Aa

Cư trần lạc đạo

Thứ Bảy, 26/01/2019 - 06:00

Có một tác phẩm mang tên Cư trần lạc đạo mà người Việt Nam 700 năm qua đã nghe rất thân thương và thường hay trích dẫn: “Ở đời vui đạo hãy tùy duyên”. Tôi nghĩ, đây là câu thơ mà không một người Việt nào biết đến vua Trần Nhân Tông mà không nhớ nó.

Cư trần lạc đạo - ở đời vui đạo - là tuyên ngôn của Vị Hoàng đế anh minh của dân tộc Đại Việt: vua Trần Nhân Tông. Đây cũng chính là phát biểu tiêu biểu cho quan điểm về đạo Bụt Việt Nam - đạo Bụt nhập thế.

Vua Trần Nhân Tông - sinh ngày 11 tháng 11 năm Mậu Ngọ tức năm 1258, mất vào năm 1308. Ngài là vị hoàng đế thứ ba của vương triều Trần trong lịch sử Việt Nam. Ngài trị vì từ năm 1278 đến năm 1293, sau đó làm Thái thượng hoàng từ năm 1293 và đi tu vào năm 1299. Khi lên Yên Tử tu ngài lấy hiệu Hương Vân Đại Đầu Đà.

Nguyên văn bài thi kệ này:

“Ở đời vui đạo hãy tùy duyên

Hễ đói thì ăn mệt ngủ liền

Trong nhà có báu thôi tìm kiếm

Đối cảnh vô tâm hỏi chi thiền”.

Ở đời vui đạo là một chủ trương, một thái độ sống đạo của người Việt học Bụt. Thái độ này nói lên quan điểm Phật giáo dấn thân đi vào cuộc đời của dân tộc. Sống hồn nhiên, sống vui tươi, sống thì yêu thương… nhưng sống, cũng có những lúc yêu thương không hẳn là phải ngọt ngào hay phải cúi đầu chấp nhận. Vì vậy ta không ngạc nhiên khi thấy vua Trần Nhân Tông khi đi tu rồi vẫn cầm quân đi chinh phạt Ai Lao. Và vua đầu nhà Trần, Trần Thái Tông là một thiền sư, một ngày sáu thời sám hối. Vua tu trong lúc làm vua với bề bộn công việc triều chính quốc gia đại sự nhưng vẫn không rời thiền định và sám hối 6 thời mỗi ngày. Nhưng chính các vị Hoàng đế là Phật tử, là Thiền sư đó, đã 3 lần đánh thắng đế quốc Nguyên Mông khi xâm lăng nước ta.

Ở đó, ở cách hành xử của các ngài, tất cả gói gọn trong hai chữ “tùy duyên”. Làm gì mà thuận theo duyên để vui mình vui người và có lợi cho số đông thì các ngài sẵn sàng hành động. Và đó chính là đạo.

Ở đời thì hành xử việc đời mà cuộc sống gia đình đòi hỏi và đất nước đòi hỏi phải tuân thủ, vậy lấy gì ở đó để vui đạo?

Có nghĩa, nội dung vui đạo ở đó là gì?

Và, nội dung đó phải uyển chuyển như thế nào để chúng ta mới tùy duyên được chứ?

Bước vào thế giới đương đại, nơi gặp gỡ giữa Đông và Tây, bước vào thế giới Phương Tây ngày nay với tất cả thành tựu kỳ vĩ của khoa học, cuộc sống của con người càng ngày càng phúc tạp hơn, ta bắt gặp một con người làm sáng lên, làm rõ chủ trương “ở đời vui đạo hãy tùy duyên” của Vua Trần Nhân Tông, đó chính là Thiền sư Thích Nhất Hạnh.

Sau phát biểu đó của vua Trần Nhân Tông khoảng 400 năm ta bắt gặp phát biểu của triều đại Nhà Nguyễn: cư nho mộ Thích. Nghĩa là, ở đời thì dùng đạo nho để xữ thế, để làm thước đo xã hội cho giáo dục và văn hóa. Nhưng chỗ mộ - chỗ lý tưởng để đi về là đạo Thích.

Trước Trần Nhân Tông gần 200 năm ta bắt gặp việc làm của hoàng đế Lý Thánh Tông là Thiền tổ khai sáng dòng thiền Thảo Đường. Ngài là người đầu tiên đem về cho Đại Việt bao Châu Địa Lý Ma Linh và Bố Chính để đất nước chúng ta mở rộng đến phía nam Quảng Bình ngày nay. Sau cuộc bình định Chiêm Thành vào năm 1069, đến 1070 vua cho dựng Văn Miếu.

Tại sao một thiền sư lại đi dựng Văn Miếu để thờ Khổng Tử? Để hiểu hành động đó, ta hãy nghe một phát biểu của vua Trần Thánh Tông, vua cha của Trần Nhân Tông: “Đạo của ta nhờ Tiên Thánh mà truyền lại”. Đạo của ta là đạo Bụt, nhờ Tiên là đạo Lão, Thánh là đạo Khổng mà truyền lại. Có nghĩa ông cha ta sử dụng mô hình xã hội hoạt động theo tiêu chuẩn Nho Lão để truyền bá đạo Bụt. Tam giáo đồng nguyên phải được hiểu theo cách đó của thái độ sống cha ông chúng ta từ hàng ngàn năm trước.

