Aa

"Cư dân được "nén" vừa phải sẽ gia tăng hạnh phúc"

Hồng Vũ (thực hiện)
Hồng Vũ (thực hiện) pvhongvu@gmail.com
Thứ Sáu, 15/06/2018 - 06:01

“Thực ra, không có câu trả lời chính xác là mật độ dân số trong một khu dân cư, một khu đô thị, một thành phố bao nhiêu là vừa nhưng thực tế cho chúng ta thấy, không hẳn những nơi tập trung đông dân cư là thiếu hiệu quả”, PGS. TS. KTS. Khuất Tân Hưng, trường Đại học Kiến trúc Hà Nội nhận định.

Thành phố bị kẹt xe, môi trường bị ô nhiễm, trường học chật chội, bệnh viện ngột ngạt... người dân thường đổ lỗi cho câu chuyện xây nhiều nhà cao ốc. Tuy nhiên, gốc rễ của căn bệnh quá tải là do tăng dân số cơ học, rõ ràng nếu không có cách nhìn và cư xử đúng mực trong vấn đề dân số, thành phố sẽ rất khó hoạch định chiến lược phát triển nhà cao tầng đúng hướng. Đi tìm lời giải cho bài toán dân số và quy hoạch nhà cao tầng, Reatimes đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kiến trúc quy hoạch, PGS. TS. KTS. Khuất Tân Hưng, trường Đại học Kiến trúc Hà Nội.

Mật độ bao nhiêu là phù hợp?

PV: Thưa PGS. TS. Khuất Tân Hưng, ông đánh giá như thế nào về mối quan hệ giữa mật độ dân số và hệ số sử dụng đất trong mỗi dự án nhà ở?

PGS. TS. Khuất Tân Hưng: Mật độ dân số và hệ số sử dụng đất có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Tại mỗi khu vực đô thị hay khu dân cư, khi tăng hệ số sử dụng đất thì do sức chứa tăng lên nên thường mật độ dân số cũng tăng theo nếu dân số được lấp đầy như dự tính. Để tăng hiệu quả sử dụng đất đô thị, người ta thường tăng chiều cao công trình. Công việc này cũng có thể thực hiện đồng thời với việc giảm mật độ xây dựng để giải phóng không gian mặt đất cho các mục đích sử dụng khác.

Nhìn chung, với một mật độ dân số được xác định trước, nếu khu nhà ở có chiều cao lớn hơn tức là khu đó tiết kiệm tài nguyên tốt hơn.

Có thể so sánh Hà Nội với Singapore để thấy rõ hơn điều này. Theo số liệu năm 2016, mật độ dân số tại 12 quận nội thành của Hà Nội là hơn 11.000 người/km2, trong khi đó mật độ dân số tại khu vực đô thị của Singapore là 10.200 người/km2, thấp hơn Hà Nội một chút, nhưng do Singapore phát triển chủ yếu theo mô hình đô thị nén với các công trình có chiều cao lớn nên họ dành được nhiều quỹ đất hơn để phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội và không gian cây xanh.

PV: Thực tế hiện nay, việc kiểm soát mục tiêu sử dụng đất trong quy hoạch mới chỉ dừng lại ở kiểm soát mật độ xây dựng, tần suất hay chiều cao của các công trình; vạch ra lộ trình phát triển, năm nào thì sẽ mở rộng đến đâu và bao nhiêu lâu thì điều chỉnh các quy hoạch đó. Trong khi quy mô dân số - một yếu tố quan trọng trong phát triển đô thị lâu nay lại ít được xem trọng. Theo ông, giải pháp cho bài toán đô thị nén, hay xây cao ốc chung cư thì mật độ dân số như thế nào là hợp lý để đảm bảo hạ tầng đáp ứng?

