Aa

"Cửa" cổ phần hóa IDICO đã mở toang

Chủ Nhật, 27/08/2017 - 14:31

IDICO sẽ bán đấu giá công khai 18,44% vốn điều lệ với giá khởi điểm 18.000 đồng/cổ phần. Đáng chú ý, tổng công ty này đã công khai chi tiết các tiêu chí nhà đầu tư chiến lược, trong đó, tổng tài sản của nhà đầu tư chiến lược phải đạt tối thiểu 2.500 tỷ, vốn chủ sở hữu tối thiểu 1.500 tỷ và đặc biệt không ưu tiên các tổ chức kinh tế có vốn góp Nhà nước.

Bộ Xây dựng vừa ban hành một loạt quyết định về việc bán cổ phần của Công ty mẹ - Tổng công ty Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam (IDICO), bao gồm bán cổ phần lần đầu ra công chúng và bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược.

Theo đó, IDICO sẽ bán đấu giá công khai hơn 55,3 triệu cổ phần, chiếm 18,44% vốn điều lệ với giá khởi điểm 18.000 đồng/cổ phần, dự thu ít nhất 995 tỷ đồng.

Tạm tính mỗi cổ phần IDICO được định giá ít nhất 18.000 đồng/cổ phiếu, với 300 triệu cổ phiếu, giá trị định giá của IDICO ít nhất là 5.400 tỷ đồng.

Công ty mẹ - IDICO sẽ bán đấu giá công khai 18,44% vốn điều lệ với giá khởi điểm 18.000 đồng/cổ phần, trước khi bán 45% vốn điều lệ cho nhà đầu tư chiến lược.

Công ty mẹ - IDICO sẽ bán đấu giá công khai 18,44% vốn điều lệ với giá khởi điểm 18.000 đồng/cổ phần, trước khi bán 45% vốn điều lệ cho nhà đầu tư chiến lược.

Được biết, tổ chức tài chính trung gian trong đợt đấu giá công khai trên là Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt (VCSC). Tổ chức thực hiện bán đấu giá là Sở giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE).

Ngoài việc bán đấu giá công khai hơn 55,3 triệu cổ phần, IDICO cũng sẽ bán gần 1,7 triệu cổ phần ưu đãi cho người lao động, tương đương 0,56% vốn điều lệ.

135 triệu cổ phần còn lại, tương đương 45% vốn điều lệ sẽ được bán cho nhà đầu tư chiến lược.

Theo quyết định phê duyệt tiêu chí, trình tự lựa chọn, phương thức bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược, IDICO yêu cầu nhà đầu tư chiến lược phải cam kết nắm giữ cổ phần đã mua trong thời gian tối thiểu là 10 năm. Trường hợp cần chuyển nhượng cổ phần trước thời hạn thì phải được đại hội đồng cổ đông (không được tổ chức dưới hình thức lấy ý kiến bằng văn bản) thông qua với tỷ lệ tối thiểu 65%.

Đáng chú ý, IDICO không ưu tiên các tổ chức tín dụng, ngân hàng, đầu tư tài chính, công ty TNHH và công ty cổ phần có vốn nhà nước.

Về năng lực, nhà đầu tư phải có thời gian hoạt động liên tục tối thiểu đến hết năm 2016 là 5 năm. Báo cáo tài chính ba năm 2014, 2015, 2016 có khả năng tài chính để mua tối thiểu 15% vốn điều lệ của Công ty cổ phần.

Tổng tài sản của nhà đầu tư chiến lược phải đạt tối thiểu 2.500 tỷ đồng (hoặc 115 triệu USD đối với nhà đầu tư nước ngoài); Vốn chủ sở hữu tối thiểu 1.500 tỷ đồng (hoặc 68 triệu USD đối với nhà đầu tư nước ngoài) vào thời điểm kết thúc niên độ tài chính 2016.