Phật hoàng Trần Nhân Tông trên non thiêng Yên Tử

Phật hoàng Trần Nhân Tông trên non thiêng Yên Tử

Vì vậy chúng ta không lạ khi vào năm 544 khi Lý Bôn xưng đế lập nên nhà nước Vạn Xuân ông đã cho dựng chùa Khai Quốc sau này đổi thành chùa Trấn Quốc. Khai Quốc là mở nước. Tổ tiên chúng ta đã xác quyết việc mở nước theo hướng ấy, hướng đạo Bụt.

Và, khi xã hội đã thay đổi tận gốc rễ mọi mặt để tiếp cận đời sống văn minh vật chất khoa học từ Phương Tây, dân tộc chúng ta may mắn có sự kế thừa tinh hoa của các thế hệ tổ tiên. Việt Nam tiếp tục cung ứng được cho thế giới một bậc thầy tâm linh lớn, người khai phá và đặt nền móng cho một nền Phật giáo dấn thân dẫn đạo con đường an lạc và hòa bình từ đạo Bụt. Người con của dân tộc đó chính là Thiền sư Thích Nhất Hạnh.

Phương pháp thực hành chánh niệm chính là nội dung của “ở đời vui đạo” mà vua Trần Nhân Tông chủ trương. “Vẫn đói ăn khát uống” nghĩa là trong hành động tự nhiên hàng ngày đó mà có “chánh niệm” là ta có nội dung để tùy duyên.

Mở đầu tác phẩm cư trần lạc đạo phú, Trần Nhân Tông nói rất rõ ràng: “Mình ngồi thành thị, nét dụng sơn lâm..”. Nghĩa là ngài ngồi ở giũa thành thị, nhưng phong thái của ngài là phong thái ung dung tự tại đỉnh đạc của một người đang ở núi rừng, không ràng buộc dính mắc trong tư thái náo động lo toan của kẻ bị chi phối bởi phố phường.

Làm sao để “mình ở thành thị” nhưng tư thái ung dung tự tại của người như đang thong dong nơi núi đồi? Khi có chánh niệm sâu sắc, nghĩa là khi có niệm đủ lớn trong thói quen sống hàng ngày, ta hành xử ung dung tự tại giữa đời sống phố phường xã hội với bao hoạt động nhưng ta vẫn ung dung.

Thiền ăn, thiền đi, thiền rửa bát, thiền ngồi, thiền ôm hay thiền buông thư chính là đưa nội dung chánh niệm vào từng hành động của thân miệng ý. Thiền mà lâu nay chúng ta nói là gì? Thiền là một tiến trình đi từ niệm đến định và đưa đến tuệ. Không có nội dung của niệm trong mọi hoạt động của thân - miệng – ý, ta không đi đến đến định, và tuệ làm sao phát sinh để chặt đứt tham ái vô minh.

Thiền là tinh hoa là căn bản trên con đường thực hành đạo Bụt. Nhưng thiền phải được hiểu là một tiến trình. Tiến trình đó được khởi đầu từ niệm. Thắp sáng ý thức tỉnh giác trong mọi hoạt động hằng ngày, đó là niệm. Nói như vua Trần Nhân Tông, ta không cần ở núi, ta ở thành thị, nhưng lại dụng được cái phong thái của kẻ đang ở núi rừng.

“Nết dụng sơn lâm”, nhìn phong thái các thầy các sư cô đang tu tập theo sự hướng dẫn thực tập nuôi dưỡng niệm trong đời sống của Thiền sư Thích Nhất Hạnh tôi thấy thấm thía lời dạy 700 năm trước từ Tổ Trúc Lâm Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông. Và đó chính là của báu, mà Ngài nhắc chúng ta đừng tìm kiếm nữa. Khả năng tỉnh giác vốn có trong chúng ta, hay tính Bụt trong mỗi người chính là của báu mà vua nói đến. Và hiểu thêm: Thiền sư chính là “của báu” của dân tộc mà chúng ta cần trở về để đi theo.

Gần 2000 năm trước, bước chân Thiền tổ Khương Tăng Hội chống gậy Đông du, khai sáng giáo lý đạo Bụt cho người Thục ở Giang Tả thuộc Trung Hoa, ngày nay có Thiền sư Thích Nhất Hạnh đem đạo Bụt dấn thân vào thế giới phương Tây khai phá đặt nền móng. Còn niềm tự hào nào hơn thế.

Tôi mới vừa tiễn một người đệ tử của mình rời Việt Nam để tiếp nối những bước chân trên con đường hóa độ. Nhiều tâm tình và niềm vui cũng như những thương lo cho người học trò nhỏ bé năm nào. Mong rằng, mạch nguồn tâm thức tiền nhân cùng những lý tưởng rất đỗi đẹp và lành sẽ nuôi dưỡng những tâm hồn luôn khát khao cho lý tưởng phụng sự. Mong rằng, ở đời ai cũng có thể “Cư trần, lạc đạo”.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top