung cư đang có vấn đề. Trong những toà nhà được xây dựng rất hiện đại lại thiếu vắng đi sự kết nối của cư dân, thiếu đi lối sống văn minh đô thị. Và vì thế, dường như đô thị của chúng ta mới chỉ lớn về phần "xác" chứ chưa có sự trưởng thành về phần "hồn". 

Trên góc độ là doanh nghiệp phát triển bất động sản, bà Lê Thị Thanh Hà, Phó Giám đốc dự án Mỹ Đình Pearl (SSG Group) chia sẻ rằng: “Trước khi triển khai kế hoạch dự án bất động sản, chủ đầu tư đã phải xác định, đối tượng cư dân mà mình muốn hướng tới là ai. Từ việc hiểu cư dân của mình là ai, chủ đầu tư sẽ phải thiết kế mô hình chung cư phù hợp để đáp ứng nhu cầu cuộc sống cho đối tượng mà mình hướng tới”. Nhưng không phải nhà phát triển bất động sản nào cũng đủ tinh tế và kiên nhẫn để đi tìm lời giải, cư dân trong các toà chung cư, các khu đô thị là ai. Và vì thế, nếu chỉ đơn thuần cứng nhắc áp dụng những khối nhà có thang máy, chồng tầng lên nhau như những cao ốc của nước ngoài về Việt Nam sẽ là một sự thất bại.  Đô thị của Việt Nam mang những đặc điểm rất khác, chủ nhân của những toà nhà chung cư cũng có những tính cách đặc trưng riêng biệt. 

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Cộng cư tứ xứ và sự “thập cẩm”

Theo PGS.TS Nguyễn Minh Hòa, một người đã có hơn 30 năm nghiên cứu về cư dân đô thị, ông cho rằng, những cư dân đô thị đa phần đều có nguồn gốc đến từ nông thôn: “Để tìm được người gốc thành phố từng có 3 - 4 đời ở Hà Nội là rất hiếm. Cư dân đô thị là những người tứ chiếng. Vì đến từ nhiều nơi khác nhau, nên họ có sự khác biệt lớn về tôn giáo, trình độ văn hóa, dân tộc, phong tục tập quán. Sự phân hóa rõ rệt và mức độ không đồng đều là đặc điểm chính của cư dân đô thị hiện nay”.

TS. Vương Tiến Hải, chuyên gia phát triển nguồn nhân lực cũng nhận định rằng, những đô thị mới là nơi dân cư tập trung từ nhiều nguồn. Xuất phát điểm từ nhiều nguồn gốc khác nhau, mang những đặc trưng văn hóa vùng miền khác nhau, phương thức kinh tế và vị thế xã hội khác nhau... người dân tứ xư tụ cư lại trong một thời gian ngắn cùng nhau, trong một không gian ngắn khác với không gian văn hóa làng quê quen thuộc.

“Dân tứ xứ tập trung với nhau ở cùng một đô thị, tuy không cùng huyết thống nhưng về lâu dài, thế hệ này qua thế hệ khác thì dần dần “trước lạ, sau quen” người ta vẫn gắn bó với nhau", TS. Vương Tiến Hải chia sẻ.

Rời quê hương đến các khu đô thị mới để mưu sinh buộc họ làm đủ các loại nghề khác nhau, từ lao động chân tay đến yêu cầu trình độ cao dẫn tới sự phân hóa giàu nghèo càng trở nên rõ rệt kèm theo đó là sự khác biệt trong lối sống. Song chính đa dạng này đã hình thành nên sự đa dạng về lối sống, văn hóa.

Nếp sống nông thôn trong khu đô thị mới

Đằng sau bộ mặt mới văn minh là những khu đô thị hiện đại, những tòa chung cư chọc trời là sự du nhập của văn hóa làng xã. Những người dân từ nông thôn lên thành phố đã “bê nguyên” lối sống làng quê tới những căn hộ sang trọng, đầy đủ tiện ích, trong các tòa nhà chọc trời. Sự biến chuyển quá nhanh của quá trình cơ cấu hóa dân số đô thị, sự hình thành của cộng cư tứ xứ vô tình đã "phôi thai" một lối sống đậm nét làng quê sau cánh cửa hiện đại của khu đô thị mới.

GS.TS Đặng Hùng Võ từng nói, các khu đô thị yên ả ở ta hiện nay chủ yếu là các khu đô thị giống với nông thôn, chứ các khu đô thị hiện đại thì rất kém. Ông cũng cho rằng, thu nhập của người Việt Nam chưa theo kịp với các nhà hoạch định, quy hoạch tư duy ngồi bàn giấy, thiếu thực tế. Chính vì vậy, dường như người xây đô thị thì cứ xây, còn người vào ở đó không liên quan.

