Aa

“Cục bê tông” trên đỉnh Mã Pì Lèng - Bài toán giữa bảo tồn và phát triển

Thứ Hai, 07/10/2019 - 08:40

Vấn đề cốt lõi liên quan đến ngôi nhà trên Mã Pì Lèng xôn xao dư luận những ngày qua suy cho cùng là cần giải quyết bài toán giữa bảo tồn và phát triển.

Mấy ngày nay, trên mạng xã hội nổi lên cơn bão dư luận thực sự về công trình xây dựng mới trên đỉnh Mã Pì Lèng, tỉnh Hà Giang có tên là Mã Pì Lèng Panorama. Phần lớn các ý kiến đều phản đối, cho rằng cái tổ hợp nhà hàng kiêm khách sạn và chỗ dừng chân ngắm cảnh này như cái gai, cục bê tông… kệch cỡm phá hỏng di sản được mệnh danh "Đệ nhất hùng quan", một trong “tứ đại đỉnh đèo” của Việt Nam. Thậm chí nhà báo Trần Đăng Tuấn trên tài khoản Facebook của mình còn kêu gọi cộng đồng mạng tẩy chay nhà hàng này. Điều này là hoàn toàn chính đáng và dễ hiểu.

Ấy thế nhưng, bất chấp sự phản đối của cộng đồng mạng, theo phản ánh của một số trang mạng thì khách vẫn nườm nượp đến Mã Pì Lèng Panorama, thậm chí những ngày cuối tuần còn “cháy” phòng. Còn trên trang Facebook của mình, nhà thơ Vương Trọng lại kêu gọi “Xin cân nhắc khi quyết định phá tòa nhà bậc thang này”. 

Lý do nhà thơ Vương Trọng đưa ra là: 1/ Đây là tòa nhà kiểu “bậc thang”, tương đối hài hòa với sườn dốc và ảnh hưởng không đáng kể đến cảnh quan chung. 2/ Khu vực Cao nguyên đá Đồng Văn, đặc biệt là vùng Mèo Vạc đang thiếu khách sạn trầm trọng và nhà thơ lấy dẫn chứng: “Ngày hội chợ Khau Vai, đêm xong hội đã khuya, khách không có nơi để nghỉ lại, đành phải lên ô tô trở về Đồng Văn, quãng đường chừng 50km men theo vách đá, rất nguy hiểm. Bởi thế, thêm một khách sạn cho vùng này là điều đáng mừng”. Và thứ 3/ Nếu buộc phải phá công trình này, ngoài việc gây lãng phí lớn, cái dấu của công trình sau khi đã phá còn ảnh hưởng đến cảnh quan xung quanh hơn là bản thân toà nhà này. Tôi thêm ý thứ 4/ Vả lại, theo Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) thì công trình này nằm ngoài khu vực khoanh vùng bảo vệ II của Danh lam thắng cảnh quốc gia Mã Pì Lèng.

Công trình xây dựng trái phép trên đèo Mã Pì Lèng. Ảnh: Báo Thanh Niên.

Tôi xin không “đổ thêm dầu vào lửa”, hòa theo không khí chung đả phá tòa nhà này, cũng không hắt bát nước con vào đám cháy lớn, vì như thế chẳng những không dập được lửa mà chỉ tổ làm cho đám cháy bùng to hơn. Nhưng tôi cứ suy nghĩ về hai ý kiến tạm gọi là đại diện cho hai luồng dư luận “tẩy chay” và “ủng hộ” Mã Pì Lèng Panorama.

Có người hỏi tôi, với tư cách là người đam mê chụp ảnh và cũng thích đi du lịch, tôi có cái nhìn như thế nào về tòa nhà này. Tôi nói rằng: 

1/ Với tư cách một người thích chụp ảnh, đặc biệt là ảnh phong cảnh và đời thường, tôi căm thù ngôi nhà trên. Vì giữa vùng núi non trùng điệp với sắc xanh của núi rừng và sắc xám của đá, ngôi nhà lù lù hiện lên với màu sắc lòe loẹt sẽ phá hỏng bức ảnh, giống như khi đi chụp ruộng bậc thang ở Mù Cang Chải (Yên Bái) về nhà mở ảnh ra xem thấy đường dây điện chạy vắt ngang. 

2/ Tuy nhiên, với tư cách là người cũng hay đi du lịch, tôi ủng hộ ý kiến của nhà thơ Vương Trọng, bởi nói thực, di sản của chúng ta thì có nhiều, thậm chí rất nhiều, nhưng điều kiện hạ tầng để mời gọi du khách thì lại tỷ lệ nghịch với giá trị di sản, khách đến rồi không biết nghỉ ở đâu. 