Lợi nhuận tối thiểu bằng 5% doanh thu trong 3 năm gần nhất trước thời điểm đăng ký làm nhà đầu tư chiến lược. Ngoài ra, tại thời điểm nộp hồ sơ không có nợ quá hạn và lỗ lũy kế, không nợ xấu, doanh nghiệp không vi phạm pháp luật.

Nhà đầu tư cũng phải có cam kết bằng văn bản trong việc đồng hành gắn bó lợi ích lâu dài và hỗ trợ IDICO sau cổ phần hóa ở các lĩnh vực như: chuyển giao công nghệ mới, đào tạo nhân lực, nâng cao năng lực tài chính, quản trị doanh nghiệp, điều hành và mở rộng, phát triển thị trường trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư phải có bề dày sản xuất kinh doanh một trong ba lĩnh vực: đầu tư, kinh doanh hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp và hạ tầng giao thông; đầu tư, kinh doanh phát triển nhà và đô thị, thi công xây lắp; sản xuất và kinh doanh điện năng. Từ đó, hỗ trợ IDICO phát triển đầu tư các lĩnh vực này.

IDICO đã mở toang

IDICO đã mở toang "cửa" cổ phần hóa với việc chính thức công bố chi tiết việc đấu giá công khai 18,44% vốn điều lệ và các chi tiết về tiêu chí, trình tự lựa chọn, phương thức bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược. Ảnh: Ðập tràn piano của Thủy điện Đak Mi.

Trong quá trình tham gia vào IDICO nhà đầu tư phải có đề xuất phương án kinh doanh sau cổ phần hóa của IDICO.

Nhà đầu tư chiến lược không là công ty con, công ty liên kết, công ty có vốn góp của IDICO. Đảm bảo sự phát triển ổn định, tiếp tục thực hiện chiến lược phát triển đến năm 2020 của IDICO đã được duyệt. Tiếp tục duy trì ngành nghề chính và thương hiệu của IDICO sau cổ phần hóa trong ít nhất 10 năm. Tiếp tục sử dụng lại toàn bộ người lao động trong phương án cổ phấn hóa tối thiểu 5 năm.

Khi đăng ký mua, nhà đầu tư phải đặt cọc ngay 20% giá trị cổ phần. Trường hợp từ bỏ quyền mua, nhà đầu tư không được nhận lại tiền cọc.

Theo báo cáo tài chính quý II/2017 Công ty mẹ - IDICO mới công bố, doanh thu thuần quý II của tổng công ty này tăng vọt lên 560 tỷ đồng, gấp hơn 8 lần cùng kỳ năm 2016. Lợi nhuận gộp theo đó cũng tăng vọt lên 115 tỷ đồng, gấp 4 lần cùng kỳ.

Thêm vào đó, doanh thu tài chính quý II của IDICO cũng tăng mạnh lên 91,8 tỷ đồng, tương ứng tăng 58,5%.

Kết thúc quý II/2017, lợi nhuận trước thuế của IDICO lên đến 146 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, lũy kế 6 tháng đầu năm, con số lãi “chỉ” dừng ở mức 201 tỷ đồng, thấp hơn 5 tỷ đồng cùng kỳ.

Tính đến hết ngày 30/6/2017, tổng tài sản của Công ty mẹ - IDICO đạt 8.237 tỷ đồng, tăng 2,8% so với hồi đầu năm, trong đó, tiền gửi ngân hàng lên đến 2.212 tỷ đồng.

Về nguồn vốn, vốn chủ sở hữu của Công ty mẹ - IDICO đến hết ngày 30/6/2017 là 2.850 tỷ đồng, tăng 2,8% so với đầu năm. Nợ phải trả ở mức 5.386 tỷ đồng, tăng 2,8%, trong đó tổng nợ vay chỉ ở mức 1.409 tỷ đồng, còn lại chủ yếu là doanh thu chưa thực hiện dài hạn (3.495 tỷ đồng).

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top