PGS. TS. Khuất Tân Hưng: Thực ra, không có câu trả lời chính xác là mật độ dân số trong một khu dân cư, một khu đô thị, một thành phố bao nhiêu là vừa bởi nó phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố: đặc điểm văn hóa, lối sống, đặc điểm cư trú, phương thức và mức độ hiện đại của hệ thống giao thông công cộng, sức chịu đựng của hệ sinh thái…

Trước đây tồn tại quan niệm phổ biến cho rằng, mật độ dân số giảm thì hạnh phúc tăng lên. Song một số nghiên cứu gần đây lại cho thấy dân cư được “nén” vừa phải tại một số địa điểm sẽ gia tăng hạnh phúc, con người được sống trong xã hội hòa đồng, vui vẻ, có cơ hội tiếp xúc với nhau không quá tách biệt, không quá xa lạ.

Nghiên cứu này rất phù hợp với các thành phố Đông Á và Nam Á, trong đó có cả Việt Nam, nơi người dân đã “quen” sống ở những nơi tập trung dân cư đông đúc. Thực tế cũng cho chúng ta thấy rằng, không hẳn những nơi tập trung đông dân cư hay có mật độ dân số cao là thiếu hiệu quả.

Tại các thành phố lớn, việc tập trung dân cư trong các khu đô thị nén cao tầng là rất có lợi bởi nó giúp khuyến khích và phát huy nền kinh tế tri thức, tiết kiệm tài nguyên, tiết kiệm năng lượng, giảm ô nhiễm môi trường, mặt đất thì được giải phóng để phát triển hệ thống hạ tầng giao thông (bao gồm đường xá và giao thông công cộng), không gian cây xanh và các tiện ích công cộng khác.

Trong khi đó, những thành phố phát triển dàn trải thường phải lệ thuộc vào phương tiện giao thông cá nhân, do vậy mà kém hiệu quả hơn. Với những thành phố phát triển dàn trải mà lại có mật độ dân số cao như Hà Nội và TP.HCM thì còn tệ hơn nữa bởi quỹ đất dành cho hạ tầng giao thông và các tiện ích công cộng bị cắt giảm xuống mức tối thiểu, hậu quả không thể tránh khỏi là nạn ô nhiễm môi trường và kẹt xe triền miên.

Như vậy, sẽ không có mật độ dân số lý tưởng chung cho mọi đô thị, mà mỗi thành phố cần phải tùy thuộc vào điều kiện cụ thể của mình để có đối sách phù hợp. Tuy nhiên, có một quy luật phổ biến là thành phố có phương thức giao thông công cộng càng phát triển và càng văn minh thì sức chứa của nó càng cao.

Có thể thấy rõ điều này tại Hong Kong – nơi dân cư sống tập trung dày đặc trong các tòa nhà cao tầng san sát nhau ở khu vực trung tâm - nhưng do hệ thống giao thông công cộng hết sức phát triển nên ít khi xảy ra tình trạng kẹt xe.

Chính vì vậy mật độ dân số không nên bị tách thành một mục tiêu riêng mà cần kết hợp với các chủ thuyết và chính sách phát triển đô thị, chẳng hạn như chiến lược và kế hoạch sử dụng đất, loại hình đô thị - nén, dàn trải hay hỗn hợp; số lượng trung tâm - một trung tâm hay đa trung tâm; phương thức giao thông công cộng – metro, BRT, bus vv…

Dàn trải đô thị đồng nghĩa với lãng phí

PV: Một trong những giải pháp giãn dân mà nhiều chuyên gia đưa ra là xây dựng đô thị vệ tinh, song bao nhiêu năm qua chúng ta vẫn thấy thực sự chưa có hiệu quả rõ ràng. Thưa ông, ông có giải pháp nào để có thể thu hút dân số ra các đô thị vệ tinh thay vì tập trung ở đô thị trung tâm?

PGS. TS. Khuất Tân Hưng: Việc xây dựng các đô thị vệ tinh để giảm tải cho các thành phố lớn là một hướng đi đúng và đã được áp dụng hiệu quả ở nhiều nơi trên thế giới. Đây cũng là cách để hạn chế sự phát triển đô thị dàn trải, vốn vừa gây lãng phí đất, gia tăng ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực đến hệ sinh thái.