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Thế nên mới có câu chuyện, có người vẫn mang bếp than tổ ong ra hành lang để tranh thủ đặt ấm nước, luộc mớ rau, xào ít thịt. Lại có người thích thú đưa nguyên cả xe máy, xe đạp vào thang máy để phi lên nhà... Những hình ảnh ấy chẳng xa lạ với những ai đang sống ở trong những khu chung cư mà sự lai tạp giữa lối sống nông thôn và đô thị vẫn hiện hữu rõ nét. Sự gắn kết đầy khập khiễng khi bên trong những khu đô thị đẹp đẽ, hiện đại là cộng cư con người tứ xứ với nếp sống nông thôn xưa.

Song thực tiễn cho thấy, không chỉ dừng lại ở chính những chủ thể là cư dân đô thị chưa bắt nhịp được với lối sống hiện đại mà bản thân họ cũng bị “ép khuôn” bởi những quy định đúng – sai trong khu đô thị mới hay sự thiếu vắng tính kết nối giữa con người với con người. Cư dân đô thị trở thành người dưng đến nỗi cùng một tầng nhưng chẳng biết hàng xóm nhà bên tên gì, đang sống ra sao. Có chăng mọi sự giao tiếp chỉ diễn ra trên…. mạng xã hội.

Cần thiết kế mô hình đô thị phù hợp với cư dân đô thị

Bức tranh đô thị tưởng chừng như lung linh và văn minh nhưng trong những tòa nhà hiện đại nhiều công năng ấy lại là những nét vẽ nguệch ngoạc, chắp vá về văn hóa ứng xử. Chính bản thân những cư dân đô thị, những chủ thể của một xã hội văn minh hiện đại mà con người ta đang hướng tới cũng phải “gò mình” trong nhịp sống hối hả, bon chen hiện tại.

Sự chi phối của đồng tiền khiến không gian sống bị thu hẹp, không gian sinh hoạt cộng đồng bị xóa bỏ, còn con người ta đành chấp nhận “miễn có một căn nhà để ở”. Những chất chồng của áp lực cuộc sống khiến người ta bắt đầu vô cảm, thờ ơ với câu chuyện phải thay đổi để hòa nhập, thay đổi để cùng chung tay xây dựng một nếp sống mới văn minh, có sự gìn giữ những giá trị tốt đẹp trong văn hóa làng xã.

PGS.TS Nguyễn Minh Hòa cho rằng: “Mặc dù di cư đến một vùng đất mới, văn minh, hiện đại hơn thì nếp sống làng xã khó có thể thay đổi một sớm, một chiều. Sự thay đổi là có nhưng mức độ thay đổi còn ít. Nhiều người không thay đổi vì bảo thủ nhưng cũng có những thế hệ trẻ tiến bộ lại sớm bắt kịp với lối sống mới, hiện đại. Sự cọ xát, va chạm giữa con người với con người, giữa lối sống nông thôn và thành thị là quy luật tất yếu”.

E ngại trước sự kết nối rời rạc trong khu đô thị mới, PGS. TS Huỳnh Văn Sơn (Phó Chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam) chia sẻ: “Sẽ là khập khiễng khi quá chú tâm để xây nhiều tòa cao tầng, sơn phết thật đẹp, lộng lẫy, nguy nga. Sẽ là bất thường khi nhiều người thích ánh đèn đêm, công viên rộng nhưng quên đi những điều rất bình thường trong mối quan hệ của con người và con người trong một đô thị.”

Và sẽ thật là nghịch lý khi mang những mô hình chung cư hiện đại tiện nghi của thế giới về đặt tại Việt Nam và đưa người dân vào đó rồi khoác lên nó một cái áo mang tên “khu đô thị mới”. Cũng bởi vậy PGS.TS Nguyễn Minh Hòa đã nhấn mạnh rằng: “Điều quan trọng nhất là thiết kế mô hình đô thị như thế nào để chính người dân cảm thấy hạnh phúc trong ngôi nhà của chính mình.”

Như nhà báo Trần Đăng Tuấn từng nói: “Nếu thiết kế một đô thị không khéo thì nếp sống ở đô thị, từ kiến trúc đến cách tổ chức cuộc sống sẽ bẻ gãy tính cách của con người, bắt con người phải kháng cự, sống một cách khổ sở hoặc cam chịu. Nếu một đô thị được tổ chức tốt và hợp quy luật, nó sẽ thúc đẩy con người cọ xát các giá trị khác nhau, giữ được những giá trị tốt cũ và hình thành giá trị mới.”

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top