Chẳng nói đâu xa, trong “Lễ hội văn hóa, du lịch Mường Lò và khám phá danh thắng quốc gia ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2019” vừa diễn ra tháng trước, thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) đã “cháy” phòng khách sạn. Tôi có người bạn đã đặt phòng khách sạn trước cả tháng trời, rồi lên trước đêm Đại xòe một ngày, nhưng đêm 19/9 thì được ở khách sạn, đến ngày 20/9 sau khi đi Mù Cang Chải về Nghĩa Lộ thì chủ khách sạn xin lỗi, trả tiền vì tất cả các khách sạn được tỉnh “trưng thuê” do khách mời dự đêm Đại xòe 20/9 quá đông, nhà khách của tỉnh không đáp ứng nổi. Như vậy, tình trạng thiếu phòng nghỉ trong những dịp lễ hội lớn ở các di sản, danh thắng là có thật và tình trạng này ngày càng trầm trọng.

Tôi chợt nhận ra, việc hai nhân vật là người của công chúng – Nhà báo Trần Đăng Tuấn và Nhà thơ Vương Trọng như dẫn ở trên có ý kiến trái ngược nhau hóa ra không có gì khó hiểu, bởi đó suy cho cùng là mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển. Đây là bài toán được đặt ra từ lâu ở xứ ta nhưng đến nay vẫn chưa có lời giải hài hòa, hữu hiệu. 

Trong một bài viết mới đây, tôi có nêu ý kiến, thực ra, giá trị văn hóa, giá trị tâm linh, giá trị di sản và kể cả giá trị tôn giáo, sẽ càng được bảo tồn và phát triển, phát huy khi nó lan tỏa, đến được với nhiều người. Mà muốn nhiều người đến với di sản thì hạ tầng du lịch phải tương ứng với giá trị di sản, tối thiểu đó là nơi nghỉ. Nếu không, việc khách đến đông mà không đủ hạ tầng thì trước sau cũng phá vỡ di sản mà việc thiếu nước sạch trầm trọng ở Sa Pa là một bài học nhãn tiền.

Như vậy, vấn đề cần giải quyết, có liên quan đến ngôi nhà trên Mã Pì Lèng xôn xao dư luận những ngày qua cốt lõi là giải bài toán giữa bảo tồn và phát triển. Nếu nghiêng về bảo tồn một cách thuần túy, khư khư ôm lấy di sản thì sẽ khó mà phát huy được giá trị của di sản; và một khi không phát huy được thì cũng khó lấy gì để bảo tồn. Ngược lại, nếu phát triển mà không chú ý đến bảo tồn thì sẽ phá vỡ, đánh mất giá trị di sản và di sản trước sau gì cũng mất.

Trở lại với ngôi nhà Mã Pì Lèng Panorama, bình tĩnh nhìn nhận lại, có lẽ phải có sự thẩm định cụ thể để đánh giá mức độ ảnh hưởng của công trình này với cảnh quan xung quanh rồi mới có thể kết luận và có hướng xử lý được. Tất nhiên, với những sai phạm thì cần xử lý nghiêm, sai đến đâu xử đến đó. Nhưng theo ý kiến của riêng tôi, tôi nghiêng về quan điểm của nhà thơ Vương Trọng, nếu công trình không ảnh hưởng nhiều thì có thể sửa chữa cho hài hòa với cảnh quan xung quanh và nhất là phù hợp với văn hóa bản địa, ví dụ như về màu sắc, về kiến trúc, đặc biệt là về hình thức mái nhà… và nên giữ lại.

Vì hạ tầng du lịch là một nhu cầu có thực, thậm chí là nhu cầu cấp bách đối với các danh thắng ở khu vực miền núi phía Bắc nước ta, trong đó có khu vực Đồng Văn – Mèo Vạc của tỉnh Hà Giang. Thay vì cứ phóng xe vèo vèo “cưỡi ngựa xem di sản”, nếu có những điểm dừng chân hợp lý, nhất là lại được trải nghiệm một đêm ở Đệ nhất hùng quan Mã Pì Lèng chắc cũng là điều mà du khách ước ao. Vấn đề quan trọng là cái nơi để dừng chân, nghỉ ngơi ấy phải làm sao để không ảnh hưởng nhiều đến di sản, càng không được phá vỡ di sản./.

Theo Cục Di sản văn hóa, tòa nhà xây dựng trên đèo Mã Pì Lèng nằm ngoài khu vực khoanh vùng bảo vệ II của Danh lam thắng cảnh quốc gia Mã Pì Lèng thuộc các xã Pải Lủng, Pả Vi, Xín Cái, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang (được xếp hạng tại Quyết định số 4194/QĐ-BVHTTDL ngày 16.11.2009 của Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL).

Theo điều 32, luật Di sản văn hóa: “Việc xây dựng công trình bảo vệ và phát huy giá trị di tích ở khu vực bảo vệ II đối với di tích cấp tỉnh phải được sự đồng ý bằng văn bản của Chủ tịch UBND cấp tỉnh, đối với di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt phải được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL”.

Điều này cũng quy định: “Việc xây dựng công trình quy định tại khoản này không được làm ảnh hưởng đến yếu tố gốc cấu thành di tích, cảnh quan thiên nhiên và môi trường - sinh thái của di tích”.


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top