Trong Quy hoạch chung được phê duyệt năm 2011, Hà Nội được xác định là sẽ có 5 đô thị vệ tinh, đó là Hòa Lạc, Xuân Mai, Sơn Tây, Sóc Sơn và Phú Xuyên. Tuy nhiên cho đến nay, ngoài thị xã Sơn Tây là một đô thị đã được hình thành từ khá lâu, chưa có đô thị vệ tinh thực sự nào được định hình. Nguyên nhân cơ bản được xác định là các đô thị này chưa thu hút được nguồn lực cho phát triển. Với quy mô tương đối nhỏ (từ 127.000 người đến 600.000 người), đô thị vệ tinh có nhiều cơ hội để phát triển đồng bộ.

Tùy thuộc vào đặc trưng của địa điểm, có thể áp dụng mô hình đô thị thông minh hay đô thị sinh thái để nâng cao sức cạnh tranh và sức hấp dẫn của đô thị - điều quá khó để thực hiện trong đô thị trung tâm do đã bị phát triển quá nóng.

Tôi tin rằng, nếu có điều kiện sống và làm việc tốt, có đầy đủ tiện ích đô thị hiện đại, có môi trường trường sống sạch sẽ, trong lành và an toàn, lại được kết nối giao thông thuận lợi với thành phố mẹ thì các đô thị vệ tinh sẽ dễ dàng thu hút được dân cư đến sinh sống. Còn nếu đô thị vệ tinh mà cũng phát triển manh mún, chắp vá, cũng ô nhiễm môi trường… như đô thị trung tâm và không được phát triển đồng bộ thì sẽ chẳng có cách gì giữ chân hoặc lôi kéo được người dân đến với nó.

PV: Thưa PGS. TS. Khuất Tân Hưng giữa lựa chọn phát triển đô thị “chiều cao” và “dàn trải chiều rộng”, câu trả lời của ông là...?

PGS. TS. Khuất Tân Hưng: Dàn trải đô thị theo chiều rộng đồng nghĩa với lãng phí, kém hiệu quả trong sử dụng đất. Với mật độ dân số trung bình thuộc loại cao trên thế giới và tốc độ đô thị hóa đang tăng nhanh, chúng ta nên ưu tiên phát triển đô thị theo chiều cao. Thực tế các nhà quản lý đô thị cũng đã thấy được điều này nhưng vì nhiều lý do mà việc thực hiện còn nửa vời.

Chẳng hạn tại Hà Nội, thay vì tạo ra một vài đô thị nén thực sự với mật độ dân số cao gắn kết với các đầu mối giao thông công cộng quan trọng ở bên ngoài khu trung tâm lịch sử để giảm tải cho phần lõi đô thị thì chúng ta lại phát triển rất nhiều khu đô thị nhỏ manh mún dọc các tuyến vành đai nhưng vẫn chưa được nén về chiều cao, bởi xen kẽ với các tòa chung cư cao tầng vẫn còn rất nhiều nhà chia lô và cả biệt thự thấp tầng.

Hậu quả là thành phố vẫn tiếp tục bị dàn trải theo chiều rộng, còn bài toán phát triển giao thông công cộng, nhất là các phương thức vận chuyển tiên tiến ngày càng khó để có thể thỏa mãn nhu cầu của cư dân đô thị hơn do chính sự dàn trải không đáng có đó.

Việc phát triển đô thị nén đã được chứng minh về tính hiệu quả và rất phù hợp với các thành phố lớn có mật độ dân số cao. Tuy nhiên phát triển đô thị nén như thế nào, ở đâu thì cần được nghiên cứu kỹ, và đặc biệt cần phải gắn với các tuyến giao thông công cộng tiên tiến thì mới có thể phát huy được tính ưu việt của nó.

