Aa

Cứ để dân giầu đi đã

Thứ Tư, 13/03/2019 - 06:00

Chúng ta đã có bài học thất bại trong việc thu phí xe máy! Hiện tại chúng ta vẫn không sao huy động nổi số vàng nhàn rỗi trong dân, ước tính đến cả chục tỷ USD? Điều đó nói lên rằng, ngay cả trong kinh doanh, quản lý kinh doanh, huy động nguồn lực cũng cần phải tính đến yếu tố truyền thống. Truyền thống kinh doanh của người Việt, thể hiện rõ nét nhất chính là ở quy mô kinh tế hộ gia đình...

Đề xuất đưa khu vực kinh tế hộ gia đình vào Luật Doanh nghiệp, có thể là một ý tưởng mang tính cải cách về hành chính và thể chế. Tôi không dám lạm bàn về lĩnh vực mà mình ít am hiểu. Tuy nhiên, bằng cảm nhận của một người từng chứng kiến thời nghèo khó của đất nước, hiểu được giá trị của động lực sống, tôi chỉ xin có vài suy nghĩ thế này.

Nếu chúng ta chỉ muốn thông qua việc thay đổi mang tính chất thủ tục ấy, để đưa quy mô GDP của đất nước về sát với thực tế hơn, nhìn con số thấy “sướng” hơn, hấp dẫn các nhà đầu tư hơn, thì cần phải cân nhắc thật kĩ. Bởi vì rất có thể thứ mà chúng ta đạt được là một con số nào đó trên giấy, trong khi thứ mất đi sẽ là của cải thật mà người dân cần cù làm ra, thông qua việc kinh doanh đơn giản như họ vẫn được hưởng. Và nếu chẳng may vì làm thế mà kinh tế cá thể trở nên trì trệ, thì thiệt hại cuối cùng không thể tính được và đổ lên vai tất cả mọi người.

Kinh tế hộ gia đình rất cần được phát triển ổn định và bền vững.

Kinh tế hộ gia đình rất cần được phát triển ổn định và bền vững.

Còn nếu mục tiêu của việc làm vừa nêu, là để Nhà nước có thể quản lý được các dòng tiền, từ đó thu thêm thuế, thì cần trả lời trước hai câu hỏi: Việc đó có khả thi trên thực tế, và số ngân sách thu thêm ấy có thực sự lớn như các tính toán? Chúng ta đã có bài học thất bại trong việc thu phí xe máy! Hiện tại chúng ta vẫn không sao huy động nổi số vàng nhàn rỗi trong dân, ước tính đến cả chục tỷ USD?

Điều đó nói lên rằng, ngay cả trong kinh doanh, quản lý kinh doanh, huy động nguồn lực cũng cần phải tính đến yếu tố truyền thống. Truyền thống kinh doanh của người Việt, thể hiện rõ nét nhất chính là ở quy mô kinh tế hộ gia đình. Tại đó, người dân không chỉ cho thấy họ vô cùng linh hoạt, tháo vát, tranh thủ tối đa sự thuận lợi cho riêng mình (trong cách quản lý có phần còn thô sơ của hệ thống chính sách), mà trên thực tế họ ăn nên làm ra, có tích lũy chủ yếu là nhờ ở sự cần cù cộng với tinh thần tiết kiệm.

Những phẩm chất quý báu này còn lớn hơn cả tài nguyên thiên nhiên trời ban cho. Bởi tài nguyên thiên nhiên luôn hữu hạn, trong khi tài nguyên con người thì vô hạn. (Trên thế gian này có không ít quốc gia, vùng lãnh thổ mãi mãi không phát triển, hoặc mãi mãi thuộc diện phát triển chậm, chỉ vì người dân ở đó lười biếng và hoang phí). Nguồn tài nguyên tạm gọi là “Phẩm cách dân tộc” ấy, đáng được đầu tư để tăng trưởng bền vững. Và sự tăng trưởng vô hình, không thể định lượng ấy chắc chắn quan trọng hơn mọi tăng trưởng có thể thể hiện bằng con số.

Chúng ta có 5 triệu hộ kinh doanh, tức là khoảng gần một phần tư dân số đang hưởng lợi (cứ cho là thế đi) từ chính sách hiện hành. Đất nước vượt qua những đận hàn vi, có chút rủng rỉnh tiền bạc như hiện nay cũng nhờ ở họ một phần rất quan trọng. Một chính sách chỉ nên thay đổi khi nó không còn tạo ra động lực, đó là chưa kể một chính sách dẫn đến thay đổi số phận của cả chục triệu con người, là cả một vấn đề cần phải cân nhắc hơn thiệt rất kĩ.

Tôi thiển nghĩ, mọi thứ đi đúng quy luật thì trước sau cũng sẽ phải vào quỹ đạo chung. Từ những người phe phẩy, buôn thúng bán mẹt, nhờ chính sách cởi trói nương theo quy luật, chúng ta có các hộ kinh doanh. Đó là một bước tiến dài. Đến lúc nào đó, mỗi hộ kinh doanh sẽ là một doanh nghiệp gia đình. Tính thời điểm của một chính sách quan trọng đến mức hoặc nó tạo ra động lực phát triển, tạo ra tiến bộ, hoặc nó tàn phá mọi thành quả. Với tôi, nếu dân giầu thì nước mới mạnh, thì hãy cứ để người dân giầu đi đã.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top