PV: Thưa PGS. TS Khuất Tân Hưng, như ông đã nói, ở bên ngoài khu trung tâm lịch sử của Hà Nội nên được xây dựng nén. Tuy nhiên khu vực này hầu hết đã bị lấp đầy bởi nhà chia lô và các khu đô thị mới không phù hợp. Vậy theo ông, giải pháp nào cho vấn đề này?

PGS. TS. Khuất Tân Hưng: Xây dựng và phát triển đô thị là một quá trình lâu dài. Hiểu được hiện trạng và những tồn tại của đô thị là để đi tìm lời giải cho nó ở thì tương lai nhằm tạo ra một môi trường đô thị đáng sống hơn. Tuy nhiên, xóa bỏ một quan niệm cũ không hề đơn giản, nhất là quan niệm đó lại liên quan đến vấn đề cư trú.

Cho đến nay, đa số người Việt Nam, trong đó có người dân Hà Nội vẫn còn tâm lý là phải có “mảnh đất cắm dùi”, “an cư lạc nghiệp” nên về lâu dài muốn xóa bỏ nhà ống, nhà thấp tầng cần có đồng thời các quá trình như nâng cao chất lượng, tiện nghi và độ án toàn khi xây chung cư cao tầng để người dân không bị tâm lý sợ nhà cao tầng. Đồng thời, phải có các chương trình vận động, tuyên truyền người dân thay đổi nếp sống, nếp nghĩ về mô hình ở như đã được thực hiện rất thành công ở Singapore vào những năm 1960, 1970.

Bằng cách đó người dân sẽ nhận ra rằng ở nhà chia lô rất lãng phí về tài nguyên, khó tiếp cận về giao thông công cộng, lại gây ô nhiễm môi trường và chịu nhiều bất lợi khác. Dần dần, họ sẽ tìm đến chung cư cao tầng và chúng ta sẽ xóa bỏ được các quỹ đất thấp tầng không phù hợp. Đó là cả một quá trình dài hạn nhưng chúng ta vẫn phải đặt ra để định hướng cho tương lai.

Đối với những khu vực mà nhà chia lô bị phát triển manh mún, tràn lan thành những mảng lớn, thì thay vì mở đường hay cống hóa mương thoát nước như đã làm bấy lâu nay, có thể xem xét áp dụng phương pháp quy hoạch điều chỉnh đất như đã từng được thực hiện ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Đức, hay Thái Lan.

Ví dụ rất thành công về áp dụng phương pháp quy hoạch này là thành phố Toyama, Nhật Bản. Trong khoảng thời gian 20 năm, Toyama từ một thành phố dàn trải, chủ yếu lệ thuộc vào giao thông cá nhân và có mức độ ô nhiễm môi trường cao đã trở thành một đô thị nén với sự tập trung các chức năng ở và chức năng công cộng dọc theo các tuyến đường sắt đô thị chất lượng cao. Rất nhiều người dân đã chuyển vào ở trong các tòa chung cư cao tầng và chuyển sang sử dụng phương tiện giao thông công cộng, nhờ đó nạn ô nhiễm môi trường không khi giảm đi đáng kể, khiến Toyama được chọn là một trong những thành phố sinh thái điển hình của Nhật Bản vào năm 2008.

Xin chân thành cảm ơn ông!

Bản chất đô thị nén là tạo ra khu đất hỗn hợp cao tầng bao gồm chức năng ở và chức năng dịch vụ công cộng với khả năng tạo việc làm tại chỗ để gia tăng hiệu quả sử dụng đất đô thị, đồng thời giải phóng một phần mặt đất để phát triển hạ tầng giao thông, không gian cây xanh và các tiện ích công cộng khác.

Trên thế giới, nhiều đô thị nén còn là trung tâm tri thức, nơi tập trung dân cư có trình độ cao, với cơ hội tiếp xúc mặt đối mặt sẽ kích thích sự phát triển của nền kinh tế tri thức.

Đô thị nén nằm gần các nút/tuyến giao thông công cộng chất lượng cao như tàu điện ngầm, đường sắt trên cao… sẽ phát huy hết sức hiệu quả.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top